-
Chương 31
Trở trời.
Luồng gió katabatic từ đỉnh thổi xuống giật mạnh trại của đội Delta, tạo ra tiếng hú ảm đạm như báo hiệu thời tiết sắp xấu. Delta-Một đã lót ván chống bão xong và bước vào trong lều cùng hai đồng đội của mình. Họ đã từng trải qua kiểu thời tiết này. Sẽ chẳng kéo dài bao lâu.
Delta-Hai chăm chú quan sát những hình ảnh truyền về từ vi robot đang bay trong phòng phía bắc của ngôi nhà lớn. “Cậu xem đi!” Anh nói.
Delta-Một tiến lại. Toàn bộ ngôi nhà chìm trong bóng tối, trừ vùng sáng trong căn phòng phía bắc. Phần còn lại của tòa nhà chỉ hiện ra mờ mờ. “Có gì bất thường đâu”, anh nói “họ đang chỉnh lại ánh sáng để chuẩn bị cho buổi truyền hình đấy mà”.
“Không phải chuyện ánh sáng”. Delta-Hai chỉ hình tròn màu đen trên mặt băng - hố nước còn lại sau khi tảng đá đã được lấy lên. “Đấy mới là vấn đề kia”.
Delta-Một nhìn cái lỗ. Vẫn thấy có những chiếc cọc hình nón cắm xung quanh, và mặt nước có vẻ phẳng lặng. “Có thấy gì đâu”.
“Cậu nhìn lại đi!” Anh nói và dùng đũa điều chỉnh robot bay xuống sát mặt nước theo hình xoắn ốc.
Trong khi Delta-Một quan sát kỹ cái ao nước nhỏ phẳng lặng ấy, anh phát hiện thấy điều gì đó và nhảy dựng lên “Cái gì...?”
Delta-Ba đến bên họ. Cả anh cũng đầy vẻ hoảng hốt: “Lạy Chúa tôi, tại cái lỗ đó à? Nước sẽ gây ra chuyện ư?”
“Không”, Delta-Một trả lời “chắc chắn không phải là nước đâu”.
-
Chương 32
Dù đang ở trong một gian phòng bằng kim loại cách thủ đô Washington những ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm thấy căng thẳng chẳng khác gì được triệu hồi vào tận trong Nhà Trắng. Trên màn hình của chiếc máy điện đàm có hình ảnh trước mặt cô, gương mặt Tổng thống Zach Herney hiện lên vô cùng sắc nét, ông đang ngồi trong phòng thông tin của Nhà Trắng, ngay trước bức phù hiệu Tổng thống. Hệ thống viễn thông này hoạt động cực kỳ chuẩn xác, chỉ trừ sự chậm trễ hầu như không thể nhận thấy được, cảm tưởng như Tổng thống đang ở đâu đó quanh đây, cách vài bức tường.
Cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra vui nhộn và thẳng thắn. Tổng thống có vẻ vui, mặc dù không hề ngạc nhiên, khi Rachel có những nhận xét rất tốt về phát kiến của NASA và việc ông đã mời Micheal Tolland làm phát ngôn viên. Tổng thống có vẻ rất vui, thậm chí còn tỏ ra hài hước.
“Tôi tin chắc cô sẽ đồng ý với tôi rằng”, giọng nói của ông lúc này đã nghiêm túc hơn, “trong một thế giới lý tưởng, phát kiến này sẽ chỉ thuần tuý có tính chất khoa học mà thôi”. Ông ngừng một lát, vươn người về phía trước, khuôn mặt choán cả màn hình. “Buồn thay, chúng ta đang sống trong một thế giới không lý tưởng, và phát kiến này sẽ ngay lập tức biến thành một thứ bung xung trên chính trường, ngay thời điểm tôi công bố tin này”.
“Dựa trên những chứng cứ hết sức thuyết phục mà ngài đã có được tôi nghĩ cả công chúng lẫn đối thủ của ngài chỉ còn biết công nhận sự thật mà thôi”.
Herney cười buồn: “Đối thủ của tôi trên chính trường sẽ phải tin khi tận mắt chứng kiến, Rachel ạ. Điều tôi lo là họ sẽ không thấy thích những gì họ nhìn thấy đâu”.
Rachel nhận thấy Tổng thống tỏ ra rất thận trọng, không nhắc đến tên cha cô, chỉ dùng những cụm từ như “đối thủ” hay “phe đối lập trên chính trường”. “Tổng thống cho rằng đối thủ của ông sẽ vì những động cơ chính trị mà cáo buộc đây là một xảo thuật hay sao?” Cô hỏi.
“Bản chất của cuộc chơi là thế mà. Họ chỉ cần rêu rao lên rằng họ nghi ngờ, rằng phát kiến này chỉ là một tiểu xảo chính trị của NASA và Nhà Trắng, thế là lập tức phải đối diện với một cuộc điều tra. Báo chí sẽ nhanh chóng quên mất là NASA đã tìm thấy những bằng chứng của sự sống trong vũ trụ, và họ sẽ bu vào bất cứ dấu hiệu nào có thể dùng để làm bằng chứng rằng đây là âm mưu của Nhà Trắng. Và bất kỳ lời nói bóng gió nào đến một âm mưu mờ ám liên quan đến sự kiện này sẽ không có lợi cho khoa học, cho Nhà Trắng, cho NASA và thẳng thắn mà nói, cho toàn nước Mỹ”.
“Phải chăng vì thế mà Tổng thống cho trì hoãn việc công bố sự kiện này cho đến khi ngài có đủ những lời xác thực của các nhà khoa học danh tiếng?”
“Mục tiêu của tôi là sẽ công bố tin này một cách khách quan đến nỗi bất kỳ ý tưởng hoài nghi nào sẽ bị chặn tận gốc, ngay khi nó còn chưa kịp phôi thai. Tôi muốn sự kiện này được công bố với tất cả sự trang trọng và vinh quang xứng tầm với nó. Với công trạng của mình, NASA đáng được như thế”.
Trực giác của Rachel bắt đầu rung chuông báo động. Ông ta muốn gì ở mình đây?
“Dĩ nhiên”, Tổng thống nói tiếp “với vị thế có một không hai của mình, cô có thể giúp tôi. Với kinh nghiệm của một chuyên viên phân tích tin, với mối quan hệ ruột rà giữa cô và đối thủ của tôi, cô chính là người có tư cách để thông báo phát kiến này”.
Rachel cảm thấy mỗi lúc một thêm thất vọng. Ông ta muốn lợi dụng mình... Pickering đã nói trước rồi, y như rằng!
“Tóm lại là”, Herney nói tiếp “tôi đề nghị cô đứng ra thông báo tin này với tư cách cá nhân, với tư cách là một chuyên viên tình báo đang làm việc cho tôi... Và với tư cách con gái của chính đối thủ của tôi”.
Thế đấy! Ván bài đã lật ngửa hết.
Herney yêu cầu mình đứng ra xác thực sự kiện này.
Rachel tưởng Zach Herney cao hơn loại chính trị gia hiểm ác ấy cái đầu. Nếu công khai xác nhận tin này, cô sẽ biến câu chuyện về tảng thiên thạch kia thành một vấn đề mang tính chất cá nhân giữa hai cha con cô, và ngài Thượng nghị sĩ sẽ không thể công kích độ tin cậy của phát kiến này mà không công khai làm hại tư cách cá nhân của con gái mình - một bản án tử hình cho ngài ứng cử viên với cương lĩnh “gia đình là trên hết”.
“Thưa Tổng thống, thành thật mà nói thì tôi thấy choáng khi ngài yêu cầu tôi làm việc đó”.
Ngài Tổng thống có vẻ giật mình: “Tôi tưởng cô sẽ hào hứng nhận lời giúp tôi chứ”.
“Hào hứng ư? Thưa Tổng thống, chưa kể đến những sự khác biệt giữa hai cha con chúng tôi, chỉ riêng để nghị này đã là điều không tưởng. Chưa cần trận đấu chí tử trên các phương tiện truyền thông đó thì tôi cũng đã phải đương đầu với bao nhiêu vấn đề gia đình rồi. Đúng là tôi không yêu quý ông ấy, nhưng ông ta chính là cha của tôi. Và đưa tôi ra làm đối thủ của chính cha đẻ mình trên truyền hình quả là hành động dưới tầm của ngài”.
“Hượm đã nào!” Herney huơ huơ hai tay ra vẻ đầu hàng. “Nào đã ai nói gì đến chuyện công khai hay không đâu?”
Rachel im lặng một lát. “Tôi tưởng ngài định yêu cầu tôi xuất hiện trên chương trình truyền hình lúc tám giờ tối nay cùng với ông Giám đốc NASA?”
Herney cười ha hả trong máy. “Rachel, cô nghĩ tôi là loại người nào chứ? Chẳng lẽ cô tưởng tôi yêu cầu cô cầm dao đâm lén chính cha mình trên truyền hình sao?”
“Nhưng ngài đã nói là...”
“Và cô tưởng ông Giám đốc NASA chịu chia sẻ ánh đèn trường quay với con gái người đã kịch liệt công kích ông ấy sao? Tôi không muốn làm cô bị hẫng, nhưng Rachel ạ, cuộc họp báo tối nay sẽ chỉ bàn về khía cạnh khoa học mà thôi. Tôi không nghĩ là kiến thức của cô về thiên thạch, về hóa thạch, hay cấu trúc băng hà sẽ mang lại độ tin cậy về khoa học cho chương trình”.
Rachel đỏ mặt. “Thế ngài định thế nào?”
“Tôi có kế hoạch phù hợp với vị trí của cô hiện nay”.
“Thưa Tổng thống?”
“Vì cô là chuyên viên tổng hợp tin của Nhà Trắng, cô sẽ thông báo vắn tắt với nhân viên của tôi về sự kiện trọng đại này”.
“Ngài yêu cầu tôi xác thực tin này với nhân viên của ngài à?”
Herney có vẻ vẫn cảm thấy khoái trá về sự hiểu lầm vừa rồi: “Đúng thế đấy! Sự hoài nghi bên ngoài thực ra không có gì đáng sợ so với những gì tôi đang phải đương đầu ngay trong đội ngũ nhân viên của tôi lúc này. Uy tín của tôi trong lnnơ chính nội bộ của mình đang bị để doạ. Chính nhân viên của tôi đang yêu cầu tôi phải cắt bớt các khoản chi cho NASA, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai. Đó là hành động tự sát về mặt chính trị”.
“Đến tận thời điểm này sao?”
“Chính xác. Như chúng ta đã trao đổi sáng nay, thởi điểm của phát kiến này khiến cho bất kỳ chính trị gia hoài nghi nào cũng phải đặt dấu hỏi, và lúc này chính nhân viên của tôi lại là những kẻ hoài nghi nhất. Cho nên, khi họ được thông báo tin này, tôi muốn người nói cho họ biết sự thật sẽ là...”
“Tổng thống vẫn chưa cho cộng sự của ngài biết về tảng thiên thạch này ư?”
“Chỉ một vài cố vấn cấp cao mà thôi. Ưu tiên số một của tôi là giữ bí mật phát kiến này”.
Rachel sững sờ: Chả trách họ có thể nổi loạn chống lại ông ấy. “Nhưng đây không phải là lĩnh vực chuyên sâu của tôi. Làm sao có thể coi chuyện về một tảng thiên thạch là một tin tình báo được cơ chứ?”
“Theo cách nghĩ truyền thống thì đúng là vậy, nhưng quả thực sự kiện này có đầy đủ các yếu tố của lĩnh vực chuyên sâu của cô đấy - khối lượng dữ liệu khổng lồ cần được giản lược, tầm quan trọng lớn về mặt chính trị...”
“Thưa Tổng thống, tôi không phải là chuyên gia về thiên thạch học. Sao không để cho ông Giám đốc NASA thông báo tin này cho các cộng sự của ngài?”
“Cô đùa đấy à? Ai cũng ghét ông ấy, trong con mắt đội ngũ nhân viên của tôi bây giờ. Ông ta chẳng khác gì nhà buôn xảo quyệt cứ dụ tôi dính vào hết phi vụ tồi tệ này đến hợp đồng thất bại khác”.
Điều này thì Rachel hiểu. “Thế còn Corky Marlinson thì sao? Ông ấy đã được huân chương về vật lý học. Uy tín của ông ấy chắc chắn lớn hơn tôi nhiều”.
“Cộng sự của tôi toàn là những chính trị gia, Rachel ạ, không phải các nhà khoa học. Cô đã gặp ông Marlinson rồi đấy. Tôi cũng biết là ông ấy rất giỏi, nhưng nếu tôi đưa một nhà thiên thạch học tới nói chuyện với những kẻ có bộ não trái phát triển ở đây những trí thức chỉ chuyên về xã hội học, thì sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. Tôi cần một người khác cơ. Và cô chính là người đó, Rachel ạ. Nhân viên của tôi biết công việc cô làm, và vì họ biết cô là ai, nên để trình bày vấn đề này một cách không thiên vị thì cô là người thích hợp nhất”.
Thái độ nhã nhặn của Tổng thống bắt đầu tác động đến tâm trí của Rachel. “Ít ra thì Tổng thống hãy thừa nhận rằng vì tôi là con của đối thủ hiện nay của ngài nên mới có lời đề nghị này”.
