PDA

Xem đầy đủ chức năng : Luyện Phép Cây Chuối



anhvu_75
15-03-2011, 06:12 PM
Khu cư xá Thanh Đa nằm trên bán đảo Thanh Đa ven dòng sông Sài gòn thơ mộng. Nhắc đến Thanh Đa, ai cũng nghĩ đến món cháo vịt nổi tiếng và những dãy quán cà phê ven sông. Thanh Đa đi vào kí ức của mọi người không chỉ bởi đặc sản cháo vịt, bánh tráng Trảng Bàng hay… những đĩa phim quay lén về cà phê Thanh Đa. Nhắc đến địa danh này, nhiều người vẫn còn rì rầm kể cho nhau nghe những câu chuyện… ma bất thành văn bản… Thắm thoắt đã ba năm trôi qua kể từ ngày sư ông và sư phụ lần lượt qui thiên, tôi ít khi về Thủ Đức thăm chùa. Nhiều lần tôi tự nhắc mình phải về chùa thường xuyên hơn. Dù gì đi chăng nữa, nơi đó vẫn còn di cốt của hai người, vẫn còn có sư bá để mình thăm hỏi. Nhưng, mỗi lần nghĩ đến ông đại sư huynh của thầy là y như rằng tôi rùng mình ớn lạnh. Cái ông già khó đăm đăm, mặt ổng lúc nào cũng quạu đeo, hầm hầm như người bị mất của mà không tìm ra kẻ trộm (mô Phật). Đặc biệt là đôi mắt, ông nhìn ai là cứ như soi đến tim gan phèo phổi của người ta. Trong các hàng huynh đệ, không ai dám nhìn lâu vô mắt ổng hết trơn. Nghe nói, ngày xưa ông bế quan luyện Thần Long nhãn suốt 108 ngày. Đến khi xuất quan, người ốm tong teo còn hai con mắt cứ như điện. Ai nhìn thấy cũng sợ.
Không biết thật giả thế nào, riêng tôi đã có lần chứng kiến sư bá nhiếp phục con tà bằng ánh mắt rồi. Hôm đó, từ Biên Hoà có một nhóm người chở theo một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi. Nhìn chị ta có vẻ như người bình thường nhưng không hiểu sao lại bị trói thúc ké như tội phạm. Thấy ai nấy ngạc nhiên, người nhà vội giải thích:
- Mấy thầy hổng biết đó thôi. Nó tinh ma quỷ quái ghê gớm. Hồi nãy muốn trói được nó tụi tôi phải nhờ đến sáu người đàn ông khoẻ mạnh áp vật xuống mới thắng đó. Chứ sơ sơ hai ba người xáp lại, nó hất một cái ngã chỏng cẳng luôn.
- Sao tôi thấy nó tỉnh queo mà? – Tôi vọt miệng nói, không kịp nhìn thấy ánh mắt răn đe của thầy.
- Tụi tôi cũng hổng biết nữa. Vừa tới đầu đường vô chùa, tự nhiên nó tỉnh queo như chưa hề bệnh hoạn gì hết.
Người đàn bà bổng nhiên khóc nức nở:
- Mấy thầy ơi, cứu giùm con. Khi không mấy ông này áp trói con lại, rồi đánh đập con. Họ nói con là tà ma quỷ quái. Họ đánh con như vầy nè…
Vừa nói, người đàn bà cúi xuống dùng vai phải hất mái tóc rủ loà xoà trước trán lên. Phía trên thái dương cô ta còn một vết bầm rướm máu. Ai nấy xuýt xoa thương cảm. Thấy vậy, người đàn ông lớn tuổi nhất vội phân trần:
- Tụi tôi có làm gì đâu. Nó vu oan giá hoạ đó. Lúc nãy mọi người áp trói nó, nó hất một cái hai người văng ra rồi chạy lao đầu vào cột nhà. Nếu tui không ôm nó lại kịp, chắc bây giờ đã tẩn liệm xong luôn rồi!
Mọi người con đang nói chuyện thì sư bá tôi bước ra. Đang khóc lóc kể lể, người đàn bà ngó thấy sư bá liền nín bặt. Trông vẻ mặt cô ta có vẻ hoảng hốt. Sư bá tỉnh như không, chẳng thèm ngó ngàng gì đến bà ta, từ tốn bước lại bàn ngồi và thong thả rót trà uống. Ai nấy im bặt nhìn sư bá như chờ đợi. Bầu không khí trong chùa bỗng chùng xuống nặng nề…
Uống xong hớp trà, bất chợt ông ngước mắt lên nhìn người phụ nữ…
Cái nhìn của sư bá cũng bình thường thôi, không trừng không trợn nhưng sao tôi cảm thấy từ trong ánh mắt ấy toát ra một uy lực lạ lùng. Bất giác, tôi lùi lại một bước. Nhìn qua mấy sư huynh đồng môn, họ cũng đã lùi trước từ lúc nào. Chỉ có mình thầy tôi ung dung ngồi đó uống nước với sư bá.
Người phụ nữ bỗng thay đổi thái độ. Trông cô ta có vẻ sợ hãi. Đôi mắt cô láo liêng nhìn qua lại như muốn tìm chỗ thoát. Đoạn, cô cười gượng gạo:
- Ơ hay, cái ông thầy này nhìn tui ghê quá hả!
Sư bá vẫn không trả lời, mắt vẫn nhìn cô ta đăm đăm. Không khí lắng xuống đến nặng nề. Tôi cảm thấy ngực mình như có một hòn đá lớn đang đè xuống. Chợt, sư bá cất tiếng:
- Cởi trói cho nó.
- Dạ, nhưng mà thầy… - người đàn ông lớn tuổi toan nói gì đó nhưng nhìn thấy ánh mắt sư bá liền cun cút làm theo không dám nói thêm lời nào.
Những tưởng người phụ nữ sau khi được cởi trói sẽ vùng chạy. Nhưng không, cô ta vẫn đứng đó ngơ ngác. Nhìn khuôn mặt cô ta lúc đó thật đáng sợ, vừa sợ hãi thê lương vừa căm hờn phẫn uất. Cô ta cứ ngó dáo dác mà chân không hề di chuyển. Sư bá vẫn cứ im lặng ngồi nhìn… Ngay lúc đó, người đàn bà cất tiếng cười lớn ghê rợn:
- Ha ha… thằng thầy chùa này mê tao rồi. Tụi bay thấy không, nó nhìn tao say đắm đấy nhé. Này, nhìn hả, nhìn đi, tao cho mày nhìn.
Vừa nói cô ta vừa ưỡn ẹo thân thể ra vẻ khêu gợi. Tôi thấy người nhà đi theo có vẻ lúng túng.
Sư bá vẫn ngồi im, ngó cô ta đăm đăm. Đôi mắt của ông trong trẻo một cách lạ kỳ.
Về phần người phụ nữ, càng ưỡn ẹo cô ta càng có vẻ bứt rứt như phát cuồng. Chợt cô ta gào lên:
- MÀY CÒN NHÌN HẢ, NHÌN CHƯA ĐÃ HẢ? MUỐN NHÌN THÊM KHÔNG, TAO CHO MÀY NHÌN MÃN NHÃN LUÔN.
Trong lúc đang nói, cô ta lao nhanh về phía sư bá. Mọi người hốt hoảng, tôi thoáng thấy sư huynh Minh Tịnh co tay thành Lôi ấn. Chắc huynh ấy định sử dụng Ngũ lôi phù.
Nhưng, ngoài dự đoán của mọi người. Sư bá vẫn điềm nhiên ngồi nhìn, thầy tôi ngồi kế bên cũng ung dung không kém. Dường như thái độ hùng hổ của người đàn bà ấy không tác động gì đến hệ thần kinh của hai người.
Điều bất ngờ nhất đã xảy ra. Người đàn bà đang lao đến chỗ sư bá đã đứng sững lại như va phải một bức tường vô hình, cô ta loay hoay mãi không thể nào tiến thêm một bước. Tức khí, cô ta cất tiếng chửi:
- Mẹ mày… đồ thầy chùa lửa, đồ dê gái! Dê không được nên ngắm nhìn cho đỡ ghiền hả? Muốn nhìn phải không, tao cho mày nhìn tới luôn.
Nói xong, cô ta đưa tay giật tung hàng nút áo ngực lộ cả áo trong ra. Đám đệ tử tui tôi quay mặt chỗ khác. Người nhà cô ta xấu hổ chạy lại định gài nút áo, cô quay lại hất một cái người nhà té lăn cù như quả banh. Đến lúc này tôi mới thấy sức mạnh kinh hồn của cô ta.
Sư bá vẫn ngồi điềm nhiên nhìn. Nhưng khuôn mặt ông có vẻ nghiêm hơn. mắt ông trở nên sáng long lanh. Người đàn bà cứ đi qua lại trước mặt ông ở khoảng cách hai mét. Cô ta vừa nắm hai vạt áo mở ra khép vào vừa hẩy bụng và ngực về phía sư bá. Nhưng càng làm dữ cô ta càng tỏ vẻ bứt rứt như có cái gì đang thiêu đốt trong người vậy.
Bất ngờ, người đàn bà quỳ thụp xuống gào khóc:
- Thả tao ra, thả tao ra đi. Tao cầu xin mày mà. Làm ơn cho tao đi đi mà…
Sư bá vẫn nhìn lặng lẽ.
Cái nhìn của ông bén ngót như lưỡi dao sắc lạnh xuyên vào da thịt người ta. Tiếng la của người bệnh vang lên bài hãi nghe xé màng nhỉ:
- Trời ơi đừng nhìn nữa! Tha tôi đi, làm ơn tha tôi đi.
Cô ta oằn oại trên sàn như con rắn bị đập đầu, rồi chồm dậy đập đầu xuống đất nghe binh binh. Eo ôi! Cái kiểu này chắc bể đầu chứ không giỡn đâu. Tôi thầm lo trong bụng.
Hai vị tiền bối vẫn ngồi im không nói. Tôi thoáng thấy sư phụ tôi mỉm cười. Dường như ông đã đoán trước được kết quả rồi.
Quả thật như vậy. Người phụ nữ sau vài phút dập đầu đã ngẩng lên, tóc tai rũ rượi, nước mắt ràn rụa. Cô ta lết lại gần sư bá tôi chắp tay van lạy:
- Thầy ơi, thầy tha cho con lần này. Con cầu xin thầy. Xin đừng đốt con nữa tội nghiệp con thầy ơi…
Sư bá quay sang thầy tôi:
- Ông rót giùm tui ly nước cho nó uống đi.
Thầy tôi lặng lẽ làm theo.
Đón nhận ly nước từ tay thầy tôi, người bệnh uống một cách miễn cưỡng.
- Ngồi xuống đó – Sư bá ra lệnh, người phụ nữ làm riu ríu.
- Ngươi có ân oán gì với cô gái này mà đi theo ám người ta vậy hả?
- Dạ, thưa thầy – thái độ cô ta có vẻ bình tĩnh lại – con là Đặng Duy Nam, vốn là chồng sắp cưới của Như (*tên cô gái). Ba năm trước, lúc tụi con chuẩn bị làm đám cưới thì con bị tai nạn giao thông mà chết. Như đã không nghĩ đến tình cảm của con mà còn bắt bồ với thằng khác. Bây giờ tụi nó sắp cưới nhau. Làm sao con tha thứ cho được.
Sư bá tôi tỏ thái độ nghe chăm chú. Đoạn, ông khẽ cúi đầu thở dài:
- Nhân quả nghiệp báo. Biết bao giờ mới dứt đây.
Ngước mắt nhìn người phụ nữ giờ đây đang ngồi xếp bằng tròn thổ thức dưới đất, ông hỏi:
- Ngươi có biết là vài hôm nữa Quỷ Vô thường đến bắt ngươi về không?
- Dạ … biết…
Sư bá nạt ngang:
- Đã biết sao còn sanh chuyện cho thêm tội hả?
Cô gái cúi đầu tránh ánh mắt nghiêm khắc của ông, lí nhí trả lời:
- Thầy ơi, con không cam lòng… con yêu Như mà thầy…
- Vậy là người định bắt cô gái này theo người chứ gì?
- Dạ…
- Đúng là vô minh!- sư bá quát lớn khiến mọi người giật thót mình - Thọ mạng người ta còn, ngươi bắt được à. Bắt rồi, ngươi có sống được với người ta không chứ. Nghiệp chồng nghiệp, phen này ngươi khó đầu thai rồi.
- Thầy ơi, vậy bây giờ làm sao hả thầy?
- Nếu người bằng lòng rời khỏi thể xác, ta sẽ nói gia đình cô ta lập trai đàn ba ngày siêu độ cho ngươi. Nhờ các thầy trì tụng, mong rằng ngươi sẽ được giải bớt nghiệp chướng đời này.
- Nhưng… còn Như thì sao?
- VÔ MINH – sư bá hét lớn - VẪN CÒN QUYẾN LUYẾN KHÔNG MUỐN RỜI PHẢI KHÔNG?
- Dạ… con…
- Ngươi không chịu tỉnh ngộ, ta nhốt ngươi ba ngày rồi triệu Vô thường quỷ đến bắt đi. Lúc ấy ngươi không trách gì ta được nha!
- Dạ... thưa thầy... con chịu…

