-
Chương 25
Bước đi trong bán sinh quyển với Michael Tolland, Rachel Sexton cảm tưởng như có lớp sương mù hư ảo đang bao vây lấy mình. Corky và Ming đi sát đằng sau cô.
“Cô không sao chứ?” Tolland nhìn cô và hỏi.
Rachel ngước lên nhìn ông ta, nở nụ cười yếu ớt. “Cảm ơn ông. Chắc chỉ vì có quá nhiều sự kiện”.
Cô nhớ lại một phát kiến của NASA vào năm 1996 – ALH 84001 - một thiên thạch từ sao Thủy mà NASA tuyên bố rằng có chứa các vi khuẩn hóa thạch. Buồn thay, chỉ vài tuần sau buổi họp báo ầm ĩ của NASA, một số nhà khoa học dân sự lên tiếng chứng minh rằng dấu vết của sự sống thực ra chỉ là cặn bã của dầu lửa tạo ra bởi sự ô nhiễm trên trái đất. Sai lầm đó đã khiến uy tín của NASA bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tờ New York Time đã nhân cơ hội này châm biếm NASA và đặt cho nó cái tên mới: NASA - không phải lúc nào cũng chuẩn xác (NASA - NOT ALWAYS SCIENATFICALLY ACCURATE).
Cũng trong cùng số báo ấy, nhà cổ sinh học Steephn Jay Gould đã đúc kết lại toàn bộ vấn đề của phát kiến mang ký hiệu ALH84001 bằng cách chỉ ra rằng bằng chứng trên hòn đá chỉ là những hóa chất đã được dùng để suy diễn thái quá, chẳng phải là xương hay vỏ ngoài của sinh vật xa lạ nào hết.
Tuy nhiên, lần này NASA đã tìm ra những chứng cứ không thể chối cãi. Không một nhà khoa học đa nghi nào có thể lên tiếng để chất vấn những mẫu hóa thạch này. NASA lần này không trưng ra bức ảnh lờ mờ về hình dạng được cho là của một con vi khuẩn nữa họ đưa ra hẳn những mẫu đá mà trên đó người ta có thể dùng mắt thường quan sát những cấu trúc sinh học hiện lồ lộ trước mắt. Con chấy dài bằng bàn chân!
Rachel bật cười nhớ lại mình đã từng say mê bài hát Những con nhện sao Thủy của ca sĩ David Bowie đến mức nào. Chắc không từ ngữ nào có thể lột tả được niềm vui sướng vô bờ của chàng ca sĩ đồng tính người Anh đó khi anh ta được biết đến phát kiến này.
Trong khi lời và giai điệu của bài hát vẫn đang văng vẳng trong tâm trí Rachel thì Corky vượt lên đi bên cạnh cô. “Mike đã khoe với cô về bộ phim tài liệu chưa?”
“Chưa”, cô đáp, “nhưng tôi rất muốn được nghe”.
Ông ta vỗ lưng Tolland: “Kể đi. anh bạn. Hãy cho cô ấy biết vì sao Tổng thống Hoa Kỳ lại quyết định mời một chuyên gia bơi bằng ống thở làm bộ phửn tài liệu về thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử khoa học tự nhiên đi”.
Tolland hét lên: “Thôi đi Corky, tôi xin anh đấy”.
“Thôi được để tôi nói vậy”. Corky nói và len vào giữa hai người. “Có thể cô đã biết rằng tối nay Tổng thống sẽ tổ chức cuộc họp báo để công bố cho cả thế giới biết sự kiện trọng đại này. Và bởi vì phân nửa dân số thế giới chỉ là những kẻ thông minh nửa vời nên ông ấy đã yêu cầu Mike diễn giải câu chuyện này một cách đơn giản cho phù hợp với họ”.
“Cảm ơn anh. Corky. Hay ho lắm”. Ông ta nói rồi quay sang nhìn Rachel “Ý anh ấy là có quá nhiều dữ liệu khoa học khô khan thuần tuý cho nên Tổng thống tin, là một bộ phim tài liệu với những hình ảnh phong phú sẽ khiến cho đại đa số người Mỹ thấy dễ hiểu hơn, vì không phải ai cũng có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về vật lý học”.
“Cô biết không” Corky nói với Rachel. “Tôi còn nghe kể rằng Tổng thống Hoa Kỳ là fan hâm mộ ruột của Đại dương kỳ thú nữa kia”. Ông ta vừa nói vừa giả vờ lúc lắc cái đầu ra vẻ kinh ngạc “Zach Herney - kẻ thống trị cả thế giới - vẫn thường yêu cầu thư ký ghi lại các chương trình của Mike để xem cho thư gĩan sau những ngày làm việc căng thẳng cơ đấy”.
Tolland nhún vai: “Phải nói ông ta là người có gu đấy”.
Lúc này Rachel càng thấy rõ kế hoạch của Tổng thống tỉ mỉ và tài tình đến mức nâo. Chính trị là một trò chơi trên các phương tiện truyền thông. Rachel có thể tưởng tượng trước cử tri cả nước sẽ thấy hào hứng đến thế nào khi khuôn mặt đáng tin cậy như Michael Tolland xuất hiện trong buổi họp báo. Zach Herney đã chọn đúng người cần chọn để quảng cáo cho phát kiến phi thường của NASA Những kẻ hoài nghi sẽ chẳng có cơ hội lên tiếng chỉ trích những dữ liệu của Tổng thống một khi chúng đã được đích thân các nhà khoa học tiếng tăm xác thực.
Corky nói tiếp: “Để hoàn thành bộ phim tài liệu này, Mike đã phỏng vấn tất cả các nhà khoa học dân sự cũng như các chuyên viên của NASA. Tôi xin thề có huân chương danh dự của tôi rằng cô sẽ là nhân vật tiếp theo được phỏng vấn đấy”.
Rachel quay sang ông ta: “Tôi á? Ông đang nói cái gì vậy? Tôi làm gì có chút kiến thức chuyên môn nào! Tôi chỉ là chuyên viên tổng hợp tin thôi mà”.
“Thế tại sao Tổng thống lại yêu cầu cô đến đây?”
“Ông ta vẫn chưa nói cho tôi biết lý do”.
Corky thoáng cười: “Cô là chuyên viên sẽ tổng hợp và xác minh tin này cho Nhà Trắng đúng không nào?”
“Đúng, nhưng không phải trên phương diện khoa học”.
“Và cô còn là con gái của chính người đang xây dựng cương lĩnh tranh cử dựa trên vấn đề chi tiêu của NASA, đúng không?”
Rachel bắt đầu hiểu ra vấn đề.
“Thưa cô Sexton, phải thừa nhận rằng những lời do chính cô nói ra sẽ làm cho bộ phim tài liệu có thêm sức thuyết phục. Nếu Tổng thống đã mời cô đến đây thì chắc chắn ông ấy sẽ yêu cầu cô tham gia đấy”.
Rachel một lần nữa nhớ đến lời phỏng đoán của William Pickering rằng cô sẽ bị lợi dụng.
Tolland nhìn đồng hồ đeo tay: “Chúng ta đi thôi, chắc sắp kéo được lên rồi đấy”.
“Kéo được lên cái gì cơ?” Rachel hỏi.
“NASA đang cho kéo tảng thiên thạch đó lên. Chắc sắp lên đến mặt đất rồi”.
“Các ông cho kéo lên tảng đá nặng tám tấn đang bị chôn sâu dưới 200 foot băng đá ư?”
Corky trông đầy hào hứng: “Chẳng lẽ cô tưởng NASA định bỏ tàng đá hi hữu này nằm im ở chỗ mà họ đã phát hiện ra nó ư?”
“Không, nhưng...” Không có dấu hiệu nào cho thấy người ta đang tổ chức trục vớt tảng đá đó lên hết. “Thế NASA định kéo nó lên bằng cách nào?”
Ông ta liền đáp: “Chuyện nhỏ! Cô nên nhớ rằng quanh đây có vô số nhà khoa học chuyên về tên lửa đấy”.
“Bậy nào!” Ming mắng ông ta và quay sang nói với Rachel “Bác sĩ Marlinson rất thích trêu chọc mọi người. Sự thật là mọi người đã phải bàn cãi về chuyện làm thế nào để đưa được tảng đá đó lên. Và tiến sĩ Mangor đã đưa ra một biện pháp rất khả thi”.
“Tôi chưa được gặp tiến sĩ Mangor”.
“Nhà băng hà học tại Trường Đại học New Hampshire đấy”. Tolland nói tiếp. “Đó là nhà khoa học dân sự thứ tư và là người bên ngoài cuối cùng được Tổng thống mời đến. Và ông Ming nói đúng đấy chính Mangor đã có phương pháp khả thi”.
“Thế à?” Rachel nói. “Thế anh chàng đó đã đưa ra phương pháp gì vậy”.
“Anh chàng à?” Ông Ming cười thoảng “tiến sĩ Mangor là một phụ nữ đấy”.
“Cái đó còn phải bàn thêm đã”. Corky làu bàu và quay sang Rachel “Tiện thể xin báo trước là tiến sĩ Mangor sẽ ghét cô cho mà xem”.
Tolland nhìn Corky đầy bực bội.
“Này, tôi đảm bảo thế đấy!” Ông ta vẫn khăng khăng. “Cô ta đâu có thích phải cạnh tranh”.
Rachel chẳng hiểu tí gì: “Tôi không hiểu, cạnh tranh gì cơ?”
Tolland bảo cô: “Cô đừng để ý làm gì cho mệt. Đáng tiếc là Hội đồng Khoa học Quốc gia quên không thẩm định một sự thật rằng Corky vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên. Cô và tiến sĩ Mangor sẽ hợp nhau ngay thôi. Cô ấy là người rất giỏi việc và được tôn vinh là một trong những chuyên gia băng hà học hàng đầu thế giới. Cách đây mấy năm, cô ấy còn đến tận Nam Cực để nghiên cứu sự trôi dạt của băng hà nữa cơ”.
“Lạ thật”. Corky nói, “tôi nghe nói bên Đại học New Hampshire đã đóng tiền để cử cô ta xuống đó để họ được yên ổn một thời gian đấy chứ”.
“Lại còn thế này nữa chứ,” tiến sĩ Ming nghiêm trang nói “tiến sĩ Mangor còn suýt nữa mất mạng ở đó nữa đấy! Cô ấy gặp bão, bị lạc và phải sống bằng mỡ cá voi những năm tuần liền rồi mới được tìm thấy”.
Corky thì thầm vào tai Rachel: “Nghe nói chẳng ai chịu đi tìm cô ta cả”.
-
Chương 26
Ngồi chung xe với ngài Thượng nghị sĩ, Gabrielle Ashe cảm tưởng con đường từ đài CNN trở về dài hơn hẳn lệ thường. Trên cùng hàng ghế với cô. Thượng nghị sĩ đang nhìn ra ngoài đường, rõ ràng rất hả hê về cuộc tranh luận vừa rồi.
“Họ lại phái Tench đi tranh luận trên truyền hình chiều nay nữa”. Ông ta nở một nụ cười rất điển trai nhìn Gabrielle “Nhà Trắng sợ thật rồi”.
Gabrielle gật đầu, nhưng bụng không đồng tình. Khi Marjorie lên xe, cô thoáng nhìn thấy vẻ mặt thoả mãn của bà ta. Vẻ mặt ấy khiến Gabrielle lo lắng.
Điện thoại cầm tay của ngài Thượng nghị sĩ đổ chuông, ông vội lục túi. Giống như những chính trị gia khác, Sexton có vài số điện thoại khác nhau, tuỳ tầm quan trọng của đối tác mà ông chọn số để cho họ. Người đang gọi lúc này được xếp vào loại quan trọng bậc nhất; vì được ông cho số cá nhân, số mà đến cả Gabrielle cũng còn ngần ngại mỗi khi phải gọi.
“Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton xin nghe”. Giọng ông du dương.
Vì trong xe khá ầm ĩ nên Gabrielle không thể nghe thấy tiếng của người gọi, nhưng ngài Thượng nghị sĩ thì nghe rất chăm chú và hồ hởi trả lời. “Tuyệt lắm. Tôi rất hài lòng nhận được điện của anh. 6 giờ có được không? Tuyệt. Tôi có một căn hộ ở ngay thủ đô Washington. Kín đáo. Tiện nghi. Anh có địa chỉ rồi đúng không? Thế thì hẹn gặp tối nay”.
Sexton tắt máy, đầy vẻ mãn nguyện.
“Một fan hâm mộ mới của Thượng nghị sĩ à?” Gabrielle hỏi.
“Số lượng fan đang tăng theo cấp số nhân”. Ông trả lời. “Đây là một gã rất nặng ký”.
“Hẳn rồi. Gặp ngài tại nhà riêng?” Sexton vẫn thường bảo vệ sự riêng tư của mình chẳng khác nào một con sư tử bảo vệ nơi trú ẩn duy nhất của nó.
Ông nhún vai: “Ừ. Tôi muốn tạo mối quan hệ thân tình. Một khoảng thời gian riêng tư sẽ rất có lợi. Thỉnh thoảng cũng rất cần những mối quan hệ cá nhân kiểu này, cô biết không. Để tạo dựng niềm tin ấy mà”.
Gabrielle gật đầu, lôi lịch trình làm việc của Thượng nghị sĩ ra xem. “Có xếp ông ta vào lịch làm việc không ạ?”
“Khỏi cần, đằng nào tối nay tôi cũng định chỉ ở nhà thôi”.
Gabrielle tìm thấy trang lịch ngày hôm nay và Thượng nghị sĩ đã viết tay hai chữ “P.E.” vào ô buổi tối - có thể là chữ viết tắt của “việc riêng”, “buổi tối riêng tư”, hoặc “mặc xác thiên hạ”, không ai biết chắc từ chính xác trong đầu ông là gì. Thỉnh thoảng Thượng nghị sĩ vẫn dành cho mình một buổi tối “P.E.” trong căn hộ riêng ấy tắt bỏ điện thoại và tận hưởng thú vui riêng của mình - nhấm nháp rượu Brandy cùng vài người bạn cũ và gạt hẳn chính trị ra khỏi đầu.
Gabrielle nhìn ông ngạc nhiên: “Thế là Thượng nghị sĩ để cho công việc xen vào những buổi tối đặc biệt được đánh dấu “P.E.” ư? Ấn tượng thật”.
“Một hôm tôi đã tình cờ gặp gã này trong lúc rảnh rỗi. Và chúng tôi đã chuyện trò một lúc. Có vẻ rất hợp nhau”.
Gabrielle rất muốn hỏi xem người bí ẩn vừa gọi là ai, nhưng Thượng nghị sĩ tỏ ra không muốn tiết lộ. Cô đã học được thói quen không tọc mạch khi không phải lúc.
Chiếc xe rẽ ra khỏi đường vành đai và hướng về phía văn phòng của Sexton. Gabrielle liếc nhìn tờ thời gian biểu lần nữa và chợt linh cảm rằng Thượng nghị sĩ đã biết trước sẽ có cuộc gọi này.
Chương 27
Một giàn giáo ba chân cao khoảng 18 foot làm bằng vật liệu composit được dựng lên trên nền băng, bên trong bán sinh quyển, trông nửa giống tháp Effel, nửa giống giàn khoan dầu. Rachel quan sát và không thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà giàn giáo này có thể kéo được tảng đá lên.
Bên dưới giàn giáo, mấy chiếc tời đã được vít vào những đĩa thép gắn chặt vào nền băng bằng bu lông. Những sợi dây cáp lớn được lồng vào chiếc tời và một loạt ròng rọc phía trên cao. Từ những chiếc ròng rọc ấy, các sợi cáp buông thẳng xuống những lỗ khoan trên băng dưới chân giàn giáo. Mấy nhân viên lực lưỡng của NASA lần lượt kéo căng sợi dây cáp. Mỗi lần kéo, sợi dây lại nhích lên vài inch, chẳng khác gì những thủy thủ đang kéo dây neo.
Chắc chắn mình đang bỏ sót một chi tiết nào đó rất quan trọng, Rachel thầm nghĩ khi cùng mọi người đến gần giàn giáo. Có vẻ như những anh chàng này đang kéo tảng đá lên xuyên qua băng.
“Mẹ kiếp, đều tay vào!” Một giọng nữ thé thé cất lên.
Rachel ngước mắt lên và thấy một phụ nữ mặc bộ quần áo ấm màu vàng dính đầy dầu mỡ. Dù chị ta đang quay lưng vê phía mình, Rachel đoán ra ngay đây là người đang chỉ đạo toàn bộ nhóm người này. Vừa ghi ghi chép chép, chị ta vừa oai vệ đi tới đi lui y như một huấn luyện viên đang cơn thịnh nộ.
“Đồ đàn bà các anh chỉ được cái suốt ngày kêu mệt!”
Corky gọi lớn: “Norah ơi, đừng bắt nạt mấy anh chàng tội nghiệp đó nữa, ra đây vui vẻ với anh nào!”
