-
Không có tài nào Kim có thể hiểu được tại sao dạo này Nguyên không còn vồn vã vui tươi mỗi lúc gặp nàng nữa. Cái mặt ấy cứ lầm lầm lì lì thật khó hiểu. Ðã vậy, Nguyên ngày càng học kém đi. Nguyên đang có chuyện gì buồn chăng? Với tư cách là một lớp trưởng, Kim đã hỏi Quân:
- Quân nè, Nguyên đang có chuyện gì buồn phải không? Sao mấy hôm nay trông bạn ấy đờ đẫn như bị ai hớp hồn!
- Ai biết được.
- Bạn thân mà không biết thì ai biết?
- Nguyên buồn chứ có phải tui buồn đâu mà tui biết?
- Ðùa hoài. Người ta hỏi thật chứ bộ!
Quân dò xét:
- Bạn hỏi thăm Nguyên vì lý do gì?
- Ồ! Hỏi gì lạ vậy? Bộ bạn bè với nhau không được quan tâm nhau à?
- Thì ai mà không biết là bạn bè?
- Quân nói gì mà Kim không hiểu?
- Có gì đâu mà không hiểu! Tui hỏi thật nghen...
Kim sốt sắng:
- Hỏi đi!
- Thôi, không dám đâu!
- Cứ hỏi đi!
- Tui hỏi rồi thì Kim đừng có giận tui nghen!
Kim giục:
- Ai biết gì đâu mà giận. Thì cứ hỏi đi!
Quân đã uốn lưỡi bảy lần trước khi thỏ thẻ:
- Kim có thương Nguyên không?
- Trời đất! Lại đùa nữa rồi!
Nói xong, nàng quay lưng bước đi một mạch. Quân đứng ngẩn tò te.
Chỉ có Quân mới biết được tâm trạng buồn bã của bạn mình mà thôi. Biết vậy thì hắn đã không kể lại chuyện thằng Kỳ râu đã đến nhà của Kim. Chao ơi! Thằng Nguyên sao mà nhẹ dạ cả tin như vậy? Chưa chi mà hắn đã rầu rĩ như người thất trận thì còn làm ăn gì được nữa? Trong khi đó, Kim vẵn không hề biết được nguyên nhân nào đã làm Nguyên thẫn thờ đến vậy. Nàng vẫn hồn nhiên kể với anh:
- Nguyên biết không? Kỳ coi vậy mà giỏi lắm nghen! Cái gì Kỳ cũng làm được hết!
Càng nghe lời của nàng khen “tình địch” mình như vậy thì lòng anh như xát muối. Vậy là Kim đã thương Kỳ râu rồi chăng? Con gái tệ thật. Có người mới nới người cũ. Từ đó, mọi hành động của Kỳ râu cũng đều được Nguyên chăm chú theo dõi. Anh quyết tâm làm thám tử để điều tra cho ra sự thật. Chỉ sự thật mới giải tỏ được nỗi lòng của anh mà thôi.
Ðêm nay cũng giống hệt cái đêm đầu tiên mà Nguyên đã leo vào nhà Kim để gửi lá thư tình trên dò phong lan. Ðêm nay, cũng có những ánh sao lẻ loi trên nền trời xanh biếc. Nguyên đứng nép vào hàng rào và nhìn chăm chú vào phòng của Kim. Trong đó có tiếng nói của thằng Kỳ râu vọng ra. Tiếng cười nói ồn ào càng làm anh điên tiết. Vậy thì còn gì để mà thương với nhớ? Rõ ràng là nàng đã quên anh rồi. Nàng đã thương Kỳ râu rồi. Nguyên đứng nép người mặc cho lũ muỗi ùa đến tấn công. Chân tay anh ngứa ngáy nhưng anh cố cắng răng chịu đựng. Làm thám tử tài ba thì phải biết xem thường lũ muỗi mòng này. Mặc dù miệng đang thèm thuốc nhưng anh cũng cố gắng chịu đựng. Giây phút này quan trọng và thiêng liêng biết chừng nào?
Công lao của anh không đến nỗi phải đổ sông đổ biển. Chẳng mấy chốc Kỳ râu thong dong bước về. Ðáng ghét nhất là l.ai có cả Kim đưa tiễn ra đầu ngõ nữa chứ. Anh còn nghe cả hơi thở và giọng nói dịu dàng của nàng:
- Bạn về nghen. Mai mốt ghé lại nhà chơi!
Chà! Lại còn hẹn hò nữa chứ. Nghe mà muốn ngứa cả lỗ tai.
- Vâng, chúc bạn ngủ ngon.
Lời nói của Kỳ râu tình tứ quá chứ còn gì nữa! Anh nép sát người để kẻ “tình địch” không phát hiện ra mình. Kỳ râu hoàn toàn không hay biết. Hắn thong dong bước đi. Quái lạ, trên vai của hắn lại có vác thêm một cái gì nữa chứ! Hay là hắn mượn sách vở của nàng. Chao ôi! Kim thương hắn đến vậy sao? Những sách vở của nàng đã được hắn bỏ vào bao bố để vác về nhà?
Khi Kỳ râu bước qua khỏi mặt Nguyên thì anh quyết định ra tay. Phải trừng trị thằng Kỳ râu thôi. Kỳ râu hoàn toàn không hay biết có một kẻ đang đâm lén. Và cái bao vác lặc lè trên vai. Lúc đó Nguyên co chân lại, anh nhảy song phi lên khỏi mặt đất. Cả bàn chân tung ra để đạp thẳng vào lưng đối thủ. Ðòn trời giáng ấy đã làm Kỳ râu bất ngờ ngã chúi xuống đất. Cái bao ấy đã tung ra chỗ khác, hắn lồm cồm ngồi dậy. Hắn quát:
- Thằng nào? Thằng nào đánh lén tao?
Nghe tiếng quát hùng hổ của Kỳ râu, chàng thám tử bỗng nhiên bủn rủn tay chân. Nguyên cảm thấy hối hận ghê gớm. Ðánh lén sau lưng kẻ thù là một điều hèn hạ. Huống hồ gì là đánh lén sau lưng bạn bè. Bao nhiêu bực bội, bực tức, bực mình về “tình địch” bỗng nhiên tiêu tan đâu hết, chỉ còn lại một nỗi hối hận và cảm giác như mình đang có lỗi. Nguyên vội lên tiếng:
- Tao đây! Nguyên đây!
Kỳ râu ngất nga ngất ngưỡng như xã trưởng mất vía:
- Ủa? Mày à? Mày đó hả Nguyên?
- Ừ! Tao đây!
Bóng trăng chiếu lờ mờ cũng đủ cho đôi bạn nhận diện ra nhau.
- Tao có làm gì đâu mà mày đánh tao?
Nguyên lúng búng như ngậm hột thị, anh không thể trả lời câu hỏi đó được. Kỳ râu lại hỏi:
- Mày đánh đau quá! Tại sao vậy?
Anh đánh trống lảng:
- Tại mày vác cái bao gì lớn quá! Tao đâu có nhận ra mày. Tao tưởng ăn trộm chứ!
- Ăn trộm cái con khỉ mốc. Mày lại đây xem cái bao này này...