Tổng thống cười một cách vô tư. “Dĩ nhiên là như vậy. Nhưng mà Rachel này, dù cô có nghĩ thế nào đi nữa thì bằng cách này hay cách khác, nhân viên của tôi cũng sẽ được thông báo về sự kiện này. Cô là người thích hợp nhất. Cô vốn đã có sẵn kỹ năng tổng hợp tin, cô lại còn là con gái của chính người đang muốn đá đít tôi ra khỏi Nhà Trắng. Nên nhìn từ góc độ nào thì cô cũng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất trong trường hợp này”.
“Ngài nên đi làm kinh doanh thì hợp hơn”.
“Trên thực tế thì tôi đang làm việc đó còn gì nữa. Cả cha cô cũng thế. Và thật thà mà nói thì tôi muốn có một thoả thuận có lợi cho cả đôi bên”. Tổng thống bỏ kính và nhìn thẳng vào mắt Rachel. Cô chợt nhận thấy một cái gì đó ở ông ta giống cha mình biết mấy.
“Tôi đang để nghị cô vì thiện chí mà giúp tôi, Rachel ạ. Và hãy nhớ rằng đây cũng là nhiệm vụ của cô nữa đấy. Thế cuối cùng là thế nào nào? Có hay là không đây? Cô có đồng ý thông báo cho nhân viên của tôi không nào?”
Rachel cảm tưởng như đang bị sập trong chiếc bẫy có nhãn mác PSC. Thật khó mà từ chối được. Dù cách xa tới ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm nhận được sức mạnh ý chí của Tổng thống. Vả lại, cô hiểu rằng dù mình có ưng thuận hay không thì đây cũng là một đề nghị hợp lý hợp tình.
“Tôi có một đề nghị”. Cô nói.
Herney nhướng lông mày: “Đó là...?”
“Tôi sẽ gặp nhân viên của ngài một cách kín đáo. Không phóng viên. Đây sẽ là buổi thông báo trong nội bộ, không công khai trên báo chí”.
“Tôi hứa trên danh dự của Tổng thống. Tôi đã chọn lựa sẵn một địa điểm rất “nội bộ”.”
Rachel thở dài:
“Thế thì được ạ”.
Vẻ mặt ngài Tổng thống sáng bừng lên: “Tuyệt lắm”.
Rachel xem đồng hồ, ngạc nhiên thấy đã quá bốn rưỡi chiều. “Hượm đã nào”, cô nói, đầy băn khoăn “nếu truyền hình trực tiếp vào lúc tám giờ thì không kịp được. Dù có đi chiếc máy bay kinh tởm mà ngài nhét tôi vào như lúc sáng thì cũng phải mất hai giờ đồng hồ mới về đến Nhà Trắng. Tôi lại còn phải chuẩn bị và...”
Ngài Tổng thống lắc đầu: “E là tôi chưa kịp nói rõ điểm này. Cô sẽ thông báo từ chính địa điểm cô đang ngồi đó”.
“Ồ”, Rachel do dự, “thế Tổng thống định lúc nào?”
“Sẵn sàng cả rồi”, Herney vừa nói vừa cười nhăn nhở “ngay bây giờ có được không? Tất cả mọi người đều đã có mặt, và đang chăm chú ngắm nhìn một màn hình trắng tinh. Họ đang đợi cô đấy”.
Rachel sững sờ: “Thưa Tổng thống, tôi chưa có sự chuẩn bị nào hết, tôi chắc là không thể...”
“Cô cứ nói cho họ biết sự thật thôi, có gì khó khăn đâu?”
“Nhưng mà...”
“Rachel này”, Tổng thống nhoài người về phía trước và nói, “nhớ là tất cả mọi quy trình cô đọng hay giải thích dữ liệu đều là để phục vụ cuộc sống. Chuyên môn của cô là thế mà. Hãy kể cho họ nghe những gì đang diễn ra ở đó”. Tổng thống giơ tay với nút điều khiển hệ thống sau lưng mình, nhưng chưa ấn nút ngay “Và tôi đã bố trí để cô được lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực, cô sẽ thấy thích cho mà xem”.
Rachel chưa hiểu Tổng thống định nói gì, nhưng không còn thời gian để hỏi nữa rồi. Ông đã ấn nút.
Màn hình trước mặt Rachel trống không trong một tích tắc. Rồi khi hình ảnh bắt đầu xuất hiện trở lại, cô thấy mình bị đặt trong một tình thế khá gay cấn. Trước mặt cô là phòng bầu dục trong Phủ Tổng thống. Đầy chặt những người. Thảy đều phải đứng. Toàn bộ nhân viên Nhà Trắng dường như đã tập trung lại. Và tất cả đều đang chăm chú nhìn cô. Rachel nhận thấy cô đang được nhìn họ từ bàn làm việc của chính Tổng thống.
Lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực. Rachel vã mồ hôi.
Từ vẻ mặt của họ, có thể thấy là cả họ lẫn Rachel đều ngạc nhiên như nhau.
“Cô Sexton đấy à?” Một thứ giọng chua như dấm cất lên.
Rachel quan sát từng người và phát hiện ra người vừa nói. Đó chính là người phụ nữ cao kều ngồi ngay hàng ghế đầu tiên.
Marjorie Tench. Vẻ ngoài đặc biệt của bà ta thật không lẫn vào đâu được.
“Xin cảm ơn sự xuất hiện của cô, thưa cô Sexton”. Marjorie Tench nói, giọng đầy mãn nguyện. “Tổng thống vừa cho chúng tôi biết rằng cô muốn thông báo với chúng tôi một sự kiện nóng hổi”.
Chương 33
Nhà cổ sinh vật học Wailee Ming thích thú ngồi trong bóng tối, trầm tư suy nghĩ. Sự kiện sắp diễn ra tối nay đang khiến từng thớ thịt trong người ông rạo rực. Chẳng mấy chốc mình sẽ là nhà cổ sinh vât nổi tiếng nhất thế giới. Ông ta hi vọng Micheal Tolland sẽ hào phóng đưa phần phát biểu của ông vào bộ phim tài liệu.
Trong khi ông Ming còn đang mơ màng về danh tiếng lẫy lừng của mình trong tương lai thì mặt băng dưới chân rung nhẹ khiến ông nhảy dựng lên. Sống lâu ngày ở vùng Los Angeles nhiều động đất nên ông trở nên cực kỳ nhạy bén với mọi rung động của mặt đất. Tuy nhiên, lúc này ông ta cho rằng những rung động này là hoàn toàn bình thường. Chẳng qua là do băng nứt ra thôi mà, ông ta thở phào, tự trấn an. Nhưng Ming vẫn không thể quen hẳn với hiện tượng này. Đêm nào cũng có vài tiếng nỏ kèm theo rung động nhẹ do một tảng băng hà lớn đã đứt gãy ra ở đâu đó trên dòng sông băng rộng lớn để trôi ra biển. Norah đã miêu tả hiện tượng này với những ngôn từ thật hoa mỹ. Những núi băng mới đang chào đời...
Ông Ming đứng lên và vươn vai. Ông đưa mắt nhìn bao quát bán sinh quyển, và dưới ánh đèn trường quay rực rỡ, ai nấy đang chuẩn bị cho chương trình phát sóng. Ông không phải là kiểu người hợp với hội hè đàn đúm nên đã một mình tìm chỗ kín đáo này.
Khu làm việc vắng tanh trong bán sinh quyển lúc này như mang dáng dấp ma quái, thậm chí còn có vẻ khá thê lương. Một luồng hơi lạnh phả tới, và ông cài cúc áo khoác lên tận cằm.
Xa xa trước mắt ông là lỗ hống trên băng, vết tích đường đi lên của tảng thiên thạch. Giàn giáo khổng lồ đã được dỡ đi, còn lại cái hố sâu nằm đơn độc, bao quanh bởi những chiếc cọc hình tháp. Ông Ming đi thơ thẩn đến bên cái hố, dừng lại ở khoảng cách an toàn, và quan sát hố nước sâu hai trăm foot đang nằm im lìm. Rồi nước sẽ mau chóng đông lại, và sẽ chẳng còn lại chút dấu vết nào của con người ở nơi này.
Cái ao con này quả là một cảnh đẹp, dù là trong đêm tối, ông ta thầm nghĩ.
Trong bóng đêm trông càng đẹp.
Ông ta hơi phân vân, rồi sau đó quả quyết.
Có vấn đề rồi.
Chăm chú quan sát hố nước, ông ta bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Ming dụi mắt, nhìn lại cái hố một lần nữa, rồi đưa mắt nhìn chăm chú toàn bộ tòa nhà lớn..., nhìn đến khu báo chí đang rộn ràng cach đó 50 mét. Ông ta biết ở khoảng cách này trong bóng tối thì không ai có thể trông thấy mình.
Không biết có nên nói cho ai đó biết chuyện này không?
Rồi ông ta quay lại cái hố, băn khoăn không biết nên làm gì. Hay đây chỉ là ảo ảnh? Chỉ là sự phản chiếu kỳ lạ trên mặt nước thôi?
Băn khoăn, ông ta bước qua những chiếc cọc hình tháp, ngồi xuống để quan sát cho rõ. Nước thấp hơn mặt băng bốn foot. Và ông ta rúi hẳn xuống để nhìn. Rõ ràng là có cái gì đó rất lạ. Ông ta vẫn chỉ lờ mờ cảm nhận được nó, nhưng phải đến khi đèn tắt hết thì cái đó mới rõ hẳn.
Ông ta đứng phắt dậy. Chắc chắn phải thông báo chuyện này.
Ông ta hối hả tiến về phía trung tâm báo chí. Đi mới được mấy bước thì ông ta lại đã đứng khựng lại. Lạy Chúa tôi. Ming quay lại cái hố, tròn mắt nhìn. Giờ thì ông ta đã hiểu ra vấn đề.
“Không thể nào!” Ông ta thốt lên.
Tuy nhiên, ông biết đó là cách giải thích duy nhất hợp lý. Phải nghĩ cho kỹ, Ming tự dặn mình. Chắc chắn phải có một lý do khác hợp lý hơn. Nhưng càng nghĩ, ông ta càng tin chắc vào những gì mình vừa nhìn thấy. Không thể giải thích theo bất kỳ cách nào khác cả! Không tưởng tượng nổi rằng cả NASA lẫn Corky Marlinson có thể bỏ qua chi tiết quan trọng đến thế, nhưng ông ta không lấy thế làm điều.
Bây giờ thì đó chính là phát minh của Ming!
Sung sướng đến phát run lên, ông ta lao ngay vào khu làm việc gần đó để tìm một cái cốc. Lúc này ông ta cần một ít nước để làm thí nghiệm. Ai mà ngờ được chuyện này cơ chứ!
-
Chương 34
“Với tư cách là chuyên viên tình báo của Chính phủ”, Rachel vừa nói vừa cố giữ cho giọng nói khỏi run rẩy khi phát biểu trước một màn hình đặc kín những mặt người, “công việc của tôi là đến những địa điểm nhạy cảm về chính trị trên khắp thế giới, phân tích tình hình, rồi báo cáo lại cho Nhà Trắng”.
Một giọt mồ hôi lăn xuống thái dương, Rachel chấm nhẹ. Cô thầm rủa Tổng thống đã giao cho mình nhiệm vụ khó khăn này mà không thèm báo trước lấy một lời.
“Trong đời, tôi chưa bao giờ đến một nơi nào lạ lùng đến thế này”. Rachel khoát tay chỉ mọi vật xung quanh. “Chắc quý vị có thể cảm thấy khó tin, nhưng sự thật là tôi đang nói chuyện với quý vị từ một phiến băng hà dày 300 foot phía bắc vòng chí tuyến”.
Những khuôn mặt trên màn hình bắt đầu có vẻ kinh ngạc. Dĩ nhiên họ biết là phải có lí do thì mới có cuộc họp này trong phòng bầu dục, nhưng không ai tưởng tượng nổi đó lại là câu chuyện liên quan đến một sự kiện tận trên vòng chí tuyến.
Mồ hôi lại tiếp tục lăn xuống, Rachel bực bội thầm. Không thể cho phép mình thế này được! Nếu mẹ cô ở trong tình huống này, chắc chắn bà sẽ nói: Khi nào cảm thấy có gì nghi ngờ thì phải nói ra! Câu ngạn ngữ này của người Ankie hoàn toàn đúng với một nguyên tắc sống cơ bản của bà - đó là nói hết sự thật ra rồi thì người ta có thể vượt qua mọi thử thách khó khăn, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hít một hơi thật dài, Rachel ngồi thẳng dậy trước ống kính camera: “Xin lỗi, có thể quý vị đang tự hỏi vì sao tôi lại toát mồ hôi dù đang ở tận phía bắc vòng chí tuyến... Tôi đang run”.
Những khuôn mặt trên màn hình hơi có vẻ ngạc nhiên. Một số người cười một cách gượng gạo.
“Thêm vào đó, sếp của các vị chỉ báo trước cho tôi có 10 giây đồng hồ, và rồi tôi phải đối thoại trực diện với toàn thể nhân viên của Nhà Trắng. Kiểu thử thách như thế này không phải là thứ mà tôi chờ đợi sẽ diễn ra trong chuyến thăm phòng bầu dục lần đầu trong đời”.
Lần này nhiều tiếng cười hơn.
“Không những thế”, cô nói tiếp, đưa mắt nhìn xuống tận phía cuối màn hình “tôi không ngờ là mình lại được ngồi bên bàn của Tổng thống, hay nói đúng ra là trên bàn!”