Chị ta không thèm quay lại: “Lại Marlinson hả? Nghe giọng nói eo éo là nhận ra ngay! Về ăn no cho lớn đã rồi quay lại đây nói chuyện với chị nhé!”
Corky quay sang nói với Rachel: “Đấy, cô ta là thế đấy”.
“Tôi nghe thấy đấy nhá, anh chàng thiên văn học kia”. Tiến sĩ Mangor đốp lại, vẫn không ngừng ghi ghi chép chép “Nếu anh định sờ đít tôi thì nhớ là riêng cái quần đã nặng 30 pound rồi đấy”.
“Đừng nghĩ thế” Corky cũng nói lớn “anh không say mê cặp mông của em đâu, anh yêu tính đanh đá cá cầy của em cơ!”
“Thế à?”
Corky cười lớn: “Này Norah, tin buồn đây, em không phải là phụ nữ duy nhất được Tổng thống mời đến đây đâu”.
“Dĩ nhiên. Tổng thống mời cả anh nữa còn gì”.
Tolland giờ mới lên tiếng: “Norah, xuống đây một chút, anh giới thiệu với em một người nào”.
Nghe thấy giọng Tolland, Norah lập tức dừng tay và quay lại.
Dáng vẻ đanh đá của chị ta cũng biến mất ngay tức khắc. “Mike! Mấy tiếng rồi em chưa nhìn thấy anh đấy!” Mặt cô ta sáng bừng lên.
“Anh phải chỉnh sửa bộ phim”.
“Đoạn phỏng vấn em thế nào?”
“Trông em rất xinh đẹp”.
“Nhờ có các kỹ xảo đặc biệt đấy”. Corky nói chêm vào.
Khuôn mặt nhăn nheo của Tolland hơi ửng đỏ lên khi ông ta giới thiệu: “Norah, anh xin giới thiệu với em: Rachel Sexton. Cô Sexton làm bên tình báo và đến đây theo lời mời của Tổng thống. Cha cô ấy chính là Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton”.
Lời giới thiệu làm Norah có vẻ hơi bất ngờ. “Tôi không có ý định giả vờ hiểu tất cả những gì ông ấy vừa nói đâu nhé”. Chị ta không buồn cởi găng tay ra khi chìa ra bắt tay Rachel một cách khá hờ hững. “Chào mừng cô đến nơi tận cùng của trái đất”.
Rachel mỉm cười. Cô ngạc nhiên thấy Norah Mangor có vẻ mặt khôn ngoan và đáng yêu, dù điệu bộ có hơi đanh đá. Mái tóc xám của chị ta được cắt ngắn trông khá sinh động, và hai con mắt thì rất sắc sảo và tinh tường - hai viên pha lê trong suốt. Rachel thích vẻ tự tin của người phụ nữ này.
“Norah”, Tolland bảo chị ta “em có thể bớt chút thì giờ để giải thích cho Rachel hiểu công việc em đang làm không?”
Norah nhướng lông mày: “Đã có hai ông anh đây làm việc đó rồi còn gì nữa? Anh ơi là anh!”
Corky rên lên: “Thấy chưa Mike? Tôi đã bảo cậu rồi mà”.
Norah dẫn Rachel đi quanh giàn giáo xem xét, còn Tolland và những người khác vừa đi vừa nói chuyện phía sau.
“Cô có nhìn thấy những lỗ khoan bên dưới giàn giáo này không?” Norah giơ tay chỉ, giọng nói chát chúa vừa rồi giờ chuyển thành say sưa khi chị ta kể về công việc đang tiễn hành.
Rachel gật đầu, nhìn sâu xuống bên dưới những lỗ khoan. Mỗi lỗ có đường kính khoảng một foot và đều có một sợi dây cáp được giòng qua.
“Đó là những lỗ khoan còn lại khi chúng tôi khoan lấy mẫu đá và chụp X quang tảng thiên thạch. Bây giờ chúng tôi tận dụng những lỗ khoan này để giòng móc sắt xuống và bắt vít vào tảng đá. Sau đó thả những sợi cáp sắt dài khoảng hai trăm foot xuống để khớp vào các móc sắt đó, và giờ đây chỉ cần kéo lên là xong. Mấy anh chàng ẻo lả kia sẽ phải kéo khoảng hai tiếng đồng hồ nữa thì tảng đá mới lên được”.
“Có một chỗ tôi chưa hiểu”. Rachel nói. “Tảng đá bị chôn sâu dưới lớp băng đá rất dày cơ mà. Làm sao mà kéo lên được?”
Norah đưa tay chỉ luồng sáng màu đỏ tươi chiếu thẳng từ đỉnh giàn giáo xuống một lỗ nhỏ. Rachel đã nhìn thấy luồng sáng đó từ trước nhưng lại ngỡ đó chỉ là chiếc đèn thông thường dùng để đánh dấu vị trí làm việc của họ, vị trí của viên đá.
“Đó là chiếc đèn bán dẫn chiếu tia laze”. Norah nói.
Rachel quan sát luồng sáng kỹ hơn và nhận thấy đúng là nó đã khiến cho băng chảy nước, tạo thành một lỗ thủng nhỏ xíu, và những tia sáng đỏ chiếu xuống tận tít bên dưới.
“Luồng sáng đó rất nóng”. Chị ta nói. “Chúng tôi vừa nung nóng tảng thiên thạch vừa kéo lên từng tí một”.
Rachel kinh ngạc hiểu ra kế hoạch của người phụ nữ này vừa đơn giản vừa thông minh đến mức nào. Norah chỉ cần chiếu luồng sáng ấy xuống băng cho đến khi nó khoan được một lỗ thủng xuyên qua lớp băng dày và nung nóng tảng thiên thạch. Tảng đá không thể bị chùm tia làm cho nóng chảy, nhưng nó hấp thu nhiệt lượng của tia laze, ấm lên, và làm cho băng bao quanh nó tan chảy ra. Trong khi các chàng trai của NASA kéo nó lên, cả sức ép lẫn nhiệt lượng của tảng đá sẽ khiến băng tan, tạo thành lối lên cho chính nó. Lượng băng tan thành nước sẽ chảy xuống lấp đầy lỗ hổng phía bên dưới tảng thiên thạch khổng lồ, lấp đầy chỗ trống.
Giống như dùng con dao nóng để cắt một khoanh bơ.
Norah chỉ tay vào những chàng nhân viên của NASA: “Vì máy cũng không thể chịu được sức nặng của tảng đá này nên tôi phải dùng sức người”.
“Xạo đấy!” Một trong những anh chàng đang làm việc nói xen vào “Vì chị ta muốn chúng tôi phải nhễ nhại mồ hôi nên mới bịa ra thế này!”
“Làm gì mà nóng thế”, Norah không chịu kém cạnh “Mấy anh chàng ỏn ẻn nhà anh chả kêu lạnh suốt mấy hôm nên tôi mới phải ra tay cứu chữa cho chứ. Kéo tiếp đi”.
Tất cả bọn họ cười phá lên.
“Những chóp nhọn kia dùng làm gì?” Rachel hỏi và chỉ vào những chiếc cọc hình chóp màu cam trông như cọc tiêu trên đường cao tốc xếp quanh chân giàn giáo chẳng theo một trật tự nào. Cô cũng đã nhìn thấy những chiếc cọc tương tự được xếp xung quanh tòa nhà.
“Đó là loại dụng cụ điển hình của giới băng hà học”. Norah trả lời. “Chúng tôi gọi là SHABA. Dùng để báo cho mọi người biết nguy hiểm”. Cô nhấc một chiếc cọc lên, để lộ ra lỗ khoan hình tròn sâu hoắm xuống trên mặt băng. “Không nên dẫm chân vào đây”. Rồi chị ta để lại chiếc cọc vào chỗ cũ. “Chúng tôi phải khoan băng để kiểm tra độ tiếp nối cấu trúc của nó. Tương tự như bên ngành khảo cố học, niên đại của một vật thường được quy định bởi độ dày của những lớp bao phủ bên trên nó. Càng ở dưới sâu thì niên đại của nó càng lớn. Do đó, chúng tôi tính toán lớp băng phủ lên trên một vật để tìm ra niên đại chính xác của vật đó. Cần phải tiến hành khoan những vị trí khác nhau trên cùng một bề mặt để đảm bảo rằng đây là một phiến băng liền, chưa một lần bị ảnh hưởng của động đất, khe nứt, tuyết lở, vân vân...”
“Thế các vị thấy dòng sông băng này thế nào?”
“Hoàn hảo”. Norah đáp. “Một phiến băng liền hoàn hảo. Không một dấu vết dị thường nào. Vì thế chúng tôi xếp tảng thiên thạch này vào loại “rơi êm”. Nó đã nằm yên trong sông băng, không động cựa, không ai chạm đến suốt từ năm 1716”.
Rachel lại hỏi: “Làm thế nào mà biết được chính xác đến từng năm?”
Câu hỏi dường như khiến Norah ngạc nhiên. “À, đó chính là lý do người ta đã mời tôi đến đây đấy. Tôi biết đọc băng mà”. Chị ta chỉ tay vào một dãy những chiếc cọc hình nón trên băng. Cọc nào trông cũng giống như một trạm điện thoại công cộng, lại có cắm những lá cờ màu da cam ở trên. Những lỗ khoan kia chính là bảng ghi chép của băng đấy. Rồi Norah dẫn Rachel đến bên một chiếc cọc “Nếu nhìn kỹ sẽ thấy có những lớp khác nhau”.
Rachel cúi xuống và bất ngờ nhìn thấy dường như có những lớp băng với độ dày mỏng, độ sáng và trong suốt khác nhau. Có tầng chỉ mỏng bằng tờ giấy, có tầng dày đến gần một inch.
“Cứ sau mỗi mùa đông thì phiến băng lại có thêm một lớp tuyết mới”. Norah nói. “Và mỗi mùa xuân nó lại tan đi mất một lớp. Cho nên mỗi lớp là dấu vết của một năm. Người ta thường bắt đầu đếm tử lớp, trên cùng, tức là từ mùa đông sau cùng”.
“Giống như đếm những vòng tròn trong một thân cây phải không?”
“Không hoàn toàn đơn giản như vậy, cô Sexton ạ. Trong trường hợp này ta phải đo đạc những lớp chồng lên nhau dày tới cả trăm foot cần phải lấy các dấu hiệu khí hậu học làm chuẩn - lượng tuyết rơi, các chất ô nhiễm trong không khí, đại loại như thế”.
Lúc này thì Tolland và những người khác đến bên họ. Ông ta mỉm cười nói với Rachel: “Cô thấy hiểu biết của cô ấy về băng tuyết có đáng nể không?”
“Thật kỳ lạ!” Rachel cảm thấy vui sướng khi được gặp lại ông ta. “Đúng thế chị ấy vô cùng hiểu biết”.
“Và nhân tiện xin nói thêm, con số 1917 mà Norah đưa ra là hoàn toàn chính xác. NASA cũng đã tìm ra đúng con số đó trước khi chúng tôi đặt chân tới nơi này. Tiến sĩ Mangor đã tự khoan băng, tự tiến hành kiểm tra, và làm việc độc lập khi xác minh phát kiến của NASA”.
Điều này quả là ấn tượng.
“Còn một sự trùng lặp ngẫu nhiên nữa”. Norah nói thêm “1716 cũng chính là năm mà những nhà thám hiểm đầu tiên ghi nhận hiện tượng một quả cầu lửa lớn rơi xuống phía bắc Canada. Tảng thiên thạch này ngày ấy đã được đặt tên là “Jungersol Fall” - tên của người dẫn đầu đoàn thám hiểm đó”.
“Vì thế” Corky nói tiếp, “niên đại của tảng đá và các sự kiện lịch sử là những bằng chứng để chứng minh rằng chúng ta đang xem xét chính tảng thiên thạch mà Jungersol đã quan sát được năm 1716”.
“Tiến sĩ Mangor ơi!” Một trong những anh chàng đang kéo tời kêu lớn: “Nhìn thấy chiếc khóa yếm trên cùng rồi đây này!”
“Sắp xong việc rồi đây, các chàng trai”. Norah nói. “Giây phút lịch sử đây!” Chị ta trèo lên chiếc ghế ngay cạnh đó và lấy hết sức nói thật to: “Năm phút nữa thôi, hỡi anh em!”
Từ khắp mọi ngóc ngách trong bán sinh quyển, y như bầy chó của Pavlov nghe thấy tiếng chuông báo giờ cho ăn, các nhà khoa học bỏ hết những việc đang làm và đổ về khu vực giàn giáo.
Norah Mangor hai tay chống nạnh nói: “Nào, chúng ta cùng kéo Titanic lên nào”.
-
Chương 28
“Mọi người tránh ra nào?” Norah vừa nói lớn vừa đi đi lại lại giữa đám đông. Các anh chàng kéo tời đứng tản sang một bên. Norah kiểm tra độ căng và độ liên kết của dây tời thêm một lần cuối cùng.
“Kéo!” Một trong những chàng trai hô lên. Tất cả đồng loạt kéo dây tời lên thêm sáu inch nữa.
Khi những sợi dây tời được tiếp tục kéo lên, Rachel cảm nhận thấy đám đông mỗi lúc một lớn thêm, thảy đều đang chờ đợi.
Corky và Tolland đứng ngay gần cô, háo hức chẳng khác nào trẻ con mong nhìn thấy ông già Nôen. Đối diện họ, bên kia lỗ khoan lớn, Rachel thấy bóng dáng to lớn nặng nề của Lawrence Ekstrom, cũng đang đợi xem tảng đá xuất hiện.
“Anh em ơi!” một chàng trai NASA hào hứng. “sếp cũng đến rồi kìa!”
Những sợi cáp liên tục được kéo từ dưới hố khoan lên đã chuyển từ màu trắng bạc sang màu vàng.
“Sáu foot nữa thôi! Đều tay vào!”
Tất cả những người đang đứng quanh giàn giáo lặng phắc. Ai cũng đang nóng lòng được nhìn thấy vật thiêng sắp xuất hiện trước mắt - ai cũng muốn được trông thấy hình ảnh đầu tiên của tảng đá.
Và Rachel được nhìn thấy.
Lớp băng phủ bên trên mỏng dần, và tảng thiên thạch bắt đầu lộ ra. Lúc đầu chỉ là một hình khối lồi lồi thuôn dài, nhưng mỗi lúc một gần bề mặt và hình dáng của nó càng rõ ràng hơn.
“Mạnh nữa lên!” Một kỹ thuật viên hô to. Tất cả bọn họ kéo căng dây tời, và chiếc ròng rọc kêu ken két.
“Năm foot nữa thôi! Đều tay vào!”
Rachel thấy lớp băng đá bên trên tảng đá bắt đầu bị đội lên như thế một con quái vật đang trở dạ và sắp sửa sinh con. Trên mặt băng, quanh chùm tia sáng màu đỏ tươi, băng tan ra, để lộ ra một phần bề mặt của tảng đá lớn.
“Tử cung mở rồi!” Có người hô to. “Mở chín trăm xăng ti mét rồi đây này”.
Tiếng cười giòn gĩa phá tan bầu không khí im lặng.
“Được rồi! Tắt đèn laze đi!”
Đèn tắt, chùm tia sáng biến mất.
Và rồi giây phút trọng đại đã đến.
Tảng đá phá vỡ lớp bề mặt băng với tiếng huýt trầm trầm, hơi bay lên nghi ngút, và hình khối khổng lồ của nó hiện ra, một cách thần bí. Cánh đàn ông tiếp tục kéo căng dây tời cho đến khi toàn bộ tảng đá nhô hẳn lên khỏi lỗ thủng lớn trên băng, nước rỏ tong tong xuống hố nước nóng đang bốc hơi nghi ngút.
Rachel như bị thôi miên.
Đung đưa trên dây tời, nước rỏ ròng ròng, hòn đá xù xì đang ánh lên dưới ánh điện nê ông, nó ánh lên những tia sáng màu đỏ tím. Một đầu của tảng đá khá nhẵn và thuôn, chắc chắn đó chính là phần đã bị bầu khí quyển nung cháy khi rơi xuống trái đất. Nhìn lớp vỏ ngoài cháy xém, Rachel mường tượng hình ảnh tảng đá rơi xuống bề mặt trái đất như một quả cầu lửa. Không thể tin nổi cuộc đó đã cách đây vài thế kỷ. Lúc này, con quái vật bị sa bẫy đang treo chung chiêng dưới xích sắt, nước rỏ tong tỏng.
Cuộc săn lùng kết thúc.
Đến lúc này Rachel mới thấy hết tính chất kịch tính của toàn bộ sự kiện này. Hòn đá ngay trước mắt cô được sinh ra trên một hành tinh khác cách xa vạn dặm. Và bên trong nó là những bằng chứng - chứng cứ thì đúng hơn - rằng nhân loại không hề đơn côi trong vũ trụ bao la.
