Opal: Akite còn nhiều lắm, mà ko có thời gian nhiều, chán ghê, thỉnh thoảng post vài bài lấy khí thế đó mà!
Printable View
Opal: Akite còn nhiều lắm, mà ko có thời gian nhiều, chán ghê, thỉnh thoảng post vài bài lấy khí thế đó mà!
Bức Chân Dung Không Bán
TG: Tháng Giêng
Năm mười bảy tuổi, hay thậm chí sớm hơn nữa, tôi nhận ra là mình không đẹp. Điều đó rõ ràng đến nỗi, nếu giả sử lúc ấy có ai đó nói là yêu tôi, thì tôi sẽ phá lêncười, và chỉ ngay vào Lan, cô bạn gái ngồi cạnh tôi. Lan xinh vô cùng, một vẻ đẹp tự tin quyết đoán mà vẫn dịu dàng. Nhiều khi vẩn vơ tôi nghĩ nếu tôi mà là con trai, thì giữa tôi bây giờ và Lan thì tôi sẽ chọn Lan, điều đó hiển nhiên như sự lựa chọn giữa sỏi cuội và kim cương vậy. Nhưng thực sự tôi chẳng hề giận hờn tạo hoá, bởi Lan là một cô bạn gái tuyệt vời, chỉ đôi khi có một nỗi buồn len lỏi vào trái tim tôi. Tôi biết vẽ chút ít, một sự khéo tay thôi chứ không phải là một tài năng kiệt xuất. Tôi thích vẽ Lan, khi thì bằng chì, khi bằng mực và thỉnh thoảng bằng màu nước. Và có một bức theo tôi đánh giá là khá thành công. Người trong tranh đẹp mà bí ẩn, ánh mắt đen thẳm mà kiên quyết, cặp môi tươi he hé như sắp cười.
Bàn tôi có năm đứa chơi thân với nhau, hai gái, ba trai. Lan, tôi rồi đến Hà, Tùng và Tuấn. Theo đúng thứ tự ấy mà ngồi vào bàn. Tôi đem bức tranh của mình tới lớp, lẳng lặng trải rộng xuống mặt bàn. Rồi khoái chí theo dõi sự sững sờ của từng đứa trong bàn.
Lan vừa ngơ ngác vừa sung sướng:
- Chẳng lẽ tao đây á?
Hà trầm trồ liến láu:
- Chẳng mày thì ai, công nhận Linh vẽ đẹp, đẹp mà giống y như thật vậy! - Và lè lưỡi, rụt cổ cười nhận một cú đấm cảnh cáo của Lan. Tùng, anhc hàng "tay chơi" nhất lớp thì mỉm một nụ cười vô cùng quyến rũ:
- Định giá đi hoạ sĩ. Tôi sẵn sàng đặt cả gia tài của mình dưới chân bà để có được bức chân dung này.
- Thưa ngài, tôi chẳng cần tất cả gia tài của ngài, chỉ xin ngài cái xe máy bố ngài vừa mua cho ngài cùng toàn bộ giấy tờ hợp lệ thôi.
Tùng hơi giật mình trước cái vẻ mặt lạnh như không của tôi, rồi hiểu ra, thích chí cười, rút chùm chìa khoá xe và cái ví đỏ đặp cộp lên bức tranh, mắt vẫn nheo nheo cười, nhìn tôi rồi nhìn Lan. Cô mặt nghiêm mặt quay đi. Còn tôi thì phá lên cười, ném trả cái ví lẫn chìa khoá:
- Thôi đi, đây sẽ là bức tranh đầu tiên trong triển lãm sau này của tớ và tớ sẽ ghi một tấm biển nhỏ ở dưới là: "Không bán"
Hà nhìn chúng tôi như con nai vàng ngơ ngác, cậu ấy chẳgn biết gì ngoài chuyện học nên bị chúng tôi gọi trêu là "Gà khờ". Tuấn thì ngồi trầm ngâm lật lật những trang vở. Cậu ấy đang nghĩ đi tận đâu đâu.
*
Bức tranh tôi đem về lồng khung kính treo lên tường ở phòng khách. Ai đến cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của người trong tranh, và đấy là niềm tự hào của tôi.
Tuấn hay đến chơi nhà tôi, kéo theo cả Hà. "Gà khờ" tính như trẻ con, hồn nhiên ngồi xuống chơi với con mèo mướp xấu xí, mặc kệ tôi và Tuấn nói chuyện. Nào là về thi cử, về các thầy cô, các lớp học thêm... Tuấn trầm lặng, ít cười, học giỏi. Tôi rất mến cậu ấy. Lâu lâu thấy cậu ấy không đến nhà tôi thì tôi thấy nhơ nhớ, mặc dù ngày nào cũng gặp ở trường. Nhiều khi vẩn vơ tôi ngồi nghĩ hay là cậu ấy... mến tôi và đi qua rủ Gà khờ chỉ là một cái cớ cho đỡ ngượng. Nghĩ đến đây thì tôi không nghĩ nghĩ tiếp nữa, khẽ liếc trộm cậu ấy đang chăm chú làm bài ở tận tít đầu bên kia bàn. Cái nỗi buồn kia không còn gặm nhấm tim tôi nữa.