Câu nói này mang lại những tiếng cười vui vẻ thật lòng. Các cơ bắp Rachel bắt đầu gĩan ra, và cô thấy thư gĩan. Cứ việc nói thẳng hết với họ.
“Tình hình là như sau”. Lúc này thì giọng nói của Rachel đã trở lại bình thường. Rõ ràng và thoải mái. “Trong những tuần vừa qua, Tổng thống Herney không thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, không phải là vì ông không đoái hoài gì đến chiến dịch tranh cử, mà là vì còn bận bịu với một vấn đề khác mà ông tin rằng quan trọng hơn chuyện bầu cử nhiều”.
Rachel ngừng lời, đưa mắt nhìn thính giả.
“Tại phiến băng Milne ở Cực Bắc, người ta đã phát hiện thấy một thứ. Vào lúc tám giờ tối nay, Tổng thống sẽ công bố phát kiến này cho toàn thế giới được biết. Phát kiến này là của một nhóm công dân Hoa Kỳ gần đây đã phải trải qua những tình huống không lấy gì làm dễ chịu. Đã đến lúc vận rủi của họ chấm dứt. Tôi đang nói đến NASA. Các vị có thể tự hào vì Tổng thống của chúng ta, với một niềm tin sáng suốt, đã kiên định ủng hộ NASA ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Giờ đây, có lẽ sự kiên định của Tổng thống được đền đáp”.
Lúc này Rachel mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng lịch sử của giây phút này. Cổ họng cô như muốn nghẹn lại, Rachel nói một cách khó khăn.
“Với tư cách là nhân viên ngành tình báo chuyên về tổng hợp và phân tích tin, tôi là một trong số ít người đã được Tổng thống mời đến để xác minh phát kiến của NASA Tôi đã đích thân xem xét đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, cả những người làm việc cho NASA lẫn những người khác, những người có bản lĩnh khoa học vững vàng và không thể bị ảnh hưởng của các yếu tố chính trị. Theo nhận định của cá nhân tôi thì những gì tôi sắp trình bày là thật và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến nào. Không những thế, cá nhân tôi nghĩ rằng, với niềm tin dành cho nhân viên của mình và nhân dân Mỹ, Tổng thống đã tỏ ra hết sức thận trọng. Dù rất vui mừng muốn thông báo tin này từ tuần trước, nhưng ông đã không làm thế”.
Rachel thấy những người trên màn hình ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Tất cả đều hướng về phía cô, ánh mắt chăm chú chờ đợi. Cô đã thu hút được sự chú ý của họ.
“Thưa các quý ông, quý bà, tin là sau khi tôi trình bày xong, các vị sẽ đồng ý với tôi rằng đây là thông tin quý giá nhất được bàn đến trong toàn bộ lịch sử của phòng bầu dục này”.
Chương 35
Hình ảnh được robot truyền về trại của Đội Delta trông chẳng khác gì trích đoạn của một bộ phim mà người ta đem đến dự liên hoan phim - khung cảnh mờ tối, lỗ thủng trên băng lấp lóa nước, một người châu Á ăn vận rất đàng hoàng đang nằm xoài trên mặt băng, chiếc áo khoác lông lạc đà to xù trông như hal cái cánh. Rõ ràng là ông ta đang cố lấy nước ở dưới hố lên.
“Phải chặn ông ta lại”. Delta-Ba nói.
Delta-Một gật đầu đồng ý. Phiến băng Milne mang trong nó bí mật mà họ được giao nhiệm vụ phải bảo vệ.
“Chặn ông ta thế nào bây giờ?” Delta-Hai hỏi, tay vẫn cầm cần điều khiển. “Những robot này làm gì có vũ khí”.
Delta-Một nhíu mày. Chiếc vi robot đang bay trong bán sinh quyển thuộc loại hình thu nhỏ để thích hợp với những chuyến bay dài. Khả năng tấn công của nó chẳng hơn gì con muỗi.
“Phải báo cáo với chỉ huy”. Delta-Ba nói.
Delta-Một chăm chú nhìn nhà khoa học Wailee Ming đơn độc đang ngồi ngay trên mép hố nước. Xung quanh không một bóng người, và cái lạnh của Bắc Cực còn có tác dụng làm giảm độ vang của âm thanh. “Đưa gậy điều khiển cho tôi”.
“Anh định làm gì?” Người lính đang cầm cần điều khiển, hỏi.
“Làm việc mà chúng ta đã được huấn luyện kỹ”. Delta-Một giật lấy cần “Phải tự ứng biến”.
-
Chương 36
Wailee Ming nằm sấp bên hồ nước, tay phải vươn qua mép hố, cố lấy nước lên làm mẫu. Ông không nhìn nhầm. Lúc này, cách mặt nước chỉ chừng một mét, mọi thứ rõ mồn một.
Không thể tưởng tượng nổi!
Vươn người thêm chút nữa, ông ta cố với xuống mép nước. Chỉ còn vài inch nữa là tới.
Không thể vươn tay dài hơn nữa, ông ta nằm xuống gần mép hố hơn. Ming bấm mũi ủng xuống mặt băng, tay trái bám chặt mép hố. Ông ta lại cố vươn tay phải xuống thật sâu. Cần chạm. Ông ta nhích tới thêm một chút nữa. Được rồi! Miệng cốc đã chạm được đến mặt nước. Nước bắt đầu chảy vào cốc, và ông ta kinh ngạc quan sát.
Rồi, thật bất ngờ, việc đó xảy ra. Một mảnh kim loại bé tí tẹo từ bóng tối lao thẳng ra như một hòn đạn, ông ta mới thoáng thấy nó được một tích tắc thì đã bị nó bay vào mắt phải.
Bản năng bảo vệ mắt của loài người thật mạnh mẽ, cho nên mặc dù lý trí bảo Ming rằng bất kỳ cử động bất thình lình nào cũng sẽ khiến ông ta bị mất thăng bằng, ông ta co rúm người lại. Đó là một phản ứng vì ngạc nhiên chứ không phải vì bị đau. Tay trái của ông ta, vì ở gần mắt nhất, giơ lên để che bên mắt bị tấn công. Vừa đưa tay lên. Ming đã nhận ra ngay sai lầm rửa mình. Toàn bộ sức nặng của cơ thể vốn đã dồn về phía trước, giờ lại mất điểm tựa, ông ta lảo đảo. Nhà cổ sinh học phản ứng quá muộn. Ông ta vứt bỏ cái cốc bấu chặt vào bờ mép - nhưng không kịp - Ming ngã nhào xuống cái hố đen ngòm.
Mặt nước chỉ cách bờ có bốn foot, nhưng vì ngã dúi đầu xuống nên ông ta tưởng như vừa đâm đầu xuống vỉa hè với vận tốc năm mươi dặm một giờ. Làn nước giá lạnh trùm kín mặt ông ta giá buốt đến mức tưởng như đó là axit bỏng. Cảm giác hãi hùng ngay lập tức ùa đến.
Đầu chúc xuống, trong bóng tối mịt mùng, lúc đầu ông ta không biết phải lên hướng nào. Chiếc áo khoác lông lạc đà ngăn không cho nước lạnh tràn vào người, nhưng chỉ được một hai giây. Nổi được đầu lên. Ông ta thở gấp, và đó ung là lúc nước ùa vào đến ngực và lưng, cái lạnh bó lấy cơ thể như gọng kìm thép.
“C... ứ... u...!” Ông ta hổn hển, nhưng không đủ sức để hét to lên.
Ming thấy cơ thể đã cạn hết sinh khí.
“Cứ...u!” Ngay cả chính ông ta cũng không thể nghe thấy tiếng kêu của mình. Ông nhoài về phía mép lỗ băng và cố bò lên. Nhưng trước mặt là bức tường băng dựng đứng. Không bám được vào đâu, ông ta đạp mạnh chân vào băng, cố tìm một điểm tựa. Không được ông ta cố vươn lên mép hố, chỉ một foot nữa là chạm.
Cơ bắp của ông ta bắt đầu phản xạ kém đi. Ming cố quẫy mạnh hai chân, vươn người lên để bấu vào miệng hố. Cơ thể nặng như đá đeo, hai buồng phổi co thắt lại như thể một con mãng xà lớn đang quấn chặt lấy ông ta. Sau vài giây, chiếc áo khoác sũng nước bắt đầu kéo ông ta chìm xuống. Ông ta tìm cách rũ bỏ chiếc áo, nhưng không thể.
“Cứu tôi với...!”
Cảm giác hãi hùng bây giờ bủa vây tứ phía.
Ông ta đã đọc ở đâu đó rằng chết đuối là cái chết đáng sợ nhất.
Và nhà cổ sinh vật xấu số không thể tưởng tượng được ông ta sẽ có ngày trải qua cảm giác đó. Các cơ bắp lúc này không còn tưân theo chỉ đạo của não bộ nữa, và ông ta cố gắng vẫy vùng để giữ cho đầu khỏi bị chìm. Trong khi những ngón tay lạnh buốt cố bám vào thành của cái bẫy băng, bộ quần áo nặng trịch cứ lôi ông ta xuống.
Lúc này những tiếng kêu thét chỉ còn là những tiếng vang trong tâm trí ông ta mà thôi.
Và rồi điều đó đã xảy đến.
Ông ta bị chìm. Người đàn ông châu Á này không bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình phải trải qua cảm giác kinh hãi khi thấy cái chết đang ập đến, ấy thế mà chính nó đang hiện hữu...
Ông ta chìm dần xuống đáy hố băng sâu hai trăm foot. Muôn vàn ý nghĩ vụt qua tâm trí. Những khoảnh khắc ấu thơ. Sự nghiệp. Nỗi băn khoăn không hiểu người ta có tìm thấy xác nình không, hay thân xác ông ta sẽ chìm sâu xuống đáy, và vĩnh viễn sẽ bị vùi lấp trong lăng mộ băng hà này.
Hai lá phổi căng ra đòi khí ô xy. Nhưng Ming cố nhịn thở, đồng thời quẫy đạp để nhô lên mặt nước. Hít thở. Cố chống lại bản năng ấy, ông mím chặt môi. Hít thở. Những nỗ lực vô vọng để ngoi lên. Hít thở. Trong thoáng chốc, ông không thể nào chống lại bản năng của mình được nữa, bản năng hít thở đã chiến thắng trong cuộc chiến sinh tử với nỗ lực của ý chí bắt đôi môi phải mím chặt lại.
Wailee Ming hít thở.
Nước ùa vào phổi, chẳng khác gì một loại dầu bỏng rát ập vào những mô cơ dễ tốn thương bên trong buồng phối. Như thế ông đang bị lửa đốt từ bên trong cơ thể. Tai ác thay, nước không làm người ta chết ngay tắp lự. Những giây khắc hít nước vào trong phổi mới khủng khiếp làm sao, càng thở càng đau đớn, càng thở càng không có được thứ mà cơ thể đang đòi hỏi khẩn thiết.
Cuối cùng, ông Ming chìm sâu hẳn xuống khoảng tối tăm lạnh lẽo bất tỉnh. Ông thấy sung sướng được giải thoát. Trong màn nước đen thẳm xung quanh như có muôn vàn đốm sáng li ti. Đó là cảnh tượng đẹp nhất mà ông từng nhìn thấy trong đời.
-
Chương 37
Cổng phía đông của Nhà Trắng tọa lạc trên đại lộ Hành Pháp, giữa Bộ Tài chính và bãi cỏ Đông. Hàng rào và những cọc bê tông mới được xây dựng thêm sau khi những doanh trại thủy quân lục chiến ở Beirut bị tấn công, khiến cho khu này mất hẳn vẻ hiểu khách vốn có của nó.
Đứng ngoài cổng, Gabrielle Ashe xem đồng hồ tay, bắt đầu cảm thấy mỗi lúc một thêm bồn chồn. Đã 4g45, và vẫn chưa có ai đến.
CỔNG PHÍA ĐÔNG, 4G30. ĐẾN MỘT MÌNH.
Tôi đến rồi đây. Cô thầm nghĩ. Sao chẳng thtíy ai hết?
Gabrielle quan sát những khách du lịch đi lướt qua, mong chờ có người sẽ đáp lại ánh mắt dò tìm rủa mình. Một số người đàn ông nhìn cô, nhưng rồi đi tiếp. Gabrielle bắt đầu nghĩ có lẽ cô đã sai lầm khi đến đây. Và lúc này, hình như người lính mật vụ đang đứng trong vọng gác bắt đầu để ý đến cô. Gabrielle bắt đầu nghĩ rằng người đưa tin đã đổi ý. Vì thế, ngước nhìn lần cuối cùng dinh Tổng thống bên trong hàng rào, cô thở dài và quay gót.
“Cô Gabrielle Ashe phải không?” Người lính gác gọi với theo.
Gabrielle quay lại, trả lời thất thần. “Sao cơ?”
Người đàn ông trong bốt gác vẫy vẫy tay. Người này có khuôn mặt khá nghiêm nghị, dáng hơi gầy. “Đối tác của cô đã sẵn sàng làm việc với cô”. Anh ta mở khóa cổng và ra hiệu bảo cô vào trong.
Chân Gabrielle không muốn bước: “Tôi phải vào trong à?”
Người gác cổng gật đầu: “Người đó nhờ tôi xin lỗi giùm vì đã để cô phải đợi”.
Gabrielle nhìn cánh cổng đã mở sẵn, vẫn không muốn bước lên. Có chuyện gì thế này? Gabrielle không ngờ sự việc lại tiến triển theo hướng này.