Hình như tất cả mọi người đều có cảm giác rất hân hoan, và tất cả cùng vỗ tay, huýt sáo vang dội. Thậm chí cả ngài Giám đốc dường như cũng không thể không bị ảnh hưởng của bầu không khí này. Ông ta vỗ vai những đồng nghiệp của mình, chúc mừng họ. Chứng kiến quang cảnh này, Rachel bất chợt cảm thấy mừng cho NASA. Họ đã từng có những thời kỳ khó khăn. Nhưng tất cả đã đổi thay, và họ xứng đáng được hưởng giây phút này.
Lỗ thủng lớn giờ trông như một cái ao nhỏ bên trong bán sinh quyển. Mặt nước của chiếc ao có độ sâu hai trăm foot vỗ ì ọp vào bờ băng một lúc rồi cuối cùng mới chịu nằm yên. Mực nước bên trong thấp hơn mép băng bên ngoài khoảng bốn foot, hiển nhiên là do thể tích của hòn đá vừa được lấy ra khỏi lòng phiến băng, và còn do nước có tính chất gĩan nở khi đóng thành băng.
Norah Mangor ngay lập tức xếp những chiếc cọc hình nón xung quanh lỗ băng lớn. Dù mép băng rất dễ nhìn thấy, nhưng bất kỳ ai sơ ý sảy chân xuống đây sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Thành băng xung quanh vừa cao vừa dựng đứng, và không ai có thể tự leo lên khỏi vực thẳm này.
Lawrence Ekstrom ì ạch tiến về phía họ. Ông ta đến bên Norah Mangor và xiết chặt tay chị ta một cách nhiệt thành. “Chị cừ lắm, tiến sĩ Mangor ạ”.
“Tôi không thích những lời ngợi khen suông đâu nhé”. Norah đáp.
“Dĩ nhiên rồi”. Rồi ông ta quay sang Rachel “Thưa cô Sexton, chuyên viên luôn hoài nghi của chúng ta đã tin chưa nào?”
Rachel không thể nén nổi nụ cười: “Phải nói là kinh ngạc sững sờ thì mới chính xác”.
“Tốt lắm, vậy mời cô đi theo tôi!”
Rachel theo ông Giám đốc đến bên chiếc hộp sắt lớn trông giống những chiếc công ten nơ người ta vẫn thường chất lên tàu thuỷ. Chiếc hộp sắt được sơn rằn ri và ba chữ viết tắt nổi bật: PSC.
“Cô sẽ vào trong này để liên lạc với Tổng thống”. Ông ta nói.
Buồng thông tin mật di động đây, Rachel nghĩ thầm. Những buồng thông tin di động kiểu này vẫn được dùng trong quân sự, nhưng Rachel chưa thấy nó được dùng trong thám hiểm vũ trụ bao giờ. Nhưng tất nhiên, Ekstrom trước đây đã làm việc trong Nhà Trắng, nên không lạ gì ông ta có trong tay thiết bị hiện đại này. Vẻ mặt nghiêm trang của hai người lính đang cầm súng đứng gác khiến cho Rachel có một trực cảm vô cùng rõ ràng rằng nếu Giám đốc NASA không trực tiếp ra lệnh thì không ai được phép vào bên trong.
Có vẻ như mình không phải là người duy nhất bị bắt cóc kiểu này.
Ekstrom vắn tắt ra lệnh với một trong hai người lính và quay sang nói với Rachel “Chúc cô may mắn” rồi ông ta đi.
Một người lính gạt chốt trên cánh cửa, và cánh cửa mở ra. Một kỹ thuật viên xuất hiện và ra hiệu bảo Rachel vào trong. Cô theo chân anh ta.
Bên trong PSC thật ngột ngạt và tối tăm. Nhờ ánh sáng xanh mờ ảo phát ra từ một màn hình vi tính duy nhất đang hoạt động, Rachel nhìn thấy những giá cao để điện thoại, radio và những thiết bị liên lạc vệ tinh. Rachel mơ hồ cảm thấy nỗi lo lắng vô cớ. Bầu không khí ở đây thật khó chịu, chẳng khác nào trong công sự dã chiến giữa mùa đông.
“Mời ngồi, thưa cô Sexton”. Người kỹ thuật viên chỉ chiếc ghế đẩu xoay trước một màn hình phẳng. Anh ta điều chỉnh chiếc micro trước mặt cô, rồi để lên lòng Rachel một chiếc tai nghe hiệu AKG rất lớn. Sau khi kiểm tra lại lần nữa số mật khẩu lộ trình, anh ta đánh một dãy ký tự dài vào máy tính. Trên màn hình trước mặt Rachel xuất hiện chiếc đồng hồ đang đếm ngược
00:60 GIÂY
Anh ta gật gù vẻ hài lòng khi chiếc đồng hồ bắt đầu đếm ngược: “Còn một phút nữa thì kết nối sẽ hoàn thành”. Rồi anh ta quay sang trái, bước ra ngoài, đóng cửa đánh sầm. Rachel nghe tiếng chốt cửa bị khóa lách cách.
Hay thật.
Ngồi trong bóng tối, chờ đợi, cô nhận ra đây là giây phút riêng tư duy nhất cô có được suốt từ sáng sớm tới giờ. Sáng sớm nay thức dậy, cô không hề biết trước một ngày mới đầy ắp sự kiện đến thế này đang chờ đón mình. Sự sống bên ngoài trái đất. Hôm nay, huyền thoại được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử loài người sẽ không còn là huyền thoại nữa.
Lúc này cô bắt đầu nhận thức được tác động tiêu cực to lớn của tảng thiên thạch lên sự nghiệp của cha mình. Dù cho việc chi tiêu của NASA không thể nào là một vấn đề thực sự có tầm ảnh hưởng sâu rộng như quyền nạo thai, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, thì chính cha cô đã chủ tâm biến nó thành một vấn đề. Giờ đây, chính nó sắp sửa giáng cho ông một đòn chí tử.
Chỉ vài giờ nữa, người Mỹ sẽ tha hồ bàn tới bàn lui về phát kiến của NASA. Vô số nhà khoa học sẽ ngạc nhiên đến tròn xoe mắt, và xúc động chảy nước mắt. Lũ trẻ con thì sẽ được thả sức tưởng tượng. Trong giây phút lịch sử này, vấn đề những tờ đô la, những đồng xu tiết kiệm mà cha cô đề xướng sẽ bị bóng tối bao phủ. Ngài Tổng thống sẽ đạt được vị thế của vị anh hùng dân tộc, và cha cô với diện mạo của một doanh nhân thiển cận, đầu óc hẹp hòi, không hề mang trong mình chút dấu vết nào của dòng máu phiêu lưu mạo hiểm mà dân tộc này tôn thờ - sẽ len lỏi vào giữa quang cảnh hồ hởi rạng rỡ ấy.
Máy tính phát một tiếng bíp, Rachel ngước nhìn lên.
00:05 giây.
Đột nhiên màn hình máy tính trước mặt cô nhấp nháy, rồi biểu tuợng của Nhà Trắng bắt đầu xuất hiện. Sau thoáng chốc, biểu tượng ấy được thay bằng khuôn mặt của Tổng thống Herney.
“Xin chào Rachel”. Ông ta nói, ánh mắt đầy vẻ tinh anh. “Tôi đoán là cô vừa trải qua một buổi chiều đầy ắp những ấn tượng”.
Chương 29
Văn phòng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton nằm trong tòa nhà Phillip A. Hart, phố C, phía đông bắc đồi Capitol. Đặc trưng của tòa nhà là rất nhiều mảng khối hình tứ giác ghép lại với nhau, và nhiều nhà phê bình kiến trúc đã nói rằng trông nó giống nhà tù hơn là tòa nhà văn phòng. Và nhiều người làm việc trong tòa nhà này cũng có cảm giác y hệt như thế.
Trên tầng ba, Gabrielle Ashe đang sải đôi chân dài kiều diễm trong phòng. Trên màn hình máy tính của cô vừa có thông điệp điện tử mới, và cô băn khoăn không biết nên ứng phó thế nào.
Hai dòng đầu tiên như sau:...
TRÊN CNN SEDGEWICK ĐÃ GÂY ẤN TƯỢNG TỐT.
TÔI CÓ THÊM THÔNG TIN MỚI NỮA ĐÂY.
Đã hai tuần nay, Gabrielle đều nhận được những bức thư kiểu này. Người gửi thư dùng địa chỉ nặc danh, mặc dù cô đã phát hiện được tên miền của Nhà Trắng. Có lẽ người cung cấp tin giấu mặt này là nhân viên của Nhà Trắng. Dù người đó là ai thì những tin được cung cấp theo kiểu này đã trở thành nguồn tin quý giá, kể cả tin về cuộc gặp bí mật giữa Giám đốc NASA và Tổng thống.
Lúc đầu Gabrielle không tin ngay những tin tức được cung cấp, nhưng rồi cô kinh ngạc nhận thấy chúng luôn chính xác và rất có ích - từ những chi tiêu quá độ của NASA, những chương trình tìm kiếm sự sống ngoài trái đất của NASA vừa tốn kém vô cùng vừa không đem lại kết quả nào, thậm chí cả những đợt thăm dò dư luận nội bộ cho thấy NASA có thể trở thành một lí do khiến cử tri quay lưng lại với Nhà Trắng.
Để làm ra vẻ quan trọng, Gabrielle không cho ngài Thượng nghị sĩ biết rằng họ đang nhận được sự trợ giúp tình nguyện của một nhân viên Nhà Trắng. Thay vào đó, cô thường báo tin cho ông theo kiểu đây là “nguồn tin riêng của cô”. Sexton luôn tỏ ra là người nhạy cảm và đủ hiểu biết để không hỏi xem đó là người nào. Cô biết rằng ông tưởng Gabrielle có mối quan hệ tình ái với một nhân vật nào đó. Vấn đề là ông không hề cảm thấy chút lấn cấn nào về chuyện này.
Gabrielle ngừng đi đi lại lại và đọc bức thư vừa được gửi đến. Hàm ý của nó rất rõ ràng: Ai đó bên trong Nhà Trắng muốn thấy Sedgewick Sexton thắng cử và đang ngấm ngầm giúp đỡ bằng cách trợ lực cho ông để tấn công vào NASA.
Nhưng người này là ai? Tại sao lại thế?
Một kẻ phản bội muốn nhảy khỏi con tàu sắp đắm, Gabrielle quả quyết. Chuyện một nhân viên nào đó của Nhà Trắng lo sợ Tổng thống đương nhiệm sắp bị thất cử và lén lút giúp đỡ đối thủ đang trên thế thắng của ông ta với hi vọng kiếm một chỗ làm trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo không phải là chuyện hiếm ở Wasshington. Có lẽ nhân vật nào đó đã đánh hơi được thế thắng của Sexton và quyết định hành động sớm.
Những dòng chữ đang hiện trên màn hình khiến Gabrielle cảm thấy bồn chồn không yên. Bức thư này rất khác những bức thư cũ. Hai dòng đầu thì không có vấn đề gì, nhưng hai dòng sau thì lại không như vậy:
CỔNG PHONG CHỨC PHÍA ĐÔNG, 4G 30 PHÚT
ĐẾN MỘT MÌNH
Người này chưa bao giờ yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, cô cho rằng có nhiều cách khác tế nhị hơn nhiều so với đi gặp nhau trực tiếp thế này. Cổng phong chức phía đông? Cả Washington này chỉ có một cổng phong chức. Bên trong Nhà Trắng sao? Liệu đây có phải là một trò đùa không nhỉ?
Gabrielle biết chắc cô không thể trả lời qua đường thư điện tử, tất cả những thư cô gửi cho người này đều bị báo về là không tìm được địa chỉ. Đó là địa chỉ nặc danh. Lẽ dĩ nhiên.
Có nên hỏi ý kiến Thượng nghị sĩ không nhỉ? Cô nhanh chóng cho rằng như thế là không nên. Ông ấy đang họp. Hơn nữa, nếu cho ông ấy biết về bức thư này thì có nghĩa là phải nói toàn bộ sự thật.
Suy cho cùng, người này chọn chỗ gặp mặt giữa thanh thiên bạch nhật như thế cũng là để cho Gabrielle an tâm. Dù sao thì người này cũng đã giúp đỡ cô suốt hai tuần qua. Dĩ nhiên đây là một người bạn.
Đọc lại bức thư điện tử lần cuối xong, Gabrielle xem đồng hồ.
Cô còn một giờ đồng hồ nữa.
-
Chương 30
Giờ đây, khi tảng thiên thạch đã được kéo lên khỏi sông băng, Giám đốc NASA cảm thấy đỡ hẳn cảm giác bực bội. Mọi thứ đều đã đâu vào đấy ông vừa tự nhủ vừa đi băng qua bán sinh quyển để tiến về phía phòng làm việc của Micheal Tolland. Từ giờ sẽ chẳng còn kẻ nào dám động đến mình nữa.
“Thế nào rồi?” Ekstrom hỏi, chân sải bước đến ngay sau lưng nhà bác học làm truyền hình.
Tolland nhìn màn hình vi tính trước mặt, trông ông rất mệt mỏi nhưng hồ hởi: “Phần hậu kỳ sắp xong rồi. Tôi đang dán nốt những cảnh do các chuyên gia của anh tự quay. Một loáng là xong ngay”.
“Tốt lắm”. Tổng thống yêu cầu Ekstrom chuyển đoạn phim về Nhà Trắng càng sớm càng tốt.
Ekstrom đã tỏ ra hoài nghi khi Tổng thống quyết định mời Tolland tham gia dự án này, nhưng sau khi xem qua những đoạn phim còn chưa hoàn thiện, Giám đốc NASA không còn nghĩ như trước nữa. Những lời giải thích sinh động của ngôi sao truyền hình này, xen kẽ với những lởi phát biểu của các nhà khoa học dân sự, đã được gói gọn một cách tài ba trong thời lượng 15 phút. Tolland đã dễ dàng đạt được cái mà các nhà khoa học của NASA thường không thể thực hiện nổi - miêu tả những phát kiến khoa học một cách dễ hiểu đối với những người Mỹ bình thường mà không hề có vẻ trịch thượng.
Ekstrom bảo ông ta: “Khi nào xong thì anh hãy mang ngay phim tới khu báo chí nhé. Tôi sẽ cử người gửi ngay phiên bản số hóa của bộ phim cho Tổng thống”.
“Vâng, thưa ngài Giám đốc”.
Ekstrom ra khỏi phòng, và khi đi ngang qua “khu báo chí” giờ đã được bài trí đẹp đẽ, ông không thể không cảm thấy đầy hưng phấn. Một tấm thảm xanh lam lớn đã được trải trên sàn, chính giữa thảm là chiếc bàn kiếu hội nghị được bố trí mấy chiếc micro, một phù hiệu của NASA, và một lá cờ Hoa kỳ rất lớn được căng lên làm phông nền. Tảng thiên thạch đã được chuyển lên chiếc xe kéo trang trí lộng lẫy và được bày ở vị trí trang trọng ngay trước chiếc bàn. Ở chính giữa “khu báo chí”.
Ekstrom hài lòng nhận thấy một bầu không khí hội hè bao rùm gian phòng. Khá nhiều nhân viên của ông đang xúm xít quanh tảng đá, sờ tay vào mặt đá hãy còn ấm nóng, chẳng khác gì những người đi cắm trại đang vây quanh ngọn lửa trại.
Ông quyết định đã đến lúc ăn mừng. Ekstrom tiến về phía mấy hộp giấy bày rải rác xung quanh căn phòng. Sáng hôm nay ông vừa lệnh đưa chúng từ Greenland tới.
“Chúng ta cùng uống mừng nào?” Ông nói lớn, tay phân phát bia lon cho đám nhân viên đang vui như tết.
“Ôi! Cảm ơn sếp!” Có người hét ầm lên. “Cảm ơn sếp! Bia lạnh nghiêm đấy nhé!”
Ekstrom mỉm nụ cười hiếm hoi: “Bia ướp đá mà lại!”
Ai cũng cười.
“Đợi chút!” Lại có người hét lên, giọng ra vẻ trách móc “Đây là bia Canada! Lòng yêu nước của sếp để đâu rồi?”
“Chúng ta phải tiết kiệm, các bạn ạ. Bia này rẻ nhất đấy”.
Lại những tiếng cười giòn gĩa.
“Mọi người chú ý!” Một nhân viên truyền thông của NASA bắc loa, nói. “Chúng tôi sắp sửa bật đèn trường quay, quý vị có thể sẽ bị tối một lúc đấy ạ”.
“Cấm không ai được lợi dụng hôn hít gì đâu nhé!” Tiếng một nhân viên lanh lảnh. “Chương trình không cấm trẻ em đấy nhé!”
Ekstrom cười lớn, hòa vào niềm vui rạo rực của đội ngũ nhân viên khi những bóng đèn được chỉnh lại vị trí lần cuối.
“Bật đèn trường quay nhé! Năm, bốn, ba, hai...”
Ngôi nhà tối dần đi khi những chiếc đèn halogien đồng loạt bị tắt. Trong vòng vài giây sau đó, tất cả chìm trong bóng tối mịt mùng.
Có người giả bộ kêu thét lên.