Việc chuẩn bị thi cử sắp bước vào giai đoạn nước rút. Chúng tôi học như điên, mở mồm ra toàn nói chuyện học hành thi cử. Thật là ớn. Nhiều khi nghĩ cái lo thi trượt nó đang rên rỉ, chứ không phải mình đang nói nữa.
Lan gầy rộc đi, hai mắt trũng sâu, nhưng vẫn xinh lạ lùng. Tôi cũng thấy mình có bộ dạng tương tự và lại càng thấy mình giống con ngáo ộp hơn. Nhưng cũng chẳng có thời gian, hơi sức đâu mà buồn. Tuấn ít đến nhà tôi hơn nhưng vẫn đến dù chẳng mấy khi tôig ặp. Nhưng về nhà, thấy tim mình vẫn reo lên khe khẽ khi thằng em kể anh Tuấn đến một mình, không thấy anh Hà đâu, đợi chị khá lâu, nhưng phải về để cho kịp giờ học buổi tối. Có lẽ đấy chính là một trong những động lực mạnh nhất, thúc tôi học như điên để vào được đại học với Tuấn. Bởi với Tuấn, đấy là điều đương nhiên. Tôi muốn xứng với cậu ấy.
Thời gian nghỉ để ôn thi tốt nghiệp, đồng thời thi đại học, tôi không gặp Tuấn, nhưng vẫn hay gặp Tùng đèo Lan bằng xe máy tới lớp học thêm. Chúng tôi chào nhau ầm cả phố. Hôm nào tôi đạp xe cùng đường, Tùng lái, Lan kéo tay tôi, bộ ba phóng vù vù trên đường, thật vui. "Gà khờ" thì tôi gặp luôm. Chúng tôi học cùng trung tâm luyện thi, nhưng lệch buổi. Tôi đến học thì cậu ấu về, nhìn thấy nhau ở cổng, cậu ấy gáy ầm lên để chào tôi, làm tất cả giật mình ngơ ngác. Sao có con gà nào lại gáy lúc 7h rưỡi tối? Tôi bật cười, lắc đầu. "Đúng là anh gà khờ"
*
Thi tốt nghiệp xong, cả bọn dành một buổi chiều đi phủ Tây Hồ. Chẳng biết cúng vái gì, cứ cắm hương vào rồi lạy bừa, nhưng thành tâm lắm: "Mong các ngài phù hộ độ trì cho cho cả bàn con vào đại học. A di đà phật, lạy thánh mớ bái!" rồi chia nhau tiền lẻ để bỏ vào hòm công đức. Xong xuôi kéo nhau đi ăn bún ốc. Bún ốc cay xè, nóng bỏng, đứa nào đứa nấy nước mắt giàn giụa. Nhưng vui nổ trời, rồi lại học, học như có ma đuổi sau lưng.
Cũng thật bõ công, cả bàn đỗ đại học. Riêng Tuấn đỗ thủ khoa giành một suất học bổng đi Úc. Đấy là niềm tự hào, niềm vui, nhưng cũng là nỗi buồn. Sẽ rất lâu sau chúng tôi mới được gặp cậu ấy. Mà lúc ấy thì mọi sự cũng đã khác rồi.
Tuấn đến nhà tôi chơi, ngồi vào chỗ mà cậu ấy hay ngồi. Hai đứa nói dăm ba câu chuyện rồi cùng im lặng. Có lẽ đây sẽ là lúc cậu ấy nói lên cái điều mà từ lâu ròi cậu ấy muốn nói mà tôi vẫn chờ đợi.
- Linh này! - Cậu ấy mở lời.
- Gì cơ? - Tôi run bắn lên, nhìn cậu ấy. Còn cậu ấy thì nhìn xa xôi lắm, phía sau lưng tôi.
- Linh tặng mình bức chân dung kia làm kỷ niệm nhé!
Tôi quay lại. Bức chân dung của Lan vẫn treo ở đấy từ dạo nào, đẹp mà xa xôi, bí ẩn. Tôi không nói lời nào, lẳng lặng đứng lên gỡ bức tranh xuống, tháo nó ra khỏi khung kính, lấy bút dạ viết lời đề tặng, rồi cuộn lại, đưa cho Tuấn.
*
Hôm tiễn Tuấn ra sân bay, cả bàn cùng tới. Tôi và Hà tới trước, Tùng và Lan tới sau. Tuấn bắt tay từng đứa rất chặt. Rồi nơi với tất cả: "Các cậu ở lại may mắn nhé!" Rồi cậu ấy đi...
Lan có việc gấp nên Tùng phải đưa về trước. Hà bỗng mời tôi đi Phủ Tây Hồ. Chúng tôi đi tới phủ mà chẳng cầu xin gì, chỉ thắp hương rồi thả tiền vào hòm công đức. Sau đó chúng tôi đi ăn bún ốc. Bún ốc cay xé môi, nóng bỏng. Tôi ăn mà nước mắt giàn giụa.
Hà bảo tôi:
- Linh ơi, đừng khóc.
Trích:
Thử đọc xoi sao nhé :):):):)
yêu một ngày
( Hoàng Anh Tú)
-----------------------------------------------------------
Một
“Giả sử chúng mình ngày ấy yêu nhau thì sao nhỉ?”