… Sau sự việc ấy, sư bá tôi nổi danh như cồn, tiếng tăm vang xa hơn cả sư ông. Nhiều người bệnh từ khắp nơi: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vũng Tàu, Phan Thiết… cũng lặn lội tìm đến chữa trị. Ngày ấy, tôi thường xuyên về chùa nên chứng kiến và học hỏi rất nhiều từ ông đại sư huynh của thầy mình…
Nhớ đến sư bá là bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về trong tâm trí… Tôi khẽ lắc lắc cái đầu như muốn xua tan hoài niệm. Hôm nay tôi phụ trách city tour. Một đoàn khách từ Quảng Bình vào tham quan thành phố ba ngày. Đây cũng là cán bộ hành chánh nên giá tour chẳng có bao nhiêu. Phòng điều hành quyết định đưa khách về nghỉ tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa. Nghĩ ra cũng tiện, tiện nghi cũng không đến nỗi tệ, cách phục vụ đúng kiểu bao cấp (chắc cũng quen thuộc với khách), không gian cũng yên tĩnh…
Ngày thứ nhất, đón khách từ cầu Bình Triệu. Tôi đưa thẳng về nhà nghỉ nhận phòng rồi ăn chiều. Những công việc lặt vặt của nghề thiết tưởng không cần phải kể ra làm gì cho dài dòng. Tôi xin kể vào sự việc chính…
Tối đầu tiên tham quan chợ Bến Thành và dạo phố đêm, nhiều vị khách đi lạc không biết đường về điểm tập kết. Tôi phải tìm mướt mồ hôi mới gom lại đủ. Về đến Nhà nghỉ Thanh Đa thì đồng hồ đã chỉ 11g35’. Giờ này còn về nhà gì nữa! Tôi quyết định ở lại để sáng mai đưa khách đi Củ Chi sớm. Các chị nhà phòng cũng ưu ái xếp cho tôi căn phòng tiện nghi ở cầu thang số 12 (gần cổng lớn). Những tưởng sau những giờ mệt mỏi chạy rã giò tìm khách, tôi sẽ ngủ một giấc ngon lành. Nhưng không, thật khó ngủ. Cố nhắm mắt dỗ ngủ mà lòng cứ tỉnh như không. Đôi mắt cứ trao tráo nhìn trần nhà như không muốn khép. Tiếng quạt trần quay vù vù làm tôi khó chịu. Tắt quạt một lát thấy nóng nực lại chồm lên mở. Tôi cứ loay hoay, bứt rứt. Định ngồi dậy luyện tập một lát nhưng lại làm biếng. Kể từ khi sư ông và thầy mất rồi, tôi cũng trở nên chây lười, chễnh mãng việc tập tành. Đã vậy tôi còn đi theo lũ bạn trong công ty đi hát hò nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Riết rồi tôi không biết mình có còn là dân huyền môn hay không nữa. Hình như những gì trong quá khứ đã phai nhạt dần khi hiện tại mở ra quá nhiều cám dỗ. Tôi bắt đầu thích cái cảm giác ngồi đến hai ba giờ sáng ở một quán nhậu ven sông để lắng nghe nhịp thở của cuộc sống về đêm, lắng nghe mạch máu căng ra vì chất men quá liều, nghe hơi lạnh tràn về khắp mọi nẻo giăng giăng. Tôi cũng bắt đầu để ý đến một chút thời trang của các cô trong công ty, cũng chịu khó pha trò, nói tục… Tôi đã thay đổi không còn là mình cho đến đêm nay…
Không muốn tập luyện, tôi chuyển sang dỗ ngủ bằng cách đếm. Đếm đến mấy ngàn số rồi tôi vẫn cứ trơ trơ. Bực mình, tôi ôm mền ra phòng khách nằm ngủ. Kéo mấy cái ghế salon lại sát nhau, tắt đèn, mở quạt trần vừa đủ mát, tôi hạ tấm nệm dựa lưng xuống làm gối và khoan khoái kéo mền lên tận cổ để ngủ. Quả thật ở ngoài phòng khách mát mẻ hơn nhiều. Tôi lim dim tận hưởng cảm giác thoải mái rồi lâng lâng vào giấc ngủ…
Bất ngờ ... cái mền tôi đang đắp bỗng nhiên tụt xuống như có người đang kéo...
Giật phắt mình, tôi chụp cái mền ngồi bật dậy ngó dáo dác… Chung quanh im lặng như tờ, chỉ có tiếng quạt máy quay vù vù trong không gian.
Ngồi im một lúc lâu, thấy không có động tĩnh gì, tôi lại nằm xuống kéo mền lên ngực ngủ tiếp…
Vừa lịm người đi, cái mền đang đắp trên người tôi bị ai đó giật phắt một cái rơi xuống đất. Thất kinh hồn vía, tôi chồm dậy la lớn: “AI ĐÓ?”. Đáp lại câu hỏi của tôi là không gian tối om, tĩnh lặng.
Tim đập thình thịch, tôi rón rén chạy đến góc phòng bật công tắc đèn. Xung quanh sáng loà ánh đèn néon trắng. Mọi thứ vẫn ổn, chỉ có cái mền của tôi là không bình thường. Nó bị quăng vào góc tường, cách chỗ tôi nằm hơn một thước. Vừa sợ vừa giận, tôi co tay thủ Kiếm quyết bước tới nhặt cái mền lên. Xung quanh vẫn tĩnh lặng. Nghe hơi ớn lạnh, tôi để luôn đèn sáng, nhảy lên salon nằm.
Lần này đừng hòng mà ngủ.
Tôi nằm nghiêng chờ đợi, tay phải nắm luôn Kiếm quyết, bụng thầm nghĩ: “Tụi bây định giỡn mặt với thầy hả con. Đứa nào ra ông cho một kiếm là tan nát hồn phách luôn!”.
Một phút…
Hai phút…
Năm phút…
Mười phút…
Chẳng có động tĩnh gì.
Tôi mệt mỏi bắt đầu lim dim mơ màng. Bỗng…
“Ké…é.. é..t”
Hai chiếc ghế salon được tôi kê làm giường nằm bị kéo thẳng về hai phía. Tôi rơi xuống đất đánh “bịch” một cái đau điếng hồn. Hoảng quá, tôi lồm cồm bò dậy quơ vội cái mền chạy vào phòng đóng cửa lại...
Chui tọt vào trong mùng, tôi không quên mở đèn sáng choang. Tim đập liên hồi trong cảm giác bàng hoàng, sợ hãi, tức tốI, hổ thẹn. Ai đờI làm thầy chữa bệnh trị tà, giảI vong từ bao năm qua, vậy mà đến lúc này bị ma quỷ phá phách mớI xấu hổ chứ!
Tôi ngồI thừ trong mùng một hồI lâu vớI ngổn ngang tâm trạng. Nhìn xuống đồng hồ, cây kim giờ đã chỉ đúng số 1. Tôi uể oảI chắp tay đọc bài kinh Phật Tổ:
“Á rá hăn – sam ma sam buol đô
Quýt chá chá rá ná
Sam ban đô
Su ga tô
Lô ca quyt du
An nu ta rô
Pu ri sa đam
Ma sa ra thi
Sat tha đê va
Ma nu sa năng buôl đô
Pa ga va ti” MớI đọc có 2 biến mà mắt tôi muốn sụp xuống. Buồn ngủ kinh khủng. Ráng đọc xong đến biến thứ ba là tôi rũ cả ngườI ra. DuỗI chân ra ngáp dài một tiếng, tôi ngả lưng xuống nệm, vặn vẹo ngườI mấy cái khoan khoái. Cảm giác nặng nề lúc nãy biến mất. Tôi xoay ngườI lạI ngay ngắn và thiếp đi…
… Sao mà tôi vẫn thức thế này! mắt vẫn mở trao tráo nhìn trần nhà. Một cảm giác lạnh lẽo bao trùm lấy căn phòng, cái lạnh phủ dần từ hai bàn chân, lan toả đến đầu gối. Tôi cảm thấy rất rõ từng thớ thịt tôi ơn ớn rồI tê lạI khi hơi lạnh đi qua. Biết có chuyện, tôi cựa mình ngồI dậy. Nhưng, tay chân tôi không còn điều khiển được theo ý mình nữa rồi. Hơi lạnh lan đến bụng, cảm giác nặng nề khó thở tràn ngập, ngực tôi nặng như đá đè, phổI cứng lạI không thở được. Và tôi thấy…trong ánh sáng trắng bệch của ngọn đèn néon, hai bóng ngườI đi xuyên qua cánh cửa phòng ngủ bước vào trong. Rõ ràng họ đi rất bình thường, nhưng không có một cản trở ngăn ngạI nào trong bước đi của họ. Đó là hai ngườI đàn ông, một già một trẻ. Gương mặt xanh xao lạnh lùng vô cảm. Đôi mắt đứng tròng không hề chớp cứ nhìn chăm chăm vào mặt tôi. Cả hai đều mặc bộ đồ trắng, thứ quần áo bệnh viện thường mặc cho bệnh nhân…
Nói thì dài nhưng sự việc diễn ra nhanh chóng. Họ bước xuyên qua cái giường ngoài (mỗI phòng ngủ của Thanh Đa có hai giường, tôi nằm giường trong, sát vách tường) và tiến đến ngay chỗ tôi nằm. NgườI trẻ đứng phía dướI chân, ngườI già đứng ngang ngườI tôi. Họ cúi xuống.
Giá mà tôi có thể hoá thành khói biến đi khỏI đôi mắt của họ, Nó đờ đẫn và sâu hun hút như cánh cửa địa ngục, khuôn mặt xanh mét của một xác chết. Cả hai thò tay ra…
Bốn cánh tay cùng lúc xuyên qua chiếc mùng tuyn mỏng và dần dần hạ xuống cổ tôi. Tôi nhìn thấy rõ những cẳng tay gầy guộc, khẳng khiu không có một chút sinh khí nào. Các bàn tay đè chặt làm tôi không thở được, hơi lạnh chết chóc từ những ngón tay thít chặt trên cổ truyền sang cơ thể, thấm vào trong mạch máu làm tôi cứng đờ người. Tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng, miệng thốt ra những tiếng ú ớ vô nghĩa. Hai bóng ma vẫn trơ trơ vô hồn, đôi mắt sâu thẳm của họ mở ra to dần thành hai hố đen sâu hun hút, tôi thấy trong đó là vòng xoáy trôn ốc cuốn tôi vào. Đầu óc quay cuồng, ngực không còn thở được, tôi thở dài: “Vậy là hết…!”
Bỗng nhiên…
Một tiếng vỗ bàn vang lên đánh “RẦM” như tiếng sấm. Nghe như tiếng vỗ bàn quen thuộc của sư bá tôi khi nhiếp phục con tà.
Tôi giật nảy mình. Hai bóng ma mờ dần, mờ dần rồi tan biến như sương khói.
Cảm giác lạnh lẽo khó thở cũng giảm nhẹ dần…