Thì ra, trời đất ơi! Trong cái bao đó không hề có quyển sách, quyển vở nào đâu, mà chỉ toàn là những cái ghế nhỏ bị gẫy chân.
- Ghế đâu dữ vậy Kỳ râu? Kim cho mày à?
- Cho cái gì? Tao đem về đóng cho má của Kim để ăn tiền công!
Nguyên chợt nhớ đến má Kim, má của nàng bán xôi chè ở ngoài chợ. Ðây là những cái ghế bán hàng của bà. Vậy là oan cho Kỳ râu rồi. Nhưng anh thắc mắc:
- Không lẽ mày cũng biết làm nghề thợ mộc nữa à?
- Sao không biết? Không biết mà tao dám nhận những ghế hư, ghế gãy này về đóng à?
- Mày học nghề thợ mộc hồi nào vậy?
- Bí mật! Mày đánh tao đau quá trời! Thôi về Nguyên ơi!
Nguyên bước đi thì Kỳ râu gọi lại:
- Nè Nguyên! Lần này thì mày vác cái bao cho tao chứ? Tại bị mày đánh đau lưng quá. Tao vác không nổi.
- Ừ, tao sẽ vác cho mày.
Lưng dài của cậu học trò lâu nay chỉ ăn no lại nằm, chứ đâu có vác nặng bao giờ, do đó, Nguyên có cảm tưởng mình đang vác một tảng đá nặng. Vai anh đau buốt.
Anh không dám mở miệng than van một lời nào cả. Trong khi đó Kỳ râu đi thong dong và trên môi nở một nụ cười mãn nguyện. Khi đi đến quán cà phê Tam Muội, Kỳ râu mới nói:
- Thôi, tao hết mệt rồi, bọn mình vào quán cà phê giải khát đi!
- Mày có tiền không?
Hắn cười khanh khách:
- Tiền thì tao thiếu gì? Bộ mày không tin à?
Hắn vội móc túi ra, Nguyên suýt lé mắt khi thấy những tờ giấy bạc mới toanh. Làm gì mà hắn có tiền nhiều quá vậy? Không lẽ hắn đi ăn trộm à? Do đó, sau khi hớp một ngụm cà phê đắng như thuốc độc thì anh hỏi ngay:
- Nè Kỳ! Mày làm gì mà có nhiều tiền quá vậy?
Hắn hãnh diện trả lời:
- Bạch sư phụ cho tao!
- Ủa! Ông Tám điếc làm gì mà cho mày?
- Mày mới biết một chứ không biết mười. Không phải ông Tám cho tao tiền, mà đúng ra là ông Tám cho tao một cái nghề. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Ông Tám đã nhận tao làm đệ tử, ông không truyền cho tao nghề võ mà dạy tao học nghề thợ mộc.
Nguyên hớp thêm một ngụm cà phê:
- À! Thì ra là vậy. Sướng quá hén!
Kỳ râu phổng lỗ mũi:
- Sao không sướng? Bạch sư phụ của tao nói rằng, tao không được học chữ nữa thì kiếm một nghề mà nuôi thân. Chẳng có nghề nào xấu cả, chỉ có người xấu mà thôi.
- Chà! Số mày hên thật! Ông Tám tốt thật!
Bỗng dưng Kỳ râu buồn xo:
- Nói vậy thôi chứ tao buồn lắm Nguyên ơi!
- Mày buồn cái gì? Có nghề có tiền là sướng rồi.
Kỳ râu đam chiêu:
- Có tiền đâu phải là sướng. Tao nhớ trường nhớ lớp quá! Tao dự định sang năm nộp đơn xin học lại quá! Ông Tám cũng khuyên tao như vậy.
- Còn ba mẹ mày thì có ý kiến gì không?
Kỳ râu đáp:
- Ba tao đánh cho tao một trận đòn mà bây giờ mông của tao vẫn còn đầy vết lằn roi nè!
- Chẳng lẽ ba mày chỉ đánh đòn mày thôi à?
- Ðâu có! Ba tao vừa đánh vừa nói nhiều lắm. Tao đâu có nhớ hết. Tao chỉ nhớ đại khái là sống ở trên đời này phải có chữ nghĩa. Người có chữ nghĩa là người biết cư xử với nhau, biết sống theo cái thiện và xa lánh điều ác! Ba tao nói nhiều lắm mà tao quên hết rồi!
- Sao khi đó mày không ghi lại?
Kỳ râu gắt:
- Mày hỏi gì mà ngu quá vậy? Khi đó tao đau quắn đít mà còn sức đâu mà ghi với chép?
- Ờ nhỉ!
Ðêm về khuya dần, đường phố vắng xe hơn. Không gian như rộng rãi và thoáng mát hẳn ra. Gió thổi hiu hiu. Nguyên chớp mắt:
- Thôi về nhà đi Kỳ ơi!
- Về làm gì mà sớm vậy?
Anh đáp:
- Tao buồn ngủ rồi!
Kỳ râu chợ chép miệng:
- Mày sướng thật!
- Ði về nhà ngủ thì có gì đâu mà sướng?
- Thôi mày về trước đi. Tao còn qua nhà ông Tám để làm việc. Phải tranh thủ có điện để làm hàng đúng hẹn giao cho người ta. Chứ ngày mai cúp điện là hỏng việc hết.
Nguyên hỏi lại một câu ngớ ngẩn:
- Vậy là mày phải thức khuya luôn à?
- Ừ, phải thức khuya chứ làm cách nào hơn. Thức khuya riết rồi nó quen mắt mày ơi!
Có thật vậy không? Nguyên cảm thấy thương Kỳ râu phải thức khuya mà làm việc. Còn anh, anh đi học về là đã có mẹ dọn sẵn cơm. Chỉ có ăn với học mà thôi. Thế mà học cũng không nên thân. Bất chợt, anh cảm thấy hối hận khi so sánh với Kỳ râu. Nhưng Kỳ râu cắt ngang dòng suy tư của anh:
- Nè, Nguyên nhớ lại hồi đi học, tao thấy sướng quá! Tao ước gì được đi học như mày quá Nguyên ơi!
Nghe câu đó, lòng anh chợt cảm động, anh an ủi bạn mình:
- Thôi đừng buồn làm gì Kỳ ơi! Sang năm mày nộp đơn vào học cũng được. Trễ có một năm mà sợ gì. Khi đó bọn tao sẽ kèm cho mày những môn mà mày điểm kém.
- Thật không?
- Sao không thật. Ðứa nào nói xạo là đứa đó thi rớt đại học.
- Ừ, mày nhớ nhé. Mày phải ngoéo tay tao thì tao mới tin.
- Ðược thôi.
Thế là hai người bạn cùng đưa ra ngón tay trỏ, hai ngón tay ấy được ngoéo vào với nhau. Kỳ râu nói:
- Ô kê! Cám ơn mày. Thôi chia tay nghen.
- Ừ, còn cái bao này thì mày vác về nghen.
Kỳ râu gật đầu. Sau khi Nguyên bước đi khỏi thì hắn cúi xuống vác cái bao bố đặt lên vai và đi thoăn thoắt về nhà ông Tám. Trong tâm hồn hắn đã rộn ràng những niềm vui vì đêm nay có điện để làm hàng giao cho khách đúng hẹn. Vừa đi hắn vừa suy nghĩ lan man. Chẳng mấy chốc đến nhà ông Tám. Hắn vội đặt cái bao xuống nền nhà rồi vội bước ra khỏi ngõ.