“Thì chắc chẳng còn đến bây giờ nữa”
“Tại sao vậy? Có vẻ như Hoài không tin lắm vào khả năng gìn giữ hoà bình của Hoài và người ta ý nhỉ?”
“ừ, có lẽ vậy!”
Im lặng.
“Hoài và Tuấn dạo này sao rồi?”
“Cũng tốt! Còn Hoàng? Em tóc vàng vẫn ổn chứ?”
“Vẫn vậy thôi!”
Im lặng.
Hoài miết tay vào thành bàn. Lâu lắm rồi cô mới gặp lại Hoàng. Dễ chừng năm năm rồi. Ngày ấy chưa xa lắm, năm năm trước, Hoài nhớ, hôm ấy nhằm dịp sau Tết thế này này. Nếu Hoài nhớ không lầm thì hôm ấy cũng chính là ngày Valentine. Năm ấy cả hai đều đang học lớp 12, Hoàng gọi điện rủ Hoài đi uống nước. Hồi ấy khái niệm về ngày Valentine còn mù căng chải lắm, Hoài nhận lời mà không biết rằng ngày này dành cho những người đang yêu cả. Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê nhỏ không tên trên đường Lý Thường Kiệt. Hoài đến muộn mất hai mươi phút. Hoài chưa kịp nói lời xin lỗi thì đã choáng váng với một bông hồng to sụ. Hoàng lúng búng nói gì ý nhỉ? à phải rồi, “tặng Hoài nhân ngày lễ tình nhân, Hoàng muốn nói với Hoài là Hoàng yêu Hoài”. Vậy thôi! Đấy là câu tỏ tình đầu tiên trong đời Hoài nhận được. Sau này còn vài lần nữa Hoài nhận được những lời tương tự nhưng cái cảm giác như cảm giác với Hoàng thì chỉ duy nhất một lần này. Hoài không nhớ hôm ấy Hoài đã nói gì, chỉ biết sau hôm ấy hai đứa trở nên ngại gặp mặt nhau hơn. Cho đến bây giờ, sau ba năm, Hoài vẫn không hiểu tại sao hôm ấy Hoài lại chối từ tình cảm của Hoàng. Rất rõ ràng là Hoài cũng có cảm tình với Hoàng nhé! Có lẽ là do Hoàng vội vã quá và lúc ấy đang là lớp 12 chuẩn bị thi đại học. Mà nếu ngày đó Hoàng cũng như Tuấn về sau này, đó là ôm chặt lấy Hoài và đặt một nụ hôn ngay sau khi nói lời yêu, có lẽ Hoài sẽ không từ chối được đâu. Đằng này, Hoàng nghe xong mặt xìu như bánh đa ngấm nước và cuối cùng thì….
“Nghĩ gì vậy?”
“à, về ngày xưa thôi!”
“Hoàng cũng vậy!”
“Hồi ấy buồn cười nhỉ?”
“ừ! Hôm ấy Hoài mặc cái áo màu bộ đội”
“Người ta cũng chẳng nhớ nổi nữa”
Không biết bây giờ Hoàng có còn yêu mình không nhỉ? Hoài nghĩ vẩn vơ rồi tự cười giễu mình hay tưởng tượng. Hoàng đã có bạn gái rồi còn gì? Bạn gái Hoàng xinh hơn Hoài nhiều. Vả lại Hoài cũng vậy, Hoài đã có Tuấn. Tuấn rất yêu Hoài, rất tốt với Hoài. Hoài cũng vậy, rất yêu và thậm chí còn phục Tuấn. Hôm nay đi họp lớp, Tuấn đi theo đến tận cổng trường rồi mới quay về cơ quan của Tuấn.
“Nhanh nhỉ? Vậy mà cũng đã năm năm rồi nhỉ?”
“ừ, năm năm rồi”
“ Bao giờ Hoài cưới?”
“Chắc sang năm! Còn Hoàng?”
“Cũng còn lâu! Ba đến năm năm nữa cơ!”
Im lặng.
Hoài cứ miên man đi theo ý nghĩ về Hoàng, về câu “giả sử ngày xưa…” của Hoàng. Cho đến lúc về. Cho đến lúc về, Hoài chẳng hiểu vì sao nữa, Hoài hỏi:
- Hoàng có tưởng tượng được ra chuyện chúng mình khi yêu nhau không?
Hoàng thẫn người ra một lúc:
- Người ta tin rằng chúng mình sẽ rất ổn cho đến khi nó…. hết ổn.
Cả hai cùng cười nhưng Hoài thấy được, cảm thấy được dường như trong mắt của cả hai đứa có gì đó như thể là sự trìu mến pha lẫn chút tò mò, tò mò một cách tha thiết vậy.
Hai
“Em không sao chứ?”
“Dạ, em sao ạ?”
“Anh thấy em có vẻ đang nghĩ cái gì đó lung lắm vậy?”
“Không, không có!”
“ừ, không có thì tốt, nếu có gì thì cứ nói với anh nhé! Hai cái đầu luôn tốt hơn là chỉ có một cái mà”
“Vâng!”