“Cô là Gabriell Ashe đúng không?” Người gác cổng hỏi lại, lần này có vẻ đã nôn nóng.
“Vâng, đúng là tôi, nhưng mà...”
“Tôi khẩn thiết đề nghị cô hãy đi theo tôi”.
Gabrielle bước theo anh ta một cách miễn cưỡng. Cô vừa ngập ngừng bước thì hai cánh cổng đã đóng sập lại ngay sau lưng.
Chương 38
Hai ngày ròng rã không có mặt trời đã khiến cho nhịp sinh học trong cơ thể Micheal Tolland bị xáo trộn. Dù theo đồng hồ mới là lúc chiều muộn, cơ thể ông cứ một mực đang là lúc nửa đêm. Ông vừa hoàn tất bộ phim tài liệu của mình, copy tất cả bộ phim sang một đĩa số hoá, và đang đi ngang qua khu nhà lờ mờ tối. Đến khu báo chí sáng rực rỡ, ông giao chiếc đĩa cho một nhân viên kỹ thuật truyền hình của NASA được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phim.
Anh ta giơ chiếc đĩa lên và nói: “Cảm ơn Mike. Đây chắc là thứ ai cũng muốn xem lấy một lần trong đời đây”.
Tolland cười mệt mỏi: “Tôi hi vọng Tổng thống hài lòng”.
“Dĩ nhiên ông ấy sẽ hài lòng. Xong việc rồi, ngồi đây thư gĩan với chúng tôi một chút nào”.
“Thôi cảm ơn cậu”. Đứng giữa khu báo chí sáng trưng, Tolland đưa mắt quan sát đội ngũ nhân viên của NASA đang vui vẻ tiệc tùng. Dù rất muốn nhập bọn với họ, ông cảm thấy kiệt sức, đầu óc mụ mị. Ông đưa mắt tìm Rachel Sexton, nhưng có lẽ cô vẫn còn đang trao đổi với ngài Tổng thống.
Ông ta muốn Rachel xuất hiện trên truyền hình, ông thầm nghĩ. Và cũng chẳng có gì đáng chê trách; Rachel là một điểm nhấn hoàn hảo cho đội ngũ phát ngôn viên về tảng thiên thạch. Bên cạnh dáng vẻ kiều diễm, Rachel có phong thái tự tin và đĩnh đạc mà rất ít phụ nữ có được. Dù sao thì hầu hết những phụ nữ mà ông thường tiếp xúc đều làm bên truyền hình - một là những người có quyền lực nhưng tàn nhẫn, hai là những “ngôi sao” cực kỳ ăn ảnh - và cái cô có chính là thứ họ luôn thiếu.
Rút lui khỏi đám nhân viên NASA đang vui vẻ cười nói, ông băng qua những hành lang ngoằn ngoèo hệt như mê cung của tòa nhà, và băn khoăn không biết các nhà khoa học dân sự khác đã biến đi đằng nào hết. Nếu chỉ can cảm thấy mệt bằng một nửa ông bây giờ, chắc họ đã đến khu phòng ngủ để tranh thủ chợp mắt trước khi buổi truyèn hình bắt đầu. Xa xa phía trước. Ông thấy những chiếc cọc hình nón SHABA xung quanh hố băng. Đứng dưới mái vòm trơ trọi của tòa nhà, những ký ức xa xăm như vọng về một cách ma quái Tolland cố không để chúng tràn lấp tâm trí mình.
Quên những bóng ma ấy đi, nhà hải dương học tự nhủ. Mỗi khi ông mệt mỏi hoặc thấy cô đơn như lúc này, chúng lại thường ùa về. Giá có nàng ở bên mình thì hạnh phúc biết bao, giọng nói trong tâm trí cứ rỉ rả. Trong bóng đêm, cô đơn, tâm trí ông chợt tìm về dĩ vãng.
Celia Birch và ông yêu nhau hồi cả hai cùng học cao học. Vào một ngày Valentine, ông mời nàng đi ăn tối ở nhà hàng mà họ cùng yêu thích. Sau món chính, người bồi bàn bưng ra món tráng miệng bông hồng duy nhất và chiếc nhẫn kim cương. Celia hiểu ngay. Mắt ngấn lệ, nàng khẽ nói một lời mà thôi, và mang lại cho trái tim Tolland cảm giác ngất ngây hạnh phúc mà ông sẽ nhớ mãi đến lúc đau bạc răng long.
“Vâng”.
Với bao ước vọng tươi đẹp, họ mua một ngôi nhà nhỏ gần Pasadena, và Celia trở thành giáo viên. Dù thu nhập chẳng đáng là bao, đó vẫn là bước khởi đầu tốt đẹp, và ngôi nhà cũng rất gần Viện Hải dương học San Diego, nơi Tolland đã được nhận vào làm. Vì công việc. Ông thường phải vắng nhà mỗi lần từ ba đến bốn ngày, nhưng mỗi giây phút họ được bên nhau đều tràn đầy hạnh phúc.
Mỗi chuyến công tác, Tolland thường quay lại những chuyến thám hiểm của mình. Một lần, ông mang về nhà đoạn phim quay một chú cá mực lớn nhìn thấy từ cửa sổ tàu ngầm - một loài cá mực chưa ai nhìn thấy bao giờ. Vừa quay, ông vừa say sưa bình luận, từng lời nói bên máy quay trong chiếc tàu ngầm ấy đều toát lên niềm say mê.
Có thể khẳng định rằng có tới hàng ngàn loài sinh vật ởđ ộ sâu này, giọng ông say sưa, chưa hề được con người biết đến! Chúng ta chỉ mới biết sơ qua về mặt biển mà thôi! Ở độ sâu này có biết bao điều kỳ thú đợi con người xuống khám phá!
Những lời giải thích súc tích cùng với sự say mê của chồng đã khiến Celia bị mê hoặc. Cô chợt nảy ra ý định đem đoạn phim đến chiếu cho học sinh xem, và bọn trẻ cũng say mê không kém. Các giáo viên khác cũng mượn đoạn phim để chiếu cho học sinh của họ. Các bậc phụ huynh thì muốn sao lại chiếc đĩa. Dường như ai nấy đều háo hức đợi đoạn phim tiếp theo của Micheal. Thế là Celia lại nảy ra một ý mới. Cô liên lạc với người bạn học của hai người ở đài NBC và gửi đoạn phim đến đó.
Sau đó hai tháng, một hôm Micheal Tolland rủ vợ đi dạo một vòng trên bờ biển Kingman. Đối với hai người, đó là bãi biển đặc biệt, nơi đã chứng kiến tất cả những hi vọng và mộng mơ của đôi uyên ương trẻ tuổi.
“Anh có chuyện này muốn nói em nghe”. Tolland nói.
Celia dừng bước để cho những con sóng nhẹ mặc sức mơn man đôi bàn chân xinh xắn, nắm chặt tay chồng: “Gì vậy anh?”
Tolland nói như reo: “Tuần trước, đài NBC đã gọi cho anh. Họ đề nghị anh đứng ra chủ biên một loạt phim tài liệu về đại dương. Tuyệt quá! Họ bảo muốn thử nghiệm chương trình đầu tiên ngay đầu năm sau! Em thấy thế nào?”
Khuôn mặt Celia bừng sáng, nàng hôn Tolland:
“Anh giỏi lắm, anh yêu”.
Sau đó sáu tháng, một hôm, đang chèo thuyền cùng Tolland gần Catalina thì Celia thấy đau ở mạng sườn. Vài tuần sau đó cơn đau vẫn không hết, nhưng cả hai vẫn cố không chú ý đến nó. Nhưng rồi những cơn đau trở nên không thể chịu đựng nổi, và cô đi khám.
Bao mộng mơ của Tolland về cuộc sống vợ chồng phút chốc tan thành mây khói. Nàng ốm, ốm nặng.
“Bệnh lym-pho-ma ở dạng đã tiến triển”. Bác sĩ kết luận. “Bệnh rất hiếm gặp ở tuổi của nàng, nhưng đã có người bị rồi”.
Hai vợ chồng đến vô số bệnh viện, hỏi không biết bao nhiêu chuyên gia. Nhưng câu trả lời họ nhận được thì chỉ có một. Không thể chữa được.
Anh quyết không đầu hàng đâu! Ngay lập tức, Tolland bỏ việc ở viện Hải dương học, quên phắt những bộ phim tài liệu cho đài NBC, dồn hết tâm lực để giúp đỡ Celia. Nàng cũng rất kiên cường chịu đựng mọi đau đớn, và chính vì thế mà ông càng yêu nàng gấp bội. Ông dắt vợ đi dạo trên bờ biển Kingman, tự tay nấu cho nàng những món ăn bổ dưỡng, chuyện trò với nàng về những gì hai người sẽ cùng thực hiện khi nàng khỏi bệnh.
Nhưng sự việc không như họ ao ước.
Chỉ sau bảy tháng, Micheal Tolland đã phải chứng kiến người vợ yêu dấu của mình hấp hối trong bệnh viện ông thậm chí không thể nhìn thấy những đường nét yêu dấu trên khuôn mặt nàng. Sức tàn phá của căn bệnh ung thư quái ác quả là khủng khiếp. Nàng chỉ còn da bọc xương. Những giờ khắc cuối cùng mới nghiệt ngã làm sao.
“Micheal”. Nàng gọi anh, giọng yếu ớt. “Đến lúc em phải ra đi rồi”.
“Đừng em!” Hai mắt ông đẫm lệ.
“Anh sẽ tiếp tục sống” Celia nói “anh phải sống tiếp. Hãy hứa với em là anh sẽ tìm cho mình một tình yêu mới”.
“Anh sẽ chẳng bao giờ yêu bất kỳ ai khác”. Và đó là sự thật.
“Rồi anh sẽ học được cách quên em đi”.
Celia ra đi vào một ngày chủ nhật quang đãng giữa tháng sáu.
Michael Tolland thấy mình chẳng khác nào một con tàu giữa biển khơi cuồng nộ, la bàn gãy nát, dây neo đứt tơi tả. Có những tuần ông như muốn phát điên lên. Bạn bè ai cũng muốn giúp, nhưng Tolland quá tự trọng, và không chịu để cho ai thương hại mình.
Mình cần phải lựa chọn, cuối cùng ông cũng tự nhận ra, hoặc là làm việc, hoặc là chết.
Dằn trái tim đau lại, ông lao vào Đại dương kỳ thú. Và chính chương trình ấy đã cứu vớt cuộc đời ông. Trong vòng bốn năm tiếp theo đó, những bộ phim của ông đã cất cánh: Dù bạn bè đã nhiều lần mai mối, ông chẳng duy trì nổi mối quan hệ nào cho ra hồn. Mỗi lần hẹn hò là một lần thêm thất vọng, cuối cùng ông thôi không hẹn hò nữa, và đổ tại lịch làm việc sít sao nên bản thân mình không thể duy trì được các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiện, những người bạn thân của ông thì hiểu; đơn giản là Michael Tolland vẫn chưa sẵn sàng.
Lỗ thủng trên băng do tảng thiên thạch để lại giờ ở ngay trước mắt Tolland, bứt ông khỏi những suy nghĩ đau đớn. Ông gạt những ký ức giá buốt ấy ra khỏi tâm trí, đến bên cái hố sâu. Trong tòa nhà mái vòm mờ tối, mặt nước bên trong miệng hố chợt ánh lên vẻ đẹp siêu thực và ma mị. Nước trong hố lấp loáng như cái ao trăng. Những gợn sáng lóng lánh trên bề mặt chợt thu hút sự chú ý của ông, như thế có người đã rắc lên đó thứ bột lóng lánh màu xanh lục. Ông chăm chăm nhìn mặt nước lấp lóa...
Có cái gì thật kỳ lạ.
Thoạt nhìn ông tưởng những gợn lấp lóa kia là do phản chiếu ánh sáng của những ngọn đèn bên trong bán sinh quyển. Nhưng giờ ông đã nhận ra không phải thế. Mặt nước này lung linh ánh sáng màu lục, và như thể nó đang hít thở một cách nhịp nhàng, như thế mặt nước là một cơ thể sống, và đang tự tỏa sáng.
Băn khoăn, ông vượt qua những chiếc cọc hình nón để nhìn gần hơn.
Từ chái nhà đối diện của bán sinh quyển, Rachel bước từ trong phòng PSC ra ngoài trời tối. Bị mất phương hướng trong bóng tối, cô dừng lại giây lát. Lúc này bán sinh quyển chẳng khác gì cái hang lớn và nguồn sáng duy nhất là những tia sáng rực rỡ hắt ra từ khu báo chí bên bức tường phía bắc. Cảm thấy bất an trong bóng tối, cô hành động theo bản năng, tiến về phía có ánh sáng.
Rachel cảm thấy khá hài lòng về hiệu quả của báo cáo vừa rồi trước nhân viên Nhà Trắng. Lấy lại được bình tĩnh sau những tiểu xảo bất ngờ của Tổng thống, cô trình bày trôi chảy những gì mình biết về tảng thiên thạch. Vừa nói, cô vừa quan sát vẻ mặt những cộng sự của ngài Tổng thống chuyển dần từ kinh ngạc sang tin tưởng lạc quan, và cuối cùng là sự nể phục tuyệt đối.
“Sự sống trên vũ trụ à?” Một người trong số họ thốt lên. “Nghĩa là gì thế?”