Hắn đi đâu nữa đây? Ông Tám gọi theo:
- Ði đâu vậy Kỳ? Giờ này khuya rồi mà cháu còn đi đâu nữa!
- Dạ, con ra ngoài này một chút rồi về ngay. Con về ngay Bạch sư phụ ơi!
Nói xong là hắn đã co chân chạy tuốt... Ông Tám lo lắng, vì ba mẹ của Kỳ râu đã giao cho ông Tám dạy hắn học nghề thợ mộc này. Do đó, hắn đi đâu và làm gì thì ông Tám cũng phải quản lý hắn. Vậy đêm nay Kỳ râu đi đâu vậy? Hắn làm việc gì mà không minh bạch chút nào. Khuya rồi hắn còn đi đâu? Ông Tám ngồi trên chiếc võng thở dài...
-
Khi ánh nắng mặt trời chiếu rạng rỡ vào căn phòng của bệnh viện thì mọi người cũng vừa thức dậy. Họ hít thở một cách thong thả để xua đuổi hết những buồn bực, đau đớn trong thể xác mình. Có điều, chị Hồng bí thư không thể nào lý giải được điều mà sáng nay chị ta thắc mắc. Ðêm hôm qua, có ai đó đã đến thăm chị một cách bí mật. Hắn ta chỉ để lại ở chiếc bàn trên đầu giường chị một gói nho, một bịch cam tươi rồi lặng lẽ ra về. Khi đó, chị đã ngủ say nên không thể biết được người đến thăm đột ngột đó là ai cả.
Trong lúc chị Hồng nâng niu những món quà trên tay với tất cả những thắc mắc, thì cũng là lúc thằng Kỳ râu đang ngủ vùi trong mộng mị. Ðêm qua, phải thức đến bốn giờ sáng để làm việc nên sáng nay hai con mắt của hắn nặng như treo đá. Hắn ngủ say sưa. Hắn ngủ ngon lành. Và khi nằm ngủ thì tất cả những đứa trẻ trên trần gian này đều hóa thành thiên thần. Hỡi ôi! Thiên thần Kỳ râu đang thấy mình mặc áo mới đang tung tăng chân sáo đến trường. Mồm hắn huýt sáo vang. Và lồng ngực hắn rộn ràng một niềm vui mới tinh khôi như lần đầu tiên trong trang vở có một điểm mười đỏ chói. Hắn thấy chị Hồng mỉm cười với hắn một cách đầy độ lượng, chứ không đằng đằng sát khi như hôm nào hắn bị đuổi học. Chao ơi! Những giấc mơ của trẻ thơ chính là cõi thiên đường mà loài người đã đánh mất. Hãy ngủ ngoan Kỳ râu ơi!
Một ngày mới đã bắt đầu. Các cô cậu học sinh 12A2 bắt đầu lục tục kéo nhau đến trường. Sáng nay, họ đến trường với những niềm vui bâng quơ từ đâu đó vọng về. Bởi vì sắp đến Tết. Nửa năm học đã trôi qua với kỳ thi học kỳ một đầy cam go. Và cũng đầy kỷ niệm. Với Nguyên, đó là những kỷ niệm với Kim - mặc dù giữa anh và Kim chưa hề có một “hẹn ước” nào cả. Vậy cũng hay! Ấy mới chính là tình yêu của lứa tuổi học trò chưa hề pha mùi thực dụng. Ðứng trên bục giảng, cô giáo Hạnh Tần như duyên dáng hơn trong tà áo dài của màu vàng hoa cúc. Bàn tay trắng trẻo của cô giáo bắt đầu ghi trên bản đen bài học mới. Vừa ghi chép thằng Quân vừa quay sang hỏi Nguyên.
- Tao đố mày là Tết năm nay, cô giáo có về Hà Nội ăn tết không?
- Chắc là không quá!
- Tại sao?
Nguyên đáp quả quyết:
- Vì cô giáo chưa có người yêu. Khi chưa có người yêu thì ngày Tết không nhất thiết người ta phải về quê. Thông thường, người ta chỉ về quê thăm người yêu hơn là vì... ăn Tết!
- Sao mày biết cô giáo chưa có “bồ”?
Nguyên cười khì khì:
- Tao là thằng thông minh nên tao biết được điều đó. Nếu cô giáo đã có người yêu thì cô giáo phải trang điểm má phấn môi son, nhưng mày thấy đấy, có bao giờ cô giáo Hạnh Tần tô môi son đâu!
- Mày nói dở ẹc! Người yêu của cô giáo ở tận Hà Nội thì ở đây cô giáo trang điểm để làm gì?
Nguyên đánh trống lảng:
- Tại người yêu của cô giáo không mê thơ của ông Xuân Diệu, “lão” người yêu của cô giáo quên rằng trong tình yêu sự thần giao cách cảm rất “ép phê”, lão chỉ cần đọc hai câu thơ của Xuân Diệu ở ngoài Hà Nội thì ở đây cô giáo sẽ trang điểm ngay!
Quân ngớ người:
- Nè, Nguyên mày có ngủ mê hay không mà nói năng gì mê sảng vậy.
- Ðâu có! Hai câu thơ Xuân Diệu như thế này “Em ơi chớ phụ duyên trời đất. Trang điểm vì ta chỉ một lần”. Hay không?
- Chà! Hay quá chừng!
Vừa trò chuyện, hai cậu học trò vừa chép. Nhưng tâm hồn họ đang rong chơi với hương vị của ngày Tết đang ùa về chật cả lồng ngực. Có lẽ, đây là buổi học cuối năm. Cô giáo dường như cũng lười giảng bài. Cô đứng nhìn lơ đễnh ra ngoài khung cửa lớp. Ngoài đó, mây trắng đang bay và chim đang hót. Quay vào lớp, ánh mắt Hạnh Tần nhìn dịu dàng vào lũ học trò và hỏi:
- Em nào có nhớ bài thơ “Ông Ðồ” của nhà thơ Vũ Ðình Liên không?
Cả lớp ồn ào hẳn lên. Bài thơ nào vậy nhỉ? Dường như bài thơ ấy không có trong chương trình giảng văn của lớp mười hai. Do đó, không cậu học trò nào biết cả. Thấy không có một cánh tay nào đưa lên, cô giáo thất vọng:
- Bài thơ đó hay lắm. Không có em nào nhớ sao?
Cả lớp ngoan ngoãn đáp:
- Thưa cô, bài thơ đó chúng em không biết ạ!
Cô giáo vòng tay lại, ánh mắt nhìn ra ngoài cửa lớp một cách mơ màng và khẽ đọc. cả lớp im lặng. Lũ học trò chưa cảm nhận đực hết cái hay của bài thơ, nhưng giọng Hà Nội của cô giáo đã quyến rũ họ. Ðã đưa họ về khoảng thời gian xa xưa. Họ loáng thoáng tưởng tượng về không khí của ngày Tết miền Bắc với mưa bụi rất mỏng, với nắng mơn trớn như tơ lụa... Bài thơ chấm dứt, đột ngột Kim đứng lên:
- Thưa cô, bài thơ này hay quá. Chúng em đề nghị cô đọc lại cho chúng em chép làm kỷ niệm ạ!