“Ai véo mông tôi thế này!” Mọi người vừa hét vừa cười như nắc nẻ.
Chỉ sau một giây, bóng tối bị xé nát bởi những ngọn đèn trong trường quay đồng loạt sáng trưng. Lóa mắt. Công đoạn chuyển nguồn sáng thế là hoàn tất; khu phía bắc của bán sinh quyển đã biến thành một trường quay truyền hình. Những khu khác trong ngôi nhà lớn trông chẳng khác gì nhà kho tăm tối. Ánh sáng từ trường quay này hắt lên mái nhà hình vòm, tạo thành những mảng tối dài khi những bức tường bơm hơi đổ bóng dài trên khu làm việc giờ không một bóng người.
Ekstrom tiến vào vùng tối, hài lòng thấy tất cả mọi người đang vui vẻ bên tảng thiên thạch. Ông tưởng như mình là ông già Nôen đang nhìn ngắm lũ trẻ chơi đùa quanh cây thông.
Có Chúa biết họ đáng được như thế, ông thầm nghĩ, không hề biết tai họa lớn đang lơ lửng trên đầu.
-
Chương 31
Trở trời.
Luồng gió katabatic từ đỉnh thổi xuống giật mạnh trại của đội Delta, tạo ra tiếng hú ảm đạm như báo hiệu thời tiết sắp xấu. Delta-Một đã lót ván chống bão xong và bước vào trong lều cùng hai đồng đội của mình. Họ đã từng trải qua kiểu thời tiết này. Sẽ chẳng kéo dài bao lâu.
Delta-Hai chăm chú quan sát những hình ảnh truyền về từ vi robot đang bay trong phòng phía bắc của ngôi nhà lớn. “Cậu xem đi!” Anh nói.
Delta-Một tiến lại. Toàn bộ ngôi nhà chìm trong bóng tối, trừ vùng sáng trong căn phòng phía bắc. Phần còn lại của tòa nhà chỉ hiện ra mờ mờ. “Có gì bất thường đâu”, anh nói “họ đang chỉnh lại ánh sáng để chuẩn bị cho buổi truyền hình đấy mà”.
“Không phải chuyện ánh sáng”. Delta-Hai chỉ hình tròn màu đen trên mặt băng - hố nước còn lại sau khi tảng đá đã được lấy lên. “Đấy mới là vấn đề kia”.
Delta-Một nhìn cái lỗ. Vẫn thấy có những chiếc cọc hình nón cắm xung quanh, và mặt nước có vẻ phẳng lặng. “Có thấy gì đâu”.
“Cậu nhìn lại đi!” Anh nói và dùng đũa điều chỉnh robot bay xuống sát mặt nước theo hình xoắn ốc.
Trong khi Delta-Một quan sát kỹ cái ao nước nhỏ phẳng lặng ấy, anh phát hiện thấy điều gì đó và nhảy dựng lên “Cái gì...?”
Delta-Ba đến bên họ. Cả anh cũng đầy vẻ hoảng hốt: “Lạy Chúa tôi, tại cái lỗ đó à? Nước sẽ gây ra chuyện ư?”
“Không”, Delta-Một trả lời “chắc chắn không phải là nước đâu”.
-
Chương 32
Dù đang ở trong một gian phòng bằng kim loại cách thủ đô Washington những ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm thấy căng thẳng chẳng khác gì được triệu hồi vào tận trong Nhà Trắng. Trên màn hình của chiếc máy điện đàm có hình ảnh trước mặt cô, gương mặt Tổng thống Zach Herney hiện lên vô cùng sắc nét, ông đang ngồi trong phòng thông tin của Nhà Trắng, ngay trước bức phù hiệu Tổng thống. Hệ thống viễn thông này hoạt động cực kỳ chuẩn xác, chỉ trừ sự chậm trễ hầu như không thể nhận thấy được, cảm tưởng như Tổng thống đang ở đâu đó quanh đây, cách vài bức tường.
Cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra vui nhộn và thẳng thắn. Tổng thống có vẻ vui, mặc dù không hề ngạc nhiên, khi Rachel có những nhận xét rất tốt về phát kiến của NASA và việc ông đã mời Micheal Tolland làm phát ngôn viên. Tổng thống có vẻ rất vui, thậm chí còn tỏ ra hài hước.
“Tôi tin chắc cô sẽ đồng ý với tôi rằng”, giọng nói của ông lúc này đã nghiêm túc hơn, “trong một thế giới lý tưởng, phát kiến này sẽ chỉ thuần tuý có tính chất khoa học mà thôi”. Ông ngừng một lát, vươn người về phía trước, khuôn mặt choán cả màn hình. “Buồn thay, chúng ta đang sống trong một thế giới không lý tưởng, và phát kiến này sẽ ngay lập tức biến thành một thứ bung xung trên chính trường, ngay thời điểm tôi công bố tin này”.
“Dựa trên những chứng cứ hết sức thuyết phục mà ngài đã có được tôi nghĩ cả công chúng lẫn đối thủ của ngài chỉ còn biết công nhận sự thật mà thôi”.
Herney cười buồn: “Đối thủ của tôi trên chính trường sẽ phải tin khi tận mắt chứng kiến, Rachel ạ. Điều tôi lo là họ sẽ không thấy thích những gì họ nhìn thấy đâu”.
Rachel nhận thấy Tổng thống tỏ ra rất thận trọng, không nhắc đến tên cha cô, chỉ dùng những cụm từ như “đối thủ” hay “phe đối lập trên chính trường”. “Tổng thống cho rằng đối thủ của ông sẽ vì những động cơ chính trị mà cáo buộc đây là một xảo thuật hay sao?” Cô hỏi.
“Bản chất của cuộc chơi là thế mà. Họ chỉ cần rêu rao lên rằng họ nghi ngờ, rằng phát kiến này chỉ là một tiểu xảo chính trị của NASA và Nhà Trắng, thế là lập tức phải đối diện với một cuộc điều tra. Báo chí sẽ nhanh chóng quên mất là NASA đã tìm thấy những bằng chứng của sự sống trong vũ trụ, và họ sẽ bu vào bất cứ dấu hiệu nào có thể dùng để làm bằng chứng rằng đây là âm mưu của Nhà Trắng. Và bất kỳ lời nói bóng gió nào đến một âm mưu mờ ám liên quan đến sự kiện này sẽ không có lợi cho khoa học, cho Nhà Trắng, cho NASA và thẳng thắn mà nói, cho toàn nước Mỹ”.
“Phải chăng vì thế mà Tổng thống cho trì hoãn việc công bố sự kiện này cho đến khi ngài có đủ những lời xác thực của các nhà khoa học danh tiếng?”
“Mục tiêu của tôi là sẽ công bố tin này một cách khách quan đến nỗi bất kỳ ý tưởng hoài nghi nào sẽ bị chặn tận gốc, ngay khi nó còn chưa kịp phôi thai. Tôi muốn sự kiện này được công bố với tất cả sự trang trọng và vinh quang xứng tầm với nó. Với công trạng của mình, NASA đáng được như thế”.
Trực giác của Rachel bắt đầu rung chuông báo động. Ông ta muốn gì ở mình đây?
“Dĩ nhiên”, Tổng thống nói tiếp “với vị thế có một không hai của mình, cô có thể giúp tôi. Với kinh nghiệm của một chuyên viên phân tích tin, với mối quan hệ ruột rà giữa cô và đối thủ của tôi, cô chính là người có tư cách để thông báo phát kiến này”.
Rachel cảm thấy mỗi lúc một thêm thất vọng. Ông ta muốn lợi dụng mình... Pickering đã nói trước rồi, y như rằng!
“Tóm lại là”, Herney nói tiếp “tôi đề nghị cô đứng ra thông báo tin này với tư cách cá nhân, với tư cách là một chuyên viên tình báo đang làm việc cho tôi... Và với tư cách con gái của chính đối thủ của tôi”.
Thế đấy! Ván bài đã lật ngửa hết.
Herney yêu cầu mình đứng ra xác thực sự kiện này.
Rachel tưởng Zach Herney cao hơn loại chính trị gia hiểm ác ấy cái đầu. Nếu công khai xác nhận tin này, cô sẽ biến câu chuyện về tảng thiên thạch kia thành một vấn đề mang tính chất cá nhân giữa hai cha con cô, và ngài Thượng nghị sĩ sẽ không thể công kích độ tin cậy của phát kiến này mà không công khai làm hại tư cách cá nhân của con gái mình - một bản án tử hình cho ngài ứng cử viên với cương lĩnh “gia đình là trên hết”.
“Thưa Tổng thống, thành thật mà nói thì tôi thấy choáng khi ngài yêu cầu tôi làm việc đó”.
Ngài Tổng thống có vẻ giật mình: “Tôi tưởng cô sẽ hào hứng nhận lời giúp tôi chứ”.
“Hào hứng ư? Thưa Tổng thống, chưa kể đến những sự khác biệt giữa hai cha con chúng tôi, chỉ riêng để nghị này đã là điều không tưởng. Chưa cần trận đấu chí tử trên các phương tiện truyền thông đó thì tôi cũng đã phải đương đầu với bao nhiêu vấn đề gia đình rồi. Đúng là tôi không yêu quý ông ấy, nhưng ông ta chính là cha của tôi. Và đưa tôi ra làm đối thủ của chính cha đẻ mình trên truyền hình quả là hành động dưới tầm của ngài”.
“Hượm đã nào!” Herney huơ huơ hai tay ra vẻ đầu hàng. “Nào đã ai nói gì đến chuyện công khai hay không đâu?”
Rachel im lặng một lát. “Tôi tưởng ngài định yêu cầu tôi xuất hiện trên chương trình truyền hình lúc tám giờ tối nay cùng với ông Giám đốc NASA?”
Herney cười ha hả trong máy. “Rachel, cô nghĩ tôi là loại người nào chứ? Chẳng lẽ cô tưởng tôi yêu cầu cô cầm dao đâm lén chính cha mình trên truyền hình sao?”
“Nhưng ngài đã nói là...”
“Và cô tưởng ông Giám đốc NASA chịu chia sẻ ánh đèn trường quay với con gái người đã kịch liệt công kích ông ấy sao? Tôi không muốn làm cô bị hẫng, nhưng Rachel ạ, cuộc họp báo tối nay sẽ chỉ bàn về khía cạnh khoa học mà thôi. Tôi không nghĩ là kiến thức của cô về thiên thạch, về hóa thạch, hay cấu trúc băng hà sẽ mang lại độ tin cậy về khoa học cho chương trình”.
Rachel đỏ mặt. “Thế ngài định thế nào?”
“Tôi có kế hoạch phù hợp với vị trí của cô hiện nay”.
“Thưa Tổng thống?”
“Vì cô là chuyên viên tổng hợp tin của Nhà Trắng, cô sẽ thông báo vắn tắt với nhân viên của tôi về sự kiện trọng đại này”.
“Ngài yêu cầu tôi xác thực tin này với nhân viên của ngài à?”
Herney có vẻ vẫn cảm thấy khoái trá về sự hiểu lầm vừa rồi: “Đúng thế đấy! Sự hoài nghi bên ngoài thực ra không có gì đáng sợ so với những gì tôi đang phải đương đầu ngay trong đội ngũ nhân viên của tôi lúc này. Uy tín của tôi trong lnnơ chính nội bộ của mình đang bị để doạ. Chính nhân viên của tôi đang yêu cầu tôi phải cắt bớt các khoản chi cho NASA, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai. Đó là hành động tự sát về mặt chính trị”.
“Đến tận thời điểm này sao?”
“Chính xác. Như chúng ta đã trao đổi sáng nay, thởi điểm của phát kiến này khiến cho bất kỳ chính trị gia hoài nghi nào cũng phải đặt dấu hỏi, và lúc này chính nhân viên của tôi lại là những kẻ hoài nghi nhất. Cho nên, khi họ được thông báo tin này, tôi muốn người nói cho họ biết sự thật sẽ là...”
“Tổng thống vẫn chưa cho cộng sự của ngài biết về tảng thiên thạch này ư?”
“Chỉ một vài cố vấn cấp cao mà thôi. Ưu tiên số một của tôi là giữ bí mật phát kiến này”.
Rachel sững sờ: Chả trách họ có thể nổi loạn chống lại ông ấy. “Nhưng đây không phải là lĩnh vực chuyên sâu của tôi. Làm sao có thể coi chuyện về một tảng thiên thạch là một tin tình báo được cơ chứ?”
“Theo cách nghĩ truyền thống thì đúng là vậy, nhưng quả thực sự kiện này có đầy đủ các yếu tố của lĩnh vực chuyên sâu của cô đấy - khối lượng dữ liệu khổng lồ cần được giản lược, tầm quan trọng lớn về mặt chính trị...”
“Thưa Tổng thống, tôi không phải là chuyên gia về thiên thạch học. Sao không để cho ông Giám đốc NASA thông báo tin này cho các cộng sự của ngài?”
“Cô đùa đấy à? Ai cũng ghét ông ấy, trong con mắt đội ngũ nhân viên của tôi bây giờ. Ông ta chẳng khác gì nhà buôn xảo quyệt cứ dụ tôi dính vào hết phi vụ tồi tệ này đến hợp đồng thất bại khác”.
Điều này thì Rachel hiểu. “Thế còn Corky Marlinson thì sao? Ông ấy đã được huân chương về vật lý học. Uy tín của ông ấy chắc chắn lớn hơn tôi nhiều”.
“Cộng sự của tôi toàn là những chính trị gia, Rachel ạ, không phải các nhà khoa học. Cô đã gặp ông Marlinson rồi đấy. Tôi cũng biết là ông ấy rất giỏi, nhưng nếu tôi đưa một nhà thiên thạch học tới nói chuyện với những kẻ có bộ não trái phát triển ở đây những trí thức chỉ chuyên về xã hội học, thì sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. Tôi cần một người khác cơ. Và cô chính là người đó, Rachel ạ. Nhân viên của tôi biết công việc cô làm, và vì họ biết cô là ai, nên để trình bày vấn đề này một cách không thiên vị thì cô là người thích hợp nhất”.
Thái độ nhã nhặn của Tổng thống bắt đầu tác động đến tâm trí của Rachel. “Ít ra thì Tổng thống hãy thừa nhận rằng vì tôi là con của đối thủ hiện nay của ngài nên mới có lời đề nghị này”.
Tổng thống cười một cách vô tư. “Dĩ nhiên là như vậy. Nhưng mà Rachel này, dù cô có nghĩ thế nào đi nữa thì bằng cách này hay cách khác, nhân viên của tôi cũng sẽ được thông báo về sự kiện này. Cô là người thích hợp nhất. Cô vốn đã có sẵn kỹ năng tổng hợp tin, cô lại còn là con gái của chính người đang muốn đá đít tôi ra khỏi Nhà Trắng. Nên nhìn từ góc độ nào thì cô cũng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất trong trường hợp này”.
“Ngài nên đi làm kinh doanh thì hợp hơn”.
“Trên thực tế thì tôi đang làm việc đó còn gì nữa. Cả cha cô cũng thế. Và thật thà mà nói thì tôi muốn có một thoả thuận có lợi cho cả đôi bên”. Tổng thống bỏ kính và nhìn thẳng vào mắt Rachel. Cô chợt nhận thấy một cái gì đó ở ông ta giống cha mình biết mấy.
“Tôi đang để nghị cô vì thiện chí mà giúp tôi, Rachel ạ. Và hãy nhớ rằng đây cũng là nhiệm vụ của cô nữa đấy. Thế cuối cùng là thế nào nào? Có hay là không đây? Cô có đồng ý thông báo cho nhân viên của tôi không nào?”
Rachel cảm tưởng như đang bị sập trong chiếc bẫy có nhãn mác PSC. Thật khó mà từ chối được. Dù cách xa tới ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm nhận được sức mạnh ý chí của Tổng thống. Vả lại, cô hiểu rằng dù mình có ưng thuận hay không thì đây cũng là một đề nghị hợp lý hợp tình.
“Tôi có một đề nghị”. Cô nói.
Herney nhướng lông mày: “Đó là...?”
“Tôi sẽ gặp nhân viên của ngài một cách kín đáo. Không phóng viên. Đây sẽ là buổi thông báo trong nội bộ, không công khai trên báo chí”.
“Tôi hứa trên danh dự của Tổng thống. Tôi đã chọn lựa sẵn một địa điểm rất “nội bộ”.”
Rachel thở dài:
“Thế thì được ạ”.
Vẻ mặt ngài Tổng thống sáng bừng lên: “Tuyệt lắm”.
Rachel xem đồng hồ, ngạc nhiên thấy đã quá bốn rưỡi chiều. “Hượm đã nào”, cô nói, đầy băn khoăn “nếu truyền hình trực tiếp vào lúc tám giờ thì không kịp được. Dù có đi chiếc máy bay kinh tởm mà ngài nhét tôi vào như lúc sáng thì cũng phải mất hai giờ đồng hồ mới về đến Nhà Trắng. Tôi lại còn phải chuẩn bị và...”