“Đơn giản thôi”, người khác đáp lời, “chúng ta sẽ thắng cử”.
Chân bước về phía khu báo chí, Rachel nghĩ đến giây phút sự kiện này được công bồ, không thể không tự hỏi liệu cha cô có đáng bị cỗ xe tranh cử của ngài Tổng thống đè bẹp chỉ bằng một cú ra đòn hay không.
Dĩ nhiên, câu trả lời là có.
Mỗi khi thấy mềm lòng trước cha mình, Rachel chỉ cần nhớ đến mẹ cô. Catherine Sexton. Những nỗi đau, những tủi nhục mà ông ta bắt mẹ cô phải chịu đựng thật là khủng khiếp... Đêm nào ông cũng về nhà muộn, say xỉn, người sặc sụa mùi nước hoa. Luôn mồm nói dối, tán gái liên tục, nhưng ông ta lại luôn tỏ ra vô cùng ngoan đạo, vì biết Catherine sẽ không bao giờ li dị.
Có đấy, cô quả quyết, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton bị như thế là đáng đời lắm.
Đám người trưng khu báo chí thật vui nhộn. Ai nấy cũng hồ hởi cụng ly. Rachel len qua đám đông, tưởng như mình lại trở thành cô nữ sinh năm thứ nhất lần đầu bước chân vào phòng ăn của trường đại học. Cô thắc mắc không biết Michael Tolland biến đâu mất.
Corky Marlinson đột nhiên đứng lù lù ngay cạnh cô. “Cô đang tìm Mike phải không?”
Rachel hơi giật mình: “À..., không..., không hẳn như thế”.
Corky lắc đầu không tin: “Tôi biết chứ. Mike vừa mới đi khỏi đây xong. Có khi anh ta tranh thủ chợp mắt một lát rồi cũng nên”. Ông ta đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà mái vòm mờ tối. “Mà biết đâu vẫn có thể tìm được anh ta cũng nên”. Rồi ông ta mỉm cười tinh quái và đưa tay chỉ “Lúc nào nhìn thấy nước mà anh chàng chả như bị thôi miên”.
Rachel nhìn theo hướng tay chỉ của ông ta, và thấy bóng Michael Tolland bên miệng hố sâu, đang chăm chăm nhìn mặt nước.
“Anh ấy làm gì thế?” Cô hỏi. “Chỗ đó nguy hiểm lắm”.
Corky cười ngoác: “Có khi đang tìm xem có lỗ rò nào không đấy! Ta ra đấy đi”.
Hai người băng qua tòa nhà tối, đến bên cái hố. Gần đến nơi, Corky gọi lớn:
“Này, gã người nhái kia, quên bộ đồ lặn ở nhà à?”
Tolland quay lại. Dù trong bóng tối. Rachel ngay lập tức nhận thấy vẻ mặt của Mike rất đăm chiêu. Các đường nét trên khuôn mặt được chiếu sáng theo kiểu gì đó rất kỳ dị, như thế ánh sáng phát ra từ đâu đó dưới chân ông.
“Ổn cả chứ anh Mike?” Cô hỏi.
“Hình như có vấn đề”. Ông chỉ tay xuống mặt nước.
Corky bước qua những chiếc cọc, đứng cạnh Micheal bên miệng hố. Nhìn xuống nước, ông ta chợt mất hẳn vẻ bông lơn cười cợt. Rachel cũng bước qua những chiếc cọc, đến bên họ. Nhìn xuống hố, cô ngạc nhiên thấy muôn vàn gợn nhỏ màu xanh lục lóng lánh. Y như bụi nê ông đang trôi nổi trên mặt nước. Một vẻ đẹp mê hồn. Tolland nhặt mảnh băng vỡ và quăng xuống nước.
Những gợn sóng nước phát sáng như lân tinh, ánh những tia màu xanh bất chợt.
“Mike này”, Corky nói, vẻ không thoải mái “anh biết đó là cái gì đúng không?”
Tolland, nhăn trán: “Dĩ nhiên tôi biết đó là cái gì, nhưng không thể hiểu thế nào mà nó lại ở đây”.
Chương 39
“Khuẩn hình roi đấy”. Tolland vừa đăm đắm nhìn xuống mặt nước sáng lóng lánh vừa nói.
“Này anh chàng ngạo mạn kia, nói cho rõ xem nào”. Corky làu bàu.
Theo trực cảm của Rachel thì hai người đàn ông này không nói đùa.
“Không biết bằng cách nào”, Tolland nói, “nhưng chắc chắn trong nước có những khủng trùng hình roi phát sáng”.
“Thế có nghĩa là gì?” Rachel hỏi. Nói tiếng Anh đi các vị.
“Đó là những sinh vật đơn bào phù du có khả năng oxi hóa một loại chất xúc tác phát quang tên là luceferin”.
Đây mà là tiếng Anh sao?
Tolland thở dài và quay sang ông bạn của mình: “Corky này, liệu có khả năng tảng thiên thạch chúng ta vừa lôi lên có chứa các sinh vật đang sống không nhỉ?”
Corky cười phá lên. “Này Mike, đừng có đùa nữa”.
“Tôi đâu có đùa”.
“Không thể nào, Mike ạ. Cậu cứ tin tôi đi, nếu NASA biết là có những sinh vật có xuất xứ vũ trụ sống trong tảng thiên thạch đó thì họ chẳng đời nào lại lôi nó lên làm gì”.
Tolland có vẻ chỉ thỏa mãn phần nào, nhìn mặt ông thì thấy ông còn có những mối nghi ngờ trầm trọng hơn thế nhiều. “Chưa lấy kính hiển vi ra soi thì không thể chắc được”, ông nói, “nhưng tôi thấy đây là một chủng khủng trùng phát quang thuộc họ pyrrophyta. Cái tên đó có nghĩa là gỗ lửa. Giống trùng này sống nhan nhản khắp biển Bắc Cực”.
Corky nhún vai: “Thế thì tại sao anh lại còn phải hỏi tôi chúng có xuất xứ từ vũ trụ hay không?”
“Bởi vì tảng thiên thạch này bị vùi lấp trong băng tuyết, tức là nước tinh khiết từ trên trời rơi xuống. Và nước trong cái hố này vừa tan ra từ một phiến băng có tuổi đời những ba thế kỷ. Làm cách nào mà những sinh vật biển này lại có mặt ở đây được?”
Lập luận của Tolland làm cả ba người im lặng hồi lâu.
Rachel đứng bên mép hố và cố hiểu những gì nhìn thấy trên mặt nước. Sinh vật phù du phát sáng trong hố băng. Thế có nghĩa là sao?
“Chắc chắn bên dưới phải có một vệt nứt”. Tolland nói. “Đó là cách giải thích duy nhất. Những con trùng phát sáng phù du này đã vào đây theo một đường nứt khiến cho nước biển xâm nhập được tới đây”.
Rachel không hiểu. “Thâm nhập vào à? Từ đâu?” Cô nhớ lại cuộc đi trên chiếc xe IceRover. “Chỗ này cách bờ biển phải đến hai dặm cơ mà?”
Cả hai người đàn ông quay sang nhìn Rachel với ánh mắt rất khác lạ.
“Thực ra thì”, Corky nói “biển ở ngay dưới chân chúng ta đấy Phiến băng này đang nổi trên mặt nước”.
Rachel sững sờ nhìn họ, lòng bối rối. “Đang nổi bổng bềnh ư? Chẳng phải chúng ta đang ở trên sông băng hay sao?”
“Đúng là chúng ta đang ở trên sông băng”, Tolland đáp, “nhưng không ở trên đất liền. Nhiều khi sông băng chảy mạnh và kéo dài ra tận ngoài biển. Và bởi băng nhẹ hơn nước, nên nó cứ tiếp tục nở ra, nở xoè ra biển như một mảng băng khổng lồ. Đó chính là định nghĩa của phiến băng đấy..., phần nổi trên nước của một sông băng”. Ông ta ngừng một lát. “Thật ra thì chúng ta đang đứng cách đất liền khoảng một dặm”.
Bị sốc. Rachel ngay lập tức cảm thấy bất an. Điều chỉnh lại toàn cảnh bức tranh của những gì xung quanh, cô chợt có cảm giác lo sợ.
Tolland dường như cảm nhận được sự sợ hãì của Rachel. Ông ta dậm mạnh chân lên mặt băng để trấn an cô. “Cô đừng sợ, phiến băng này dày những ba trăm foot, tức là có độ dày bằng hai trăm chiều dài một bàn chân, và nổi lềnh bềnh như cục đá trong cốc nước. Các phiến băng thường rất ổn định. Xây cả một tòa nhà chọc trời ở đây còn được nữa là”.
Rachel gật đầu yếu ớt, vẫn không tin hẳn. Cùng với cảm giác hoảng hốt, cô bắt đầu hiểu giả thuyết của Tolland về sự xuất hiện của những sinh vật phù du này. Có nghĩa là ông ấy cho rằng có một vết nứt gãy chạy dài từ mặt biển lên tới tận đây, cho nên những sinh vật này mới xâm nhập được. Có lý, Rachel nghĩ, tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý khiến cô băn khoăn. Norah Mangor quả quyết rằng phiến băng này rất hoàn hảo, chị ta đã khoan rất nhiều lỗ để kiểm tra cơ mà.
Cô ngước nhìn Tolland. “Tôi nghĩ rằng sự toàn vẹn của phiến băng là dữ liệu căn bản nhất để tính niên đại của nó. Chẳng phải tiến sĩ Mangor đã khẳng định là không có vết nứt nào hay sao?”
Corky nhíu mày: “Cũng có thể nữ hoàng băng tuyết có sai sót”.
Đừng có nói ầm lên thế, Rachel thầm nghĩ, nếu không ông lại bị người ta phi dao nhọn vào lưng bây giờ.
Tolland vừa gãi gãi cằm vừa quan sát những con khủng trùng phát sáng. “Rõ ràng là không còn cách giải thích nào khác. Chắc chắn có một vết nứt. Do trọng lượng của phiến băng tạo ra áp suất đối với mặt biển nên những con trùng này đã bị đẩy lên đây”.
Vết nứt mắc dịch. Rachel thầm nghĩ. Nếu phiến băng này có độ dày ba trăm foot, và tảng thiên thạch được lấy lên từ độ sâu hai trăm, có nghĩa là vết nứt phải kéo dài suốt một trăm foot, xuyên qua băng đặc. Những lỗ khoan kiểm tra của Norah Mangor khẳng định là không có vết nứt nào.
“Nhờ anh một việc nhé”. Tolland bảo Corky. “Tìm Norah lại đây! Cầu Chúa cho cô ấy biết điều gì đó về phiến băng này nhưng chưa nói cho chúng ta biết. Và nhớ tìm cả ông Ming nữa. Biết đâu ông ấy lại giải thích được hiện tượng này”.
Corky cất bước.
“Cậu nhanh chân lên đấy”. Tolland nói với theo, mắt vẫn không rời cái hố. “Tôi thề với anh rằng những sinh vật này đang nhạt đi nhanh lắm”.
Rachel nhìn xuống. Quả vậy, màu xanh lúc này không còn sáng rõ như trước nữa.
Tolland cởi chiếc áo da khoác trên người ra và nằm rạp xuống miệng hố.
Rachel quan sát nhưng không hiểu. “Anh Mike?”
“Tôi muốn kiểm tra xem có nước mặn lọt vào đây không”.
“Bằng cách cởi áo ra rồi nằm rạp xuống thế à?”
“Đúng thế đấy”. Ông ta nằm hẳn xuống mép hố nước. Ông ta giữ một tay áo khoác, thả tay áo kia xuống sâu cho đến khi cổ tay áo bị ướt sũng. “Đây là một phép thử vô cùng chuẩn xác mà các nhà hải dương học tầm cỡ thế giới vẫn sử dụng. Gọi là phép “Liếm chiếc áo ướt”.”
Bên ngoài, trên phiến băng, Delta-Một đang vật lộn với chiếc cần điều khiển, cố giữ cho chiếc robot đã bị hư hại nặng bay là là ngay trên đầu nhóm người đứng bên miệng hố. Nghe những gì họ nói với nhau, anh biết là sự thật sẽ sớm bị lòi ra.
“Gọi chỉ huy đi”. Anh ra lệnh. “Có rắc rối lớn rồi đây”.
-
Chương 40
Từ khi còn ít tuổi, Gabrielle Ashe đã từng nhiều lần theo những tua du lịch vào thăm Nhà Trắng, lòng thầm ước ao sẽ có ngày được làm việc cùng đội ngũ những con người quyền thế, lập biểu đồ phát triển cho toàn bộ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lúc này cô chỉ ước sao mình đang có mặt tại bất kỳ một nơi nào khác trên hành tinh này.
Người nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle từ cổng phía đông lại đây đưa cô vào một phòng nghỉ trang hoàng lộng lẫy, và Gabrielle càng băn khoăn không biết người đưa tin cho mình quyền thế đến mức nào. Thật là điên khi đi mời Gabrielle vào tận trong Nhà Trắng. Nhỡ người ta nhìn thấy mình thì sao nhỉ? Gần đây cô rất hay xuất hiện với tư cách là trợ lý đắc lực của Thượng nghị sĩ Sexton. Thế nào cũng có người nhận ra cô.
“Cô Ashe phải không ạ?”