Cả lớp tán thưởng đề nghị đó.
- Ðúng đó cô! Ðề nghị cô đọc lại ạ!
Hạnh Tần dịu dàng nói:
- Bài thơ này không nằm trong chương trình giảng dạy, không nằm trong giáo án. Trong tiết học này chưa cho phép cô làm điều đó. Các em thông cảm cho cô.
Nói chậm rãi và ngọt ngào như thế nhưng Kim vẫn nghe được giọng của cô giáo buồn xo. Nỗi buồn đó, lũ học trò ngây thơ sẽ không chia sẻ được. Giáo án là pháp lệnh, là bất di bất dịch mà người đứng lớp không thể nói thêm hoặc nói thiếu khi giảng bài. Quy định khắc nghiệt ấy đã buộc thầy cô giáo biến thành một máy “phát ngôn” trước môn đệ hơn là phát ra tiếng nói từ sâu thẳm của tâm hồn. Nó sẽ làm trái tim thầy cô giáo xơ cứng theo năm tháng.
Không khí của lớp học trở nên sâu lắng. Phải chăng nhờ vào sự tắm gội của thi tứ bài thơ vọng đến? Nhưng rồi cảm xúc vời vợi ấy cũng tắt dần. Hạnh Tần trở lại với giáo án đang bày sẵn trên bàn. Bắt đầu một tiết học mới của những ngày cuối năm, của một ngày sắp Tết. Nguyên quay sang nói với Quân:
- Nè Quân! Còn một tháng nữa là đến Tết mày ơi!
Tết là niềm vui muôn đời của trẻ thơ. Nguyên gật gù:
- Tao thèm được nghỉ học quá.
Quân cười hì hì:
- Mày cứ nghỉ đi chứ ai cấm đâu! Nè ngày mồng một Tết bọn mình lên nhà Kim nghen?
Nguyên không trả lời. Tâm hồn anh ấm áp như nỗi nhớ của cô giáo Hạnh Tần đang hoài niệm về Hà Nội mưa bụi. Những cái Tết trong trí nhớ. Những hoài niệm về tuổi thơ. Và một mối tình đầu. Tất cả đã chia lìa. Ðổ nát. Ngoài trời, những con chim bay vu vơ và thả lại giữa trời dăm ba tiếng hót. Cô giáo bỗng nói:
- Trưa nay, sau khi tan học em Nguyên đến nhà cô nhé! Cô có chuyện cần nhờ đến em.
- Dạ.
Tiếng “dạ” nhỏ nhẹ của Nguyên còn ấm trong lồng ngực, trong cổ họng. Ðiều sung sướng nhất của tất cả cậu học trò là được cô giáo nhờ đến một chuyện gì đó. Có thể, lúc tan trường được cô giáo nhờ mang bài tập về nhà để chấm điểm – thì tâm hồn của họ cũng rộn ràng những niềm vui. Chao ơi! Những quyển tập của bạn bè bây giờ đang nằm trong tay, dù có hơi nặng một chút, nhưng cũng không sao, họ lẽo đẽo đi sau cô giáo với một vẻ mặt hớn hở. Họ nghĩ rằng, đâu phải bất cứ ai cũng được cô giáo nhờ vả đâu. Cô giáo “chọn mặt gửi vàng” thì mình phải làm sao đó cô giáo mới nhờ chứ! Ðó là điều hãnh diện mà tất cả cậu học trò điều mơ ước trong suốt tháng năm đi học của mình.
Khi nghe cô giáo Hạnh Tần nói vậy với Nguyên, thằng Quân vội vàng “nịnh” anh ngay:
- Nguyên nè! Chút xíu nữa tao về chung với mày nghen!
- Không được. Tao còn lên nhà cô giáo nữa mà Quân.
Quân năn nỉ:
- Mày lên nhà của cô Tần thì mày cho tao đi theo với nghen. Chưa bao giờ tao lên nhà của cô cả!
Ðối với Nguyên cũng vậy. Anh biết nhà cô nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng chưa bao giờ anh dám bén mảng vào cả. Nỗi sợ hãi vu vơ đã khiến những cậu học trò mỗi lần đi ngang qua nhà thầy cô giáo là họ co chân bước thật nhanh. Họ không dám ngoái đầu vào nhìn. Mắt họ nhìn thẳng phía trước. Chân bước nhịp nhàng. Và trái tim trong ngực đập nhịp mạnh hơn thường ngày. Họ sợ ánh mắt nghiêm nghị của thầy cô đang săm soi vào từng bước chân, vào từng dáng điệu của họ. Cứ thế, họ lại bước đi thật nhanh. Rồi sáng mai, khi gặp bạn bè, họ lại dũng cảm kể lại rằng: Chiều qua, khi tình cờ đi ngang nhà thầy cô, cô giáo đã gọi vào nhà chuyện trò. Trà của cô giáo thơm ngát mũi mà không có một mùi thơm nào có thể so sánh nổi. Lũ bạn sẽ phục lăn ra và hỏi dồn dập: Nhà cô giáo rộng không? Sách vở cô giáo nhiều không? Cô giáo có hỏi gì về tao không? Họ sẽ hãnh diện trả lời nhăng cuội, làm như mình quen thân với cô giáo ghê lắm. Bây giờ, tâm trạng của Nguyên cũng vậy. Trong lòng anh tràn ngập niềm vui sướng.
Sau khi tan trường. Nguyên và Quân lẽo đẽo đi sau lưng cô giáo. Và tâm hồn của họ cũng hồi hộp không kém như những lần đi sau lưng Kim. Chỉ khác chăng là với Kim, họ đã gửi vào vóc dáng kia những lời âu yếm yêu thương – còn đối với cô giáo thì chỉ có sự kính trọng. Họ ước ao con đường này dài ra mãi để muôn đời muôn kiếp họ còn được đi sau lưng cô giáo. Nếu vào đời bằng con đường này thì không một ai gặp những thất vọng cay đắng. Lối đi của cô không hề dẫn họ xuống vực thẳm. Không có một thầy cô nào dẫn học trò của mình vào địa ngục cả. Ðó là thiên chức cao quý nhất của nhà mô phạm. Hãy đặt trọn vẹn niềm tin của đời người vào thầy cô giáo. Ðược đi học là niềm vui hạnh phúc, sung sướng lớn lao nhất của đời người...
Chẳng mấy chốc họ đến nhà Hạnh Tần. Ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh với tiếng ồn ào và bụi gió. Thế nhưng tâm hồn Nguyên và Quân không hề gợn một chút bụi bặm. Ðứng trước cô giáo, họ đã hoá thành những thiên thần bé bỏng. Hạnh Tần nói:
- Hai em vào nhà uống nước với cô.
Hai cậu học trò bẽn lẽn lẫn sung sướng không nói gì cả. Những chén trà thơm ngát được rót đầy ly. Nguyên uống trà một cách vui vẻ. Anh đang uống sự yêu thương xuống lồng ngực. Ngực anh phập phồng những điều mà cô giáo sẽ nhờ đến anh. Cô giáo sẽ nhờ anh những điều gì? Bằng giọng nói dịu dàng Hạnh Tần hỏi:
- Nguyên à! Lâu nay em có gặp Kỳ không?