Ngài Tổng thống lắc đầu: “E là tôi chưa kịp nói rõ điểm này. Cô sẽ thông báo từ chính địa điểm cô đang ngồi đó”.
“Ồ”, Rachel do dự, “thế Tổng thống định lúc nào?”
“Sẵn sàng cả rồi”, Herney vừa nói vừa cười nhăn nhở “ngay bây giờ có được không? Tất cả mọi người đều đã có mặt, và đang chăm chú ngắm nhìn một màn hình trắng tinh. Họ đang đợi cô đấy”.
Rachel sững sờ: “Thưa Tổng thống, tôi chưa có sự chuẩn bị nào hết, tôi chắc là không thể...”
“Cô cứ nói cho họ biết sự thật thôi, có gì khó khăn đâu?”
“Nhưng mà...”
“Rachel này”, Tổng thống nhoài người về phía trước và nói, “nhớ là tất cả mọi quy trình cô đọng hay giải thích dữ liệu đều là để phục vụ cuộc sống. Chuyên môn của cô là thế mà. Hãy kể cho họ nghe những gì đang diễn ra ở đó”. Tổng thống giơ tay với nút điều khiển hệ thống sau lưng mình, nhưng chưa ấn nút ngay “Và tôi đã bố trí để cô được lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực, cô sẽ thấy thích cho mà xem”.
Rachel chưa hiểu Tổng thống định nói gì, nhưng không còn thời gian để hỏi nữa rồi. Ông đã ấn nút.
Màn hình trước mặt Rachel trống không trong một tích tắc. Rồi khi hình ảnh bắt đầu xuất hiện trở lại, cô thấy mình bị đặt trong một tình thế khá gay cấn. Trước mặt cô là phòng bầu dục trong Phủ Tổng thống. Đầy chặt những người. Thảy đều phải đứng. Toàn bộ nhân viên Nhà Trắng dường như đã tập trung lại. Và tất cả đều đang chăm chú nhìn cô. Rachel nhận thấy cô đang được nhìn họ từ bàn làm việc của chính Tổng thống.
Lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực. Rachel vã mồ hôi.
Từ vẻ mặt của họ, có thể thấy là cả họ lẫn Rachel đều ngạc nhiên như nhau.
“Cô Sexton đấy à?” Một thứ giọng chua như dấm cất lên.
Rachel quan sát từng người và phát hiện ra người vừa nói. Đó chính là người phụ nữ cao kều ngồi ngay hàng ghế đầu tiên.
Marjorie Tench. Vẻ ngoài đặc biệt của bà ta thật không lẫn vào đâu được.
“Xin cảm ơn sự xuất hiện của cô, thưa cô Sexton”. Marjorie Tench nói, giọng đầy mãn nguyện. “Tổng thống vừa cho chúng tôi biết rằng cô muốn thông báo với chúng tôi một sự kiện nóng hổi”.
Chương 33
Nhà cổ sinh vật học Wailee Ming thích thú ngồi trong bóng tối, trầm tư suy nghĩ. Sự kiện sắp diễn ra tối nay đang khiến từng thớ thịt trong người ông rạo rực. Chẳng mấy chốc mình sẽ là nhà cổ sinh vât nổi tiếng nhất thế giới. Ông ta hi vọng Micheal Tolland sẽ hào phóng đưa phần phát biểu của ông vào bộ phim tài liệu.
Trong khi ông Ming còn đang mơ màng về danh tiếng lẫy lừng của mình trong tương lai thì mặt băng dưới chân rung nhẹ khiến ông nhảy dựng lên. Sống lâu ngày ở vùng Los Angeles nhiều động đất nên ông trở nên cực kỳ nhạy bén với mọi rung động của mặt đất. Tuy nhiên, lúc này ông ta cho rằng những rung động này là hoàn toàn bình thường. Chẳng qua là do băng nứt ra thôi mà, ông ta thở phào, tự trấn an. Nhưng Ming vẫn không thể quen hẳn với hiện tượng này. Đêm nào cũng có vài tiếng nỏ kèm theo rung động nhẹ do một tảng băng hà lớn đã đứt gãy ra ở đâu đó trên dòng sông băng rộng lớn để trôi ra biển. Norah đã miêu tả hiện tượng này với những ngôn từ thật hoa mỹ. Những núi băng mới đang chào đời...
Ông Ming đứng lên và vươn vai. Ông đưa mắt nhìn bao quát bán sinh quyển, và dưới ánh đèn trường quay rực rỡ, ai nấy đang chuẩn bị cho chương trình phát sóng. Ông không phải là kiểu người hợp với hội hè đàn đúm nên đã một mình tìm chỗ kín đáo này.
Khu làm việc vắng tanh trong bán sinh quyển lúc này như mang dáng dấp ma quái, thậm chí còn có vẻ khá thê lương. Một luồng hơi lạnh phả tới, và ông cài cúc áo khoác lên tận cằm.
Xa xa trước mắt ông là lỗ hống trên băng, vết tích đường đi lên của tảng thiên thạch. Giàn giáo khổng lồ đã được dỡ đi, còn lại cái hố sâu nằm đơn độc, bao quanh bởi những chiếc cọc hình tháp. Ông Ming đi thơ thẩn đến bên cái hố, dừng lại ở khoảng cách an toàn, và quan sát hố nước sâu hai trăm foot đang nằm im lìm. Rồi nước sẽ mau chóng đông lại, và sẽ chẳng còn lại chút dấu vết nào của con người ở nơi này.
Cái ao con này quả là một cảnh đẹp, dù là trong đêm tối, ông ta thầm nghĩ.
Trong bóng đêm trông càng đẹp.
Ông ta hơi phân vân, rồi sau đó quả quyết.
Có vấn đề rồi.
Chăm chú quan sát hố nước, ông ta bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Ming dụi mắt, nhìn lại cái hố một lần nữa, rồi đưa mắt nhìn chăm chú toàn bộ tòa nhà lớn..., nhìn đến khu báo chí đang rộn ràng cach đó 50 mét. Ông ta biết ở khoảng cách này trong bóng tối thì không ai có thể trông thấy mình.
Không biết có nên nói cho ai đó biết chuyện này không?
Rồi ông ta quay lại cái hố, băn khoăn không biết nên làm gì. Hay đây chỉ là ảo ảnh? Chỉ là sự phản chiếu kỳ lạ trên mặt nước thôi?
Băn khoăn, ông ta bước qua những chiếc cọc hình tháp, ngồi xuống để quan sát cho rõ. Nước thấp hơn mặt băng bốn foot. Và ông ta rúi hẳn xuống để nhìn. Rõ ràng là có cái gì đó rất lạ. Ông ta vẫn chỉ lờ mờ cảm nhận được nó, nhưng phải đến khi đèn tắt hết thì cái đó mới rõ hẳn.
Ông ta đứng phắt dậy. Chắc chắn phải thông báo chuyện này.
Ông ta hối hả tiến về phía trung tâm báo chí. Đi mới được mấy bước thì ông ta lại đã đứng khựng lại. Lạy Chúa tôi. Ming quay lại cái hố, tròn mắt nhìn. Giờ thì ông ta đã hiểu ra vấn đề.
“Không thể nào!” Ông ta thốt lên.
Tuy nhiên, ông biết đó là cách giải thích duy nhất hợp lý. Phải nghĩ cho kỹ, Ming tự dặn mình. Chắc chắn phải có một lý do khác hợp lý hơn. Nhưng càng nghĩ, ông ta càng tin chắc vào những gì mình vừa nhìn thấy. Không thể giải thích theo bất kỳ cách nào khác cả! Không tưởng tượng nổi rằng cả NASA lẫn Corky Marlinson có thể bỏ qua chi tiết quan trọng đến thế, nhưng ông ta không lấy thế làm điều.
Bây giờ thì đó chính là phát minh của Ming!
Sung sướng đến phát run lên, ông ta lao ngay vào khu làm việc gần đó để tìm một cái cốc. Lúc này ông ta cần một ít nước để làm thí nghiệm. Ai mà ngờ được chuyện này cơ chứ!
-
Chương 34
“Với tư cách là chuyên viên tình báo của Chính phủ”, Rachel vừa nói vừa cố giữ cho giọng nói khỏi run rẩy khi phát biểu trước một màn hình đặc kín những mặt người, “công việc của tôi là đến những địa điểm nhạy cảm về chính trị trên khắp thế giới, phân tích tình hình, rồi báo cáo lại cho Nhà Trắng”.
Một giọt mồ hôi lăn xuống thái dương, Rachel chấm nhẹ. Cô thầm rủa Tổng thống đã giao cho mình nhiệm vụ khó khăn này mà không thèm báo trước lấy một lời.
“Trong đời, tôi chưa bao giờ đến một nơi nào lạ lùng đến thế này”. Rachel khoát tay chỉ mọi vật xung quanh. “Chắc quý vị có thể cảm thấy khó tin, nhưng sự thật là tôi đang nói chuyện với quý vị từ một phiến băng hà dày 300 foot phía bắc vòng chí tuyến”.
Những khuôn mặt trên màn hình bắt đầu có vẻ kinh ngạc. Dĩ nhiên họ biết là phải có lí do thì mới có cuộc họp này trong phòng bầu dục, nhưng không ai tưởng tượng nổi đó lại là câu chuyện liên quan đến một sự kiện tận trên vòng chí tuyến.
Mồ hôi lại tiếp tục lăn xuống, Rachel bực bội thầm. Không thể cho phép mình thế này được! Nếu mẹ cô ở trong tình huống này, chắc chắn bà sẽ nói: Khi nào cảm thấy có gì nghi ngờ thì phải nói ra! Câu ngạn ngữ này của người Ankie hoàn toàn đúng với một nguyên tắc sống cơ bản của bà - đó là nói hết sự thật ra rồi thì người ta có thể vượt qua mọi thử thách khó khăn, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hít một hơi thật dài, Rachel ngồi thẳng dậy trước ống kính camera: “Xin lỗi, có thể quý vị đang tự hỏi vì sao tôi lại toát mồ hôi dù đang ở tận phía bắc vòng chí tuyến... Tôi đang run”.
Những khuôn mặt trên màn hình hơi có vẻ ngạc nhiên. Một số người cười một cách gượng gạo.
“Thêm vào đó, sếp của các vị chỉ báo trước cho tôi có 10 giây đồng hồ, và rồi tôi phải đối thoại trực diện với toàn thể nhân viên của Nhà Trắng. Kiểu thử thách như thế này không phải là thứ mà tôi chờ đợi sẽ diễn ra trong chuyến thăm phòng bầu dục lần đầu trong đời”.
Lần này nhiều tiếng cười hơn.
“Không những thế”, cô nói tiếp, đưa mắt nhìn xuống tận phía cuối màn hình “tôi không ngờ là mình lại được ngồi bên bàn của Tổng thống, hay nói đúng ra là trên bàn!”
Câu nói này mang lại những tiếng cười vui vẻ thật lòng. Các cơ bắp Rachel bắt đầu gĩan ra, và cô thấy thư gĩan. Cứ việc nói thẳng hết với họ.
“Tình hình là như sau”. Lúc này thì giọng nói của Rachel đã trở lại bình thường. Rõ ràng và thoải mái. “Trong những tuần vừa qua, Tổng thống Herney không thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, không phải là vì ông không đoái hoài gì đến chiến dịch tranh cử, mà là vì còn bận bịu với một vấn đề khác mà ông tin rằng quan trọng hơn chuyện bầu cử nhiều”.
Rachel ngừng lời, đưa mắt nhìn thính giả.
“Tại phiến băng Milne ở Cực Bắc, người ta đã phát hiện thấy một thứ. Vào lúc tám giờ tối nay, Tổng thống sẽ công bố phát kiến này cho toàn thế giới được biết. Phát kiến này là của một nhóm công dân Hoa Kỳ gần đây đã phải trải qua những tình huống không lấy gì làm dễ chịu. Đã đến lúc vận rủi của họ chấm dứt. Tôi đang nói đến NASA. Các vị có thể tự hào vì Tổng thống của chúng ta, với một niềm tin sáng suốt, đã kiên định ủng hộ NASA ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Giờ đây, có lẽ sự kiên định của Tổng thống được đền đáp”.
Lúc này Rachel mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng lịch sử của giây phút này. Cổ họng cô như muốn nghẹn lại, Rachel nói một cách khó khăn.
“Với tư cách là nhân viên ngành tình báo chuyên về tổng hợp và phân tích tin, tôi là một trong số ít người đã được Tổng thống mời đến để xác minh phát kiến của NASA Tôi đã đích thân xem xét đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, cả những người làm việc cho NASA lẫn những người khác, những người có bản lĩnh khoa học vững vàng và không thể bị ảnh hưởng của các yếu tố chính trị. Theo nhận định của cá nhân tôi thì những gì tôi sắp trình bày là thật và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến nào. Không những thế, cá nhân tôi nghĩ rằng, với niềm tin dành cho nhân viên của mình và nhân dân Mỹ, Tổng thống đã tỏ ra hết sức thận trọng. Dù rất vui mừng muốn thông báo tin này từ tuần trước, nhưng ông đã không làm thế”.
Rachel thấy những người trên màn hình ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Tất cả đều hướng về phía cô, ánh mắt chăm chú chờ đợi. Cô đã thu hút được sự chú ý của họ.
“Thưa các quý ông, quý bà, tin là sau khi tôi trình bày xong, các vị sẽ đồng ý với tôi rằng đây là thông tin quý giá nhất được bàn đến trong toàn bộ lịch sử của phòng bầu dục này”.
Chương 35
Hình ảnh được robot truyền về trại của Đội Delta trông chẳng khác gì trích đoạn của một bộ phim mà người ta đem đến dự liên hoan phim - khung cảnh mờ tối, lỗ thủng trên băng lấp lóa nước, một người châu Á ăn vận rất đàng hoàng đang nằm xoài trên mặt băng, chiếc áo khoác lông lạc đà to xù trông như hal cái cánh. Rõ ràng là ông ta đang cố lấy nước ở dưới hố lên.
“Phải chặn ông ta lại”. Delta-Ba nói.
Delta-Một gật đầu đồng ý. Phiến băng Milne mang trong nó bí mật mà họ được giao nhiệm vụ phải bảo vệ.
“Chặn ông ta thế nào bây giờ?” Delta-Hai hỏi, tay vẫn cầm cần điều khiển. “Những robot này làm gì có vũ khí”.
Delta-Một nhíu mày. Chiếc vi robot đang bay trong bán sinh quyển thuộc loại hình thu nhỏ để thích hợp với những chuyến bay dài. Khả năng tấn công của nó chẳng hơn gì con muỗi.
“Phải báo cáo với chỉ huy”. Delta-Ba nói.
Delta-Một chăm chú nhìn nhà khoa học Wailee Ming đơn độc đang ngồi ngay trên mép hố nước. Xung quanh không một bóng người, và cái lạnh của Bắc Cực còn có tác dụng làm giảm độ vang của âm thanh. “Đưa gậy điều khiển cho tôi”.
“Anh định làm gì?” Người lính đang cầm cần điều khiển, hỏi.
“Làm việc mà chúng ta đã được huấn luyện kỹ”. Delta-Một giật lấy cần “Phải tự ứng biến”.
-
Chương 36
Wailee Ming nằm sấp bên hồ nước, tay phải vươn qua mép hố, cố lấy nước lên làm mẫu. Ông không nhìn nhầm. Lúc này, cách mặt nước chỉ chừng một mét, mọi thứ rõ mồn một.
Không thể tưởng tượng nổi!
Vươn người thêm chút nữa, ông ta cố với xuống mép nước. Chỉ còn vài inch nữa là tới.
Không thể vươn tay dài hơn nữa, ông ta nằm xuống gần mép hố hơn. Ming bấm mũi ủng xuống mặt băng, tay trái bám chặt mép hố. Ông ta lại cố vươn tay phải xuống thật sâu. Cần chạm. Ông ta nhích tới thêm một chút nữa. Được rồi! Miệng cốc đã chạm được đến mặt nước. Nước bắt đầu chảy vào cốc, và ông ta kinh ngạc quan sát.
Rồi, thật bất ngờ, việc đó xảy ra. Một mảnh kim loại bé tí tẹo từ bóng tối lao thẳng ra như một hòn đạn, ông ta mới thoáng thấy nó được một tích tắc thì đã bị nó bay vào mắt phải.
Bản năng bảo vệ mắt của loài người thật mạnh mẽ, cho nên mặc dù lý trí bảo Ming rằng bất kỳ cử động bất thình lình nào cũng sẽ khiến ông ta bị mất thăng bằng, ông ta co rúm người lại. Đó là một phản ứng vì ngạc nhiên chứ không phải vì bị đau. Tay trái của ông ta, vì ở gần mắt nhất, giơ lên để che bên mắt bị tấn công. Vừa đưa tay lên. Ming đã nhận ra ngay sai lầm rửa mình. Toàn bộ sức nặng của cơ thể vốn đã dồn về phía trước, giờ lại mất điểm tựa, ông ta lảo đảo. Nhà cổ sinh học phản ứng quá muộn. Ông ta vứt bỏ cái cốc bấu chặt vào bờ mép - nhưng không kịp - Ming ngã nhào xuống cái hố đen ngòm.