Gabrielle ngước nhìn lên. Một người lính gác với khuôn mặt đôn hậu mỉm cười chào đón cô rất thân thiện. “Xin cô hãy nhìn vào đây!” Anh ta đưa tay chỉ.
Gabrielle nhìn theo hướng tay anh ta, và bị luồng sáng lóe lên làm lóa mắt.
“Cảm ơn cô”. Anh ta dẫn cô đến bên bàn và đưa cho Gabrielle cây bút. “Xin cô hãy ghi tên vào cuốn sổ ra vào này ạ”. Anh ta đẩy về phía cô cuốn sổ bìa da dày dặn.
Gabrielle nhìn cuốn sổ. Trang giấy trắng tinh mở sẵn trước mặt cô. Cô nhớ đã từng nghe nói rằng những người vào thăm Nhà Trắng đều ký tên trên một trang giấy trắng tinh, để đảm bảo bí mật chuyến viếng thăm của họ. Gabrielle ký tên.
Một cuộc hẹn bí mật mà thế này thì thật là quá lắm.
Bước qua cửa kiểm tra kim loại, cô thấy chiếc máy chạm nhẹ vào đầu mình.
Người lính gác mỉm cười: “Chúc cô một chuyến tham quan như ý thưa cô Ashe”.
Cô đi theo nhân viên mật vụ dọc theo hành lang khoảng 50 foot và đến bàn kiểm tra thứ hai. Tại đây, người lính gác khác đang ép plastic chiếc thẻ vừa mới được chiếc máy dèn dẹt in ra. Anh ta đục lỗ trên tấm thẻ, luồn dây vào, và lồng vào cổ Gabrielle. Chiếc thẻ vẫn còn ấm. Ảnh in trên tấm thẻ vừa được chụp trước đó 15 giây ở cuối hành lang.
Thật ấn tượng. Ai dám bảo là Chính phủ hoạt động không hiệu quả cơ chứ?
Họ đi tiếp, nhân viên mật vụ tiếp tục dẫn Gabrielle đi sâu vào bên trong tòa nhà. Càng vào sâu, cô càng cảm thấy không thoải mái. Người đã mời cô tới đây không hề có ý định giữ kín cuộc gặp này. Cô đã có thẻ ra vào, ký tên vào sổ ra vào, và giờ đang bước đi giữa thanh thiên bạch nhật ngay tầng trệt của Nhà Trắng, nơi luôn có rất nhiều khách tham quan lui tới.
“Và đây là phòng Trung Hoa”, một hướng dẫn viên đang thuyết minh với đoàn khách của mình “nơi bà Nancy Reagan đã để những món đồ sứ mạ vàng có giá tới 953 đô la mỗi bộ, và làm dấy lên cả một cuộc tranh luận về việc tiêu thụ những món đồ có giá trị vào năm 1981”.
Nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle đi ngang qua nhóm khách đó, đến cầu thang hình vòng cung, lại thấy có một nhóm khách du lịch khác. “Các vị sắp lên đến phòng phía đông có diện tích ba ngàn hai trăm foot vuông”, một hướng dẫn viên du lịch khác lại đang thuyết minh “nơi bà Agibai Adams đã từng đem quần áo của ông John Adams tới đó phơi khô. Và chúng ta sẽ đi qua phòng Màu Đỏ, nơi Dolley Madison chuốc rượu các nguyên thủ quốc gia trước khi Tổng thống James Madison mời họ ngồi vào bàn thương lượng”.
Đám khách cười ầm ỹ.
Gabrielle được dẫn lên hết cầu thang, vượt qua không biết bao nhiêu dây chắn và vật chắn đường, tiến sâu hơn nữa vào trong tòa nhà. Rồi họ bước vào một căn phòng mà cô mới chỉ được nhìn thấy trên sách báo và ti vi. Gabrielle thớ giốc.
Lạy Chúa tôi, đây chính là phòng bản đồ!
Khách du lịch không được phép vào đây. Các bức tường của căn, phòng đều phồng lên tầng tầng lớp lớp những bản đồ thế giới treo chồng lên nhau. Đây chính là nơi Tổng thống Rooservelt ghi lại tiến trình của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Và buồn thay, đây cũng chính là nơi Tổng thống Clinton giở thói trăng hoa với cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Gabrielle gạt những suy nghĩ vẩn vơ ấy khỏi tâm trí. Cái chính là căn phòng này thông với chái bên tây, khu làm việc của những nhân vật thật sự quyền thế. Gabrielle không thể ngờ cô sẽ đặt chân đến nơi này. Cô tưởng những thông tin ấy là của một thực tập sinh vô danh nào đó làm việc ở một khu nào khác gần trần thế hơn kia. Điều đó hiển nhiên là không đúng.
Mình đang sang đến chái nhà phía tây...
Nhân viên mật vụ dẫn cô đi hết hành lang trải thảm và dừng lại trước căn phòng không có biển đề trên cánh cửa Anh ta gõ cửa. Tim Gabrielle đập thình thịch.
“Cửa mở đấy”. Có người bên trong nói vọng ra.
Anh ta mở cửa và ra hiệu bảo cô vào bên trong.
Gabrielle bước vào. Rèm cửa được kéo hết xuống, căn phòng tối mờ mờ. Thấy có người đang ngồi trong bóng tối, bên bàn làm việc.
“Cô Ashe đấy à?” Giọng nói như vọng ra từ sau đám mây khói thuốc lá “Mời cô vào”.
Khi mắt đã quen với bóng tối, Gabrielle bắt đầu nhìn rõ một khuôn mặt rất quen, cô cứng người lại. Đây chính là người đã gửi thư điện tử cho mình ư?
“Xin cảm ơn cô đã đến”. Marjorie nói, giọng lạnh lùng.
“Bà... Tench ạ?” Gabrielle nói lắp bắp, chợt cảm thấy hụt hơi.
“Hãy gọi tôi là Marjorie”. Người đàn bà xấu xí ấy đứng dậy, mũi phà khói chẳng khác gì rồng lửa. “Chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành bạn thân thiết của nhau đấy”.
Tolland lúc này trông tỉnh táo hẳn ra: “Điều này cũng giải thích vì sao mức nước trong hố không hề thay đổi”. Ông quay ra Norah “Cô vừa nói loài phù du có mặt trong mẫu nước tên là....”
“Gabrielle. Polyhedra”. Norah công bố. “Và giờ chắc anh muốn hỏi tiếp xem loài này có thể ngủ đông trong băng đá được không chứ gì? Anh sẽ cảm thấy hài lòng đấy, vì câu trả lời là: Có. Chắc chắn đấy. Loài phù du này từng sống tập trung thành từng quần thể lớn quanh các phiến băng, chúng tự phát sáng, và có thể chuyển sang trạng thái trong băng đá. Anh còn muốn hỏi gì nữa nào?”
Mọi người nhìn nhau. Qua giọng nói của Norah, ai cũng cảm nhận rõ ràng rằng sẽ có câu “nhưng mà” nào đó - ấy thế mà dường như nhà khoa học này vừa khẳng định rằng giả thuyết của Rachel là đúng.
“Như thế có nghĩa là...” Tolland phá tan im lặng “cô nói rằng điều đó có thể là đúng không nào? Giả thuyết này có đúng không đây?”
“Đúng hoàn toàn”, Norah nói “nếu các vị chẳng có tí chất xám nào trong hộp sọ cả”.
Rachel trừng mắt: “Chị có thể nhắc lại câu đó được không?”
Norah Mangor cũng trừng mắt nhìn Rachel: “Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực chuyên sâu của cô, biết một ít còn nguy hiểm hơn cả không biết gì, đúng thế không? Thế thì, tin tôi đi, đối với ngành băng hà học cũng thế”. Norah thôi không đọ mắt với Rachel nữa, chị ta lần lượt nhìn bốn người đang đứng quanh mình. “Tôi xin được giải thích rõ ràng. Những túi nước biển đông cứng mà cô Sexton mường tượng ra quả có tồn tại. Các chuyên gia băng hà học gọi chúng là các khe hở. Tuy nhiên các khe này không có dạng cái túi như cô ấy tuởng tượng, chúng là một mạng lưới chằng chịt những tua đá mặn có bề ngang chỉ bằng sợi tóc. Tảng thiên thạch của chúng ta phải làm tan một mạng lưới dày đặc đến vô cùng thì mới có thể tạo ra được ba phần trăm nước biển trong hố với độ sâu ấy”.
Ekstroml quắc mắt: “Nói tóm lại là đúng hay sai?”
“Làm sao mà đúng được”. Norah lạnh lùng đáp. “Không thể có chuyện đó. Nếu thế thì lúc khoan thăm dò tôi phải tìm thấy chứ”.
“Người ta luôn luôn cho khoan thăm dò ở những vị trí tình cờ đúng không nào?” Rachel cật vấn. “Liệu có khả năng chỉ vì rủi ro mà không phát hiện được túi đá nước biển không?”
“Tôi đã khoan ngay bên trên tảng đá. Sau đó lại khoan rất nhiều lỗ trong phạm vi vài mét ở hai bên. Không thể khoan gần hơn thế được nữa”.
“Tôi chỉ hỏi thế”.
“Còn một điều nữa”. Norah nói. “Những khe nước biển này chỉ có mặt ở những vùng băng theo mùa - những vùng băng đá hình thành rồi lại tan hết theo từng mùa. Phiến băng Milne thuộc loại băng vĩnh cửu - loại băng hình thành trên các đỉnh núi và giữ nguyên trạng thái cho đến khi nó phát triển ra đến vùng dễ nứt và rơi xuống biển. Nếu các vị thấy giả thuyết về những sinh vật phù du bị đông cứng là có lý lắm rồi, thì tôi xin đảm bảo rằng không thể có loài phù du đóng băng nào trong dòng sông băng này”.
Lại im lặng.
Mặc dù bị bác bỏ thẳng thừng, bộ não có khả năng phân tích nhạy bén của Rachel vẫn cứ ủng hộ giả thuyết về những sinh vật phù du đóng băng. Bằng trực quan của mình, cô biết đó là lời giải đơn giản nhất cho bài toán này. Quy luật tối giản, cô thầm nghĩ. Dưới sự dẫn dắt của những bậc đàn anh ở NRO, quy luật ấy đã thấm vào tận máu Rachel. Khi có nhiều phương án giải thích cùng một lúc được đưa ra, cách đơn giản nhất thường là đúng nhất.
Hiển nhiên là Norah Mangor có nhiều thứ để mà mất nếu dữ liệu về phiến băng không chuẩn xác; biết đâu chị ta đã phát hiện ra sinh vật phù du, biết rằng mình đã sai lầm khi khẳng định tính chất đông đặc liền khối của sông băng, và giờ đây đang ra sức bưng bít.
“Nói tóm lại”, Rachel nói “tôi vừa báo cáo với toàn bộ nhân viên Nhà Trắng rằng tảng thiên thạch này được phát hiện trong lòng một phiến băng toàn nguyên; kể từ khi nó văng ra từ một tảng thiên thạch nổi tiếng Jungersol năm 1716, băng hà đã bảo vệ nó trước mọi tác động ngoại lai. Nhưng giờ đây... dường như chúng ta đang phải lật lại vấn đề”.
Ông Giám đốc NASA yên lặng, vẻ mặt căng thẳng.
Tolland hắng giọng rồi nói: “Tôi buộc phải đồng ý với Rachel. Trong hố nước này có nước biển và sinh vật phù du. Dù có giải thích cách nào đi nữa thì đây cũng không thể là một môi trường kín. Điều đó thì ta buộc phải thừa nhận”.
Corky có vẻ không được thoải mái cho lắm: “Thưa các vị, tôi không có ý định tỏ ra am hiểu về băng hà học ở đây, nhưng trong giới cổ sinh vật chúng tôi, cứ có một sai sót thì bước tiến bị kéo chậm lại hàng tỉ năm đấy. Liệu tỉ lệ nước biển và sinh vật phù du này có quan trọng đến thế không? Dù lớp băng hà bao xung quanh nó không được hoàn hảo cho lắm thì cũng chẳng ảnh hưởng đến tảng thiên thạch là mấy. Chúng ta vẫn có các mẫu hóa thạch. Chẳng ai đưa ra chất vấn nào về tính xác thực của chúng cả. Dù dữ liệu về phiến băng có sai sót chút đỉnh thì cũng chẳng làm sao. Điều cốt yếu vẫn là chúng ta đã phát hiện được bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ”.
“Tôi xin lỗi”. Rachel nói. “Thưa tiến sĩ Marlinson, với tư cách là chuyên viên phân tích tức, tôi không thể đồng tình với ý kiến của anh được. Bất kỳ một lỗi nhỏ nào trong những dữ liệu mà tối nay NASA công bố đều có thể trở thành cái cớ để người ta nghi ngờ toàn bộ phát kiến này. Kể cả tính xác thực của các hóa thạch”.
Corky há hốc mồm: “Cô nói cái gì thế? Những mẫu hóa thạch đó còn gì để bàn cãi nữa nào?”
“Tôi biết, tôi biết chứ. Nhưng nếu công chúng nghe phong thanh được rằng chính NASA cũng đang băn khoăn về dữ liệu của phiến băng, tôi đảm bảo họ sẽ ngay lập tức băn khoăn không hiểu NASA còn nói dối họ về những cái gì khác nữa.
Norah bước dấn lên phía trước, mắt nảy lửa:
“Dữ liệu về phiến băng của tôi không hề sai sót. - Chị ta quay sang ông Giám đốc - Tôi có thể chứng minh một cách khoa học là không hề có túi nước biển nào lẫn trong lòng phiến băng này”.