Anh chưa kịp trả lời thì Quân đã đáp:
- Dạ, Kỳ râu à? Bọn em gặp hoài à.
- Vậy hay lắm. Bạn Kỳ bây giờ làm gì?
Nguyên đáp:
- Dạ, bạn Kỳ làm nghề thợ mộc ở nhà ông Tám.
Hạnh Tần mỉm cười:
- Có chuyện như thế này. Cô nhờ hai em chuyển giùm một lá thư này đến tay Kỳ. Lẽ ra cô phải đưa cho bạn Kỳ, nhưng rất tiếc là cô không biết nhà nên nhờ đến hai em.
Hai cậu học trò ngoan ngoãn:
- Vậy có gì là khó đâu! Cô giáo cứ đưa thư cho bọn em. Bọn em sẽ đưa tận tay bạn Kỳ ạ.
Cô giáo bước vào trong nhà và đem ra bức thư đưa cho Nguyên. Năm ngón tay mềm mại của cô giáo đã làm anh sững người trong giây lát. Không hiểu sao, tất cả bàn tay của mọi cô giáo đều thon thả như búp măng và mêm mại lắm. Bàn tay ấy sẽ không làm đau một cánh hoa. Nguyên và Quân đứng lên xin phép cô giáo ra về. Lá thư gửi cho Kỳ râu viết những gì vậy? Quân bá vai Nguyên nói nhỏ:
- Nè! Nguyên ơi! bọn mình xé bì thư để xem cô giáo đã viết những gì cho thằng Kỳ râu?
- Không được đâu!
- Sao lại không được?
Nguyên cười:
- Ðọc lén thư người khác là điều bất lịch sự.
Quân cãi lại một cách yếu xìu:
- Chẳng có gì là bất lịch sự cả. Tao không hiểu sao thằng Kỳ râu lại được cô giáo quan tâm đến thế? Lẽ ra cô giáo phải viết thư cho mình mới đúng chứ!
- Tại sao phải viết thư cho bọn mình?
Quân không trả lời mà hỏi lại:
- Tao hỏi mày thế tại sao cô giáo lại viết thư cho Kỳ râu?
- Tao không biết.
- À! Mày không biết thì xé thư ra đọc là biết liền à! Ðúng vậy không Nguyên?
Nguyên không nói không rằng, anh cứ lẳng lặng bước đi. Trời nắng. Anh đang tưởng tượng đến những nét chữ nắn nót nhỏ xíu của Hạnh Tần. Nếu tưởng tượng trang giấy là bầu trời thì mỗi dòng chữ sẽ là những ngôi sao. Chao ơi! Nếu Kim có viết cho anh một lá thư như thế này thì tuyệt quá! Kim ơi! Bao giờ thì em sẽ viết thư cho tôi? Anh quay sang hỏi Quân?
- Quân nè! Mày có đói bụng không?
- Hỏi gì lạ vậy? Sao không đói?
Anh đáp:
- Tao còn tiền đây. Bọn mình mua bánh mì vào quán cà phê ăn trưa nhé!
- Bộ mày định làm gì mà trưa nay không về nhà?
- Tao nhớ Kim. Và mỗi lần nhớ đến nàng là tao thấy bụng đói ghê gớm.
Quân cười một cách láu cá:
- Mày đúng là một nghệ sĩ. Những thằng nghệ sĩ bao giờ cũng đặt người yêu vào trong bao tử của mình. Bởi vì sự đậm nhạt, ít nhiều của tình cảm hoàn toàn phụ thuộc vào sự đói no của bao tử.
Cả hai cậu học trò lại chui vào quán cà phê Tam Muội để trốn cái nắng trưa gay gắt. Họ ăn bánh mì và uống cà phê đá. Những ý nghĩ đang chạy loạn xạ trong tâm trí của Nguyên. Anh mơ về một đóa cúc nhỏ bé để tặng Kim. Hoa cúc màu vàng gợi lên bao điều thầm kín mà anh muốn nói với nàng. Hỡi những người con gái trinh nguyên đang tồn tại trên trái đất này, các em hãy biết yêu hoa cúc. Hương của hoa rụt rè như lần đầu tiên con người chạm vào môi hôn. Môi hôn ấy như một vệt lửa ám ảnh không nguôi trong ký ức. Nguyên thẫn thờ nhớ đến vóc dáng của Kim. Làm thế nào để tặng cho nàng một bông cúc vàng trong ngày đầu năm sẽ mở ra biết bao điều hy vọng. Anh quay sang nói với Quân:
- Ngồi đây chơi, rồi sau đó bọn mình tới nhà Kim nghen?
- Sao lại đến nhà Kim? Bộ mày quên chuyện đưa lá thư này cho Kỳ à?
- Ừ! Vậy cũng được. Bọn mình đưa xong lá thư này rồi đến nhà Kim.
Quân gãi đầu:
- Có nên rủ thằng Kỳ đi chung không?
- Ðừng hòng! Tao ghét hắn lắm.
- Vì sao vậy?
- Vì mỗi lần gặp Kim là hắn xoen xoét cái miệng, nghe mà phát ghét!
Quân gài bẫy cho anh:
- Mày ghét hắn nhiều không?
- Nhiều.
- Vậy thì mày đưa lá thư cho tao, tao cần phải xem cô giáo viết gì cho hắn.
- Xem thư người khác là điều bất lịch sự.
Quân cười hồn nhiên:
- Nó chỉ bất lịch sự khi chúng ta đọc lén thư của một người mà chúng ta yêu mến và kính trọng, còn với thằng Kỳ râu thì... không sao cả mày ạ!
Nguyên nghe vậy cũng xiêu lòng. Hắn bồi thêm một đòn nữa:
- Hơn nữa thằng Kỳ râu với bọn mình là bạn bè thì chẳng có gì đáng ngại cả. Ở đời muôn sự của chung. Ðâu! Mày đưa thư cho tao.
Nguyên chưa kịp lấy thì Quân đã thò tay vào trong túi anh. Hắn rút lá thư. Và cẩn thận đưa vào ngực của mình:
- Chà! Nét chữ của cô giáo đang nhảy điệu tango vào trái tim tao. Chắc là cô giáo phải viết mùi mẫn lắm đây!
Nói xong, hắn rút lá thư ra khỏi bì thư. Dưới ánh nắng của buổi trưa trong quán Tam Muội, có tiếng nhạc vọng đến, hai cậu học trò chúi mũi vào lá thư. Ðiều làm cho họ ngạc nhiên là không phải nét chữ của Hạnh Tần, một nét chữ khác. Lạ lắm. Nét chữ nghiêng nghiêng như những cọng rau muống xào nằm trên trang giấy trắng:
Em Kỳ thân mến,
Chắn hẳn em ngạc nhiên khi đọc lá thư này. Cuộc đời vốn có nhiều bất ngờ. Em bất ngờ khi đọc những giòng chữ của tôi thì tôi cũng rất bất ngờ khi biết được hành động của em. Ngày tôi nằm bệnh viện, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm của mình. Tôi đã đem đến cho mọi người nỗi buồn, trong số đó có Kỳ. Kỳ có ghét tôi không? Tôi cứ tưởng là sẽ không bao giờ Kỳ còn nhìn mặt tôi nữa. Vậy mà, Kỳ vẫn âm thầm đến thăm tôi. Không hề báo trước. Âm thầm đến và âm thầm đi. Em đã hành động cao thượng lắm. Ðiều đó đã làm tôi cảm động vô cùng.
