PDA

Xem đầy đủ chức năng : Cận Tết, rượu ngoại giả 'lên ngôi'



Tháng Tư
21-01-2011, 06:40 AM
Tết đến Xuân về, nhu cầu mua rượu ngoại làm quà biếu tăng vọt. Giá một chai rượu ngoại cao gấp nhiều lần rượu nội. Đó là cơ hội để vấn nạn rượu rởm “lên ngôi”, làm đau đầu cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

“Công nghệ” nâng cấp rượu giả

Cận Tết, nhu cầu sử dụng, làm quà biếu đối với các loại ruợu ngoại tăng mạnh. Để sở hữu được chai rượu có thương hiệu, người mua phải chi tiền triệu là chuyện thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những thương hiệu rượu ngoại có tiếng bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là vào thời điểm giáp Tết.

Cách thức phổ biến nhất của những “lò” sản xuất, chế biến ruợu giả vẫn là pha chế rượu trắng với một tỉ lệ nhỏ rượu “xịn” cộng với chất tạo màu: xanh, đỏ, sẫm tùy theo từng loại rượu.

Vỏ và nút chai được các đối tượng thu mua lại từ các nhà hàng, quán rượu, khách sạn có bán rượu ngoại. Các chai rượu giả này được “quàng” thêm tem trước khi tung ra thị trường. Những loại tem này cũng được nhái một cách tinh vi, nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì đến cả lực lượng kiểm tra không thể nào phát hiện được
H.C.K (32 tuổi, một nhân vật chuyên làm rượu giả) bật mí: Thời gian để sản xuất một chai rượu giả từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm chỉ khoảng 15 - 20 phút. Các công đoạn từ súc chai, dán tem, vô nước, ấn nút đều bằng thủ công. Công cụ thường dùng là tuốc-nơ-vít dẹt, kéo cắt tem, nắp, máy sấy tóc để đóng màng co nilông phủ quanh nắp chai, dây thừng nhỏ như chiếc đũa để siết màng kim loại... Loại có cổ chai bi phải dùng xy lanh để bơm rượu vào. Một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Bằng “công nghệ” này, các đối tượng làm rượu giả đã tung ra thị trường hàng triệu chai rượu giả của các thương hiệu nổi tiếng như: Red Label, St-Remy, Hennessy, Chivas, XO, Gold King…

Hiện nay, việc thưởng thức hay biếu rượu ngoại đang là một “mốt” thời thượng nhưng rất ít người biết được đâu là rượu chính hãng, đâu là rượu rởm. Tâm lý người tiêu dùng cứ thấy nhãn hiệu quen quen, có tính “ngoại lai” và giá rẻ là mua. Vì thế, các nhà làm rượu giả tha hồ “móc túi” người tiêu dùng. Tiền mất đã đành, nhiều người còn "tật mang" khi uống phải loại rượu giả này; nhẹ thì chóng mặt, nhức đầu; nặng thì nguy cấp đến tính mạng.

Những ngày gần Tết, rong ruổi trên một số tuyến đường TP HCM, không ít lần chúng tôi thấy “rượu ngoại” theo những người bán hàng rong xuống phố. Mới đây, công an quận 2, TP HCM đã bắt quả tang vợ chồng Lưu Văn Hiếu (26 tuổi) và Nguyễn Thị Tại (25 tuổi, cùng ngụ tại quận 2) đang vận chuyển 15 chai “rượu ngoại” tự chế tại nhà: Johnnie Walker, Red Label, Hennessy… đi tiêu thụ tại các đại lý.

Cách phân biệt rượu thật - giả

Anh Hoàng Thanh Tín, chuyên gia nếm thử rượu cho các hãng nổi tiếng tại TP HCM, cho biết cách phân biệt rượu thật, giả, theo anh là khi đi mua rượu, người mua cần chú ý đến mức rượu trong chai, kiểm tra nhãn rượu và tem nhập khẩu, tem chống giả, nắp, nút, đáy chai…
Thông thường, các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, màu sắc của rượu cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. Khi mua, nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả. “Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ nổi, màu ánh kim… đúng như hãng chính gốc”, anh Tín cho biết.

Một số thương hiệu có sử dụng tem chống giả công nghệ cao dưới dạng tem vỡ dán ở cổ chai, không thể bóc tách và rất dễ cho người tiêu dùng kiểm tra, nhận biết như Chivas, Martell, Royal Salute … bằng cách: thấm nước lên tem hoặc dùng bút dạ, ánh đèn huỳnh quang chiếu vào tem trên cổ chai để nổi lên thương hiệu in chìm.

Trước khi sử dụng rượu ngoại, cần đem để vào ngăn đá tủ lạnh. Sau 12 giờ lấy rượu ra, nếu như có hiện tượng đông đá trong chai rượu thì có thể là rượu giả. Thử nồng độ cồn trong rượu bằng cách đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi xốc của cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế từ cồn. Rượu giả khi mở ra uống không thấy mùi thơm, có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng, sau khi uống có thể bị đau đầu.

Nhìn nhận về tình hình rượu ngoại giả trong dịp cận Tết Nguyên đán, ông Lý Ngọc Thắng – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 3A (Chi cục Quản lý thị trường TP HCM) - cho biết, năm nay rượu giả có giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết, lượng tiêu thụ rượu tăng mạnh, nên theo ông Thắng thì Chi cục quản lý thị trường cũng đang điều nghiên, theo dõi một số điểm nghi vấn có sản xuất, kinh doanh rượu giả và sẽ ra quân ngay khi phát hiện có yếu tố vi phạm.

Theo Dân Trí