Mặt nước chỉ cách bờ có bốn foot, nhưng vì ngã dúi đầu xuống nên ông ta tưởng như vừa đâm đầu xuống vỉa hè với vận tốc năm mươi dặm một giờ. Làn nước giá lạnh trùm kín mặt ông ta giá buốt đến mức tưởng như đó là axit bỏng. Cảm giác hãi hùng ngay lập tức ùa đến.
Đầu chúc xuống, trong bóng tối mịt mùng, lúc đầu ông ta không biết phải lên hướng nào. Chiếc áo khoác lông lạc đà ngăn không cho nước lạnh tràn vào người, nhưng chỉ được một hai giây. Nổi được đầu lên. Ông ta thở gấp, và đó ung là lúc nước ùa vào đến ngực và lưng, cái lạnh bó lấy cơ thể như gọng kìm thép.
“C... ứ... u...!” Ông ta hổn hển, nhưng không đủ sức để hét to lên.
Ming thấy cơ thể đã cạn hết sinh khí.
“Cứ...u!” Ngay cả chính ông ta cũng không thể nghe thấy tiếng kêu của mình. Ông nhoài về phía mép lỗ băng và cố bò lên. Nhưng trước mặt là bức tường băng dựng đứng. Không bám được vào đâu, ông ta đạp mạnh chân vào băng, cố tìm một điểm tựa. Không được ông ta cố vươn lên mép hố, chỉ một foot nữa là chạm.
Cơ bắp của ông ta bắt đầu phản xạ kém đi. Ming cố quẫy mạnh hai chân, vươn người lên để bấu vào miệng hố. Cơ thể nặng như đá đeo, hai buồng phổi co thắt lại như thể một con mãng xà lớn đang quấn chặt lấy ông ta. Sau vài giây, chiếc áo khoác sũng nước bắt đầu kéo ông ta chìm xuống. Ông ta tìm cách rũ bỏ chiếc áo, nhưng không thể.
“Cứu tôi với...!”
Cảm giác hãi hùng bây giờ bủa vây tứ phía.
Ông ta đã đọc ở đâu đó rằng chết đuối là cái chết đáng sợ nhất.
Và nhà cổ sinh vật xấu số không thể tưởng tượng được ông ta sẽ có ngày trải qua cảm giác đó. Các cơ bắp lúc này không còn tưân theo chỉ đạo của não bộ nữa, và ông ta cố gắng vẫy vùng để giữ cho đầu khỏi bị chìm. Trong khi những ngón tay lạnh buốt cố bám vào thành của cái bẫy băng, bộ quần áo nặng trịch cứ lôi ông ta xuống.
Lúc này những tiếng kêu thét chỉ còn là những tiếng vang trong tâm trí ông ta mà thôi.
Và rồi điều đó đã xảy đến.
Ông ta bị chìm. Người đàn ông châu Á này không bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình phải trải qua cảm giác kinh hãi khi thấy cái chết đang ập đến, ấy thế mà chính nó đang hiện hữu...
Ông ta chìm dần xuống đáy hố băng sâu hai trăm foot. Muôn vàn ý nghĩ vụt qua tâm trí. Những khoảnh khắc ấu thơ. Sự nghiệp. Nỗi băn khoăn không hiểu người ta có tìm thấy xác nình không, hay thân xác ông ta sẽ chìm sâu xuống đáy, và vĩnh viễn sẽ bị vùi lấp trong lăng mộ băng hà này.
Hai lá phổi căng ra đòi khí ô xy. Nhưng Ming cố nhịn thở, đồng thời quẫy đạp để nhô lên mặt nước. Hít thở. Cố chống lại bản năng ấy, ông mím chặt môi. Hít thở. Những nỗ lực vô vọng để ngoi lên. Hít thở. Trong thoáng chốc, ông không thể nào chống lại bản năng của mình được nữa, bản năng hít thở đã chiến thắng trong cuộc chiến sinh tử với nỗ lực của ý chí bắt đôi môi phải mím chặt lại.
Wailee Ming hít thở.
Nước ùa vào phổi, chẳng khác gì một loại dầu bỏng rát ập vào những mô cơ dễ tốn thương bên trong buồng phối. Như thế ông đang bị lửa đốt từ bên trong cơ thể. Tai ác thay, nước không làm người ta chết ngay tắp lự. Những giây khắc hít nước vào trong phổi mới khủng khiếp làm sao, càng thở càng đau đớn, càng thở càng không có được thứ mà cơ thể đang đòi hỏi khẩn thiết.
Cuối cùng, ông Ming chìm sâu hẳn xuống khoảng tối tăm lạnh lẽo bất tỉnh. Ông thấy sung sướng được giải thoát. Trong màn nước đen thẳm xung quanh như có muôn vàn đốm sáng li ti. Đó là cảnh tượng đẹp nhất mà ông từng nhìn thấy trong đời.
-
Chương 37
Cổng phía đông của Nhà Trắng tọa lạc trên đại lộ Hành Pháp, giữa Bộ Tài chính và bãi cỏ Đông. Hàng rào và những cọc bê tông mới được xây dựng thêm sau khi những doanh trại thủy quân lục chiến ở Beirut bị tấn công, khiến cho khu này mất hẳn vẻ hiểu khách vốn có của nó.
Đứng ngoài cổng, Gabrielle Ashe xem đồng hồ tay, bắt đầu cảm thấy mỗi lúc một thêm bồn chồn. Đã 4g45, và vẫn chưa có ai đến.
CỔNG PHÍA ĐÔNG, 4G30. ĐẾN MỘT MÌNH.
Tôi đến rồi đây. Cô thầm nghĩ. Sao chẳng thtíy ai hết?
Gabrielle quan sát những khách du lịch đi lướt qua, mong chờ có người sẽ đáp lại ánh mắt dò tìm rủa mình. Một số người đàn ông nhìn cô, nhưng rồi đi tiếp. Gabrielle bắt đầu nghĩ có lẽ cô đã sai lầm khi đến đây. Và lúc này, hình như người lính mật vụ đang đứng trong vọng gác bắt đầu để ý đến cô. Gabrielle bắt đầu nghĩ rằng người đưa tin đã đổi ý. Vì thế, ngước nhìn lần cuối cùng dinh Tổng thống bên trong hàng rào, cô thở dài và quay gót.
“Cô Gabrielle Ashe phải không?” Người lính gác gọi với theo.
Gabrielle quay lại, trả lời thất thần. “Sao cơ?”
Người đàn ông trong bốt gác vẫy vẫy tay. Người này có khuôn mặt khá nghiêm nghị, dáng hơi gầy. “Đối tác của cô đã sẵn sàng làm việc với cô”. Anh ta mở khóa cổng và ra hiệu bảo cô vào trong.
Chân Gabrielle không muốn bước: “Tôi phải vào trong à?”
Người gác cổng gật đầu: “Người đó nhờ tôi xin lỗi giùm vì đã để cô phải đợi”.
Gabrielle nhìn cánh cổng đã mở sẵn, vẫn không muốn bước lên. Có chuyện gì thế này? Gabrielle không ngờ sự việc lại tiến triển theo hướng này.
“Cô là Gabriell Ashe đúng không?” Người gác cổng hỏi lại, lần này có vẻ đã nôn nóng.
“Vâng, đúng là tôi, nhưng mà...”
“Tôi khẩn thiết đề nghị cô hãy đi theo tôi”.
Gabrielle bước theo anh ta một cách miễn cưỡng. Cô vừa ngập ngừng bước thì hai cánh cổng đã đóng sập lại ngay sau lưng.
Chương 38
Hai ngày ròng rã không có mặt trời đã khiến cho nhịp sinh học trong cơ thể Micheal Tolland bị xáo trộn. Dù theo đồng hồ mới là lúc chiều muộn, cơ thể ông cứ một mực đang là lúc nửa đêm. Ông vừa hoàn tất bộ phim tài liệu của mình, copy tất cả bộ phim sang một đĩa số hoá, và đang đi ngang qua khu nhà lờ mờ tối. Đến khu báo chí sáng rực rỡ, ông giao chiếc đĩa cho một nhân viên kỹ thuật truyền hình của NASA được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phim.
Anh ta giơ chiếc đĩa lên và nói: “Cảm ơn Mike. Đây chắc là thứ ai cũng muốn xem lấy một lần trong đời đây”.
Tolland cười mệt mỏi: “Tôi hi vọng Tổng thống hài lòng”.
“Dĩ nhiên ông ấy sẽ hài lòng. Xong việc rồi, ngồi đây thư gĩan với chúng tôi một chút nào”.
“Thôi cảm ơn cậu”. Đứng giữa khu báo chí sáng trưng, Tolland đưa mắt quan sát đội ngũ nhân viên của NASA đang vui vẻ tiệc tùng. Dù rất muốn nhập bọn với họ, ông cảm thấy kiệt sức, đầu óc mụ mị. Ông đưa mắt tìm Rachel Sexton, nhưng có lẽ cô vẫn còn đang trao đổi với ngài Tổng thống.
Ông ta muốn Rachel xuất hiện trên truyền hình, ông thầm nghĩ. Và cũng chẳng có gì đáng chê trách; Rachel là một điểm nhấn hoàn hảo cho đội ngũ phát ngôn viên về tảng thiên thạch. Bên cạnh dáng vẻ kiều diễm, Rachel có phong thái tự tin và đĩnh đạc mà rất ít phụ nữ có được. Dù sao thì hầu hết những phụ nữ mà ông thường tiếp xúc đều làm bên truyền hình - một là những người có quyền lực nhưng tàn nhẫn, hai là những “ngôi sao” cực kỳ ăn ảnh - và cái cô có chính là thứ họ luôn thiếu.
Rút lui khỏi đám nhân viên NASA đang vui vẻ cười nói, ông băng qua những hành lang ngoằn ngoèo hệt như mê cung của tòa nhà, và băn khoăn không biết các nhà khoa học dân sự khác đã biến đi đằng nào hết. Nếu chỉ can cảm thấy mệt bằng một nửa ông bây giờ, chắc họ đã đến khu phòng ngủ để tranh thủ chợp mắt trước khi buổi truyèn hình bắt đầu. Xa xa phía trước. Ông thấy những chiếc cọc hình nón SHABA xung quanh hố băng. Đứng dưới mái vòm trơ trọi của tòa nhà, những ký ức xa xăm như vọng về một cách ma quái Tolland cố không để chúng tràn lấp tâm trí mình.
Quên những bóng ma ấy đi, nhà hải dương học tự nhủ. Mỗi khi ông mệt mỏi hoặc thấy cô đơn như lúc này, chúng lại thường ùa về. Giá có nàng ở bên mình thì hạnh phúc biết bao, giọng nói trong tâm trí cứ rỉ rả. Trong bóng đêm, cô đơn, tâm trí ông chợt tìm về dĩ vãng.
Celia Birch và ông yêu nhau hồi cả hai cùng học cao học. Vào một ngày Valentine, ông mời nàng đi ăn tối ở nhà hàng mà họ cùng yêu thích. Sau món chính, người bồi bàn bưng ra món tráng miệng bông hồng duy nhất và chiếc nhẫn kim cương. Celia hiểu ngay. Mắt ngấn lệ, nàng khẽ nói một lời mà thôi, và mang lại cho trái tim Tolland cảm giác ngất ngây hạnh phúc mà ông sẽ nhớ mãi đến lúc đau bạc răng long.
“Vâng”.
Với bao ước vọng tươi đẹp, họ mua một ngôi nhà nhỏ gần Pasadena, và Celia trở thành giáo viên. Dù thu nhập chẳng đáng là bao, đó vẫn là bước khởi đầu tốt đẹp, và ngôi nhà cũng rất gần Viện Hải dương học San Diego, nơi Tolland đã được nhận vào làm. Vì công việc. Ông thường phải vắng nhà mỗi lần từ ba đến bốn ngày, nhưng mỗi giây phút họ được bên nhau đều tràn đầy hạnh phúc.
Mỗi chuyến công tác, Tolland thường quay lại những chuyến thám hiểm của mình. Một lần, ông mang về nhà đoạn phim quay một chú cá mực lớn nhìn thấy từ cửa sổ tàu ngầm - một loài cá mực chưa ai nhìn thấy bao giờ. Vừa quay, ông vừa say sưa bình luận, từng lời nói bên máy quay trong chiếc tàu ngầm ấy đều toát lên niềm say mê.
Có thể khẳng định rằng có tới hàng ngàn loài sinh vật ởđ ộ sâu này, giọng ông say sưa, chưa hề được con người biết đến! Chúng ta chỉ mới biết sơ qua về mặt biển mà thôi! Ở độ sâu này có biết bao điều kỳ thú đợi con người xuống khám phá!
Những lời giải thích súc tích cùng với sự say mê của chồng đã khiến Celia bị mê hoặc. Cô chợt nảy ra ý định đem đoạn phim đến chiếu cho học sinh xem, và bọn trẻ cũng say mê không kém. Các giáo viên khác cũng mượn đoạn phim để chiếu cho học sinh của họ. Các bậc phụ huynh thì muốn sao lại chiếc đĩa. Dường như ai nấy đều háo hức đợi đoạn phim tiếp theo của Micheal. Thế là Celia lại nảy ra một ý mới. Cô liên lạc với người bạn học của hai người ở đài NBC và gửi đoạn phim đến đó.
Sau đó hai tháng, một hôm Micheal Tolland rủ vợ đi dạo một vòng trên bờ biển Kingman. Đối với hai người, đó là bãi biển đặc biệt, nơi đã chứng kiến tất cả những hi vọng và mộng mơ của đôi uyên ương trẻ tuổi.
“Anh có chuyện này muốn nói em nghe”. Tolland nói.
Celia dừng bước để cho những con sóng nhẹ mặc sức mơn man đôi bàn chân xinh xắn, nắm chặt tay chồng: “Gì vậy anh?”
Tolland nói như reo: “Tuần trước, đài NBC đã gọi cho anh. Họ đề nghị anh đứng ra chủ biên một loạt phim tài liệu về đại dương. Tuyệt quá! Họ bảo muốn thử nghiệm chương trình đầu tiên ngay đầu năm sau! Em thấy thế nào?”
Khuôn mặt Celia bừng sáng, nàng hôn Tolland:
“Anh giỏi lắm, anh yêu”.
Sau đó sáu tháng, một hôm, đang chèo thuyền cùng Tolland gần Catalina thì Celia thấy đau ở mạng sườn. Vài tuần sau đó cơn đau vẫn không hết, nhưng cả hai vẫn cố không chú ý đến nó. Nhưng rồi những cơn đau trở nên không thể chịu đựng nổi, và cô đi khám.
Bao mộng mơ của Tolland về cuộc sống vợ chồng phút chốc tan thành mây khói. Nàng ốm, ốm nặng.
“Bệnh lym-pho-ma ở dạng đã tiến triển”. Bác sĩ kết luận. “Bệnh rất hiếm gặp ở tuổi của nàng, nhưng đã có người bị rồi”.
Hai vợ chồng đến vô số bệnh viện, hỏi không biết bao nhiêu chuyên gia. Nhưng câu trả lời họ nhận được thì chỉ có một. Không thể chữa được.
Anh quyết không đầu hàng đâu! Ngay lập tức, Tolland bỏ việc ở viện Hải dương học, quên phắt những bộ phim tài liệu cho đài NBC, dồn hết tâm lực để giúp đỡ Celia. Nàng cũng rất kiên cường chịu đựng mọi đau đớn, và chính vì thế mà ông càng yêu nàng gấp bội. Ông dắt vợ đi dạo trên bờ biển Kingman, tự tay nấu cho nàng những món ăn bổ dưỡng, chuyện trò với nàng về những gì hai người sẽ cùng thực hiện khi nàng khỏi bệnh.
Nhưng sự việc không như họ ao ước.
Chỉ sau bảy tháng, Micheal Tolland đã phải chứng kiến người vợ yêu dấu của mình hấp hối trong bệnh viện ông thậm chí không thể nhìn thấy những đường nét yêu dấu trên khuôn mặt nàng. Sức tàn phá của căn bệnh ung thư quái ác quả là khủng khiếp. Nàng chỉ còn da bọc xương. Những giờ khắc cuối cùng mới nghiệt ngã làm sao.
“Micheal”. Nàng gọi anh, giọng yếu ớt. “Đến lúc em phải ra đi rồi”.
“Đừng em!” Hai mắt ông đẫm lệ.
“Anh sẽ tiếp tục sống” Celia nói “anh phải sống tiếp. Hãy hứa với em là anh sẽ tìm cho mình một tình yêu mới”.
“Anh sẽ chẳng bao giờ yêu bất kỳ ai khác”. Và đó là sự thật.
“Rồi anh sẽ học được cách quên em đi”.
Celia ra đi vào một ngày chủ nhật quang đãng giữa tháng sáu.