Kỳ ơi! Bây giờ đã sắp bước sang năm mới. Em cũng sắp được thêm một tuổi rồi. Chúng ta cần độ lượng hơn. Ðừng oán ghét ai cả. Những lỗi lầm của năm cũ hãy để vào trong quá khứ và đóng chặt lại. Em có đồng ý với tôi như vậy không? Bây giờ tôi mới ý thức được rằng, chỉ có thể đối xử với nhau bằng tình cảm từ trái tim, chứ không thể bằng những mệnh lệnh hành chánh. Một bó lý không bằng một tí tình. Cái tình của em đối với tôi tuyệt vời lắm. Cám ơn em đã dành cho tôi những trái cam thật tươi, những trái nho thật thơm. Cám ơn em nhiều lắm. Và tôi cũng rất vui mừng khi biết rằng từ khi thôi học, em đã kiếm cho mình được một cái nghề lương thiện. Ðiều đó đã làm tôi đỡ day dứt và ân hận. Lẽ ra, hồi đó, nếu tôi suy nghĩ chín chắn hơn, quân tử hơn thì mức độ kỷ luật của em không đến nỗi khắt khe như thế. Tôi đã làm hết mọi khả năng của mình để đề nghị Ban giám hiệu đuổi học em. Em có ghét tôi không? Chao ơi! Sao hồi đó tôi lại nông nỗi và tầm thường đến thế?
Em Kỳ thân mến,
Em cho tôi được nói với em điều này. Tôi nói rất thật lòng. Em hiểu giùm tôi nhé! Năm sau, bước vào năm học mới, em hãy đi học lại nhé! Ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn đồng ý nhận em vào học. Dù có trễ một năm so với các bạn Nguyên, Quân, Dũng, Kim... thì cũng không sao. Phải đi học lại thôi em ạ! Cổng trường rộng mở đối với tất cả mọi người, trong đó có em. Nếu em đồng ý như vậy thì tôi sẽ không còn thấy day dứt nữa em Kỳ ạ!
Tôi quý trọng tính cách của em lắm. Ngày Tết, em hãy rũ bạn bè ghé lại nhà tôi chơi. Ðó là niềm vui của tôi. Chúc em một năm mới đầy niềm vui và mọi sự tốt lành.
Thân ái,
Chị Hồng
Ðọc xong lá thư, thằng Quân vỗ tay vào đùi mình:
- Chèn ơi! Thư của chị Hồng viết hay quá! Thằng Kỳ râu sẽ cảm động, hắn sẽ khóc lên nức nở mà thôi.
- Mày đừng có đùa nữa! Vậy là rõ. Chị Hồng cũng không đến nỗi là một người xấu đâu.
Nguyên cầm lại lá thư từ tay Quân, anh xếp cẩn thận vào túi áo. Lồng ngực của anh nhói lên khi nhớ đến gương mặt của chị Hồng. Thế giới của tuổi học trò không dung cho cái ác. Không có chỗ tồn tại của những đố kỵ và đâm lén sau lưng người khác. Cổng trường muôn đời rộng mở đển đón những tà áo trắng như bướm như hoa...
Hai cậu học trò lẳng lặng đứng lên. Trước khi ghé lại nhà Kim, họ sẽ đưa lá thư này cho Kỳ râu.
-
Nếu nói như ngôn ngữ ước lệ của văn chương thì thời gian thấm thoát trôi qua như bóng câu vụt qua cửa sổ, như ngựa chạy tên bay - chẳng mấy chốc ngày Tết đã gần kề. Ðêm hôm qua, Nguyên không ngủ được. Ðêm ba mươi Tết anh đã nằm giữa sân cỏ để canh nồi bánh chưng. Không gian tối sầm lại. Khói bay nghi ngút. Hương vị của ngày nguyên đán đã làm cho tất cả mọi người thấy mình trẻ lại. Nguyên và em Dung thầm đếm từng giờ để đợi giây phút giao thừa. Trong lúc ba lăng xăng dọn dẹp trong nhà thì mẹ và anh em Nguyên lo nấu nồi bánh chưng. Em Dung ngồi trong lòng của mẹ và đòi mẹ kể lại chuyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích sẽ làm cho trẻ em lớn lên. Ðể nhìn thấy cuộc đời đầy sự nhân ái và cái thiện. Còn Nguyên, anh nhìn lên bầu trời anh hỏi thầm với ngọn gió những lời tự tình. Lời tự tình ấy sẽ bay theo gió đến đậu bên thềm nhà của Kim. Vừa đẩy củi vào lò lửa, mẹ vừa chậm rãi kể chuyện cổ tích. Em Dung lắng nghe một cách say mê.
“Ngày xửa ngày xưa... sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân, nhân quốc gia thái bình, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi vị quan lang và công tử lại mà phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm vừa ý ta, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi...”
Nguyên nghe đến đây, anh thầm nghĩ, anh không muốn làm vua, anh chỉ muốn được Kim yêu anh mà thôi. Chà! Làm vua thì cũng sướng đấy, nhưng lúc đó, mình sẽ phong cho Kim làm hoàng hậu. Kim ơi! Em có đồng ý không? Thôi, dẹp ý nghĩ này qua một bên để nghe mẹ kể tiếp!
“Thế là các con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới biển, nhiều không sao kể xiết. Duy chỉ có vị công tử thứ mười tám là Tiết Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, mắc bệnh mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, mộng mị bất an. Một đêm kia, mộng thấy có thần nhân đến nói rằng: “Các vật trên cõi trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bào giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời và đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong đặt mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”.
Bây giờ, Nguyên tự hỏi, có vị thần nhân nào xuất hiện nữa không? Anh nhắm mắt lại và thần mong có vị tiên trên trời bước xuống. Anh sẽ nắm lấy áo của ông tiên mà hỏi rằng: “Làm thế nào để cho người con gái yêu mình?” Ông tiên bảo rằng “Vào lúc sáu giờ sáng con hãy đến nhà của nàng và không quên cầm trên tay một chùm hoa cúc”. Nguyên sẽ hỏi lại “Thưa ông tiên, buổi sáng nào cũng được chăng?” Lúc đó ông tiên sẽ phì cười đầy độ lượng như ông già Noel mà bảo lại rằng: “Không đâu! Chỉ có thể là buổi sáng ngày mồng một Tết. Lúc đó trời đất còn tinh khôi, âm thuận dương hòa, lòng người đẽ hòa hợp”. Nguyên vâng lời dạy bảo đó. Anh thiu thiu nhắm mắt để mường tượng đến ông tiên sẽ xuất hiện trong giấc mơ của anh. Anh nhắm mắt lại, còn Tiết Liêu thì sao?