Tôi chồm dậy. Đèn néon vẫn sáng, chiếc quạt trần vẫn quay nhè nhẹ trên cao. Xung quanh yên ắng đến lạ kỳ. Tôi bần thần không biết là mơ hay thật. Nhưng có điều chân tôi vẫn còn cảm giác lành lạnh không bình thường. Tim vẫn còn đập thình thịch trong lồng ngực. Gương mặt hai người đàn ông lúc nãy vẫn còn lở vởn trong đầu. Ngay lúc này, khi kể lại câu chuyện, trước mắt tôi như vẫn hiện rõ mồn một hai khuôn mặt ấy.
Không có thờI gian suy nghĩ nữa. Tôi lập tức lấy gốI và mền kê làm toạ cụ, xoay mặt về hướng Tây Nam kết ấn Chuẩn Đề bố tự hộ thân và bắt đầu trì tụng theo phép Sư tử Hống:
“AUM – CHA – LE – CHU – LE – CHAN – DI – SVA – HA”
Trong lúc trì, tôi quán tưởng mình hiện tướng phẫn nộ (mà làm sao không “phẫn nộ” được cơ chứ! Làm thầy mà để ma giỡn mặt có đáng giận không!), tám tay tôi cầm đủ tám món binh khí :KIẾM – KÍCH – BÚA – MÓC CÂU – BÀNG BÀI – CHÀY ĐỘC CỔ - CHÀY TAM CỔ - VÒNG KIM CANG.
Tôi trì với tất cả sự tức giận, sợ hãi và xấu hổ. Đã lâu lắm rồi tôi mới có lại sự nhất tâm như thế này. Tiếng trì tụng ban đầu còn run rẩy, sau cứ to dần, to dần.Tôi cũng thấy mình cũng to dần như phiến đá trên Vồ Thiên Tuế của núi Cấm. Toàn thân tôi bốc lửa…
…Lửa cất cao ngọn, từ trong thân tôi toả ra xung quanh rồI đốt trụI tất cả - kể cả tôi.
Tôi ngồI không biết bao lâu. Nhưng khi mở mắt ra xả đàn thì ngài cửa sổ trờI đã mờ mờ sáng. Toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi. Cái mền kê làm toạ cụ và phần nệm giường cũng thấm mồ hôi ướt sũng.
Tôi chà nóng hai tay rồI xoa bóp toàn thân cho thông máu. Thân thể tôi lúc ấy nhẹ nhàng và sảng khoái lạ lùng. Có điều… toàn thân tôi bốc ra mùi thúi kinh khủng, Nó thum thủm nặng mùi như xác chó mèo chết sình. Lúc đầu tôi còn tưởng ngoài cửa sổ có con chuột chết nào đó. Nhưng sau khi tìm kiếm một hồI, tôi giơ tay lên ngửI thì… Oẹ! mùi thúi xộc thẳng vào mũi xông lên tớI óc làm tôi muốn ói vọt ra. Tôi vộI vàng lau khô mình rồI nhảy vào nhà tắm. Mất gần ba mươi phút kỳ cọ tắm rửa, tôi mớI thoát khỏI sự ám ảnh của mùi hương độc đáo ấy.
Thả bộ ngoài vườn hoa nhà nghỉ Thanh Đa trong buổI sáng trong lành, tôi mớI cảm nhận hết giá trị của cuộc sống. Thế này mớI là hưởng thụ đây chứ! Chợt nhớ, đã lâu lắm rồI tôi không đi dạo buổI sáng. Tôi nhớ lạI những ngày ở chùa, sáng sớm thầy tôi đã bắt thức dậy đi kinh hành quanh khuôn viên chùa. Lúc ấy là những ngày vui sướng và an lạc nhất...
Từ sư phụ, tôi nhớ đến sư bá. Lâu lắm rồI tôi không về Thủ Đức. Một cảm giác mong nhớ tự dưng trào lên mãnh liệt đến nỗI tôi muốn đằng vân trở về chùa. MỗI bước chân đi của tôi kéo theo bao nhiêu hoài niệm. Nó cứ như những đợt sóng lòng dồn dập vỗ vào tâm trí…
CuốI cùng, tôi quyết định bỏ tour Củ Chi. Sau khi nhờ được thằng bạn trong công ty dẫn tour giùm, tôi nói vài lờI giả lả khách sáo vớI mọI ngườI trong đoàn và đi ngay, bỏ cả ăn sáng.
Từ Thanh Đa đi về Thủ Đức cũng không xa lắm. Vượt qua cầu Bình Triệu rẽ phảI cặp theo con đường song song vớI tuyến đường sắt, tôi về đến chợ Thủ Đức. Con đường này lâu lắm rồI tôi chưa đi ngang. Chính xác là từ sau ngày thầy tôi mất…
Con đường vào chùa cũng không thay đổI gì mấy. vẫn là những ruộng rau muống nốI tiếp nhau, vẫn là những hàng cây xanh mát mắt. Đây rồI, cánh cổng chùa bằng gỗ cũ kỹ nằm khiêm tốn dướI tán lá bồ đề rợp mát. Cổng vẫn mở rộng như ngày sư ông tôi còn tạI thế. Không khí tĩnh lặng và vắng vẻ quá. Tôi bâng khuâng nhớ đến hai câu đốI từng đọc ở Tịnh xá Trung Tâm:
“Thiền môn rộng mở ít ngườI đến
Cửa khám then cài lắm kẻ vô”
Sợ làm ồn, tôi xuống xe ở cổng và dắt bộ vào. Băng qua sân chùa còn rơi vãi ít chiếc lá đa khô, tôi dẫn xe vào vườn. Một chú tiểu trạc mườI sáu mườI bảy tuổI đang xách nước tướI cây. Nghe tiếng động, chú quay lạI nhìn tôi chăm chú. Tôi chưa kịp hỏI, chú đã nở nụ cươi tươi nói trước:
- Sư huynh tên Dũng phảI hôn?
- Đúng rồI, sao chú biết? – Tôi ngạc nhiên hỏI lại.
Chú tiểu vẫn cườI:
- Sư phụ có dặn, nếu sư huynh đến thì lên thất gặp sư phụ.
- Thất nào? Có phảI chỗ của sư ông lúc trước hôn.
- Dạ đúng rồi. Sau khi khi sư tổ viên tịch, sư phụ dọn lên ở trên đó luôn để tiện việc nhập thất.
- Vậy sao này sư bá không chữa bệnh nữa sao?
- Dạ cũng có, nhưng sư phụ chọn ngườI dữ lắm. Có duyên ông mớI chịu chữa. Bằng không, sư phụ kiếm cớ tránh mặt hết.
- Chà, sau này ông khó khăn quá vậy ta.
- Không phải. Sư bá không muốn tạo nghiệp nữa. HồI sư tổ viên tịch, ông cũng bị hành hết ba ngày mớI hoá được. Lúc đó, các thầy ở các chùa khác đến tụng kinh cầu nguyện, sư tổ đâu có cho. Ông nói, ba chục năm tạo duyên tạo nghiệp gây ân chuốc oán vớI cõi vô hình, bây giờ bị đình trệ ba ngày có là bao. Ông chỉ biểu sư phụ làm phép giảI hết các sắc thần, sắc binh mà trước đây ông mượn để làm việc…
- HồI sư ông bị bệnh, tôi kẹt tour miền Trung về không kịp. Có nghe Minh Tịnh kể lạI nhưng không rõ lắm…
- Sư tổ bị làm mệt suốt ba ngày đêm, ai nấy lo đến rơi nước mắt mà không biết phảI làm sao. Chỉ có sư phụ kề cận trì chú trợ lực cho ông, còn mấy đứa tụI đệ chỉ niệm Phật vòng ngoài.
- Ủa, vậy ra chú đi tu mấy năm rồI à. Vậy mà tôi hổng biết chú.
- Làm sao sư huynh biết được. HồI sư thúc mất cho đến bây giờ, huynh có về chùa được mấy lấn đâu. Về thì huynh chạy lên thất sư tổ ngồI miết, sau đó chạy qua phòng sư phụ ngồI nữa, huynh có để ý đến ai đâu.
Nghe đến đây, tôi khẽ cuốI đầu xấu hổ. Chú tiểu nói đúng. Tôi tệ dần từ sau khi thầy tôi mất…
- Sau khi sư tổ viên tịch, sư phụ không muốn chữa bệnh nữa. Khi nào gặp ngườI hữu duyên có thể tạo phước sau này, sư phụ mớI ra tay thôi. ĐốI vớI ngườI khác nhờ vả, khách thường thì sư phụ bế quan, khách VIP thì sư phụ đi lánh nơi khác. Riết rồI ngườI ta nản không muốn ghé nữa.
Tôi thở dài:
- Thần thông như sư bá mà không giúp ngườI thật là uổng phí.
- Sư phụ nói, Phật độ hữu duyên nhơn. Ngày xưa, trước khi độ ngườI, đức Thế Tôn thường nhập định quán chiếu nhân duyên các đờI của ngườI ta rồI mớI bắt đầu hoá độ. biết được căn duyên mớI hoá độ được tận gốc. Bây giờ, ngườI ta tu Tâm thì ít tu Tướng thì nhiều – tu Huệ thì ít tu Phước thì nhiều – tu Thật thì ít tu Giả thì nhiều – Chân thành thì ít LợI dụng thì nhiều… trợ duyên cho những con ngườI ấy là tự chuốc thêm phiền não, khó lòng thoát khỏI sanh tử luân hồi. Thôi thì, chùa trồng gì ăn nấy, không cần nhờ vả vào những đồng tiền bất chính của những ngườI giả vờ tin Phật. Hộ Pháp sẽ không bỏ ngườI tu …
- Vậy là sau này sư bá thường nhập thất lắm hả?
- Mô Phật. Một tháng sư phụ nhập thất một tuần. Những tháng Hạ, sư phụ không đi Kiết Hạ như các thầy khác mà vô thất ngồI luôn. Còn những ngày không nhập thất, sư phụ ngồI thiền định một ngày bốn thờI Tý Ngọ Mẹo Dậu, mỗI thờI khoảng hai tiếng đồng hồ.
Chỉ có hôm nay hơi lạ. Sư phụ mớI nhập thất có hai ngày thì sáng này ông dậy dặn đệ nếu có sư huynh nào tên Dũng đến chùa thì biểu lên gặp ông…
“Như vậy sư bá biết mình đến hôm nay!” – Tôi thầm nghĩ và càng kính phục thần thông của sư bá. Giá mà tôi có được một chút của ông thôi thì… Đang nghĩ vẩn vơ, tiếng nói của chú tiểu làm tôi giật mình trở về thực tạI:
- Sư huynh lên đi, đừng để sư phụ chờ.
- Ờ há! Mãi nói chuyện mà tôi quên mất. À, mà chú pháp danh gì vậy?
- Mô Phật, sư phụ đặt pháp danh cho đệ là Minh Trí.
Thì ra, hàng đệ tử của thầy và sư bá đều đặt chung chữ Minh. Tôi cũng có pháp danh là Minh Thông, nhưng ít ai gọI đến trừ thầy tôi. Có lẽ tạI con ngườI tôi còn nặng thế tục quá chăng?
Vừa nghĩ ngợI tôi vừa leo lên thất của sư bá. Nói là thất chứ thật ra là phần sân thượng phía sau chùa. Trước đây sư ông về cảI tạo lạI, che mái và ngăn làm hai. Một nửa làm thất và một nửa làm sảnh. Ở ngoài sảnh thờ năm đạo lệnh phù Bàn Cổ bằng vảI vàng. Nét phù được vẽ bằng bút lông đạI tự chấm châu sa và son tàu đỏ thắm. Đó là nơi huynh đệ tôi thỉnh thoảng lên tu luyện theo lệnh của sư ông.
Tôi leo lên đến nơi, nhìn thấy mọI thứ vẫn như xưa. Không kịp nghĩ ngợI gì vì sư bá tôi đã ngồI đó tự lúc nào. Nhìn cái dáng gầy gầy ngồI khoan thai bên cái bàn gỗ uống trà, tôi xúc động muốn trào nước mắt. Tôi bước nhanh đến chỗ ông ngồI, quỳ sụp xuống thổn thức:
- Thưa thầy… - Chỉ có hai tiếng thôi, tôi hết biết nói gì.
Tôi quen gọI sư bá là thầy từ khi thầy tôi dọn nhà về Thủ Đức sống cạnh chùa vớI sư ông (xem “Ngũ Lão Bàn Cổ lệnh phù”).
Sư bá nhìn tôi im lặng chẳng nói năng gì. Ánh mắt ông toát lên vẻ gì đó vừa nghiêm nghị vừa từ ái. Tôi trang trọng đảnh lễ ông bốn lạy. Ông ngồI tĩnh tạI không hề tỏ thái độ nào.
Lạy xong, tôi ngẩng nhìn lên, sư bá chỉ tay vào cái ghế lớn bên cạnh bàn ra dấu tôi ngồi. Nhìn cái ghế còn lớn hơn ghế ông ngồI, tôi rụt rè từ chốI và chạy lạI phía bàn thờ lấy cái ghế đẩu nhỏ hơn đặt xuống cạnh ông.
Sư bá khẽ gật đầu, lạI chỉ tay vào tách trà còn đang bốc khói để sẵn tự lúc nào ở trên bàn. Tôi không hiểu làm sao mà sư bá biết tôi đến lúc này mà rót trà để sẵn.
- Trà nguộI bớt rồI đó, con uống đi. – Lúc này ông mớI mở miệng.
Tôi suýt rơi nước mắt. Sư bá còn nhớ rõ tính tôi không thích ăn uống những đồ quá nóng. Ông quan tâm đến tôi như vậy, còn tôi thì…
Rón tay cầm ly trà lên khẽ nhắp một tí, tôi nghe tỉnh cả người. Mang tiếng là nước trà chứ thật ra chỉ là nước gạo lức rang vàng. Mùi thơm thoang thoảng của gạo rang làm tôi nhớ lạI những ngày xưa, lúc tôi bị đau bụng. Gần một tuần lễ tôi chỉ uống nước gạo rang này cầm hơi… Sư phụ tôi thường đùa tôi: “ Uống nước này đúng một tuần là con thoát thai hoán cốt luôn đó nghe!”.
- Thưa thầy … - Tôi rụt rè toan nói thì sư bá khoát tay.
- Thầy biết hết rồi.
- Sao thầy biết được ạ? - Vừa hỏI xong tôi mớI sực nghĩ mình hỏI quá thừa. Một tia sáng loé lên trong đầu tôi. - Vậy là hồI hôm này thầy đã…
Sư bá khẽ gật đầu, hơi mỉm cườI vớI tay lấy tách trà đưa lên miệng.
Thì ra là vậy. Tiếng vỗ bàn hồI hôm là do sư bá dùng phép cứu tôi. Chả trách tạI sao bỗng dưng ma quỷ rủ nhau biến mất sau tiếng động trong đếm ấy.
- Uống trà đi! - Tiếng của sư bá vang lên cắt ngang luồng suy tư vẩn vơ của tôi. Tôi vội vàng đưa tách trà lên miệng hớp một cái cạn sạch rồi với tay đặt lại lên bàn. Sau vài giây rụt rè, tôi hắng giọng hỏi ông:
- Thưa thầy, con …
- Con thắc mắc vì sao thầy biết phải không?
- Dạ, con… - tôi cứ ấp úng không biết phải hỏi thế nào cho phải.
Khẽ hớp thêm một ngụm trà, sư bá nói:
- Hồi thầy con mất, ổng có gửi lại mấy đứa con cho thầy chăm sóc. Mấy năm qua, sư huynh Minh An của con bỏ đạo theo đời xem như hết phương trở lại, sư huynh Minh Tịnh của con thì chuyên lo tu luyện khá bền bỉ, thầy cũng không phải lo âu. Chỉ có mình con… - nhìn tôi khẽ thở dài, ông nói tiếp – con cứ lửng lửng lơ lơ, nửa đời nửa đạo. Đường thẳng không đi, cứ lạng bên này, tấp bên nọ, lúc chuyên cần hôm sớm, lúc giãy đãy biếng lười. Thầy làm sao yên tâm được.
Tôi cúi đầu không dám nhìn sư bá. Ông nói như đi từ trong bụng tôi đi ra, khiến tôi có cảm giác mình làm bất cứ điều gì cũng bị ông nhìn thấy. Nghĩ đên đây bất chợt tôi điếng hồn… nhớ lại mấy bữa trước tôi nghe lời rủ rê của thằng Huỳnh đi uống bia ôm đến quá nửa đêm !!!
Giọng sư bá vẫn cứ đều đều trầm ấm:
- Hôi hôm, chư thần mách bảo con đang bị cô hồn khuấy phá, thầy nhân dịp này muốn giúp con trở lại con đường cũ…
Tôi không kịp giữ ý tứ, vội xen ngang:
- Thầy cho con hỏi cái phép hồi hôm là phép gì vậy thầy?
- Cái thằng… cái thói học nghề vẫn không bỏ, gặp đúng hệ là sấn tới – sư bá tôi cười nhẹ - thầy dùng câu :“Ki yắc bút ta tu - giắc thắc ki yắc. “
- Ủa, cái câu này dùng để hộ thân tránh người khuất mặt phá phách khi đến những nơi có nhiều âm khí mà thầy?
- Vậy hồi hôm phá con là người gì – sư bá lại vừa cười vừa lắc đầu.
- Nhưng mà…
- Nhưng cái gì? Học không đến nơi đến chốn còn cãi lại. Chỉ một câu chú, cách sử dụng cũng nhiều cái diệu dụng khác nhau. Cái này, khi đọc phải vỗ bàn…
Sư bá mất gần hai mươi phút để ôn lại các bài kinh Nam Tông và giảng lại những chỗ diệu dụng trong lúc sử dụng các câu kinh ấy.
- Mấy câu kinh này anh em tụi con đọc suốt, vậy mà đến bây giờ mới hiểu.
- Chỉ có con bây giờ mới hiểu thôi, Minh Tịnh nó hiểu và sử dụng từ lâu rồi. Cứ lo chuyện đời nhiều vô, có ngày con quên sạch hết những gì mọi người dạy con. Hừ! Chỉ có vài vong linh lưu lạc mà con còn không tự cứu mình được… vậy mà thuở xưa còn xách gói đi chữa tà…
Biết sư bá không giận, nhưng tôi vẫn cúi gằm đầu xuống vì xấu hổ.
- Việc con về chùa hôm nay cũng đủ chứng tỏ con còn chút cơ duyên. Đã đến thì phải ở lại đây ăn cơm, chiều rồi hẵng về. Thôi, con ra sau giếng tắm cho sạch rồi lên chánh điện cúng ngọ với Minh Trí. Nói Minh Trí đưa tạm cái áo của thầy để mặc…
Ngày hôm đó, tôi chìm trong không gian tĩnh mịch của ngôi chùa, những sợ hãi, lo âu, toan tính dường như đã chạy hết ra ngoài cổng…
Cho đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn mấy con ma vì nhờ nó, tôi mới có cơ hội trở về với ngày xưa…


