PDA

Xem đầy đủ chức năng : Du xuân cố đô Ninh Bình - 2011



cucmaihn
26-02-2011, 05:41 PM
Du xuân cố đô Ninh Bình - 2011
Vào những ngày này, theo nếp người xưa, người dân Ninh Bình lại nô nức dâng hương, lễ chùa, ngoạn cảnh. Những địa danh được người dân nhắc tới nhiều nhất trong hành trình về với lễ hội, tâm linh của mình là: Chùa Bái Đính, Khu di tích Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, đền Dâu, đền thờ Nguyễn Công Trứ…
http://baoninhbinh.org.vn/uploads/news/Image/2011/02/24/94d660ac73c1bb.jpg
Lễ rước nước từ sông Hoàng Long tại lễ hội cố đô Hoa Lư
Trong số đó có lẽ địa danh núi chùa Bái Đính tạo nên sức hút nhất. Bái Đính hút khách là bởi nơi này vừa hàm chứa trong nó nhiều yếu tố về lịch sử, tâm linh, lại mang dáng vóc của một công trình kiến trúc đồ sộ được đầu tư lớn, đã lập nên nhiều kỷ lục. Đất này năm xưa được mệnh danh là “minh đỉnh danh lam”, là nơi thờ thần Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn, nơi đại sư Nguyễn Minh Không từng chọn đất dựng chùa hoàng dương phật pháp, triều nhà Đinh lập đàn tế trời đất, nhà Tây Sơn tế cờ trước khi hành binh ra Thăng Long. Sự kiện Bái Đính cung nghinh ngọc xá lợi từ ấn Độ, Thái Lan đã khiến nơi đây trở thành miền đất của tâm linh. Du khách từ mọi miền đất nước về đây chiêm bái để tìm thấy sự thanh thản, an lạc như được hành hương về đất Phật. Ngay từ đại lộ Tràng An và công viên văn hóa Tràng An dẫn vào chùa chính dòng người đã tấp lập ngược xuôi.

Ngoài chùa Bái Đính lớn nhất Đông Nam Á là điểm nhấn của du lịch và lễ hội, Ninh Bình còn khá nhiều địa danh để du khách thập phương tìm về. Đền Dâu một địa chỉ nằm ngay bên đường thiên lý Bắc Nam, là nơi đầu tiên đón bước chân du khách ngược Bắc trong mùa lễ hội. Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên lý tưởng làm trên đường Tràng An, núi chùa Kỳ Lân là dánh thắng độc đáo nằm ngay cửa sông Tràng An, hay các chùa nổi tiếng khác là chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Nhất Trụ, chùa Kim Ngân…
Du khách có thể đến với Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư để được đắm chìm trong không khí linh thiêng của lễ rước nước trên sông Hoàng Long, vào dâng hương tưởng niệm các Vua Đinh, Vua Lê để tưởng nhớ các bậc vua hiền đã có công lao to lớn đối với đất nước. Anh Lê Lương Thanh, một người làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng quê Đông Sơn-Thanh Hoá cho biết: “Các đền phủ xứ Thanh tôi đã thăm nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên gia đình tôi đến Ninh Bình đi du xuân tại chùa Bái Đính, gia đình tôi rất háo hức, thấy rõ quy mô hoành tráng của Khu tâm linh núi chúa Bái Đính. Sắp tới gia đình tôi đến dâng hương tại đền Vua Đinh, Vua Lê, bởi đây là địa danh khá nổi tiếng…”.

Theo bước chân du khách tìm về làng nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải - Hoa Lư) để được chứng kiến không khí của hoạt động tế tự, rước sách với những lễ nghi truyền thống điển hình của làng quê Bắc bộ. Hay những người con xa xứ hàng năm lại trở về dự ngày hội Làng Báo bản Nộn Khê (Yên Từ - Yên Mô), sống trong không khí linh thiêng và thành kính, tưởng nhớ các vị tiền nhân từ thuở xa xưa đã có công khởi lập nên xóm làng. Trong dòng người tấp nập đổ về Yên Từ vào những ngày tháng Giêng có rất đông du khách từ Hà Nội. Tìm hiểu kỹ mới biết nhiều người trong số họ là người gốc Yên Mô, xa quê đã lâu nay dịp lễ hội họ cùng gia đình về quê. Theo chị Hồng (một du khách gốc Yên Từ) nói: “Về quê để các con cháu nhớ đến họ hàng, nguồn cội…”. Và cũng những ngày này tại đền thờ Nguyễn Công Trứ (Quang Thiện - Kim Sơn) lớp con cháu của những di dân năm xưa lại tề tựu về đây, dâng hương tưởng nhớ vị Doanh Điền Sứ triều Nguyễn đã có công chiêu mộ dân binh, lấn biển, khẩn hoang, xây làng, lập ấp, với di sản là vùng đất trù phú, tiền thân của huyện Kim Sơn ngày nay và chiêm ngưỡng nhà thờ Phát Diệm độc đáo trong kiến trúc Việt.
Du xuân Ninh Bình không thể đến với hệ thống dày đặc các di tích thuộc Hoa Lư tứ trấn. Theo thần tích đình làng Bích Đào, làng Đại Phong, Ninh Bình, thì thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm 625, gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (Hoa Lư) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa. Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên được sắc phong là An Quốc hoàng đế. Ở phía đông cố đô Hoa Lư có 7 nơi thờ thần là Bích Đào, Đại Phong, Yên Cư của huyện Yên Khánh, Lực Giá và Phú Gia của huyện Gia Viễn đều thuộc Ninh Bình. Theo truyền thuyết dân gian, thần Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam (trấn nam Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương. Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp tứ trấn Hoa Lư thờ phụng. Đền chính được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Tràng An ở cố đô Hoa Lư, sau vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay nên được gọi là đền Trần Ninh Bình. Xung quanh khu vực này còn nhiều đền thờ Quý Minh Đại Vương như: đền Dưỡng Khê, đền Quý Minh Đại Vương, đền Đô ở xã Ninh Nhất, đền Hiềm phường Phúc Thành thành phố Ninh Bình Xa hơn là các di tích ở làng Thiện Trạo, xã Ninh Sơn và làng Phúc Trì, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư), đình Sinh Dược, đình Bình Khang (Liên Sơn, Gia Viễn), đền Quảng Phúc (Yên Phong Yên Mô).
http://www.camnanggiadinh.com.vn/Data/img/image/Tin%20tuc/Giai%20tri/Du%20lich/Le%20hoi/12/3281511209_d63cf5652d_o_thumb.jpg
Lễ hội chùa Bái Đính
Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, Ninh Bình đã hút một lượng khách ước đạt con số hơn 134 nghìn lượt. Điểm đáng mừng là năm nay do dự đoán trước được khả năng lượng du khách đông đảo đổ về sau Tết Tân Mão nên nhiều cơ sở dịch vụ du lịch đã có sự chuẩn bị khá tốt. Nhiều chủ cơ sở lưu trú, các nhà hàng cho biết vào quãng thời gian sau Tết âm lịch 2011 mới là cao điểm khi lượng khách đi lễ hội đổ về ngày càng tăng. Nhiều du khách sau khi về dự lễ hội Ninh Bình năm nay đều có chung nhận xét: các điều kiện về dịch vụ chất lượng cải thiện hơn hẳn các năm trước, đặc biệt là về dịch vụ lưu trú.
(tham khảo thông tin từ Báo Ninh Bình)