Michael Tolland thấy mình chẳng khác nào một con tàu giữa biển khơi cuồng nộ, la bàn gãy nát, dây neo đứt tơi tả. Có những tuần ông như muốn phát điên lên. Bạn bè ai cũng muốn giúp, nhưng Tolland quá tự trọng, và không chịu để cho ai thương hại mình.
Mình cần phải lựa chọn, cuối cùng ông cũng tự nhận ra, hoặc là làm việc, hoặc là chết.
Dằn trái tim đau lại, ông lao vào Đại dương kỳ thú. Và chính chương trình ấy đã cứu vớt cuộc đời ông. Trong vòng bốn năm tiếp theo đó, những bộ phim của ông đã cất cánh: Dù bạn bè đã nhiều lần mai mối, ông chẳng duy trì nổi mối quan hệ nào cho ra hồn. Mỗi lần hẹn hò là một lần thêm thất vọng, cuối cùng ông thôi không hẹn hò nữa, và đổ tại lịch làm việc sít sao nên bản thân mình không thể duy trì được các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiện, những người bạn thân của ông thì hiểu; đơn giản là Michael Tolland vẫn chưa sẵn sàng.
Lỗ thủng trên băng do tảng thiên thạch để lại giờ ở ngay trước mắt Tolland, bứt ông khỏi những suy nghĩ đau đớn. Ông gạt những ký ức giá buốt ấy ra khỏi tâm trí, đến bên cái hố sâu. Trong tòa nhà mái vòm mờ tối, mặt nước bên trong miệng hố chợt ánh lên vẻ đẹp siêu thực và ma mị. Nước trong hố lấp loáng như cái ao trăng. Những gợn sáng lóng lánh trên bề mặt chợt thu hút sự chú ý của ông, như thế có người đã rắc lên đó thứ bột lóng lánh màu xanh lục. Ông chăm chăm nhìn mặt nước lấp lóa...
Có cái gì thật kỳ lạ.
Thoạt nhìn ông tưởng những gợn lấp lóa kia là do phản chiếu ánh sáng của những ngọn đèn bên trong bán sinh quyển. Nhưng giờ ông đã nhận ra không phải thế. Mặt nước này lung linh ánh sáng màu lục, và như thể nó đang hít thở một cách nhịp nhàng, như thế mặt nước là một cơ thể sống, và đang tự tỏa sáng.
Băn khoăn, ông vượt qua những chiếc cọc hình nón để nhìn gần hơn.
Từ chái nhà đối diện của bán sinh quyển, Rachel bước từ trong phòng PSC ra ngoài trời tối. Bị mất phương hướng trong bóng tối, cô dừng lại giây lát. Lúc này bán sinh quyển chẳng khác gì cái hang lớn và nguồn sáng duy nhất là những tia sáng rực rỡ hắt ra từ khu báo chí bên bức tường phía bắc. Cảm thấy bất an trong bóng tối, cô hành động theo bản năng, tiến về phía có ánh sáng.
Rachel cảm thấy khá hài lòng về hiệu quả của báo cáo vừa rồi trước nhân viên Nhà Trắng. Lấy lại được bình tĩnh sau những tiểu xảo bất ngờ của Tổng thống, cô trình bày trôi chảy những gì mình biết về tảng thiên thạch. Vừa nói, cô vừa quan sát vẻ mặt những cộng sự của ngài Tổng thống chuyển dần từ kinh ngạc sang tin tưởng lạc quan, và cuối cùng là sự nể phục tuyệt đối.
“Sự sống trên vũ trụ à?” Một người trong số họ thốt lên. “Nghĩa là gì thế?”
“Đơn giản thôi”, người khác đáp lời, “chúng ta sẽ thắng cử”.
Chân bước về phía khu báo chí, Rachel nghĩ đến giây phút sự kiện này được công bồ, không thể không tự hỏi liệu cha cô có đáng bị cỗ xe tranh cử của ngài Tổng thống đè bẹp chỉ bằng một cú ra đòn hay không.
Dĩ nhiên, câu trả lời là có.
Mỗi khi thấy mềm lòng trước cha mình, Rachel chỉ cần nhớ đến mẹ cô. Catherine Sexton. Những nỗi đau, những tủi nhục mà ông ta bắt mẹ cô phải chịu đựng thật là khủng khiếp... Đêm nào ông cũng về nhà muộn, say xỉn, người sặc sụa mùi nước hoa. Luôn mồm nói dối, tán gái liên tục, nhưng ông ta lại luôn tỏ ra vô cùng ngoan đạo, vì biết Catherine sẽ không bao giờ li dị.
Có đấy, cô quả quyết, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton bị như thế là đáng đời lắm.
Đám người trưng khu báo chí thật vui nhộn. Ai nấy cũng hồ hởi cụng ly. Rachel len qua đám đông, tưởng như mình lại trở thành cô nữ sinh năm thứ nhất lần đầu bước chân vào phòng ăn của trường đại học. Cô thắc mắc không biết Michael Tolland biến đâu mất.
Corky Marlinson đột nhiên đứng lù lù ngay cạnh cô. “Cô đang tìm Mike phải không?”
Rachel hơi giật mình: “À..., không..., không hẳn như thế”.
Corky lắc đầu không tin: “Tôi biết chứ. Mike vừa mới đi khỏi đây xong. Có khi anh ta tranh thủ chợp mắt một lát rồi cũng nên”. Ông ta đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà mái vòm mờ tối. “Mà biết đâu vẫn có thể tìm được anh ta cũng nên”. Rồi ông ta mỉm cười tinh quái và đưa tay chỉ “Lúc nào nhìn thấy nước mà anh chàng chả như bị thôi miên”.
Rachel nhìn theo hướng tay chỉ của ông ta, và thấy bóng Michael Tolland bên miệng hố sâu, đang chăm chăm nhìn mặt nước.
“Anh ấy làm gì thế?” Cô hỏi. “Chỗ đó nguy hiểm lắm”.
Corky cười ngoác: “Có khi đang tìm xem có lỗ rò nào không đấy! Ta ra đấy đi”.
Hai người băng qua tòa nhà tối, đến bên cái hố. Gần đến nơi, Corky gọi lớn:
“Này, gã người nhái kia, quên bộ đồ lặn ở nhà à?”
Tolland quay lại. Dù trong bóng tối. Rachel ngay lập tức nhận thấy vẻ mặt của Mike rất đăm chiêu. Các đường nét trên khuôn mặt được chiếu sáng theo kiểu gì đó rất kỳ dị, như thế ánh sáng phát ra từ đâu đó dưới chân ông.
“Ổn cả chứ anh Mike?” Cô hỏi.
“Hình như có vấn đề”. Ông chỉ tay xuống mặt nước.
Corky bước qua những chiếc cọc, đứng cạnh Micheal bên miệng hố. Nhìn xuống nước, ông ta chợt mất hẳn vẻ bông lơn cười cợt. Rachel cũng bước qua những chiếc cọc, đến bên họ. Nhìn xuống hố, cô ngạc nhiên thấy muôn vàn gợn nhỏ màu xanh lục lóng lánh. Y như bụi nê ông đang trôi nổi trên mặt nước. Một vẻ đẹp mê hồn. Tolland nhặt mảnh băng vỡ và quăng xuống nước.
Những gợn sóng nước phát sáng như lân tinh, ánh những tia màu xanh bất chợt.
“Mike này”, Corky nói, vẻ không thoải mái “anh biết đó là cái gì đúng không?”
Tolland, nhăn trán: “Dĩ nhiên tôi biết đó là cái gì, nhưng không thể hiểu thế nào mà nó lại ở đây”.
Chương 39
“Khuẩn hình roi đấy”. Tolland vừa đăm đắm nhìn xuống mặt nước sáng lóng lánh vừa nói.
“Này anh chàng ngạo mạn kia, nói cho rõ xem nào”. Corky làu bàu.
Theo trực cảm của Rachel thì hai người đàn ông này không nói đùa.
“Không biết bằng cách nào”, Tolland nói, “nhưng chắc chắn trong nước có những khủng trùng hình roi phát sáng”.
“Thế có nghĩa là gì?” Rachel hỏi. Nói tiếng Anh đi các vị.
“Đó là những sinh vật đơn bào phù du có khả năng oxi hóa một loại chất xúc tác phát quang tên là luceferin”.
Đây mà là tiếng Anh sao?
Tolland thở dài và quay sang ông bạn của mình: “Corky này, liệu có khả năng tảng thiên thạch chúng ta vừa lôi lên có chứa các sinh vật đang sống không nhỉ?”
Corky cười phá lên. “Này Mike, đừng có đùa nữa”.
“Tôi đâu có đùa”.
“Không thể nào, Mike ạ. Cậu cứ tin tôi đi, nếu NASA biết là có những sinh vật có xuất xứ vũ trụ sống trong tảng thiên thạch đó thì họ chẳng đời nào lại lôi nó lên làm gì”.
Tolland có vẻ chỉ thỏa mãn phần nào, nhìn mặt ông thì thấy ông còn có những mối nghi ngờ trầm trọng hơn thế nhiều. “Chưa lấy kính hiển vi ra soi thì không thể chắc được”, ông nói, “nhưng tôi thấy đây là một chủng khủng trùng phát quang thuộc họ pyrrophyta. Cái tên đó có nghĩa là gỗ lửa. Giống trùng này sống nhan nhản khắp biển Bắc Cực”.
Corky nhún vai: “Thế thì tại sao anh lại còn phải hỏi tôi chúng có xuất xứ từ vũ trụ hay không?”
“Bởi vì tảng thiên thạch này bị vùi lấp trong băng tuyết, tức là nước tinh khiết từ trên trời rơi xuống. Và nước trong cái hố này vừa tan ra từ một phiến băng có tuổi đời những ba thế kỷ. Làm cách nào mà những sinh vật biển này lại có mặt ở đây được?”
Lập luận của Tolland làm cả ba người im lặng hồi lâu.
Rachel đứng bên mép hố và cố hiểu những gì nhìn thấy trên mặt nước. Sinh vật phù du phát sáng trong hố băng. Thế có nghĩa là sao?
“Chắc chắn bên dưới phải có một vệt nứt”. Tolland nói. “Đó là cách giải thích duy nhất. Những con trùng phát sáng phù du này đã vào đây theo một đường nứt khiến cho nước biển xâm nhập được tới đây”.
Rachel không hiểu. “Thâm nhập vào à? Từ đâu?” Cô nhớ lại cuộc đi trên chiếc xe IceRover. “Chỗ này cách bờ biển phải đến hai dặm cơ mà?”
Cả hai người đàn ông quay sang nhìn Rachel với ánh mắt rất khác lạ.
“Thực ra thì”, Corky nói “biển ở ngay dưới chân chúng ta đấy Phiến băng này đang nổi trên mặt nước”.
Rachel sững sờ nhìn họ, lòng bối rối. “Đang nổi bổng bềnh ư? Chẳng phải chúng ta đang ở trên sông băng hay sao?”
“Đúng là chúng ta đang ở trên sông băng”, Tolland đáp, “nhưng không ở trên đất liền. Nhiều khi sông băng chảy mạnh và kéo dài ra tận ngoài biển. Và bởi băng nhẹ hơn nước, nên nó cứ tiếp tục nở ra, nở xoè ra biển như một mảng băng khổng lồ. Đó chính là định nghĩa của phiến băng đấy..., phần nổi trên nước của một sông băng”. Ông ta ngừng một lát. “Thật ra thì chúng ta đang đứng cách đất liền khoảng một dặm”.
Bị sốc. Rachel ngay lập tức cảm thấy bất an. Điều chỉnh lại toàn cảnh bức tranh của những gì xung quanh, cô chợt có cảm giác lo sợ.
Tolland dường như cảm nhận được sự sợ hãì của Rachel. Ông ta dậm mạnh chân lên mặt băng để trấn an cô. “Cô đừng sợ, phiến băng này dày những ba trăm foot, tức là có độ dày bằng hai trăm chiều dài một bàn chân, và nổi lềnh bềnh như cục đá trong cốc nước. Các phiến băng thường rất ổn định. Xây cả một tòa nhà chọc trời ở đây còn được nữa là”.
Rachel gật đầu yếu ớt, vẫn không tin hẳn. Cùng với cảm giác hoảng hốt, cô bắt đầu hiểu giả thuyết của Tolland về sự xuất hiện của những sinh vật phù du này. Có nghĩa là ông ấy cho rằng có một vết nứt gãy chạy dài từ mặt biển lên tới tận đây, cho nên những sinh vật này mới xâm nhập được. Có lý, Rachel nghĩ, tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý khiến cô băn khoăn. Norah Mangor quả quyết rằng phiến băng này rất hoàn hảo, chị ta đã khoan rất nhiều lỗ để kiểm tra cơ mà.
Cô ngước nhìn Tolland. “Tôi nghĩ rằng sự toàn vẹn của phiến băng là dữ liệu căn bản nhất để tính niên đại của nó. Chẳng phải tiến sĩ Mangor đã khẳng định là không có vết nứt nào hay sao?”
Corky nhíu mày: “Cũng có thể nữ hoàng băng tuyết có sai sót”.
Đừng có nói ầm lên thế, Rachel thầm nghĩ, nếu không ông lại bị người ta phi dao nhọn vào lưng bây giờ.
Tolland vừa gãi gãi cằm vừa quan sát những con khủng trùng phát sáng. “Rõ ràng là không còn cách giải thích nào khác. Chắc chắn có một vết nứt. Do trọng lượng của phiến băng tạo ra áp suất đối với mặt biển nên những con trùng này đã bị đẩy lên đây”.
Vết nứt mắc dịch. Rachel thầm nghĩ. Nếu phiến băng này có độ dày ba trăm foot, và tảng thiên thạch được lấy lên từ độ sâu hai trăm, có nghĩa là vết nứt phải kéo dài suốt một trăm foot, xuyên qua băng đặc. Những lỗ khoan kiểm tra của Norah Mangor khẳng định là không có vết nứt nào.
“Nhờ anh một việc nhé”. Tolland bảo Corky. “Tìm Norah lại đây! Cầu Chúa cho cô ấy biết điều gì đó về phiến băng này nhưng chưa nói cho chúng ta biết. Và nhớ tìm cả ông Ming nữa. Biết đâu ông ấy lại giải thích được hiện tượng này”.
Corky cất bước.
“Cậu nhanh chân lên đấy”. Tolland nói với theo, mắt vẫn không rời cái hố. “Tôi thề với anh rằng những sinh vật này đang nhạt đi nhanh lắm”.
Rachel nhìn xuống. Quả vậy, màu xanh lúc này không còn sáng rõ như trước nữa.
Tolland cởi chiếc áo da khoác trên người ra và nằm rạp xuống miệng hố.
Rachel quan sát nhưng không hiểu. “Anh Mike?”
“Tôi muốn kiểm tra xem có nước mặn lọt vào đây không”.
“Bằng cách cởi áo ra rồi nằm rạp xuống thế à?”
“Đúng thế đấy”. Ông ta nằm hẳn xuống mép hố nước. Ông ta giữ một tay áo khoác, thả tay áo kia xuống sâu cho đến khi cổ tay áo bị ướt sũng. “Đây là một phép thử vô cùng chuẩn xác mà các nhà hải dương học tầm cỡ thế giới vẫn sử dụng. Gọi là phép “Liếm chiếc áo ướt”.”
Bên ngoài, trên phiến băng, Delta-Một đang vật lộn với chiếc cần điều khiển, cố giữ cho chiếc robot đã bị hư hại nặng bay là là ngay trên đầu nhóm người đứng bên miệng hố. Nghe những gì họ nói với nhau, anh biết là sự thật sẽ sớm bị lòi ra.
“Gọi chỉ huy đi”. Anh ra lệnh. “Có rắc rối lớn rồi đây”.
-
Chương 40
Từ khi còn ít tuổi, Gabrielle Ashe đã từng nhiều lần theo những tua du lịch vào thăm Nhà Trắng, lòng thầm ước ao sẽ có ngày được làm việc cùng đội ngũ những con người quyền thế, lập biểu đồ phát triển cho toàn bộ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lúc này cô chỉ ước sao mình đang có mặt tại bất kỳ một nơi nào khác trên hành tinh này.
Người nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle từ cổng phía đông lại đây đưa cô vào một phòng nghỉ trang hoàng lộng lẫy, và Gabrielle càng băn khoăn không biết người đưa tin cho mình quyền thế đến mức nào. Thật là điên khi đi mời Gabrielle vào tận trong Nhà Trắng. Nhỡ người ta nhìn thấy mình thì sao nhỉ? Gần đây cô rất hay xuất hiện với tư cách là trợ lý đắc lực của Thượng nghị sĩ Sexton. Thế nào cũng có người nhận ra cô.
“Cô Ashe phải không ạ?”
Gabrielle ngước nhìn lên. Một người lính gác với khuôn mặt đôn hậu mỉm cười chào đón cô rất thân thiện. “Xin cô hãy nhìn vào đây!” Anh ta đưa tay chỉ.