“Tiết Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy”. Nói rồi bèn theo lời trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc chung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho việc đại địa chứa vạn vật, rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh dày. đến kỳ, vua vui vẻ truyền các con bày vật dâng tiến. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thứ gì. Duy chỉ có Tiết Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua kinh ngạc mà hỏi. Tiết Liêu đem giấc mộng mà thuật lại. Vua đem nếm thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thứ của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Tiết Liêu được xếp giải nhất. Ðến ngày Tết, vua lấy bánh này dâng cúng cho cha mẹ. Thiên hạ bắt chước, nhân tên Tiết Liêu mà gọi là tiết liệu – nghĩa là thức ăn vật liệu trong ngày Tết. Vua bèn truyền ngôi lại cho Tiết Liêu”.
Chà! Tiết Liệu lên ngôi lúc nào vậy? Nguyên không nhớ nữa, anh đâu có nghe mẹ kể. Anh đã ngủ. Anh đã chìm vào mộng mị của hương cỏ, hương trời đất và mùi khói nấu bánh chưng xanh. Anh thấy anh ngây thơ như một chú bé không thuộc bài khi đứng trước cô giáo. Cô giáo ấy là Kim đang nghiêm khắc nhìn anh. Và trên tay đang xòe nở một chùm hoa cúc. Anh lặng lẽ dâng cho nàng.
Giấc mơ ấy, sáng nay anh còn nhớ lại và trong tâm hồn tràn ngập niềm vui. Anh đi đến nhà Kim bằng bước chân của con chiên đến nhà thờ buổi sáng ngày chủ nhật. Ði bằng trái tim của người biết mình sắp trúng số độc đắc. Ði bằng mùi hương của hoa cúc cầm trên tay. Ði bằng đôi mắt rạng rỡ của một người chói lòa ánh sáng hạnh phúc. Có nghĩa là anh đang đi bằng tình yêu đầu mùa nắng mới.
Anh bước đến cổng nhà nàng. Ngôi nhà này anh đã rành sáu câu vọng cổ, ấy thế mà sáng nay anh bỗng ngượng ngập vô cùng. Bộ quần áo mới đã làm anh trở thành một người lớn. Nàng mời anh vào nhà. Khung cảnh trở nên ấm áp và tha thiết dường nào. Ðâu đó có tiếng pháo vọng lại rộn rã. Trời không nắng nhưng cũng không mưa. Dường như ông Xuân Diệu đã bảo như thế. Nguyên ngồi mà nhớ lại những vần thơ của tình yêu anh muốn đọc cho nàng nghe trong mùa xuân này. Nhưng anh không dám. Anh im lặng. Vóc dáng kiêu sa của nàng trong bộ quần áo mới đã làm anh xốn xang. Tóc ngắn. Má bầu bĩnh. Môi son đỏ. Chao ơi! Nàng ngồi đó, dịu dàng như âm nhạc “Xuân vừa về trên bãi cỏ non, gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn, hoa cười cùng nắng tia vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn, hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi...” Âm nhạc trong chiếc cassette thì thầm cùng anh những lời yêu thương. Anh đưa mắt nhìn Kim, tình cờ, mắt anh chạm vào mắt của nàng. Anh xốn xang. Kim ngượng ngùng:
- Mời bạn cắn hạt dưa cho vui!
Những hạt dưa đỏ như son. Anh cầm trên tay. Ðặt trên môi. Cắn nhẹ. Vỏ tách ra. Hạt giòn tan và ngọt bùi. Anh nhìn bâng quơ ra ngoài sân. Những bông cúc vàng đang đong đưa trong gió. Làm sao nói hết được màu vàng của hoa cúc, hỡi Kim? Năm mới đã đến, nghĩa là anh thêm một tuổi. Anh đã lớn. Anh rút phong bì màu đỏ có ghi ba chữ “Phúc lộc thọ” đưa cho Kim:
- Năm mới, tui chúc cho bạn thêm một tuổi. Nhiều niềm vui. Học hành tấn tới.
Nàng nhận một cách rụt rè:
- Cám ơn bạn! Tui cũng chúc bạn như vậy.
Tình hình thật thuận lợi cho anh, anh vừa cắn hạt dưa vừa nói:
- Sáng nay Kim có đi đâu không?
- Kim chờ ba mẹ đi chùa về là Kim đi lên nhà thờ ông ngoại.
- Bạn cho tui tháp tùng có được không?
- Ðược thôi. Nhưng mình xuất hành hướng nào lấy hên?
À! Xuất hành hướng nào trong ngày mồng một Tết? Anh sực nhớ sáng nay anh đã đọc trong một tờ lịch và nói luôn:
- Bạn cầu hỉ thần thì đi hướng Tây bắc. Bạn cầu tài thần thì đi hướng chính Ðông. Và giờ xuất hành tốt nhất là tí, sửu, ngọ.
Kim phục lăn:
- Chà! Bạn giỏi quá. Làm thầy bói cũng được đó nghen!
Nguyên sướng rơn:
- Ăn thua gì! Tui giỏi hơn thầy bói nữa. Tui còn biết một hướng khác còn ghê hơn nữa.
- Hướng gì vậy Nguyên.
Nghe nàng hỏi một cách thành thật như vậy, lỗ mũi của anh nở to như quả cà chua.
- Ðó là hướng mà ông Saint Exupéry tác giả quyển Le Petit Prince đã nói “Yêu nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”.
Nói xong, lồng ngực anh rộn ràng. Trời đất ơi! Sao sáng hôm nay, nhờ vào cái gì mà anh ăn nói có duyên đến thế? Chắc hẳn nàng sẽ òa khóc nức nở mà thôi. Bởi hạnh phúc đến đột ngột làm trái tim non nớt của nàng co thắt lại, nàng sẽ thổn thức. Nàng sẽ ngả đầu vào tay anh mà thốt lên những lời âu yếm. Suy nghĩ như thế nên anh đưa cánh tay của mình về phía nàng. Nhưng nàng chưa điên khùng như anh đã tưởng tượng. Nàng đánh một cái thật mạnh vào cánh tay Nguyên:
- Ðồ quỷ! Vậy mà cũng nói!
Anh vội chống chế:
- Bạn hỏi thật thì tui trả lời thật mà...
- Thôi đừng đùa nữa! Mồng một tết mà nói năng lộn xộn là xui cả năm đó nghen!
Nguyên thầm nghĩ, anh có nói gì bậy bạ đâu. Anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của trái tim. Không lẽ, nàng không hiểu sao? Cả hai cùng im lặng. Khói trên bàn thờ thoang thoảng bay. Mùi hương dịu. Anh ngước mắt nhìn bức tường trước mặt. Bức tranh La Joconde của Léonard de Vinci đang nhìn anh. Nụ cười bí ẩn ấy như thúc giục anh hãy nói với Kim điều gì đó. Hãy nói đi cậu học trò lớp mười hai A2. Ðừng ngại ngùng gì cả. Anh buột miệng:
- Lâu nay bạn có gặp Kỳ không?
Sao lại hỏi một câu ngớ ngẩn quá vậy? Anh cũng không biết nữa. Nàng đáp:
- Kỳ à! Mình gặp hoài à!
Anh cảm thấy tim mình đau nhói. Gặp hoài là sao?
- Gặp để làm gì vậy Kim?
Nàng đáp tỉnh bơ:
- Bạn bè thì gặp nhau thôi!
- Vậy à?