Cây chuối là loài thân bẹ, có tánh âm. Cho nên trong dân gian thường dùng chuối vào nhiều chuyện có liên quan đến cõi vô hình. Thân chuối đốn ra làm hình nhân cúng giải căn, thế mạng, bẹ chuối tách ra làm bè cúng tống ôn tống quái, tàu chuối chặt khúc làm thang mở cửa mã, lá chuối trải ra đựng lương phạn cúng binh gia, cúng ngãi … Biết bao nhiêu công dụng kể không hết. Nhưng, có một việc liên quan đến cây chuối mà bấy lâu tôi không kể vì thấy nó có vẻ hoang đường mà nhiều bạn trẻ khó lòng chấp nhận.
Nhưng thiết nghĩ cuộc đời này có bao nhiêu thời gian để sống? chết rồi mang theo được cái gì ngoài tội phúc của nhân gian. Chút kiến thức nông cạn không để lại, e rằng mai sau cũng chẳng ai còn biết đến. Ngẫm tiếc cái công cha ông truyền lại nên tôi mượn câu chuyện cũ mà kể lại cho vui. Dĩ nhiên, cách thức thực hiện tôi phải thay đổi và giấu diếm chút đỉnh kẻo nhiều bạn ham vui liều lĩnh thử qua rồi mang họa.
Nói chung anh em coi cho biết chút chút về học thuật người xưa vậy thôi nghen!

Lúc đó, tôi mới có 17 tuổi. Cái tuổi bẻ gãy sừng trâu làm cho tôi háo hức. Ngoài việc đi học ở trường ra, niềm vui thú duy nhất của tôi là đi chữa bịnh và … tìm cao thủ. Nghe nói nơi nào có thầy hay nổi tiếng là tôi tìm cách đến gặp cho bằng được. Thấy tôi còn trẻ lại nhiệt tâm cầu học nên nhiều thầy ưng ý lắm. Để thuyết phục tôi làm đệ tử, nhiều thầy trổ tài biểu diễn hoặc chỉ bảo chút chút cho tôi thấy sự linh nghiệm mà theo.
Tôi nhớ một lần lên nhà thăm Mai Châu Cư sĩ, một pháp sư người Việt gốc Chà. Ông này nổi tiếng với phép đánh kiếm ấn. Một lần uống cà phê bên lề đường, ông đã trổ tài bung ấn bắn bình trà bằng nhôm ở bàn khác văng xuống đất. Cô phục vụ chạy đến nhặt lên thì cái bình bị móp một lỗ sâu hoắm.
Lúc tôi đến, trong nhà có một vị khách Chà, cũng là một pháp sư chuyên thư ếm. Được biết ông tên Nin, nhà ở quận 8. Nói chuyện một dạo, ông cao hứng trổ tài giải phược (mở trói). Ông bảo tôi lấy một cái ghế thấp, luồn khe của ghế vào cánh tay ông ta. Sau đó dùng dây thừng trói chặt hai tay ông lại. Chiếc ghế nằm trên cánh tay không cách nào rời ra được. Sau khi cột thật chặt nhiều nút khóa, tôi yên tâm lùi lại xem ông ta biểu diễn… Chỉ thấy ông Nin ngửa mặt lên trời đọc lầm rầm mấy câu kinh Chà, rồi ông hét lớn “Ra”, vừa hét ông vừa giủ hai cánh tay bị trói chặt xuống đất….
Tôi ngơ ngác đến không tin là thật. Chiếc ghế tuột ra khỏi tay văng xuống đất, dây trói bung ra một nùi nằm cạnh chiếc ghế… Thầy Nin mỉm cười đắc ý. Châu Mai cư sĩ cũng mỉm cười gật gù…
Đến lượt cư sĩ biểu diễn. Ông yêu cầu tôi trói thúc ké. Dây trói quấn mấy vòng lên khỏi khuỷu tay. Tôi cẩn thận bó chặt đến nổi cư sĩ phải la lên: “Ê, đau mậy”.
Tôi cười: “ Cột chặt như vậy mới biết anh giỏi hay không chớ!”
Làm xong chuyện, tôi đứng lui ra xem sự lạ.
Đúng là kỳ dị!
Cư sĩ đếm to: “Một… Hai…” vừa đến “Ba” dây trói đã tuột xuống đất ngay sau chân của ông ta. Cư sĩ đưa hai cánh tay về phía trước cho tôi xem, trên tay vẫn còn hằn đỏ vết dây trói… Tôi để ý một chuyện lạ, hai ngón cái của ông ấy to và dẹt một cách khác thường…
Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn hai người với vẻ thán phục, thầy Nin hể hả: “Dây trói là chuyện nhỏ. Tại vì ở đây không có còng số 8, nếu có tôi biểu diễn cho chú mày thấy”…
Sau này tôi đem chuyện lạ trên kể cho thầy nghe, thầy tôi cười bảo: “Bùa phép chỉ dùng cho tiểu sự thôi con à. Khi mà nghiệp kéo đến đòi, không có bùa phép nào giải được đâu. Đừng có MÊ rồi có ngày ĐẮM luôn đó”