Ông Giám đốc nhìn Norah hồi lâu, mãi mới hỏi: “Bằng cách nào?”
Norah trình bày kế hoạch; nghe xong, Rachel phải thừa nhận rằng dự định đó nghe rất có lý.
Ông Giám đốc thì có vẻ không tin tưởng lẳm: “Và kết quả sẽ rõ ràng đấy chứ?”
“Tôi đảm bảo trăm phần trăm”. Norah cam đoan. “Nếu có một chút xíu nước biển nào kẹt trong phiến băng này thì các vị sẽ được nhìn thấy ngay. Chỉ cần vài giọt tí xíu cũng sẽ làm thiết bị của tôi sáng rực lên y như quảng trường Times về đêm”.
Cặp lông mày bên dưới mái đầu ngắn kiểu quân sự của ông Giám đốc nhíu hẳn lại: “Không còn nhiều thời gian nữa. Một vài giờ nữa là đến lúc phải họp báo rồi”.
“Chỉ cần hai mươi phút là xong”.
“Cô vừa nói là sẽ phải đi ra xa đến đâu nhỉ?”
“Không xa. Chỉ cần hai trăm mét là đủ”.
Ekstrom gật đầu: “Cô đảm bảo như thế là an toàn chứ?”
“Tôi sẽ đem theo pháo sáng. Và Mike cũng sẽ đi cùng tôi”.
Tolland ngẩng phắt lên: “Tôi ấy à?”
“Anh sẽ phải đi với tôi, Mike! Chúng ta sẽ dùng dây để buộc chung người vào. Tôi sẽ cần hai cánh tay khoẻ mạnh khi có gió lớn”.
“Nhưng mà...”
“Cô ấy nghĩ thế đúng đấy”. Ông Giám đốc nói. “Nếu đi thì không được đi một mình. Tôi sẽ cử mấy cậu bên tôi đi cùng cô ấy. Nhưng thật lòng mà nói thì tôi không muốn có thêm bất kỳ ai biết chuyện này. Đợi đến khi mọi thứ rõ ràng đã”.
Tolland miễn cưỡng gật đầu.
“Tôi cũng muốn đi”. Rachel nói...
Norah nhảy dựng lên như con rắn chuông: “Cô đi để làm cái gì?”
“Thật ra thì”, ông Giám đốc nôi thêm như thế vừa tự nghĩ ra ý đó “tôi cảm thấy là nếu cử cả một đội đúng quy chuẩn đi thì an toàn hơn. Đi có hai người thì cô biết làm thế nào nhỡ Mike bị trượt? Bốn người cùng đi thì an toàn hơn hắn”. Ông ta ngừng lời, đưa mắt nhìn Corky: “Thế tức là hoặc anh, hoặc tiến sĩ Ming sẽ đi”.
Ekstrom đưa mắt nhìn khắp bán sinh quyển. “Không thấy ông Ming đâu cả nhỉ?”
“Từ nãy đến giờ không thấy đâu cả. Có lẽ ông ta tranh thủ đi ngủ rồi”.
Ekstrom quay sang Corky: “Tiến sĩ Marlinson, tôi không có quyền đề nghị ông việc này, nhưng mà...”
“Sao nào?” Corky lên tiếng. “Ông thấy bốn người chúng tôi hợp nhau lắm phải không?”
“Không được!” Norah phản đối. “Đi bốn người sẽ rất chậm. Tôi và Mike đi là đủ rồi”.
“Không được đi hai người”. Giọng ông Giám đốc nhất quyết. “Phải có lý do thì người ta mới quy định đội quy chuẩn phải gồm bốn thành viên chứ. An toàn là trên hết. Tôi không muốn để tai nạn xảy ra ngay trước buổi họp báo quan trọng nhất trong lịch sử NASA”.
-
Chắc do lỗi kỹ thuật, nhà xuất bản đánh số đến chương 40 thì nhảy sang chương 43. Không thấy chương 41, 42.
Chương 43
Gabrielle Ashe cảm thấy mơ hồ lo lắng khi ngồi trong căn phòng ngột ngạt của Marjorie Tench. Bà ta có ý đồ gì đây? Ngồi sau chiếc bàn duy nhất trong phòng, Tench ngả người trên ghế, đầy vẻ khoan khoái trước sự lo lắng Gabrielle.
“Tôi hút thuốc có được không?” Bà ta hỏi, lấy từ trong bao ra một điếu thuốc nữa.
“Bà cứ tự nhiên”. Gabrielle nói dối.
Trước khi cô trả lời, bà ta đã châm xong điếu thuốc. “Trong chiến dịch tranh cử này, cô và ngài ứng cử viên của cô quan tâm đến NASA nhiều đấy nhỉ”.
“Đúng thế thật”. Gabrielle bốp chát, không thèm kiềm chế cơn giận dữ của mình. “Nhờ có một số lời khích lệ đầy sáng tạo. Tôi muốn được nghe lời giải thích”.
Tench bĩu môi, giả bộ ngây thơ. “Cô muốn biết vì sao tôi gửi thư điện tử và vạch đường cho cô tấn công NASA chứ gì?”
“Những thông tin bà gửi cho tôi rất bất lợi cho ngài Tổng thống”.
“Trước mắt thì quả vậy”.
Giọng nói đầy ẩn ý của Tench khiến cô thấy bất an. “Thế tức là sao?”
“Bình tĩnh nào Gabrielle. Những bức thư của tôi có gì ghê gớm lắm đâu. Trước những bức thư ấy rất lâu thì Thượng nghị sĩ Sexton cũng đã chống lại NASA rồi. Đơn giản tôi chỉ giúp ông ta làm rõ thông điệp của mình. Khẳng định chắc chắn quan điểm của ông ấy”.
“Khẳng định dứt khoát quan điểm của ông ấy ư?”
“Chính xác”. Bà ta cười, phô ra hàm răng vàng xỉn. “Phải thừa nhận là chiều nay, trên CNN ông ấy đã làm việc đó rất hiệu quả”.
Gabrielle nhớ lại phản ứng của Thượng nghị sĩ lúc bị bà ta hỏi dồn. Đúng vậy, tôi sẽ giải tán NASA. Bị dồn vào thế bí, ông đã tự tạo ra một đường thoát. Làm thế là đúng. Chẳng phải thế sao? Nhưng nhìn ánh mắt thoả mãn của Tench, Gabrielle cảm thấy vẫn còn chi tiết nào đó mà cô chưa biết hết.
Bất chợt bà ta đứng dậy, dáng người lòng khòng làm xấu cả căn phòng. Điếu thuốc vẫn vắt vẻo trên môi, bà ta đến bên chiếc két chìm trong tường, lấy ra một phong bì dầy cộm, quay lại bên chiếc ghế rồi ngồi xuống.
Gabrielle nhìn chiếc phong bì dầy cộp.
Bà ta cười mỉm, mân mê chiếc phong bì trong lòng tay như thế một người đang chơi bài poker đang nâng niu con át chủ bài. Búng búng mấy móng tay vàng xỉn vào mép phong bì, làm cho giấy tờ bên trong kêu sột soạt rất khó chịu, bà ta có vẻ rất thích thú thấy Gabrielle đang dè chừng mình.
Gabrielle biết mình đang thần hồn nát thần tính, nhưng thoạt đầu, cô kinh hãi nghĩ rằng trong phong bì có bằng chứng về buổi tối đầy ái ân với ngài Thượng nghị sĩ. Lố bịch, cô nghĩ thầm. Chuyện ấy diễn ra vào lúc rất khuya khoắt, và Sexton đã khóa trái cửa. Thêm nữa, nếu Nhà Trắng có bất kỳ bằng chứng nào, họ đã chẳng ngại ngần trưng ra trước bàn dân thiên hạ.
Có thể họ chỉ nghi ngờ thôi, Gabrielle nhủ thầm, nhưng chắc chắn không có bằng chứng.
Tench dụi tắt điếu thuốc lá. “Cô Ashe này, không biết cô có tự ý thức được điều này không, nhưng cô đang can dự vào một cuộc chiến âm ỷ ở Washington từ năm 1996 đến giờ đấy”.
Gabrielle không ngờ sẽ có đòn thí tốt này. “Bà vừa nói gì cơ?”
Tench châm một điều thuốc khác. Đôi môi mỏng quẹt và xám xịt uốn lượn: “Cô đã bao giờ nghe ai nhắc đến Dự luật Khuyến kích thương mại hóa vũ trụ chưa?”
Cô chưa bao giờ nghe nói tới. Gabrielle nhún vai, không hiểu.
“Thật à?” Tench nói. “Tôi ngạc nhiên đấy. Đặc biệt là khi ngài nghị sĩ của cô có cương lĩnh tranh cử như thế. Năm 1996, Thượng nghị sĩ Wanker đã soạn thảo dự luật này. Trong đó, ông ấy chứng minh rằng sau khi đưa được người lên Mặt trăng, NASA chẳng làm được gì đáng kể. Dự luật kêu gọi tư hữu hóa NASA bằng cách đem bán cơ quan này cho những công ty kinh doanh vũ trụ tư nhân áp dụng cơ chế thị trường để thám hiểm không gian hiệu quả hơn, nhờ đó cất bỏ gánh nặng NASA khỏi hầu bao những người đóng thuế”.
Gabrielle đã nghe nói rằng những người phản đối NASA đã đề nghị tư hữu hóa cơ quan này để giải quyết vấn đề, nhưng không ngờ đã có hẳn một dự luật chính thức về chuyện đó.
“Dự luật thương mại hóa này”, Tench nói tiếp “đã được trình lên nghị viện cả thảy bốn lần. Về đại thể thì nó cũng giống những dự luật đã hỗ trợ pháp lý thành công cho công cuộc tư hữu hóa những ngành công nghiệp của Chính phủ, ví dụ như sản xuất Uranium. Cả bốn lần, nghị viện đã thông qua. May mắn là lần nào Nhà Trắng cũng phủ quyết. Zach Herney đã hai lần phủ quyết dự luật này”.
“Còn quan điểm của bà?”
“Tôi cho rằng Thượng nghị sĩ Sexton chắc chắn sẽ ửng hộ dự luật này nếu ông ta trở thành Tổng thống. Tôi có lý do để tin rằng ngay khi vớ được cơ hội đầu tiên, ông ta sẽ bán ngay NASA cho các nhà thầu. Nói tóm lại, ngài ứng cử viên của cô sẽ chọn giải pháp tư hữu hóa NASA thay vì dùng tiền đóng thuế của người dân Mỹ để nuôi cơ quan này”.
“Theo tôi được biết thì ngài Thượng nghị sĩ chưa bao giờ công khai bày tỏ quan điểm của mình về Dự luật Khuyến khích thương mại hóa vũ trụ”.
“Đúng thế. Nhưng tìm hiểu kỹ đường lối chính trị của ông ấy thì tôi sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu ông ta làm điều đó”.
“Cơ chế thị trường tự do luôn góp phần làm tăng hiệu quả Trong nhiều trường hợp khác thì là thế”. Bà ta trừng mắt. “Buồn thay, tư hữu hóa NASA thì lại là một ý tưởng kinh tởm, và phải có lý do thì tất cả những đời Tổng thống từ năm 1996 đến giờ đều chống lại dự luật này”.
“Tôi đã nghe nhiều ý kiến chống lại tư hữu hóa ngành vũ trụ”, Gabrielle nói “và tôi hiểu những trăn trở của bà”.
“Thật thế à?” Tench nhoài hẳn người về phía Gabrielle “Cô đã nghe được lý lẽ gì của họ?”
Gabrielle ngọ ngoạy trên ghế một cách khó chịu: “Chủ yếu là những quan điểm của giới hàn lâm - thường gặp nhất là nếu tiến hành tư hữu hóa NASA thì cơ quan này sẽ nhanh chóng bị thương mại hóa và xa rời các mục tiêu khoa học thuần túy”.
“Đúng thế ngành khoa học vũ trụ sẽ bị bóp chết trong nháy mắt. Thay vì chi tiền cho các công trình nghiên cứu vũ trụ, các công ty kinh doanh vũ trụ sẽ vắt kiệt những tiểu hành tinh có khoáng chất, xây các khách sạn trong không gian cho khách du lịch, và cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhân tạo. Các công ty tư nhân việc gì phải mất công nghiên cứu về nguồn gốc của vũ trụ, trong khi điều đó có thể tiêu tốn của họ hàng tỷ đô la, đã thế lại còn chẳng mang lại lợi lộc gì”.
“Dỉ nhiên là thế”. Gabrielle phản bác. “Nhưng dĩ nhiên người ta sẽ thành lập quỹ nghiên cứu vũ trụ quốc gia để bảo trợ cho những công trình nghiên cứu mang tính học thuật”.
“Chúng ta đã có sẵn một hệ thống như thế. Tên nó là NASA”.
Gabrielle lặng im.