Hoài khẽ ngả đầu vào lưng Tuấn, hít căng ngực mùi của Tuấn. Cái mùi quen thuộc đến nao lòng. Suốt bốn năm yêu nhau, Hoài nhiều lúc tưởng chừng như nhớ đến oà khóc mùi của Tuấn. Cô hay nói với Tuấn “Anh như ma tuý và em như con nghiện vậy!”. Những lúc ấy, Tuấn nhìn Hoài mà mắt long lanh. Hoài biết và Hoài cũng vậy. Yêu nhau đến ứa nước mắt. Còn Hoàng thì sao nhỉ? Thôi, đừng nghĩ linh tinh nữa! Hoài ôm xiết eo Tuấn lại. Thời tiết mùa xuân thật dễ chịu, những cành cây nhu nhú lộc biếc và lại càng mướt mát hơn bởi những giọt mưa phùn lất phất bay. Con phố dài hút mờ như sương vậy. Phố đẹp như tranh thuỷ mặc. Mai đã lại Valentine rồi. Mai. Phải, mai! Chợt Hoài thấy cồn cào một nỗi gì như thể nỗi đợi chờ vậy. Tuấn đang huyên thuyên kể về những người cùng công ty của Tuấn, về chuyện công việc. Hoài nghe câu được câu chăng. Khuôn mặt Hoàng cứ ẩn hiện trong suy nghĩ của Hoài như mạng nhện vậy. Khuôn mặt Hoàng của năm năm trước khi tặng hoa hồng cho Hoài. Đôi mắt Hoàng nhìn Hoài hôm họp lớp, tha thiết, trìu mến và cả sự tò mò đầy khao khát.
“Hoài à?”
“Dạ!”
“Sao vậy? Chắc chắn có chuyện gì phải không?”
“Không ạ!”
“Nếu em không muốn nói thì thôi vậy!” Tuấn lén thở dài.
Hoài thấy mình tệ thật. Hoài cũng thở dài. Cả hai im lặng cho đến lúc về đến ngõ nhà Hoài. Tuấn khẽ hôn lên môi Hoài:
- Hôm nay em có chuyện gì phải không?
Hoài cúi mặt, lắc đầu:
- Không có! Em chỉ hơi mệt một chút thôi! Em đi nghỉ đây! Anh về sớm nhé! Về đến nhà thì nháy máy cho em biết! Bye!
Tuấn thở dài rồi gật đầu:
- Mai 8h tối anh qua nhé!
Hoài thảng thốt, một thoáng, rồi gật đầu bỏ chạy vào trong nhà. Lúc rẽ khúc ngoặt, Hoài đứng lại và thở hổn hển, chờ cho đến khi tiếng bật lửa của Tuấn vang lên và sau đó là tiếng nổ máy xe. Tuấn đi. Hoài ngồi thụp xuống đất và khóc ngon lành.
Ba
Quán vẫn vậy. Cái bàn mà hai đứa hôm ấy ngồi vẫn để trống. Hoài ngồi vào chỗ của mình năm năm trước. Chợt thấy ấm lòng kỳ lạ. Giọng Hoàng đâu đó vang lên. Rất gần mà như xa xôi. Hoàng đọc thơ của Hoàng.
“Quán thì cũ vẫn xưa thôi
Miết tay thành ghế vọng lời em thưa
Rằng hôm ấy buổi nhằm mưa
Cho câu yêu ướt run lùa ngực nhau
Bây giờ tôi đấy, em đâu?
Bây giờ quán đấy, váng đầu hỏi xưa
Rằng cà phê đủ đắng chưa?
Cho xanh xao kỷ niệm ùa vào đêm
Rằng ghế, bàn, nến và tim
Có còn hơi của rất mềm lời yêu…”
Hoài chuyếnh choáng như người say. Giọng của Hoàng vẫn vang vang trong đầu Hoài:
- Hoài ơi!
Hoài thấy Hoàng đang đứng trước mặt mình. Vòng tay của Hoàng ôm Hoài vào lòng. Hơi ấm rõ rệt lắm! Hoài cảm thấy mình sắp nghẹt thở đến nơi mất vì bị ôm xiết. Giọng Hoàng run rẩy:
- Người ta yêu Hoài lắm!
Hoài bừng tỉnh. Là Hoàng thật bằng xương bằng thịt chứ không phải trong tưởng tượng. Hoài muốn vùng ra nhưng lại ôm xiết Hoàng lại. Hoài muốn tỉnh dậy nhưng lại nhắm mắt mê man đi. Cứ thế, cứ thế, cuốn đi, cuốn theo. Tưởng chừng không dừng lại được vậy. Những nụ hôn tưởng chừng như rút lưỡi nhau. Những nụ hôn như muốn nuốt chửng nhau. Những khuy áo chỉ chực bung ra. Hoài như không còn kiểm soát được mình nữa vậy. Nước mắt Hoài làm mặn cả nụ hôn. Ướt đầm đìa. Cứ thế, cứ thế, cuốn đi, cuốn theo. Hoài không còn biết trời trăng gì nữa. Cho đến khi cả hai buông nhau ra nhường chỗ cho sự lúng túng.
“Tại sao lại ra đây làm gì?”
“Tại sao lại không được ra?”
“Nhưng ra sớm thế!”
“Linh tính báo thấy một người tên Hoài ở đây, nên bỏ cả bát cơm dở mà ra đấy!”
“Hứ!”
“Hì!”
“Ghét!”
“Yêu!”
“Không nói nữa!”
“Cứ nói đấy!”