- Chèn ơi! Bạn Kỳ giỏi lắm nghen!
Lại còn khen cái thằng Kỳ râu nữa chứ! Không biết vì sao mà nàng lại “mê” thằng quỷ sứ này vậy? Anh buồn bã. Vuốt mặt người ta mà còn nể mũi. Tại sao nàng lại “ca ngợi” Kỳ râu trước mặt anh? Anh nín thở:
- Nghe nói bạn thân với Kỳ lắm à?
- Ai nói vậy?
Anh cảm thấy tự ái dồn dập:
- Bạn có thân với Kỳ không?
Kim không trả lời. Vậy là rõ như ban ngày. Nàng chắc có “tình ý” gì với Kỳ râu nên mới im lặng, nên vừa rồi mới hỏi lại “Ai nói vậy?” Máu thám tử trong người anh nổi lên cuồn cuộn, nó như sóng lớn sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả mọi trở ngại. Anh nheo mắt quan sát. Hãy xem kìa, ngón tay nàng đang gõ nhịp trên bàn. Ðó là lúc người ta đang suy nghĩ về một điều gì đó. Nàng lại lơ đễnh nhìn lên trần nhà. Ðó là lúc người ta tìm một câu trả lời thật khéo léo. Nàng lại nhìn xuống chân. Ðó là lúc người ta bắt đầu từ chối một việc gì mà mình nhờ cậy. Trời ơi! Nàng lại còn bẻ ngón tay nữa chứ! Ðó là lúc người ta sẽ thú nhận một việt tồi tệ nhất. Nguyên lập tức hỏi ngay:
- Nghe nói bạn thân với Kỳ lắm à?
Nàng vẫn không trả lời:
- Ai nói vậy?
Nguyên phải trả lời sao đây. Có nên đổ qua cho thằng Quân không? Suy tính một hồi lâu, anh ưỡn ngực dõng dạc nói:
- Tui nói.
- Thật không?
- Thật!
- Cho bạn nói lại một lần nữa đó!
Chà! Lại cứ ỡm ờ mãi. Nếu nàng không dám thú nhận thân với Kỳ, thì có nghĩa là nàng yêu ta. Vì nàng thương ta nên nàng mắc cỡ. Nàng mắc cỡ nên nàng không dám nói. Nàng ơi! Kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké. Thật là rắc rối! Nguyên suy nghĩ lung lắm, anh cương quyết đáp:
- Bạn hỏi ai nói à?
- Ừ! Ai nói?
- Tui nói.
- Cho bạn nói lại một lần nữa, trước khi suy nghĩ kỹ à nghen!
Hà hà! Kim đang bí đây. Hết đường chối cãi nhé! Mà thôi, nàng sẽ chối vì nàng yêu anh mà lỵ!
Nàng sẽ thổn thức mà nói rằng “Mình không thân với Kỳ đâu! Mình thân với Nguyên nhất! Bạn nói trật lất. Bạn đa nghi quá à! Mình chỉ thân với mỗi một mình Nguyên thôi!” Sức mấy mà nàng thú nhận là thân với Kỳ. Vì hình bóng của anh đang nằm trọn vẹn trong ngăn tim của nàng. Dúng vậy không hỡi Kim? Suy diễn một cách đầy logic như thế nên anh vội trả lời một cách hùng hồn:
- Tui nói!
- Vậy à! Tưởng ai nói, chứ Nguyên nói thì trúng phóc! Nguyên giỏi dễ sợ!
Nghe nàng đáp như vậy, anh muốn té xỉu. Sự thật phũ phàng quá vậy sao? Anh ngồi đẫn đờ. Anh muốn chui xuống đất. Anh muốn bay lên trời. Anh muốn chạy trốn khỏi không gian này. Còn gì nữa đâu mà thương với nhớ? Trong lúc anh chưa định hồn lại thì phía ngoài cổng có tiếng chó sủa.
Anh quay nhìn ra ngoài sân. Lại cái mặt của thằng Kỳ râu xuất hiện. Hắn cười tươi như hoa. Vẻ mặt hắn càng hớn hở bấy nhiêu thì lòng anh càng tan nát bấy nhiêu. Ðã thế, hắn còn đóng kịch nữa chứ! Khi con chó nhà nàng sủa “gâu gâu” thì hắn lại giở mũ ra, cúi gập người xuống một cách kính cẩn và nói “Xin chào ông chó!” Hai người đi sau Kỳ râu là Dũng lé và Quân thấy vậy bật tiếng cười khanh khách. Chưa bước vào trong nhà mà hắn đã oang oang:
- Chào Kim năm mới! Happy new year! Happy life!
Kim vội đứng lên:
- Mời các bạn vào nhà chơi! Chào các bạn một năm mới đầy niềm vui.
Vừa chạm mặt Nguyên đang ngồi sờ sờ ra đó, Dũng lé vội nói:
- Ủa! Nguyên đây nè! Chà! Ðạp đất nhà Kim năm mới là Nguyên đó nghen!
Mọi người đã ngồi vào bàn. Kim lăng xăng chạy lấy thêm tách uống trà, thêm bánh mứt để mời các bạn. Không khí bắt đầu ồn ào những tiếng cười nói lẫn tiếng cắn hạt dưa. Ba người đến sau không hề biết Nguyên đang buồn thúi ruột. Kể cả Quân người bạn thân nhất của anh. Ðang ngồi chơi, nhưng anh suy nghĩ những chuyện vu vơ khác. Anh thầm mong ba người bạn đến sau sẽ đi về trước. Chỉ còn lại một mình Nguyên, anh sẽ đưa Kim đi dạo phố, đưa Kim lên nhà thờ ông ngoại nàng. Anh sẽ cầm lấy những ngón tay của nàng. Và tặng nàng một bông hoa cúc mà anh còn để trong túi áo. Thế nhưng, kế hoạch đó mọi người đâu biết đến. Lại cái giọng ồ ồ như tiếng xe cúp rú ga:
- Các bạn nè! Mình đề nghị là nên lên thăm chị Hồng, sau đó đi thăm nhà thầy cô. Các bạn đồng ý không?
Người hưởng ứng đầu tiên không ai khác hơn là Dũng lé:
- Hoan hô bạn Kỳ, bạn Kỳ đưa ra ý kiến thật tuyệt vời!
Và ngay lúc đó, ba má của Kim cũng vừa đi chùa về. Lũ học trò đứng dậy xin phép ra về.
Lời đề nghị của Kỳ được mọi người chấp nhận. Nguyên miễn cưởng chấp hành theo. Bốn người bạn trai và một người bạn gái bước ra phố trong ngày mồng một Tết. Không khí ngày nguyên đán thơm nồng. Tiếng cười nói bay chạm vào trời xanh. Nguyên sờ lên túi áo. Vẫn còn đó một lời tỏ tình chưa ngỏ. Anh bước đi sau cùng và nhìn vào mái tóc Kim đang đùa bay trong gió. Anh thì thầm cho riêng anh nghe:
Ðó là lúc mà tôi tìm mãi mãi
Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu
Ðêm nay ngủ rồi sau này cũng vậy
Tôi sẽ hỏi thầm: Hoa cúc lạc về đâu?
Lê Minh Quốc
Phú Nhuận 4-1992