Lời thầy dạy tôi vẫn luôn nhớ, nhưng …. Tìm cao nhân thì tôi cứ đi tìm.
Một hôm, tôi ra chợ mua lá chuối cho nội gói bánh…
Chị Vân bán hàng vừa gặp tôi đã tỏ vẻ mừng rỡ:
- Mấy hôm nay đi đâu mà không thấy ra chợ vậy?
- Thì em đi học chớ đi đâu.
- Ngày rằm này em rảnh hôn?
- Chi vậy chị? – Tôi hỏi lại.
- Đi với chị tới chỗ này. Hay lắm!
- Mà hay là sao?
- Đi tới đó rồi biết mà. Chị hổng nói trước được đâu…
Chị Vân với tôi vốn thân nhau hơn một năm nay. Từ khi ba tôi chuyển nhà từ cái xóm Chuồng Trâu đầy tệ nạn xã hội về ở khu nhà mới này, tôi đã bắt đầu quen biết chị. Chẳng qua là nhà tôi có nghề gói bánh tét, vừa về hôm trước, hôm sau nội tôi đã trở thành mối lá chuối, dừa, đậu, nếp của chị Vân. Nghe nói chị ăn chay trường từ nhỏ, nên nội tôi cũng vui miệng khoe ở nhà cũng có thằng cháu nội ăn chay. Chị Vân nghe thích lắm. Vậy là mấy hôm sau tôi ra chợ chở lá về, chị Vân giữ lại hỏi han tíu tít…
Cứ thế, mỗi lần tôi ra chợ, chị Vân lại mua cho tôi cái gì đó, khi thì miếng tàu hủ, khi thì bịch khô chay… chị Vân cứ dấm dúi cho tôi “thay đổi khẩu phần”. Lúc đầu thì cũng ngại, nhưng riết rồi quen. Rảnh rảnh tôi lại ra chợ ngồi chơi, tiện thể bán hàng, nạo dừa phụ chị.
Chị Vân tu theo pháp Vô Vi của ông Tư Nguyễn Văn Sự. Từ hồi quen biết chị, bao nhiêu sách vở, bài giảng của ông Tư tôi đều được chị Vân trao tặng. Tôi thích nhất là phép nhịn ăn uống nước và phép nấu bầu âm dương diệt dục. Thật tình tôi thích chẳng qua là thấy thực hiện mấy phương pháp này làm cho mình giống với các vị tiên trong truyện Phong Thần và Thất Chơn Nhơn Quả tôi thường đọc. Chứ lúc đó còn quá nhỏ, tôi đâu hiểu hết những huyền bí trong phương pháp tu tập này. Hà, cũng may là lúc đó tôi nấu bầu âm dương không nhiều. Nếu không, bây giờ chả biết còn lấy vợ được hay không nữa.
Còn chị Vân, có thời gian chị thực hiện phép nhịn ăn uống nước .. đến khi gia đình phát hiện thì … chị đã nhịn đến ngày thứ hai trăm rồi.
Từ sau đợt nhịn ăn ấy, chị Vân bỏ luôn chuyện cưới hỏi. Chị trả đồ lễ lại cho đàng trai và sống một cuộc đời cô độc. Ở nhà xem chị như một loại người ngoài hành tinh, thường xuyên tránh né chị. Trong cảnh cô đơn đó, chị Vân vẫn buôn bán bình thường. Lúc rảnh chị đi gặp gỡ bạn đạo cho khuây khỏa. Sau này có tôi, chị Vân có vẻ vui hơn…
….Đúng rằm, vừa đi học về, tôi quăng cặp lên giường rồi phóng xe ra chợ, mặc cho má tôi gọi ăn cơm ơi ới.
Chị Vân cũng vừa dọn hàng.
Hai chị em tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng băng qua không biết bao nhiêu đoạn đường, con hẻm. Cuối cùng, chúng tôi đến một cái am nhỏ nằm đầu hẻm ven dòng kênh nước đen ngòm.
Vừa bước qua khỏi cổng, mùi khói nhang lan tỏa khắp nơi. Tiếng chuông cứ đổ từng hồi vang lên từ trong gian thờ chính. Tôi đảo mắt quan sát, chiếc sân nhỏ bày biên đơn sơ: một bàn thông thiên, một tượng Quan Âm lộ thiên khoác áo choàng trắng đính kim sa vàng chói.
Chị Vân ngoắc tôi vào trong.
Vừa bước vào khỏi bậc cửa thì …
Một cảm giác kỳ lạ bao phủ lấy người tôi. Một bầu không khí đặc sệt trùm khắp không gian căn phòng. Tôi cảm thấy hơi nặng ngực, đầu óc lâng lâng…
- Chết cha, bị áp điển rồi!
Tôi vội hít sâu một hơi nén xuống đan điền, tưởng chữ bùa Tổ ngay giữa tam tinh khẽ “hừ”một tiếng nhỏ như đang tằng hắng. Bầu không khí loãng ra thấy rõ.
Lúc này, tôi mới quan sát kỹ gian thờ chính. Ở giữa là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề mười tám tay ngồi kết căn bản ấn, bên tay phải tượng Phật Mẫu là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ mặt mày nanh vút tay cầm chiếc phướng chiêu hồn, phía còn lại là tượng Tam Thái Tử Na Tra hiện pháp thân ba đầu sáu tay với đầy đủ các món pháp khí.
Nhưng, đặc biệt nhất vẫn là bức tranh lớn treo phía sau ba bức tượng. Đó là một bức họa mấy con rồng đang phun mây, giỡn sóng. Nét vẽ đơn sơ nhưng cực kỳ sống động.
Lúc này, bên trong gian thờ đã đông nghẹt, kẻ đứng người ngồi lố nhố nhưng khá trật tự. Ngồi trên chiếc ghế gỗ lót tọa cụ bằng vải vàng là một thanh niên ngoài hai mươi tuổi dáng mảnh khảnh, tóc dài khá mô đen. Trên trán anh xăm một chấm son đỏ chót làm tôi bất chợt liếc lên bức tượng Na Tra…
Anh đang ngồi nói chuyện với một bổn đạo Giọng nói nhỏ nhẹ như thủ thỉ. Nhìn vị đạo hữu kia đang có vẻ bi lụy, nước mắt cứ lăn dài thành dòng ai bên khóe mép mà bà ta vẫn không buồn đưa khăn lên chấm. Nhìn sang anh thanh niên, tôi thoáng thấy người anh toát ra màu sáng trắng nhạt.
Thì ra có chư vị về tá điển! – Tôi nghĩ thầm.
Điều đặc biệt tôi muốn kể ở đây là trong hai bàn tay anh ta, nước cứ rịn ra và nhễu xuống ròng ròng xuống mấy đầu ngón tay rồi rơi xuống đất.Đến một người khác tiến vào nhờ chữa bệnh, anh thanh niên với tay lấy cái chén sành trên bàn thờ xuống, kêu người bệnh cầm nâng lên bằng cả hai tay. Đoạn, anh xoa hai lòng bàn tay vào nhau như đang vắt một thứ gì. Trời đất - tôi reo thầm trong bụng. Từ trong lòng bàn tay, nước chảy ra thành một dòng nho nhỏ. Độ khoảng năm sáu phút gì đó thì cái chén gần đầy. Anh thanh niên giủ tay ba lần rồi xoay mình lấy cái khăn phía sau ghế lau tay. Hai ban tay anh lại khô ráo như thường. Chén nước được người bệnh uông cạn một cách thành kính…
Hình ảnh người thanh niên chữa bệnh lạ lùng như vậy làm tôi bối rối. Điều này hoàn toàn vượt qua tầm hiểu biết của bản thân. Nhưng tôi lại không dám đem chuyện này hỏi thầy. Lần trước đi với bạn đạo ghé thăm bà Bảy Đại Càn, tôi ơ hờ bị một tay ở Long Xuyên chưởng cho một phát Ngũ Lôi Điển về nhà choáng váng phải nằm nhà hết một ngày trời. Đợt đó thầy tôi phạt quỳ hương đọc kinh Tổ hết mấy tiếng đồng hồ. Lần này, tôi sợ thầy cấm cửa không cho đi nên đành tự tìm hiểu vậy…
Chỉ sau một buổi gặp mặt nữa, tôi và cậu Đại – tên người thanh niên, đã trò chuyện tự nhiên, thân mật. Đến lúc này tôi mới biết hoàn cảnh cuộc đời của cậu…
Cậu Đại vốn là con nuôi của bà Sáu chủ nhà. Cha mẹ ruột bỏ cậu ở ngã ba đường lúc cậu năm tháng tuổi. Bà Sáu đi lượm ve chai sớm tình cờ bắt gặp nên ẵm về nuôi. Hai ông bà không có con nên xem cậu như con ruột của mình. Lúc cậu lên 6 tuổi, một buổi sáng đang chơi trước nhà thì một vị sư người Miên đi ngang qua. Ông ngắm nghía cậu một lúc rồi bước vào…
Bà Sáu giật mình chạy vội ra…