“Thế chẳng trách ngày xưa không yêu. Cái kiểu cùn gỉ thế làm sao được đây?”
“Thì bây giờ mới còn cái để yêu chứ!”
“Cùn!”
Và lại một cơn mưa nụ hôn nữa. Triền miên tưởng như chẳng bao giờ chấm dứt. Tưởng như bù lại năm năm không có nhau trong đời vậy. Đồng hồ chỉ 8h tối, Hoài tắt máy di động của mình. Và những nụ hôn lại cuống cuồng, lại vồn vã, lại vội vã. Hoàng hít lấy hít để người của Hoài. Cả hai lại mê đi. Đầm đìa. Chỉ dừng lại khi có một đôi khác bước vào. Hoài nhìn sâu vào mắt Hoàng:
- Em yêu anh!
Hoàng ngẩn người lúng túng:
- Người ta…. Người ta… anh cũng vậy!
Hoài lại bị Hoàng cuốn đi. Mê mệt. Những tưởng như năm năm qua hai người không có nhau thật là một sự phí phạm quá lớn đến không thể tha thứ được vậy. Hoàng thủ thỉ:
- Tuấn có tốt với em không?
Hoài khựng lại. Giờ này có lẽ Tuấn đang cuống lên vì không thấy Hoài. Hoài lại đã tắt máy điện thoại di động. Giọng Hoàng mơ hồ như tự nói với bản thân:
- An tốt với Hoàng lắm! Giờ này có lẽ cô ấy đang khóc…
Hoài bật khóc:
- Chúng mình thật tệ!
Hoàng vuốt tóc Hoài:
- Phải! Chúng mình thật tệ! Thôi, về nhé, Hoài! Vậy là chúng mình đều đã có được cái mà chúng mình thiếu rồi. Chúng mình vậy là đã biết được cái mà chúng mình tò mò muốn biết rồi. Về thôi! Về kẻo mọi người lại lo cho chúng ta.
Hoài gật đầu, thầm cảm ơn Hoàng đã biết phanh kịp những cảm xúc của cả hai không để nó đi quá xa vị trí mà nó phải ở. Hoàng nói tiếp, giọng ấm áp, thủ thỉ:
- Hôm nay coi như một giấc mơ. Cả anh và em đều đang mơ. Chúng ta sẽ tỉnh dậy và giữ cho riêng mình một giấc mơ ngọt ngào này, được không Hoài?
Hoài cảm thấy bình yên quá đỗi. Hoài mỉm cười và gật đầu thật nhẹ.
Bốn
Con phố dài hun hút. Đêm tình yêu dịu dàng. Hoàng mua hai bông hồng nhung đỏ chót. Một cho mình, một cho Hoài:
- Mang về tặng Tuấn nhé! Bông này người ta mang về tặng An
Hoài cầm hoa khẽ nheo mắt:
- Thế còn phần của Hoài đâu?
Hoàng cười, lướt nhẹ ngón tay lên gò má bầu bĩnh của Hoài:
- Phần Hoài đã tặng năm năm trước rồi còn gì?
Ngã ba. Hoài và Hoàng mỗi người một đường. Cái vẫy tay và nụ cười thật nhẹ không khiến ai trong cả hai mang cảm giác đó là một cuộc chia tay cả. Chỉ thấy như cả hai tỉnh dậy sau một giấc mơ rất đẹp vậy. Hoài trở về con đường quen thuộc của mình. Phía xa kia có Tuấn. Có tương lai của hai người. Có mùi hương quen thuộc. Nhất định, nhất định gặp Tuấn, Hoài sẽ gục vào Tuấn mà hít cho căng lồng ngực mùi hương quen thuộc của Tuấn. Mỗi người đều có những giấc mơ cho riêng mình và chẳng ai phải chịu trách nhiệm với những giấc mơ ấy. Nhưng nếu là thực, như Tuấn trong Hoài thì có đấy! Hoài sẽ kể cho Tuấn nghe về giấc mơ này của Hoài. Nhất định. Giấc mơ bông hồng đỏ.
Hà Nội Tết Quý Mùi
Hoàng Anh Tú
truyện của bạn Hoàng Anh Tú ,,..viết rất hay ..cám ơn akita nhiều nha ...được đọc truyện của tác giả HHt củ ,,hay ghê ....
....có ý nghĩa lắm ...
thik truyện của Hoàng Anh Tú lắm lắm ý.. rất nhẹ nhàng nhưng lắng sâu
mà những truyện này toàn trên 2! chứ đâu phải trên H2T anyway thanks Akite nhiều
Tự dưng thắc mắc (lão hay bà) akita là ai mà mọi người cứ nhầm với chị akite xinh đẹp nhà mình nhỉ :think:
Lặng lẽ hoa cao nguyênTặng Phạm Công Luận
Anh khoác áo đi xuống phố.
Gió nhiều, và rất nhiệt tình giật áo, giật mũ một kẻ đang đêm đi lang thang như anh qua các khuôn viên, các biệt thự giờ, đang im lìm say ngủ. Bụi dã quỳ trên sườn dốc sẫm màu đi trong đêm tối, những rặng tối gật gù theo gió. Nếu là tháng sáu, hẳn những bông dã quỳ đã ánh lên những màu vàng cô độc, cái màu vàng ám ảnh mà khi xe lam đổ dốc, rồi chậm nhịp đi vào phố, anh còn ngoái lại nhìn theo, giật mình sững sờ như vừa đi qua một lần nhớ nhung... Gió chạm vào những cái kim nho nhỏ lên má, lên mũi, êm và gai gai. Anh khép lại cánh cổng cũ kỹ, đi vào phố...