“Chuyện người ta từ bỏ khoa học cơ bản chạy theo lợi nhuận chỉ là khía cạnh nhỏ mà thôi”. Tench nói. “Điều đó thật quá bé nhỏ so với tình trạng hỗn loạn kinh khủng nếu cho phép khu vực kinh tế tư nhân được quyền thao túng. Chúng ta sẽ có cả một miền tây hoang dã trên bầu trời. Sẽ có người nhận Mặt trăng và các tiểu hành tinh là thuộc sở hữu của họ, rồi dùng vũ lực để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Nhiều công ty đã từng xin giấy phép để phóng lên quỹ đạo những bảng quảng cáo bằng đèn nê ông để đến khi đêm về, các tấm biển quảng cáo sẽ nhấp nháy đầy trời. Đã từng có những đơn xin cấp phép xây dựng các khách sạn vũ trụ và những tụ điểm du lịch với những độc chiêu như phóng ra ngoài vũ trụ và tạo thành những đống rác trong quỹ đạo. Nói thật nhé, hôm qua tôi còn được đọc dự án của một công ty định biến vũ trụ thành nghĩa trang bằng cách phóng xác chết vào quỹ đạo. Cô có chấp nhận được cảnh các vệ tinh của chúng ta đâm phải xác chết hay không? Tuần trước, một ông tỉ phú nài nỉ tôi cho phép kéo một tiểu hành tinh về gần trái đất để khai thác kim loại quý trên đó nữa cơ. Tôi đã phải nhắc ông ta nhớ rằng làm như thế rất rủi ro và có thể gây ra những thảm họa toàn cầu! Cô Ashe này, tôi xin cam đoan với cô, nếu dự luật này được thông qua, trong đội quân ô hợp những công ty lao vào vũ trụ sẽ không có các nhà khoa học tên lửa đâu. Đó sẽ chỉ là các nhà kinh doanh với những túi tiền kếch xù, nhưng đầu óc mông muội mà thôi”.
“Những lý lẽ rất thuyết phục”. Gabrielle đáp. “Và tôi đảm bảo Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc rất cẩn thận nếu ông ấy ở vị trí thông qua hay phủ quyết dự luật đó. Tôi xin hỏi tất cả những điều này thì liên quan gì đến cá nhân tôi đây?”
Tench nheo mắt nhìn điếu thuốc trên tay: “Rất nhiều người đang ao ước có cơ hội được kinh doanh trong vũ trụ và hiện đang ráo riết vận động hành lang để nhằm dỡ bỏ mọi rào cản. Quyền phủ quyết của Tổng thống là trở ngại duy nhất còn lại, cản trở ý đồ tư hữu hóa, cản trở tình trạng hỗn loạn kinh khủng trên vũ trụ”.
“Cho nên tôi đã cố vấn cho Zachary Herney phủ quyết dự luật ấy. Điều tôi e ngại là ngài ứng cử viên nhà cô sẽ chẳng cân nhắc tỷ mỉ được như thế đâu nếu như ông ta đắc cử”.
“Xin nhắc lại tôi tin rằng ngài Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề một cách tỉ mỉ nếu như ở vào vị trí phải xem xét đạo luật ấy”.
Trong Tench có vẻ không tin: “Cô có biết Thượng nghị sĩ Sexton đã chi bao nhiêu tiền để đánh bóng tên tuổi của ông ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không?”
Câu hỏi này chẳng hề ăn nhập với đề tài mà họ đang bàn bạc. “Những số liệu đó vẫn được công khai trước cử tri mà”.
“Mỗi tháng hơn ba triệu đô la đấy”.
Gabrielle nhún vai. “Khoảng chừng đó”. Con số đó gần đúng.
“Đó là một khoản tiền rất lớn”.
“Ngài Thượng nghị sĩ có rất nhiều tiền”.
“Đúng thế, ông ta giỏi vạch chiến lược. Hay đúng ra là đã chọn vợ một cách khôn ngoan”.
Tench dừng lại để nhả khói thuốc. “Chuyện về bà vợ ông ta, bà Catherinee, buồn thật. Cái chết của bà ấy quả là đau đớn đối với ông ta”. Tiếp sau câu nói ấy là tiếng thở dài rất kịch, rõ ràng là giả dối. “Mà bà ấy chết đã được lâu đâu, phải không nhỉ?”
“Bà đi thẳng vào vấn đề đi, không thì tôi về đây”.
Bà ta ho như rút phổi, rồi với tay lấy chiếc phong bì dầy cộp. Sau đó lôi ra tập tài liệu kẹp ghim và đưa ra cho Gabrielle. “Số liệu tài chính của Sexton đấy”.
Gabrielle xem tập tài liệu, đầy kinh ngạc. Những con số này liên quan đến mấy năm gần đây. Dù Gabrielle không biết gì nhiều về chuyện tiền nong của ngài Thượng nghị sĩ, cô vẫn linh cảm được đây là những dữ liệu xác thực - những tài khoản ngân hàng, những khoản tín dụng, những khoản cho vay, lợi tức cố phiếu, bất động sản, các khoản nợ, những thắng lợi và thua thiệt về tài chính. “Đây là những dữ liệu cá nhân. Làm sao bà có được?”
“Chuyện đó cô không cần biết. Nhưng nếu cô xem kỹ những con số này, cô sẽ biết ngay những đồng đô la mà ông ấy đang chi tiêu là tiền gì. Sau khi Catherinee qua đời. Ông ấy đã tiêu tán gần hết những gì bà ấy để lại vào những khoản đầu tư dại dột, những hưởng thụ cá nhân, và dùng tiền để đổi lấy chút ít vinh quang trong những chặng đầu tiên của chiến dịch tranh cử, và cách đây sáu tháng, ngài ứng cử viên nhà cô đã khánh kiệt”.
Trực giác mách bảo Gabrielle rằng đây là sự thật. Nhưng nếu Sexton đã khánh kiệt thì ông ấy không thể chi tiêu kiểu đó. Tuần nào ông ấy cũng thuê thêm những chỗ rất đẹp để quảng cáo cho mình.
“Ngài ứng cử viên nhà cô” Tench lại nói tiếp “đang tiêu nhiều tiền hơn Tổng thống những bốn lần, y thế mà lại chẳng còn lấy một xu tiền riêng”.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều khoản hiến tặng”.
“Đúng thế, và cũng có vài khoản hợp pháp đấy”.
Gabrielle ngẩng phắt lên: “Bà vừa nói cái gì cơ?” Tench nhoài hẳn người qua bàn, và cô ngửi thấy cả mùi nicôtin trong hơi thở của bà ta. “Gabrielle Ashe này, tôi sẽ hỏi cô một câu, và tôi khuyên cô nghĩ cho thật kỹ rồi hẵng trả lời. Lời cô nói ra sẽ quyết định liệu cô có phải ngồi tù vài năm hay không. Tôi hỏi cô, Thượng nghị sĩ Sexton đang nhận những khoản tiền hiến tặng bất hợp pháp khổng lồ từ những công ty đang muốn làm ăn trên vũ trụ, những công ty sẽ hái ra tiền một khi NASA được đem ra tư hữu hóa, điều đó cô có biết hay không?”
Gabrielle trừng mắt: “Một lời buộc tội ngớ ngẩn!”
“Tức là cô không hề biết chứ gì?”
“Tôi tin rằng nếu ngài Thượng nghị sĩ nhận những khoản tiền lớn đến như vậy thì tôi phải biết chứ”.
Tench mỉm cười lạnh lẽo. “Gabrielle, tôi hiểu rằng Thượng nghị sĩ Sexton đã chia sẻ với cô nhiều thứ, nhưng tôi cam đoan rằng có rất nhiều điều cô chưa hề biết về con người này đâu”.
Gabrielle đứng dậy.
“Cuộc gặp đến đây là kết thúc”.
“Ngược lại thì đúng hơn”. Bà ta nói, tay lấy những tập tài liệu còn lại trong phong bì ra và trải đầy bàn. “Cuộc gặp bây giờ mới bắt đầu”.
-
Chương 44
Trong bán sinh quyển, tại “phòng chuẩn bị”, Rachel Sexton khoác lên người bộ quần áo bảo hộ vi khí hậu Mark IX của NASA, chợt thấy mình cũng giống phi hành gia. Bộ áo liền quần có mũ màu đen này giống hệt bộ đồ lặn bơm hơi. Bộ đồ gồm hai lớp vải không ngấm nước với những đường rãnh để bơm một loại gel đặc vào trong, giúp người mặc điều hòa thân nhiệt trong cả môi trường nóng lẫn môi trường lạnh.
Lúc này, đang đội chiếc mũ may rất khít trên đầu, Gabrielle chợt nhìn thấy ông Giám đốc NASA ông ta lặng lẽ đứng cạnh cửa ra vào, chả khác gì một anh lính gác, rõ ràng là không thoải mái khi phải để cho họ tiến hành điệp vụ nho nhỏ này.
Norah Mangor vừa giúp mọi người mặc quần áo bảo vệ vừa lầm bầm rủa xả. “Đây có một bộ vừa to vừa ngắn này”. Chị ta nói, tay liệng cho Corky.
Tolland cũng đang mặc bộ quần áo bảo hộ.
Rachel vừa kéo phéc mơ tuya lên xong, Norah tìm cái khóa vòi bên mạng sườn Rachel và lắp vào một ống chất lỏng nối với chiếc hộp nhỏ trông giống bình khí nén của thợ lặn.
“Hít vào đi”. Norah bảo cô, tay mở van.
Rachel nghe một tiếng xì và cảm thấy chất gel đang được bơm vào bộ quần áo. Bộ quần áo nở phồng ra, áp chặt quanh cơ thể cô, khiến cho bộ quần áo vải bên trong dính chặt vào người. Có cảm giác giống như giơ bàn tay có đeo găng cao su dưới vòi nước chảy, chiếc mũ trùm đầu cũng phồng lên ốp chặt vào tai, làm cho mọi âm thanh đều thành ra lùng bùng. Chẳng khác gì cái kén.
“Ưu điểm của loại quần áo này”, Norah nói “chính là lớp đệm. Có ngã cũng chẳng sợ đau”.
Đúng thế thật. Rachel cảm tưởng như được cuốn trong một lớp thảm dầy.
Norah đưa cho Rachel một lô dụng cụ - nào rìu đá, dây và khóa dây, súng bắn pháo sáng – rồi lần lượt giúp cô cài từng thứ một vào thắt lưng.
“Nhiều thế này cơ à?” Rachel hỏi. “Chỉ ra ngoài có hai trăm mét thôi mà”.
Norah nhíu mày: “Cô có đi hay không nào?”
Tolland gật đầu nhìn Rachel động viên: “Cô ấy chỉ cẩn thận một chút thôi mà”.
Corky gài khóa van vào bình chất lỏng và tự bơm phồng bộ quần áo của mình, mặt đầy vẻ khoái trá: “Cảm tưởng như tôi đang đeo bao cao su loại cực đại”.
Norah rên lên, làm ra vẻ trịnh thượng: “Chỉ được cái phét lác, trai tân như anh biết cái gì mà cũng làm ra vẻ?”
Tolland ngồi xuống cạnh Rachel ông khẽ mỉm cười nhìn Rachel đi giầy, rồi cài bộ đế đinh vào. “Cô có thật sự muốn đi không?” Rachel nhận thấy ánh mắt ông đằy vẻ che chở.
Rachel gật đầu ra vẻ tự tin, cố che giấu nỗi lo lắng đang tăng dần lên trong lòng. Chỉ hai trăm mét thôi... có gì đáng ngại đâu. “Anh thì lại thích đại dương phải không?”
Tolland cười thành tiếng, vừa đi giầy vừa nói: “Nhưng tôi vừa nhận ra là nước ở dạng lỏng thì đáng yêu hơn ở dạng rắn nhiều”.
“Tôi chưa bao giờ thích nước, bất kể là dạng nào”. Rachel nói. “Hồi bé, có lần tôi đi trượt băng và ngã lộn cổ xuống hồ. Từ đó trở đi lúc nào tôi cũng sợ nước”.
Tolland nhìn cô, vẻ cảm thông: “Tôi rất lấy làm tiếc. Khi nào xong việc ở đây, cô hãy lên tàu Goya chơi một chuyến. Tôi sẽ khiến cô nghĩ về nước khác đi. Thật đấy”.
Lời mời khiến cô ngạc nhiên. Goya là con tàu nghiên cứu của Tolland, nổi tiếng vừa vì vai trò của nó đối với chương trình Đại dương kỳ thú, vừa vì hình dạng bên ngoài của nó rất lạ lùng. Rachel không thích lên con tàu đó, nhưng thật khó chối từ.
“Lúc này, tàu của tôi đang thả neo cách bờ biển New Jersey mười hai dặm”. Tolland vừa nói vừa hì hục cài bộ đinh để giầy.
“Ở đó chắc chẳng có gì đáng chú ý”.
“Sai rồi! Thềm lục địa Atlantique là một nơi vô cùng kỳ thú. Chúng tôi đang chuẩn bị quay bộ phim tài liệu thì bị Tổng thống tóm được rồi lôi xềnh xệch đến đây”.
Rachel cười lớn. “Phim tài liệu về cái gì?”
“Sphyma mokarran”.
Rachel nhíu mày: “Nghe lạ tai quá”.
Tolland đã gắn xong bộ đinh đế giầy và ngước nhìn lên. “Thật đấy chúng tôi sẽ làm phim trong khoảng hai tuần. Từ Washington đến bờ biển Jersey đâu có xa xôi gì lắm. Khi nào rỗi hãy đến chỗ tôi chơi. Không lý gì lại sợ nước suốt đời. Thủy thủ đoàn của tôi sẽ trải thảm đỏ chào đón cô”.
Norah Mangor nói lóe xóe: “Hai người có đi không đây? Hay để tôi mang nến và rượu sâm panh đến phục vụ?”