Vị sư chỉ vào cậu:
- Đứa nhỏ này là con của bà hả?
- Mô Phật, con tui đó. Thầy hỏi chi vậy? – Bà Sáu trả lời thận trọng
- Bà nuôi đứa nhỏ này ở nhà không được đâu. Số của nó phải lìa gia đình đến năm hai mươi tuổi, dù cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi gì cũng vậy – Vị sư nhìn bà Sáu đầy ý nghĩa.
- Nhưng mà tui nuôi nó đến bây giờ có sao đâu thầy. Thầy nói chuyện gì đâu không hà.
- Bà là má nuôi nên nó mới sống với bà tới tuổi này. Nếu không một trong hai người phải chết đó.
- Trời đất… làm sao thầy biết tui là má nuôi chứ …- Bà sáu lắp bắp.
- Tướng của bà hiếm muộn. Nếu có con chẳng qua là con nuôi thôi.
- Thầy ơi…- Bà Sáu đổi giọng – vậy có cách nào cứu giúp không thầy?
- Tốt nhất bà gửi nó vô chùa. Sau này, qua đại hạn hai mươi năm đầu, nó sẽ làm thầy chữa bệnh. Lúc đó bà cũng hưởng chút phước lành.
… Sau buổi gặp gỡ đó. Một tháng sau, cậu Đại được vợ chồng ông bà Sáu đưa về Trà Vinh tu với vị lục Miên ấy.
Mười bốn năm sau, cậu Đại trở thành một cao thủ về buà ngãi. Cậu thay thầy đi chữa bịnh khắp chỗ. Có lần, khi đang chữa trị cho một người phụ nữ Kh’ mer có bầu đạp nhằm ngãi hoang thì công an xã và trưởng ấp ập vào bắt cậu vì tội tuyên truyền mê tín dị đoan. Cậu Đại vẫn bình tĩnh ngồi xếp bằng trong nhà không nhúc nhích mặc cho tay trưởng ấp hùng hùng hổ hổ…
Đến khi hai anh công an viên tính chạy đến bắt trói thì cậu mới cất lời
- Ông nói tôi hành nghề mê tín dị đoan, vậy ông giải thích giùm coi thế nào là mê tín dị đoan chứ hả?
- Mê tín dị đoan là lường gạt bà con, tin theo ba cái thứ bùa ngãi nhảm nhí, làm cho ảnh hưởng đời sống đồng bào, rõ chưa? – Trưởng ấp hùng hổ trả lời.
- Ông nói bùa ngãi là nhảm nhí, vậy ông có tin là tôi gọi rắn đến cắn ông không hả?
- Mày mà gọi rắn lên được, tao sẽ không bắt mày. Còn không thì cho mày đi cải tạo mãn đời nghe con. – Tay trưởng ấp tỏ vẻ thách đố.
Không buồn trả lời, cậu Đại ngồi im khẽ cúi xuống như đang thiền định. Mọi người im lặng chờ đợi.
Trong giây lát, cậu Đại hét lên một tiếng, hai tay bấu vào hai miếng ván lót sàn giật mạnh. Một tiếng “rắc” vang lên khô khốc. Hai miếng ván đóng đinh cứng ngắc theo mấy ngón tay của cậu Đại bung lên như người ta vừa lấy xà beng nạy vậy. Mọi người có mặt đều trợn tròn hai mắt… hai công an viên giật mình lùi lại, bất giác đưa tay nắm lấy khẩu súng lục ở thắt lưng.
Nhưng.. cái đáng sợ không phải ở đó. Từ dưới hai miếng ván sàn vừa bị nạy bật đinh, hai con rắn to bằng cườm tay người lớn ngóc đầu lên phun phì phì. Tất cả những người có mặt hoảng hốt nhảy lùi lại sát vách. Tay trưởng ấp mặt mày xanh lét không còn một chút máu. Cậu Đại giơ hai tay vuốt đầu rắn, hai con vật kinh khủng bỗng dịu lại và bò lên gác đầu ở hai bên đùi của cậu. Lúc bấy giờ mọi người mới nhìn thấy thân hình hai con rắn có màu xanh kỳ lạ. Trên đầu mỗi con đều có một cái mồng đỏ nhạt như mồng gà trống mới lớn.
Trong không khí im lặng bao trùm, cậu Đại ngẩng đầu hỏi nhẹ tay trưởng ấp:
- Sao, ông thấy chuyện này có mê tín không?
- Cái … này…
Tay trưởng ấp lắp bắp, lùi dần ra cửa rồi quay đầu đi nhanh như chạy. Hai công an viên ngơ ngác rồi cũng chạy theo. Không chịu bỏ qua, cậu Đại chỉ về hướng đi của tay trưởng ấp hét lớn: “Đi”. Hai con rắn ngẩng đầu lên rồi bò nhanh ra cửa…
Ngày hôm sau, cả xã đồn rân chuyện trưởng ấp bị rắn rượt ngoài đồng, vừa chạy vừa la bài hãi.
Kể từ đó, cậu Đại đi chữa bịnh trong vùng không còn ai dám hó hé. Thậm chí, mấy vị trong Ủy ban xã có chuyện cũng nhờ cậu lại giúp giùm…
… Thú thật rằng chuyện huyền bí tôi gặp và trải qua không ít, nhưng những điều cậu Đại kể khiến cho tôi ngỡ ngàng đến không tin là thật. Biết tôi bán tín bán nghi, cậu Đại mới nói:
- Để tui làm cho em một bức tượng để hộ thân, em nhìn bức tượng là tin liền hà.
- Vậy là sao cậu? – Tôi ngơ ngác hỏi.
- Bây giờ em tìm cho tui một bức tượng bằng nanh hoặc bằng ngà, tui tơm phép một đêm nó sẽ chuyển sang màu đen cho em coi.
- Làm sao tượng bằng ngà lại chuyển màu được chứ!
- Ậy, cứ đưa đi rồi biết mà…
Thế là tôi về nhà lục lọi trong hộp tượng Phật đủ loại chọn ra bức tượng ưng ý nhất để gửi cho cậu Đại. Những bức tượng này là sản phẩm tôi thu góp từ khắp nơi. Sau khi đã giải tà, chữa bệnh, các thân chủ nhờ tôi thu hộ những bùa phép, tượng Phật của những thầy trước để lại. Bùa thì tôi đem về gửi cho Minh Tịnh nghiên cứu, còn tượng thì tôi bỏ hộp để dành.
Pho tượng ngà chạm khắc hình lục tổ Batbuốt tôi rất ưng ý được chọn làm phép. Quả thật, không biết cậu Đại đã làm gì mà hôm sau pho tượng biết thành một màu đen huyền óng ả. Tôi ngỡ ngàng nhìn bức tượng trong khi gương mặt cậu Đại đầy vẻ khoan khoái.
- Trời ơi, cậu làm sao mà pho tượng chuyển thành màu đen vậy?
- Tui tơm ngãi đen vô tượng đó.
- Làm sao tơm được?
- Bí quyết của người ta mà. Em muốn học phải chờ mấy năm nữa. Tui làm phép một đêm chứ thầy tui làm cấp kỳ hà. Ổng chỉ cần để tượng vô hai tay đọc chú, rồi ngậm một ngụm dầu thơm phun vô, bức tượng đen thui. Mấy bà bán vàng ở chợ Trà Vinh ngại đeo tượng Phật, thầy tui phun ngãi vô cái vòng cẩm thạch, nó biến thành chiếc vòng huyền đen mun. Đeo vòng đó, đố có đứa nào bỏ ngãi được. Thậm chí tụi nó còn bị phản đòn chết luôn.
- Vậy rồi cách sử dụng làm sao hả cậu ?
- Em không cần luyện gì hết. Chỉ nhớ một điều, không được chui qua xà quần, không vô chỗ nhơ uế. Mấy vị này kiêng kỵ đồ dơ.
Lời dặn của cậu Đại đã ứng nghiệm…
Hôm đó tôi có chuyện phải vào bệnh viện.
Vừa đi ngang qua khoa sản, tôi nghe nổ một tiếng « chát » trong áo, ngực áo chỗ đeo bức tượng bỗng nóng và rát. Hoảng hồn, tôi vội móc sợi dây chuyền ra coi. Pho tượng tôi đeo đã bể nát nửa phần trên. Phần dưới của tượng cũng nát dần thành một đám bột đen trong ngón tay tôi…
Sau này tôi có nhờ cậu Đại tơm giúp tôi pho tượng khác. Nhưng đeo chẳng bao lâu nó cũng bị nứt đôi.
Tôi có kể chuyện này cho Minh Tịnh nghe. Anh bạn tôi vừa khề khà như ông cụ vừa nói :
- Vậy là ông không có duyên với ngãi. Đừng cố làm gì. Bộ ông sợ thầy với sư ông không giúp ông được sao mà đi tìm ngãi nghệ về đeo nữa. Còn nữa, tơm ngãi cho người ta mà bị nổ tượng hoài không chừng chủ nhân sắp có nạn đó.
Năm sau, cậu Đại quyết định vượt biên và bị bắt vào trại cải tạo. Bao nhiêu phép tắc ngãi nghệ của cậu ấy đều bị mất hết. Cậu chịu đựng vài năm sau thì chết vì bệnh kiết lị trong khu cải tạo. Bà Sáu xuống thăm, chỉ nhận được tấm ảnh và túi quần áo cũ của cậu. Xác cậu Đại không biết bị đem bỏ ở nơi đâu…
Nhưng đó là chuyện sau này.
Còn trong hiện tại…
Sau một thời gian quen biết cậu Đại có chỉ tôi hai chiêu…
Tôi háo hức đem ra luyện thử…
Phép đầu tiên mà cậu Đại chỉ cho tôi là triệu thỉnh thần về hành sự.
Khi có chuyện quan trọng cần kíp như đánh nhau, chạy trốn, vật tà, hộ thân, đi qua chỗ có ma quỷ yêu tinh, làm phép tàng hình… thì bắt ấn đọc chú triệu thần. Vạn sự như ý nguyện.
Nghe cậu Đại nói đến tác dụng thần sầu quỷ khốc của phép triệu thần, tôi mừng quýnh quáng.
- Vậy cậu chỉ cho em nha cậu!
- Hổng chỉ cho em thì tui nói em nghe làm gì.
- Vậy luyện phép này có khó hôn cậu?
- Cũng không khó lắm. Phải luyện rốt ráo 49 đêm mới hoàn thành.
- Ôi dào, chuyện nhỏ. Em từng luyện phép tàng hình 108 đêm rồi.
- Vậy sao? Rồi có tàng hình được không?
- Em đâu có biết. Luyện rồi, đội cái khăn lên đầu đọc chú liên tục. Ngó vô kiếng thấy mình đứng chình ình…
Cậu Đại cười ngất:
- Làm sao mất được. Muốn biết tàng hình hay không phải nhờ người khác nhìn…
- Dạ có, em làm rồi mà hổng được.
- Em làm sao?
- Em chơi năm mười (ú tim) với thằng Út. Khi nó úp mặt vô tường đếm thì em ngồi yên đội khăn lên đầu đọc chú
- Rồi sao?
- Dạ… thằng Út đi một vòng… rồi chạy lại lắc vai em hỏi sao em không chịu kiếm chỗ núp.
Cậu Đại cười to hơn:
- Ha ha… vậy là em bị một cú lừa quá mạng rồi.
- Hổng phải đâu, sư huynh em luyện 108 ngày rồi mới đưa em luyện tiếp. Nó nói em luyện xong rồi cứ giữ mà xài…
- Vậy hả?
- Nhưng thấy không có kết quả em đem trả lại rồi. Bởi vậy hồi nãy anh nói triệu thần về có thể tàng hình được em thích lắm.
- Không phải thần về làm cho mình tàng hình, chẳng qua thần án nhãn mọi người để không ai nhìn thấy được mình đó thôi.
- Sao cũng được, miễn không ai thấy được mình là em khoái rồi.
- Được rồi. Em về nhà làm như vầy… như vầy…
Tôi lắng nghe như nuốt từng lời của cậu Đại.
Đúng 12g đêm rạng mười sáu âm lịch….
Đợi ở nhà ngủ hết, tôi len lén mở cửa ra sân. Đồ cúng tôi chuẩn bị từ hôm trước và cất giấu cẩn thận được tôi trang trọng bày ra trên cái mâm nhựa vuông: 3 trứng gà, rượu, trà sống, nhang đèn. Chỉ còn thiếu bông trái nữa thôi. Nhưng cũng không sao, cái quan trọng là tấm lòng mà..
Dưới ánh trăng đêm rằm vằng vặc, tôi thắp 12 cây nhang, mồi cặp đèn cầy. Khói hương mờ ảo tỏa ra không gian, ánh đèn cầy lập lòe leo lét làm tôi có một cảm giác lâng lâng. Cho đến bây giờ cũng vậy, mỗi lần đi đâu, làm gì, nghe thoảng qua mùi thơm của khói nhang là trong lòng cảm thấy sảng khoái lạ lùng. Sau này nói chuyện, hóa ra Minh Tịnh cũng giống như tôi. Đôi lúc đùa vui, tôi nói với huynh ấy: “ Cứ thích nhang thơm thế này, mai mốt chết đi chắc tụi mình hổng về cõi Phật được rồi, ở lại làm thần hưởng khói hương trong thiên hạ quá!”.
Hít một hơi thật sâu vào tận Đan Điền, tôi nâng 12 cây nhang lên trán lẩm bẩm đọc bài kinh triệu thỉnh: “ Nam mô Nam Hải Quan Thế Âm bồ tát – Nam mô Hắc Ma Thần….”
Một làn điện lạnh chạy từ vai theo sống lưng chạy tuốt xuống đốt xương cụt….