Anh lên xứ sở cao nguyên đầy sương mù và gió này trong mùa Nôen. Người Đà Lạt đặt tên cho một mùa ở giữa cơn mưa cuối năm trước và cơn mưa nhẹ đầu năm sau như thế. Anh cũng gọi vậy, theo thói quen cho tiện. Anh yêu thành-phố-đồi-núi nhỏ-bé này cùng những màu áo len tan học của tháng mười hai, những đôi má con gái phúng phính hồng. Các em vẫy tay chào theo anh. Tất cả du khách đến đây đều được vẫy tay chào theo anh. Anh biết thế, nhưng vẫn thấy lòng mình xao động.
Buổi chiều, anh đứng cạnh rào ngắm say sưa một bông Forget me not màu tím. Xa xưa, Forget me not được vun trồng cẩn thận trong sân truớc của các ngôi biệt thự có cửa sổ thấp đón nắng. Cũng lạ, có người đã thử mang kiểu nàh gác này về vùng ven thành phố, nhưng anh thấy nó cô độc và buồn như một dấu chấm lặng dở dang. Thời gian trôi, chuyến xe ngựa vẫn đều đều gõ qua phố, thông reo hằng đêm bên kia mặt hồ, gió thổi qua các ngôi nhà gỗ thấp xuống, hàng rào tróc sơn lung lay, hoa hoang dại mọc lên. Và Forget me not, bông hoa nhỏ mang màu tím hoặc trắng hay vàng ấy trở thành hoa dại, thành hoa mọc vô tình và nở chơi bời. Chỉ có cái tên thì không thay đổi, không ai nhầm nó, cũng không ai lãng quên.
Hoa hồng Đà Lạt được coi là chúa tể. Anh vẫn hình dung những bông hồng nở dọc trăm năm qua. Hồng BB vàng ánh cam lộng lẫy, hồng trắng mới nhập giống từ Châu Âu sang, đã thấy trên bó hoa cưới hạnh phúc. Hồng đỏ nở một mình trong căn phòng không người. Mỗi loài hoa mang một truyền thuyết riêng, câu chuyện riêng về cuộc đời của mình. Có câu chuyện vui, có câu chuyện đau xót. Anh lắng nghe hết và đem kể lại cho căn phòng không có người.
Gió mang đi của anh ánh lửa và hơi ấm, que diêm xoè đi rồi tắt đi ngay. Anh chậm lại ở góc phố, kéo áo che gió, quẹt lửa. Điếu thuốc lúc nửa đêm và que diêm cháy đến hết giữa ngón tay lóng ngóng cho anh nhìn thấy ai đã lấy phấn vẽ lên góc phố một bông hoa. Lại hoa, hoa Đà Lạt. Ngày xưa anh cũng từng mang phấn viết lên cột đèn một lời hẹn, chuyện cũ xa lắc xa lơ rồi. Chỉ còn dư âm là mỗi khi có dịp về thành phố tuổi nhỏ ấy, anh cứ đòi bạn chở qua phía ấy, nhìn xem có ai chờ anh không. Có ai chờ anh không ? Có ai chờ dưới ngọn đèn đường?
...Mười năm rồi, chuyện tưởng dễ quên thì cứ đi theo suốt cuộc đời người ta như một lời hỏi. Ừ, thì cũng biết rằng chỉ có hoa cỏ là biết đợi chờ, dù anh chẳng còn bao giờ hẹn hò.
Hoa pensée xếp năm cánh không cân xứng, rất yêu kiều, hình như mỗi cánh hoa pha màu một khác. Đó là hoa tư tưởng. Tặng hoa pensée là tặng một lời mến thương ý nhị và kín đáo. Nhận hoa pensée là nhận niềm hy vọng. Đà Lạt biết bao cỏ hoa. Anh không gọi được tên bông-hoa-của-mình, tìm đâu giữa thành-phố-núi-đồi-cỏ-hoa này ? Lần trước anh lên đây, cũng vào mùa Noel, có người đàn ông nọ cứ nhìn mãi lên tháp chuông nhà thờ Con Gà, lẩm bẩm nói với anh rằng hạnh phúc thì chẳng bao giờ là đủ. Ông ấy đi qua chiến tranh, đã đánh mất tuổi trẻ và hạnh phúc ở quãng đời đó. Giờ đây ông nói câu ấy với tất cả những người qua đường. Vì hạnh phúc chẳng bao giờ là đủ đầy nên anh trở lại vào mùa này, không thấy người đàn ông mất trí năm trước nữa. Hẳn ông ấy đã tìm được cuộc sống ít đau khổ hơn. Anh trở lại, đi trên những bậc đá lên đồi mà ở thành phố, đã hàng trăm lần anh mơ thấy nó, mơ thấy mimoza vàng hửng chân đồi sương, và dã quỳ vàng héo hắt trong chiều của mùa có nắng.