Gabrielle nhìn theo hướng tay anh ta, và bị luồng sáng lóe lên làm lóa mắt.
“Cảm ơn cô”. Anh ta dẫn cô đến bên bàn và đưa cho Gabrielle cây bút. “Xin cô hãy ghi tên vào cuốn sổ ra vào này ạ”. Anh ta đẩy về phía cô cuốn sổ bìa da dày dặn.
Gabrielle nhìn cuốn sổ. Trang giấy trắng tinh mở sẵn trước mặt cô. Cô nhớ đã từng nghe nói rằng những người vào thăm Nhà Trắng đều ký tên trên một trang giấy trắng tinh, để đảm bảo bí mật chuyến viếng thăm của họ. Gabrielle ký tên.
Một cuộc hẹn bí mật mà thế này thì thật là quá lắm.
Bước qua cửa kiểm tra kim loại, cô thấy chiếc máy chạm nhẹ vào đầu mình.
Người lính gác mỉm cười: “Chúc cô một chuyến tham quan như ý thưa cô Ashe”.
Cô đi theo nhân viên mật vụ dọc theo hành lang khoảng 50 foot và đến bàn kiểm tra thứ hai. Tại đây, người lính gác khác đang ép plastic chiếc thẻ vừa mới được chiếc máy dèn dẹt in ra. Anh ta đục lỗ trên tấm thẻ, luồn dây vào, và lồng vào cổ Gabrielle. Chiếc thẻ vẫn còn ấm. Ảnh in trên tấm thẻ vừa được chụp trước đó 15 giây ở cuối hành lang.
Thật ấn tượng. Ai dám bảo là Chính phủ hoạt động không hiệu quả cơ chứ?
Họ đi tiếp, nhân viên mật vụ tiếp tục dẫn Gabrielle đi sâu vào bên trong tòa nhà. Càng vào sâu, cô càng cảm thấy không thoải mái. Người đã mời cô tới đây không hề có ý định giữ kín cuộc gặp này. Cô đã có thẻ ra vào, ký tên vào sổ ra vào, và giờ đang bước đi giữa thanh thiên bạch nhật ngay tầng trệt của Nhà Trắng, nơi luôn có rất nhiều khách tham quan lui tới.
“Và đây là phòng Trung Hoa”, một hướng dẫn viên đang thuyết minh với đoàn khách của mình “nơi bà Nancy Reagan đã để những món đồ sứ mạ vàng có giá tới 953 đô la mỗi bộ, và làm dấy lên cả một cuộc tranh luận về việc tiêu thụ những món đồ có giá trị vào năm 1981”.
Nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle đi ngang qua nhóm khách đó, đến cầu thang hình vòng cung, lại thấy có một nhóm khách du lịch khác. “Các vị sắp lên đến phòng phía đông có diện tích ba ngàn hai trăm foot vuông”, một hướng dẫn viên du lịch khác lại đang thuyết minh “nơi bà Agibai Adams đã từng đem quần áo của ông John Adams tới đó phơi khô. Và chúng ta sẽ đi qua phòng Màu Đỏ, nơi Dolley Madison chuốc rượu các nguyên thủ quốc gia trước khi Tổng thống James Madison mời họ ngồi vào bàn thương lượng”.
Đám khách cười ầm ỹ.
Gabrielle được dẫn lên hết cầu thang, vượt qua không biết bao nhiêu dây chắn và vật chắn đường, tiến sâu hơn nữa vào trong tòa nhà. Rồi họ bước vào một căn phòng mà cô mới chỉ được nhìn thấy trên sách báo và ti vi. Gabrielle thớ giốc.
Lạy Chúa tôi, đây chính là phòng bản đồ!
Khách du lịch không được phép vào đây. Các bức tường của căn, phòng đều phồng lên tầng tầng lớp lớp những bản đồ thế giới treo chồng lên nhau. Đây chính là nơi Tổng thống Rooservelt ghi lại tiến trình của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Và buồn thay, đây cũng chính là nơi Tổng thống Clinton giở thói trăng hoa với cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Gabrielle gạt những suy nghĩ vẩn vơ ấy khỏi tâm trí. Cái chính là căn phòng này thông với chái bên tây, khu làm việc của những nhân vật thật sự quyền thế. Gabrielle không thể ngờ cô sẽ đặt chân đến nơi này. Cô tưởng những thông tin ấy là của một thực tập sinh vô danh nào đó làm việc ở một khu nào khác gần trần thế hơn kia. Điều đó hiển nhiên là không đúng.
Mình đang sang đến chái nhà phía tây...
Nhân viên mật vụ dẫn cô đi hết hành lang trải thảm và dừng lại trước căn phòng không có biển đề trên cánh cửa Anh ta gõ cửa. Tim Gabrielle đập thình thịch.
“Cửa mở đấy”. Có người bên trong nói vọng ra.
Anh ta mở cửa và ra hiệu bảo cô vào bên trong.
Gabrielle bước vào. Rèm cửa được kéo hết xuống, căn phòng tối mờ mờ. Thấy có người đang ngồi trong bóng tối, bên bàn làm việc.
“Cô Ashe đấy à?” Giọng nói như vọng ra từ sau đám mây khói thuốc lá “Mời cô vào”.
Khi mắt đã quen với bóng tối, Gabrielle bắt đầu nhìn rõ một khuôn mặt rất quen, cô cứng người lại. Đây chính là người đã gửi thư điện tử cho mình ư?
“Xin cảm ơn cô đã đến”. Marjorie nói, giọng lạnh lùng.
“Bà... Tench ạ?” Gabrielle nói lắp bắp, chợt cảm thấy hụt hơi.
“Hãy gọi tôi là Marjorie”. Người đàn bà xấu xí ấy đứng dậy, mũi phà khói chẳng khác gì rồng lửa. “Chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành bạn thân thiết của nhau đấy”.
Tolland lúc này trông tỉnh táo hẳn ra: “Điều này cũng giải thích vì sao mức nước trong hố không hề thay đổi”. Ông quay ra Norah “Cô vừa nói loài phù du có mặt trong mẫu nước tên là....”
“Gabrielle. Polyhedra”. Norah công bố. “Và giờ chắc anh muốn hỏi tiếp xem loài này có thể ngủ đông trong băng đá được không chứ gì? Anh sẽ cảm thấy hài lòng đấy, vì câu trả lời là: Có. Chắc chắn đấy. Loài phù du này từng sống tập trung thành từng quần thể lớn quanh các phiến băng, chúng tự phát sáng, và có thể chuyển sang trạng thái trong băng đá. Anh còn muốn hỏi gì nữa nào?”
Mọi người nhìn nhau. Qua giọng nói của Norah, ai cũng cảm nhận rõ ràng rằng sẽ có câu “nhưng mà” nào đó - ấy thế mà dường như nhà khoa học này vừa khẳng định rằng giả thuyết của Rachel là đúng.
“Như thế có nghĩa là...” Tolland phá tan im lặng “cô nói rằng điều đó có thể là đúng không nào? Giả thuyết này có đúng không đây?”
“Đúng hoàn toàn”, Norah nói “nếu các vị chẳng có tí chất xám nào trong hộp sọ cả”.
Rachel trừng mắt: “Chị có thể nhắc lại câu đó được không?”
Norah Mangor cũng trừng mắt nhìn Rachel: “Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực chuyên sâu của cô, biết một ít còn nguy hiểm hơn cả không biết gì, đúng thế không? Thế thì, tin tôi đi, đối với ngành băng hà học cũng thế”. Norah thôi không đọ mắt với Rachel nữa, chị ta lần lượt nhìn bốn người đang đứng quanh mình. “Tôi xin được giải thích rõ ràng. Những túi nước biển đông cứng mà cô Sexton mường tượng ra quả có tồn tại. Các chuyên gia băng hà học gọi chúng là các khe hở. Tuy nhiên các khe này không có dạng cái túi như cô ấy tuởng tượng, chúng là một mạng lưới chằng chịt những tua đá mặn có bề ngang chỉ bằng sợi tóc. Tảng thiên thạch của chúng ta phải làm tan một mạng lưới dày đặc đến vô cùng thì mới có thể tạo ra được ba phần trăm nước biển trong hố với độ sâu ấy”.
Ekstroml quắc mắt: “Nói tóm lại là đúng hay sai?”
“Làm sao mà đúng được”. Norah lạnh lùng đáp. “Không thể có chuyện đó. Nếu thế thì lúc khoan thăm dò tôi phải tìm thấy chứ”.
“Người ta luôn luôn cho khoan thăm dò ở những vị trí tình cờ đúng không nào?” Rachel cật vấn. “Liệu có khả năng chỉ vì rủi ro mà không phát hiện được túi đá nước biển không?”
“Tôi đã khoan ngay bên trên tảng đá. Sau đó lại khoan rất nhiều lỗ trong phạm vi vài mét ở hai bên. Không thể khoan gần hơn thế được nữa”.
“Tôi chỉ hỏi thế”.
“Còn một điều nữa”. Norah nói. “Những khe nước biển này chỉ có mặt ở những vùng băng theo mùa - những vùng băng đá hình thành rồi lại tan hết theo từng mùa. Phiến băng Milne thuộc loại băng vĩnh cửu - loại băng hình thành trên các đỉnh núi và giữ nguyên trạng thái cho đến khi nó phát triển ra đến vùng dễ nứt và rơi xuống biển. Nếu các vị thấy giả thuyết về những sinh vật phù du bị đông cứng là có lý lắm rồi, thì tôi xin đảm bảo rằng không thể có loài phù du đóng băng nào trong dòng sông băng này”.
Lại im lặng.
Mặc dù bị bác bỏ thẳng thừng, bộ não có khả năng phân tích nhạy bén của Rachel vẫn cứ ủng hộ giả thuyết về những sinh vật phù du đóng băng. Bằng trực quan của mình, cô biết đó là lời giải đơn giản nhất cho bài toán này. Quy luật tối giản, cô thầm nghĩ. Dưới sự dẫn dắt của những bậc đàn anh ở NRO, quy luật ấy đã thấm vào tận máu Rachel. Khi có nhiều phương án giải thích cùng một lúc được đưa ra, cách đơn giản nhất thường là đúng nhất.
Hiển nhiên là Norah Mangor có nhiều thứ để mà mất nếu dữ liệu về phiến băng không chuẩn xác; biết đâu chị ta đã phát hiện ra sinh vật phù du, biết rằng mình đã sai lầm khi khẳng định tính chất đông đặc liền khối của sông băng, và giờ đây đang ra sức bưng bít.
“Nói tóm lại”, Rachel nói “tôi vừa báo cáo với toàn bộ nhân viên Nhà Trắng rằng tảng thiên thạch này được phát hiện trong lòng một phiến băng toàn nguyên; kể từ khi nó văng ra từ một tảng thiên thạch nổi tiếng Jungersol năm 1716, băng hà đã bảo vệ nó trước mọi tác động ngoại lai. Nhưng giờ đây... dường như chúng ta đang phải lật lại vấn đề”.
Ông Giám đốc NASA yên lặng, vẻ mặt căng thẳng.
Tolland hắng giọng rồi nói: “Tôi buộc phải đồng ý với Rachel. Trong hố nước này có nước biển và sinh vật phù du. Dù có giải thích cách nào đi nữa thì đây cũng không thể là một môi trường kín. Điều đó thì ta buộc phải thừa nhận”.
Corky có vẻ không được thoải mái cho lắm: “Thưa các vị, tôi không có ý định tỏ ra am hiểu về băng hà học ở đây, nhưng trong giới cổ sinh vật chúng tôi, cứ có một sai sót thì bước tiến bị kéo chậm lại hàng tỉ năm đấy. Liệu tỉ lệ nước biển và sinh vật phù du này có quan trọng đến thế không? Dù lớp băng hà bao xung quanh nó không được hoàn hảo cho lắm thì cũng chẳng ảnh hưởng đến tảng thiên thạch là mấy. Chúng ta vẫn có các mẫu hóa thạch. Chẳng ai đưa ra chất vấn nào về tính xác thực của chúng cả. Dù dữ liệu về phiến băng có sai sót chút đỉnh thì cũng chẳng làm sao. Điều cốt yếu vẫn là chúng ta đã phát hiện được bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ”.
“Tôi xin lỗi”. Rachel nói. “Thưa tiến sĩ Marlinson, với tư cách là chuyên viên phân tích tức, tôi không thể đồng tình với ý kiến của anh được. Bất kỳ một lỗi nhỏ nào trong những dữ liệu mà tối nay NASA công bố đều có thể trở thành cái cớ để người ta nghi ngờ toàn bộ phát kiến này. Kể cả tính xác thực của các hóa thạch”.
Corky há hốc mồm: “Cô nói cái gì thế? Những mẫu hóa thạch đó còn gì để bàn cãi nữa nào?”
“Tôi biết, tôi biết chứ. Nhưng nếu công chúng nghe phong thanh được rằng chính NASA cũng đang băn khoăn về dữ liệu của phiến băng, tôi đảm bảo họ sẽ ngay lập tức băn khoăn không hiểu NASA còn nói dối họ về những cái gì khác nữa.
Norah bước dấn lên phía trước, mắt nảy lửa:
“Dữ liệu về phiến băng của tôi không hề sai sót. - Chị ta quay sang ông Giám đốc - Tôi có thể chứng minh một cách khoa học là không hề có túi nước biển nào lẫn trong lòng phiến băng này”.
Ông Giám đốc nhìn Norah hồi lâu, mãi mới hỏi: “Bằng cách nào?”
Norah trình bày kế hoạch; nghe xong, Rachel phải thừa nhận rằng dự định đó nghe rất có lý.
Ông Giám đốc thì có vẻ không tin tưởng lẳm: “Và kết quả sẽ rõ ràng đấy chứ?”
“Tôi đảm bảo trăm phần trăm”. Norah cam đoan. “Nếu có một chút xíu nước biển nào kẹt trong phiến băng này thì các vị sẽ được nhìn thấy ngay. Chỉ cần vài giọt tí xíu cũng sẽ làm thiết bị của tôi sáng rực lên y như quảng trường Times về đêm”.
Cặp lông mày bên dưới mái đầu ngắn kiểu quân sự của ông Giám đốc nhíu hẳn lại: “Không còn nhiều thời gian nữa. Một vài giờ nữa là đến lúc phải họp báo rồi”.
“Chỉ cần hai mươi phút là xong”.
“Cô vừa nói là sẽ phải đi ra xa đến đâu nhỉ?”
“Không xa. Chỉ cần hai trăm mét là đủ”.
Ekstrom gật đầu: “Cô đảm bảo như thế là an toàn chứ?”
“Tôi sẽ đem theo pháo sáng. Và Mike cũng sẽ đi cùng tôi”.
Tolland ngẩng phắt lên: “Tôi ấy à?”
“Anh sẽ phải đi với tôi, Mike! Chúng ta sẽ dùng dây để buộc chung người vào. Tôi sẽ cần hai cánh tay khoẻ mạnh khi có gió lớn”.
“Nhưng mà...”
“Cô ấy nghĩ thế đúng đấy”. Ông Giám đốc nói. “Nếu đi thì không được đi một mình. Tôi sẽ cử mấy cậu bên tôi đi cùng cô ấy. Nhưng thật lòng mà nói thì tôi không muốn có thêm bất kỳ ai biết chuyện này. Đợi đến khi mọi thứ rõ ràng đã”.
Tolland miễn cưỡng gật đầu.
“Tôi cũng muốn đi”. Rachel nói...
Norah nhảy dựng lên như con rắn chuông: “Cô đi để làm cái gì?”
“Thật ra thì”, ông Giám đốc nôi thêm như thế vừa tự nghĩ ra ý đó “tôi cảm thấy là nếu cử cả một đội đúng quy chuẩn đi thì an toàn hơn. Đi có hai người thì cô biết làm thế nào nhỡ Mike bị trượt? Bốn người cùng đi thì an toàn hơn hắn”. Ông ta ngừng lời, đưa mắt nhìn Corky: “Thế tức là hoặc anh, hoặc tiến sĩ Ming sẽ đi”.
Ekstrom đưa mắt nhìn khắp bán sinh quyển. “Không thấy ông Ming đâu cả nhỉ?”
“Từ nãy đến giờ không thấy đâu cả. Có lẽ ông ta tranh thủ đi ngủ rồi”.
Ekstrom quay sang Corky: “Tiến sĩ Marlinson, tôi không có quyền đề nghị ông việc này, nhưng mà...”
“Sao nào?” Corky lên tiếng. “Ông thấy bốn người chúng tôi hợp nhau lắm phải không?”
“Không được!” Norah phản đối. “Đi bốn người sẽ rất chậm. Tôi và Mike đi là đủ rồi”.
“Không được đi hai người”. Giọng ông Giám đốc nhất quyết. “Phải có lý do thì người ta mới quy định đội quy chuẩn phải gồm bốn thành viên chứ. An toàn là trên hết. Tôi không muốn để tai nạn xảy ra ngay trước buổi họp báo quan trọng nhất trong lịch sử NASA”.