… Tôi giật nảy mình một cái rồi trấn tĩnh đọc đi đọc lại bài kinh.
Luồng điện chạy lên chạy xuống như con rắn khiến người tôi cứ rần rật không chịu nổi. Tôi vẫn cố tập trung vào bài kinh triệu thỉnh.
Một lúc lâu, tôi có cảm giác không khí xung quanh tôi đặc sệt lại, mọi thứ tối dần tối dần đến khó thở…
Tôi có cảm giác một cái gì đó rất lớn, rất nặng đang quấn choàng qua người tôi từng vòng, từng vòng khiến tôi không thở được. Mắt tôi tối sầm… tôi chìm vào một khoảng không gian mờ mịt, sâu hun hút.
Không được!
Một tia sáng lóe lên trong sâu thẳm của nhận thức. Làm thế này nguy hiểm quá. Rủi mình bị nhập xác luôn thì sao? Vừa nghĩ đến đó, tôi vội vã định thần, quán tưởng tổng trì chơn ngôn ÁN – A – HỒNG bố tự ở đảnh, yết hầu và giữa tâm ngực. Mỗi chữ một màu sáng rõ. Miệng tôi chuyển sang đọc ngân theo phép sư tử hống. Phép này sư phụ chỉ cho tôi và dặn dó áp dụng trong những trường hợp bị áp điển không thoát được…
Ban đầu các chữ mờ mờ ảo ảo như ảnh bị nhòe, sau cứ rõ dần. Càng rõ lại càng sáng…
Màu đen kịt quanh tôi loãng ra dần như tỉ lệ nghịch với ánh quang sắc mà tôi quán tưởng. Cuối cùng, một tiếng “vù” vút qua tay tôi như cánh dơi ăn đêm, xung quanh tôi sáng rõ, ánh đèn nến vẫn cháy lung linh, bầu trời đêm vẫn sáng vằng vặc ánh sao. Tôi thở phào một hơi dài như vừa trải qua ác mộng, vội chắp tay đọc tiếp bài chú Quang Minh Cam lộ chơn ngôn thêm 7 biến trước khi thu dọn…
Mấy hôm sau tôi gặp cậu Đại. Nghe tôi kể lại sự việc, cậu Đại cứ chắt lưỡi hít hà mãi:
- Trời, tốt xác quá mà không chịu cố gắng. Thần về rồi xem như có người hộ thể, vậy mà em bỏ qua uổng quá.
- Thì ra là vậy – Tôi thầm nghĩ – Nếu để thần về nhập luôn không biết sau này tôi sẽ ra sao nữa…
Nhưng dù sao, tôi vẫn cảm ơn cậu Đại đã cho tôi một ấn chứng tuyệt vời…
Phép thứ hai tôi muốn kể chính là phép luyện cây chuối.
Cũng ngay hôm đó, cậu Đại quyết định dạy tôi:
- Thôi, em sợ thần về xác thì tui chỉ cho em phép này hết xảy luôn.
- Phép gì cậu? Đừng có ai về nhập xác nữa nghe!
- Hổng có đâu. Phép này hay lắm, dùng nó như dùng người giúp việc trong nhà vậy.
- Phép luyện binh chứ gì.
- Không đâu. Binh luyện rồi mà quên cho ăn nó phá banh nhà. Còn phép này không cần cho ăn uống gì hết, đi đâu nó theo hầu đó. Khi không muốn giữ nữa thì trong một phút là giải quyết xong.
- Trời. Hấp dẫn nữa.
Tôi đồng ý cả hai tay.
Thế là phép luyện bắt đầu…
Sau nhà tôi có trồng một bụi chuối xiêm. Tôi liền áp dụng ngay phép luyện của cậu Đại.
Đầu tiên, tôi vẽ một đạo bùa bằng mực tàu. Hình dáng của chữ bùa này giống như đường xoắn của con ốc sên cộng thêm vài đường nét nữa. Bỏ ra 3 đêm ngồi luyện với chữ bùa cho có thần rồi mới áp dụng…
Hôm đó là đêm 30, không gian tối đen như mực.
Tôi ra nhà sau, trong tay cầm lăm lăm con sao bén ngót, tay còn lại cầm nắm nhang nghi ngút khói…

Thú thiệt, đi làm thầy chữa tà ma không ít nhưng lần nào hành sự lúc nửa đêm cũng làm cho tôi vừa hồi hộp vừa háo hức.
Khung cảnh xung quanh vắng lặng, chỉ có vào tiếng sột soạt của con chuột nào đó bò đi ăn đêm. Tôi lần mò ra đến bụi chuối…
Theo hướng dẫn của cậu Đại, tôi giắt con dao ra sau thắt lưng, chắp tay đặt nắm nhang ở hai ngón giữa, nhắm mắt đọc bài triệu thỉnh : « Nam mô ngô phụng Bồ đề tổ sư … »
Tàu lá chuối lay động nhẹ… tôi có cảm giác như nó đang cựa mình…
Sau phần nghi thức, tôi dùng con sau nhọn khoét một lỗ giữa thân chuối. Tôi làm rón rén và cẩn trọng từng nhát một sao cho phần thân chuối không bị giập. Khi khoét vừa đủ sâu đến lõi cây, tôi nạy phần vừa khoét ra rồi lấy lá bùa điểm thần trải dọc theo thân chuối. Một công đoạn quan trọng nhất bắt đầu- Nghiến răng lấy đâu nhọn mũi dao chọc vào đầu ngón tay giữa, tôi nặn đúng 3 giọt máu vào lá bùa. Xếp lại cẩn thận theo cách hướng dẫn của cậu Đại, tôi đặt lá bùa vào phần hốc chuối vừa khoét. Đoạn, tôi lấy phần bẹ chuối vừa khoét nhét vào hốc. Việc cuối cùng, tôi dùng miếng vải đỏ băng cẩn thận chỗ vừa khoét…
Theo như lời hướng dẫn, tôi chỉ cần bỏ ra 49 đêm thắp nhang đọc chú thì kết quả mỹ mãn…
Không đợi đến 49 ngày.
Sau 7 ngày luyện phép, tôi đã gặp chuyện.
Hôm đó, sau khi ăn cơm chiều xong, tôi bưng mâm chén đũa ra sau nhà để rửa. Đang loay hoay múc nước đổ vào thau, bất chợt tôi thoáng thấy một bóng người lướt nhanh qua trước mặt. Giật mình nhìn lên quanh quất chẳng thấy một bóng người…
Lúc đầu tôi cứ ngỡ mình thần hồn nát thần tính nên trông gà hóa cuốc, nhưng một lúc sau sự việc lại xảy ra y như thế… một bóng xanh lướt vụt ngang qua mặt tôi như đang đùa giỡn. Ngước nhìn lên, tôi cũng chẳng thấy gì khác ngoài bụi chuối trước mặt đang phe phẩy…
Tối đó tôi gặp một giấc mơ thiệt lạ…
Tôi đi trên một cánh đồng chuối bạt ngàn. Những cây chuối xiêm chưa trổ quày còn xanh non mơn mởn. Tôi cứ đi, đi mãi giữa hai hàng chuối mà không biết khi nào mới thoát khỏi chỗ này. Còn đang lầm lũi đi thì tôi phát hiện sau lưng mình cũng có một cô bé đi theo…
Sau một hồi đi quanh quẩn, tôi cũng không thoát khỏi vườn chuối bạt ngàn, ngó lại, con bé cũng còn theo sau tôi lẽo đẽo. Lúc này tôi mới để ý, con bé nhỏ ơn tôi chừng một hai tuổi, tóc dài xõa ngang lưng, mặc cái áo sơ mi màu xanh đọt chuối với cái quần tây màu mâu đen. Thấy nước da con bé trắng trẻo nhưng có vẻ xanh xao, gương mặt nó phải nói rằng rất dễ thương. Hình như tôi đã gặp ở đâu rồi, quen lắm nhưng không nhớ nổi.
Thấy tôi quay lại nhìn, con bé nở nụ cười thân thiện. Tôi cau mày khó chịu vội quay ngoắt sang hướng khác. Thú thực với mọi người, ở cái tuổi mà bạn bè tôi ai cũng cố tìm cho mình một đứa con gái làm bạn thì tôi lại là thằng « dở hơi » nhất lớp. Lũ con gái trong lớp thường gọi tôi là « chủ tịch xã », còn bọn con trai đặt biệt danh tôi là « bônsêvích ». Có lẽ tại tôi hổng giống ai, gương mặt thì lúc nào cũng trầm ngâm như ông già, ở trong lớp chỉ thích làm công tác xã hội chứ không tụ tập đi cắm trại, đá banh, xem phim… như những đứa cùng lứa tuổi. Đối với tôi, lũ con gái mặc dù dễ thương thiệt, nhưng toàn là những đứa thích se sua, thích được săn đón, thích được khen nịnh… tôi lại chúa ghét điều đó. Tôi xa cách bạn bè vì lẽ ấy…
Lúc này, tôi cũng cảm thấy khó chịu trước vẻ thân thiện của con nhỏ áo xanh.
Tôi không hỏi han gì, quay mình đi tiếp. Ngó lại,nó cũng lẽo đẽo theo sau như hình với bóng.
Nổi điên lên, tôi cắm đầu chạy một mạch. Hai hàng chuối cứ trôi dần trôi dần sau lưng. ..
Chạy đến nỗi thở hào hển, tôi quay đầu nhìn lại sau lưng….
Trời đất ơi ! Con nhỏ áo xanh vẫn theo sau tôi bén gót.

« À, mày dám chọc ghẹo đến thầy hả con ? » - Vừa nói lẩm bẩm tôi vừa co tay phải bắt kiếm quyết. Chuyển chân sang bộ Đẩu, tôi giơ tay trái thủ Lôi ấn chỉ về phía con nhỏ.
- Mày còn theo một lần nữa, tao hổng tha đâu nghe.
Con nhỏ khựng lại một chút, cái mặt nó khờ khờ thấy tội nghiệp. Nhưng, trong lòng đinh ninh con bé là ma quỷ nên tôi cứ làm cứng.
- Mày có đói thì mai tao cúng cho ăn rồi gửi về núi tu hành. Không có lẽo đẽo theo tao coi chừng lôi đả đó.
Con bé đứng im không trả lời. Nó nhìn tôi chăm bẳm làm tôi hơi quê.
Không thèm để ý, tôi quay lưng đi tiếp.
Vài bước ngó lại…
Con nhỏ biến đâu mất. Thở phào nhẹ nhõm tôi quay mình đi tiếp…
Cảnh vật quanh tôi biến mất… tôi đang đứng ở nhà sau của mình.
Trước mặt tôi là bụi chuối xiêm…
Một điều kinh khủng nhất là… Mẹ ôi ! cây chuối tôi làm phép bây giờ chuyển động như người say rượu. Trong chốc lác, trên đọt chuối trồi lên một cái đầu tóc... Cái đầu cứ nhô cao dần lộ ra khuôn mặt quen thuộc đang nhắm nghiền đôi mắt… khuôn mặt của con nhỏ đi theo tôi hồi nãy. Tôi chưa kịp định thần thì … đôi mắt con nhỏ mở bừng ra nhìn thẳng vào tôi. Nó bật cười khanh khách ….
Hồn vía bay lên tận mây xanh. Tôi hét lên một tiếng...
Tôi mở mắt ra ngồi bật dậy như người máy. Mồ hôi tuôn ướt đẫm lưng áo. Trống ngực tôi đập thùng thùng như trống lân.
Thì ra chỉ là giấc mơ. Nhưng một giấc mơ thật đến vô cùng.