Mùa Noel, người dân Đà Lạt trầm lặng hơn, nhịp điệu ấy gõ đều lên thành phố vốn rất êm đềm khói sương. Trái thông khô bất ngờ, thảng thốt rụng về cỏ xanh. Người lạ thích thú thả bộ qua những con dốc không tên. Người xa về lại thì cồn cào nhìn lá lật mình trên những giàn su xanh, đêm gió về trên những rặng thông sau nhà. Không có màu sắc, âm thanh gì là không gợi về những điều xa thăm thẳm.
Anh thọc tay sâu vào túi áo khoác tìm đường trở về.
Mùa đông đầy trắc ẩn đi qua trên đầu anh. Anh chạm tay vào cánh cổng gỗ và ngoái lại. Đà Lạt sau vai say ngủ êm đềm. Thành phố của truyền thuyết ngôi sao nào còn ngủ mơ trên đỉnh thông Noel, bụi dã quỳ vàng còn âm thầm run tay vẫy, tàn mimoza nhắm mắt anh cũng còn nhớ màu lá nửa xanh, nửa bạc...Căn phòng anh chỉ có một chiếc ghế, chờ đợi.. Anh rũ áo ở cửa. Vẫn còn nghe tiếng gió ngàn thông bay về từ truyền thuyết của một tình yêu, than thở suốt năm, suốt tháng...
(Trang Hạ - HHT 80 - Số 4 - 1995)
:cungly: :cungly: :cungly:
:)
Pháo hoa-Thiên An -
Em biết mình chẳng được cả nhà yêu quý như chị, cái con bé này không xinh như chị nó, không đảm đang khéo léo dịu dàng như chị nó. Đôi khi mẹ ao ước con rằng con trai thì hãy hẳn là con trai, con gái thì hãy ra con gái chứ tính tình con trai trong cái vỏ bọc con gái thế này thì thật không biết phải làm sao. Em cũng chẳng biết làm thế nào. Con người ta đâu có quyền lựa chọn giới tính trước khi sinh ra.
Em xấu hơn chị. Và vụng hơn chị. Và đanh đá hơn chị. Và em kết luận rằng mình thua kém chị về mọi mặt. Nhưng chị luôn dịu dàng với em. Và ông nôi nữa. Ông yêu những gì mà gia đình dành cho ít tình thương nhất và chỉ trái tim ông thôi cũng đủ để bù đắp những hờ hững ấy. Ông ôm em trong lòng, che chở bao dung một con vịt xám lúc nào cũng băn khoăn cảm giá bị hắt hủi...
Rồi ông mất. Hôm đưa ông, pháo nổ rền rĩ. Những quả pháo bật lên trước khi nổ. Như run lên vì đau. Đấy là lần đầu tiên em không thích pháo.
Lần thứ hai là ngày chị lên xe hoa. Pháo nổ tung trời, trẻ con trong xóm ào ra reo hò và nhặt pháo xịt. Chị lộng lẫy bước qua thảm pháo hồng, lướt đi nhẹ nhàng và thanh thoát. Thế là em mất chị...
Chẳng còn chị ở bên để làm chuẩn mực nữ tính cho mẹ hướng em đến một cái khuôn nữa, nhưng em vẫn không thoát nổi ý nghĩ mình chỉ là một con vịt xám xấu xí. Em luôn kém chị. Em biết vậy. Và để hoàn tất cho sự thua kém đó, em gắng biến mình thành một thằng con trai, thẳng thắn và bướng bỉnh. Em đã nghe ở đâu đó, người ta bảo con gái nên giống một con mèo, biết nũng nịu, biết tỏ ra dịu dàng hay đanh đá... Nhưng nguời ta không bảo con gái phải làm bọn con trai nể tới mức gọi là "anh".
Cũng vì thế mà em ngạc nhiên khi Vĩnh mỉm cười với em. Một đứa con trai ít nói và nhỏ nhẹ như Vĩnh mỉm cười với một đứa con gái được một nửa số con trai trong trường gọi là "anh"? Lần đầu tiên em biết Vĩnh là ai khi Vĩnh hỏi em một câu trong phòng thi thử hoá. Khi Vĩnh nộp bài với bộ mặt vui vẻ thì em bình thản cầm bài thi mà em dám chắc là sai đến hơn nửa đưa cho cô giám thị. Vĩnh chỉ nhỏ nhẹ: "Bạn làm bài tốt không?" mà làm em nhớ tới tận bây giờ. Hoá là môn em yếu nhất và là môn Vĩnh giỏi nhất. Nhưng có lẽ chỉ có em mới biết được em học kém hoá đến mức nào. Vĩnh luôn khen em. Có phải may mắn không khi em quen Vĩnh trong phòng thi tốt nghiệp, để khi thân hơn thì mỗi đứa đã ở mỗi trường, và nhờ đó Vĩnh không thấy rằng em không yểu điệu, không dịu dàng, không như một con mèo ngoan ngoãn và hiền lành.
Hay bởi vì Vĩnh thấy mà không quan tâm.
Cũng như em thích thú nhận ra rằng Vĩnh không nhát như em tưởng. Vĩnh hay gọi điện cho em, nói những chuyện không đầu không cuối, bao giờ cũng là chuyện học hành rồi dần dà có thể đến việc hôm qua có một con kiến bị chết đuối trong cốc nước cam. Nhưng chỉ thế mà thôi. Vĩnh không nói gì hơn.