Tuần lễ thứ hai, ba trôi qua trong êm đềm.
Đến ngày thứ 22, sự lạ bắt đầu xảy ra.
Chiều hôm đó đang ngồi ăn cơm với gia đình, bất chợt ngó ra ngoài sau tôi giật mình « ứ » lên một tiếng suýt nữa là bị sặc. Chén cơm đang cầm trên tay suýt rơi xuống đất.
Bà nội tôi bực mình rầy : « Cái thằng… dạo này ăn uống mà đầu óc cứ để ở đâu không ! »
Tôi vội cúi đầu và lẹ mấy đũa rồi bỏ chén chạy tuốt ra đằng trước.
Các bạn biết chuyện gì không ?
Đang ăn cơm chợt ngó ra ngoài, tôi thấy con nhỏ ở trong mơ lù lù bước từ sau nhà vô chỗ ăn cơm. Nó nhìn tôi cười tươi mới chết chứ ! Cả nhà không ai thấy, chỉ mỗi mình tôi biết nó hiện diện trong nhà. Hoảng quá nên tôi vội chạy lên nhà trên thắp nhang cầu cứu…
Đang loay hoay quẹt diêm đốt mấy cây nhang, ngó trực qua, tôi điếng hồn nhảy tạt ngang…
Con nhỏ đứng cạnh tôi tự lúc nào.
Lần này sợ mất vía. Tôi không còn kịp nghĩ ngợi gì, cứ nhắm tít mắt bung ấn liên tục về phía con nhỏ miệng đọc kinh Tổ thất thanh…
May mắn là sau khi mở mắt ra, con nhỏ biến đi đâu mất.
Không kịp nghĩ ngợi nhiều, tôi nhảy tót lên xe đạp, đạp ào ào qua nhà sư phụ…
Trời sụp tối khá nhanh.
Sư phụ đang ngồi ngoài sân lui cui mồi tí lửa vào cái thao nhôm móp méo Trong thao có ít chân nhang, vỏ quýt và lá bưởi. Buổi tối ở bên đây nhiều muỗi. Gần kênh rạch mà…
Một làn khói nhẹ uốn éo bốc lên cao rồi lan tỏa trong không gian nhập nhoạng tối. Mùi thơm nhè nhẹ hăng hăng cũng hòa vào không khí. Bầy muỗi đói lập tức di tản.
Thầy trò tôi ngồi ở cái chõng làm bằng những thanh tre kết lại.
Tôi kể cho thầy tôi nghe không sót một chi tiết. Thầy im lặng lắng nghe không hỏi một tiếng nào. Thỉnh thoảng lại phe phẩy cây quạt mo cau đã cũ rách…
Kể hết câu chuyện, tôi nhìn thầy chờ đợi.
Thầy tôi cười mỉm :
- Chà, dạo này con đi bao đồng dữ heng !
- Dạ… con xin lỗi … tại con…
- Khỏi xin lỗi. Thầy biết đến lúc cũng không giữ được con. Đi cho mở mang tầm mắt. Đi để sau này nhận ra … để rồi không đi nữa.
- Dạ con hổng dám nữa đâu thầy.
- Nên nhớ, việc gì mình làm hôm nay đều có mối liên hệ đến ngày mai. Cho nên, mỗi mỗi hành vi của mình đều phải quán xét cẩn thận mới được làm.
- Dạ… con hiểu rồi …
Thầy tôi quay vô nhà . Một lúc sau mang ra một con dao bầu gói trong chiếc khăn vải đỏ. Thầy với tay lấy tờ nhật trình quấn lại cẩn thận rồi đưa tôi.
- Về nhà chặt đứt cây chuối đi.
- Dạ… sao vậy thầy ?
- Cứ nghe lời thầy. Phải chặt đứt đoạn thành ba khúc. Sau đó lấy nước mưa rửa sạch con dao. Lấy vải đỏ này quấn lại rồi đem qua đây trả lại.
- Nhưng mà…
- Không nhưng nhị gì hết. Trời tối rồi. Đi về lẹ lên.
Tôi bỏ con dao vô trong cái giỏ đệm thầy đưa, đẩy chiếc xe đạp cà tàng ra cửa. Thầy tôi còn dặn với theo : « Nhớ chặt trước 9g tối đó nghe !».
… Đợi cả nhà vô nghỉ sớm, tôi rón rén ra phía sau. Cầm con dao tiến về bụi chuối mà sao tôi có cảm giác nao lòng. Một cảm giác thật kì lạ…
Giương con dao bầu bén ngót lên, tôi chặt mạnh vào cây chuối.
Một tiếng « phập » khô khốc. Con dao dính chặt vào thân chuối.
Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một cảm giác đau đớn như mình đang chặt cánh tay của mình vậy. Sự đau đớn lan tỏa thành cảm giác sợ hãi…
A…a… a… Hình như trong đầu tôi đang có gì gào thét dữ dội. Cánh tay cầm dao giơ lên bỗng run run không muốn chặt.
Không dám nghĩ ngợi, tôi nhắm mắt chặt thêm một nhát nữa. Cây chuối đổ ngang… Tôi có cảm giác hụt hẫng kinh khủng như nghe tin một người nhà của mình vừa mất…
Cuối cùng tôi cũng hoàn thành… Điều quan trọng là nghiên cứu cách nào để giải thích cho nội tôi chuyện đốn chuối nửa đêm mà thôi.
Rửa sạch con dao và gói lại cẩn thận bỏ vào giỏ. Tôi uể oải leo lên bộ ván gõ quen thuộc nằm ngủ. Hôm nay trong người khó chịu đến nỗi tôi bỏ một thời kinh…
Giấc ngủ vật vã đầy mộng mị…

…Tôi thấy mình ở trong vườn chuối. Các cây chuối oặt mình ủ rũ…
Tôi chợt thấy con nhỏ áo xanh. Nó nhợt nhạt như người bị bệnh mất máu. Đôi mắt nó nhìn tôi buồn rười rượi. Rồi… bất chợt nó đổ gập xuống như thân cây bị đốn. Hai cánh tay nó lặc lìa rồi rơi bộp xuống đất …Con nhỏ vẫn còn ngước lên nhìn tôi lần nữa và… nó tan dần, tan dần…
Tôi dụi mắt nhìn … chỉ còn chiếc áo sơ mi màu xanh của nó trên mặt đất. Trên áo lốm đốm những giọt máu hồng…
Hét lên một tiếng, tôi giật mình ngồi dậy.
Lại ác mộng…
Tôi kéo giò ngồi đọc kinh cho đến sáng…
Buổi sáng đi học, tôi kiếm cớ nối dối nội tôi rằng trong lớp cần 1 thân chuối để làm thực tập bài học. Sau đó tôi chở thân chuối có nhét chữ bùa đi luôn. Trên đường đến trường, tôi ghé ngang cầu moi lá bùa ra đốt, thân chuối thả tuốt xuống kênh cho nó trôi đi đâu thì đi.
Buổi trưa tôi ghé nhà thầy.
Nghe tôi kể lại sự việc, thầy vừa cười vừa nói :
- Cũng may con chặt sớm. Nếu không chẳng bao lâu nó làm vợ con luôn rồi.
- Ôi trời! Thầy nói gì kỳ quá.
- Thầy không giỡn đâu. Con biết đứa con gái áo xanh là ai không?
- Dạ con thấy quen lắm. Hình như con gặp ở đâu rồi… À, thầy ơi. Con nhớ rồi. Nó là con bé người mẫu chụp hình bìa tờ báo “Khăn Quàng Đỏ” hồi tháng trước.
- Người mẫu cái … con khỉ - Thầy tôi vừa cười vừa chửi – Nó là con đó.
- Vậy… là sao hả thầy?
- Con có nhớ hồi mấy năm trước làm sao thầy gặp con hôn ?
- Dạ nhớ chứ. Thầy đến nhà con cúng mà…
- Vậy con nhớ làm sao mà thầy phải cúng hôn ?
- Dạ… lúc đó con bị bịnh. Thầy đến nhà gỡ ếm cho con…
- Ếm gì mà ếm. Tất cả là do con gây ra hết trơn – Thầy nghiêm mặt lại nói – Lúc đó, con bắt chước người ta vẽ bùa lên hình nhân rồi điểm huyết ấn vào. Con vốn là linh căn, nguyên thần không luyện mà cũng mạnh. Cho nên hình nhân sống dậy mà trèo lên tuột xuống ở cột nhà…
- Trời, vậy cái chuyện mấy năm trước ở nhà con là tại con hả ?
- Chứ còn ai nữa. Sao con không tự hỏi đứa nhỏ giống con như đúc trong giấc mơ là ai. Nó là nguyên thần con trích ra vô ý mà thành. Thật ra lúc đó không cần làm gì, sau ba bảy hai mốt ngày là tự động nó tan thôi. Nhưng số trời khiến thầy trò mình gặp nhau…
- Thì ra là vậy… Nhưng thầy ơi, cái vụ trước có liên quan gì đến chuyện này đâu thầy ?
- Vẫn có chỗ giống nhau đó. Nghe thầy nói đây. Phép con luyện gọi là « Hóa thần pháp ». Có nghĩa là dùng tinh huyết của mình đem vô cây chuối. Sau đó dùng phù chú luyện bảy bảy bốn chín ngày. Huyết là tinh thần, thân chuối là thể xác, bùa luyện là cầu nối âm dương. Mãn thời gian luyện cây chuối hiện hình người để cho mình sai bảo. Hình dáng của nó biển đổi theo tâm thức của người luyện. Thường là hình dạng nữ bởi nó có tánh âm. Như vậy, con thấy hình dáng đứa con gái áo xanh là vì con để ý con bé đó rồi nên nó mới hóa hiện đúng ý của con…
- Thầy ơi – Tôi rụt rè hỏi – Thầy nói nó làm vợ con là sao hả thầy ?
- Cái linh thể được tạo ra cần phải nuôi nó mới sống. Con sai sử nó thì con phải nuôi nó. Nhưng nó đâu phải là binh gia mà cúng bánh, cúng cháo. Nó cũng đâu phải thần mà cúng hương thơm của nhang đèn hoa quả. Nó tồn tại là nhờ nguyên khí của chủ nhân. Cho nên, con để nó thành hình rồi thì đêm nào nó cũng vô thăm con. Mỗi lần nó thăm là con phải « bắn máy bay », sớm muộn gì con cũng suy kiệt thôi.
- Nhưng tói ngủ con có làm phép hộ thân mà thầy.
- Thứ này đâu phải tà ma đâu mà sợ phép của con chứ. Thậm chí con mạnh yếu thế nào nó cũng biết ráo. Chưa kể sau này nó cứng cáp rồi, con không biết cách khiển nó thì thành họa lớn…
- Nhưng mà cậu Đại nói với con lúc nào không muốn xài nữa thì chỉ cần ra đốn bỏ cây chuối là xong…
- Con nói dễ quá hả ? Thầy hỏi con, khi con biết ai đó muốn giết con thì con làm gì hả ?
- Dạ… con không để người đó giết mình.
- Thứ này cũng vậy. Khi nó thành thực thể sống rồi, nó có muốn con tiêu diệt nó không ? Nó sẽ làm mọi cách để tự bảo vệ kể cả hại người nhà của con. Con không biết lúc ấy sẽ xảy ra chuyện gì đâu. Nếu dễ dàng như vậy thì thầy đâu có đưa con dao bầu đã làm phép cho con về chặt cây chuối chứ hả ?
- Dạ…
- CÒN KHÔNG BIẾT LỖI HẢ? – Bất ngờ thầy tôi quát lớn làm tôi giật bắn người quỳ sụp xuống.
- Dạ… con biết lỗi rồi. Con xin thầy tha cho…
- Kể từ hôm nay cho đến hết năm. Thầy không muốn con giao du với bất cứ ai nữa.
- Dạ… con hứa.
- Còn nữa. Từ đêm nay, con chuyển sang trì chú Đại Bi cho thầy. Con không được luyện bất kỳ phép nào nữa hết.
- Nhưng …
- Không nhưng gì cả. Con có nghe không thì nói.
- Dạ… nghe.


Từ hôm đó, tôi đành ngậm ngùi chia tay huyền thuật. Tôi không còn luyện phép, chỉ đọc kinh chú đại thừa theo lời thầy dạy. Dĩ nhiên, đành phải chia tay cậu Đại mà không một lời từ biệt. Chỉ tội cho chị Vân, cứ đến rằm là rủ tôi qua nhà cậu. Tôi chỉ biết tìm đường thoái thác…
Nhưng, cái duyên với huyền môn linh giới thì không vì thế mà dứt.
Thế giới tâm linh của tôi chuyển sang một bước ngoặc khá ly kỳ.

ST