Tình cảm của em và Vĩnh cứ mỏng manh và trong văn vắt.
Thỉnh thoảng Vĩnh cho em những lọ hoá chất xinh xinh. Những lọ dung dịch muối đủ màu. Vĩnh đưa em một bộ màu xanh, Vĩnh bảo thích màu xanh nhất với tất cả những sắc thái của nó. Rồi một lần Vĩnh cho em một gói pháo hoa, loại pháo khi đốt thì xoè ra và sáng lấp lánh. Pháo hoa Trung Quốc 4000đ một gói, có hai mươi que, khi đốt đẹp gấp 40 lần pháo của Vĩnh. Nhưng không ai hiểu em đã sung sướng như thế nào khi Vĩnh ấp úng đề nghị em thử loại pháo Vĩnh mới làm. Thỉnh thoảng Vĩnh lại đưa cho em một vài sáng chế mới của Vĩnh, còn hướng dẫn em tỉ mỉ là loài này chế từ hoá chất nào, loại kia làm sao cứ ném xuống đất là cháy được. Em chơi pháo của Vĩnh đến bỏng cả tay. Mẹ cứ quát em là bỏng phốt pho độc lắm. Nhưng em lại sung sướng ôm ngón tay bị bỏng mà xuýt xoa để nghe Vĩnh hỏi han an ủi cả tiếng đồng hồ.
Sau lần ấy Vĩnh không đưa cho em pháo hoa nữa. Mẹ cũng thôi ngạc nhiên vì sự dịu dàng nữ tính mới mẻ của em. Mẹ không còn bảo em là học đi, yêu đương sớm làm gì cho khổ.
Nhưng đã có gì để gọi là yêu? Vả lại em với Vĩnh sẽ chẳng đi đến một điều gì chắc chắn hơn là những bông pháo phốt pho chạm vào là cháy.
Em đi Sapa với lớp. Một giờ đêm, bọn con trai bỏ cả trận Anh với Đức để hộ tống lũ con gái bướng bỉnh đòi đi chợ tình. Con trai vừa đi vừa càu nhàu. Con gái đầu tiên cười như hoa, và sau đó giống quả óng bị xì hơi khi ra khỏi sân khách sạn, thấy phố dài và sâu hun hút. Lặng ngắt. Không có chợ tình. Đôi ba người đi lại cũng toàn là người Kinh cả. Và bất ngờ có ai đập vai em lúc ấy. Dứt khoát không phải là lũ bạn cùng lớp. Đúng lúc ấy. 1h đêm. Tại một nơi xa lạ. Đường phố vắng hoe. Em quay lại và nhận được một cái mỉm cười đầy dịu dàng. Vĩnh. Mặc cho cả lớp nhao nhao bên hàng ngô nướng, em đi cùng Vĩnh, đi nhẹ như hơi thở giữa gió núi buốt da buốt thịt. Đến bây giờ em vẫn nhớ mình đã nói bao nhiêu câu và cười bao nhiêu lần. Vào lúc một giờ đêm ở cái nơi cách Hà Nội ba trăm cây số ấy. Có phải may mắn không khi Vĩnh đi cùng với gia đình trùng cái ngày em đi cùng với lớp? Em và Vĩnh đã đi như thế, không phải để nói chuyện mà chỉ để nghe thôi. Cả hai đứa cùng nghe...
Bọn em chia tay ở trước nhà thờ Sapa. Vĩnh rẽ và em đi thẳng.
Đến bây giờ vẫn vậy. Em vẫn giữ cho tất cả kỉ niệm luôn mới mẻ. Còn Vĩnh đã rẽ đường khác. Khi Vĩnh nhận ra em đặc biệt chỉ bởi em giống con trai một cách không hoàn toàn. Em chỉ khác những đứa con gái khác bởi em không phải là một con mèo hay nũng nịu. Và khi, chính bởi những tình cảm của Vĩnh, em hiền lành và nhẹ bẫng đi, thì Vĩnh lại không cần điều đó. Vĩnh không cần em dịu dàng, không cần em e lệ, nhưng Vĩnh có hiểu rằng chính Vĩnh là người đêm điều đó đến cho em? Tại sao Vĩnh chỉ muốn em là một cậu bạn trai không hoàn hảo như thế?
Bởi Vĩnh không bao giờ nhìn để thấy mắt em chỉ long lanh với mình Vĩnh.
Bởi Vĩnh không bao giờ biết em thích pháo hoa, loại pháo không có tiếng nổ, chỉ cháy rực lên những ánh màu lấp lánh rồi tan vụt đi mất.
Và Vĩnh rẽ đường khác.
Bạn em bảo số em với Vĩnh chỉ đi đến trước của nhà thờ thôi chứ không vào được. Em cười. Thế ư?
Dịp lễ nào em cũng vẫn trèo lên sân thượng xem pháo nổ tung toé trên bầu trời tối sẫm. Xem một mình, như một thằng con trai, tự ti nhưng cũng khá kiêu hãnh, yếu đuối đấy mà không khóc được,
Và em biết rằng Vĩnh vẫn làm pháo hoa đấy, để cho một đứa con gái nào dịu dàng, tóc dài bên cạnh Vĩnh...
:) :) :) :) :) :)