PDA

Xem đầy đủ chức năng : 'Công nghệ' sinh nở rùng rợn nhiều đời ở Tây Nguyên



Tháng Tư
21-01-2011, 06:38 AM
Đẻ ở nhà hay ở nương rẫy tùy vào lúc cái bụng đau. Đẻ xong lấy khúc cây quấn rốn bé lại, lấy dao hoặc cái nan nứa cắt rốn rồi mang đứa trẻ ra suối để... nhúng cho nó khoẻ.

Sản phụ chỉ được ăn cơm với muối hột cho đến khi nào con hết bú, nếu lỡ mẹ chết thì đứa bé cũng bị chôn sống theo. Cái "công nghệ" sinh nở rùng rợn nhiều đời ấy ở Tây Nguyên giờ đã bắt đầu lùi xa khi những "bà đỡ" trẻ người dân tộc thiểu số được đào tạo từ Bệnh viện Từ Dũ TP HCM trở về...

Hủ tục sinh nở kinh dị

Cô đỡ thôn bản H’Ruh, người dân tộc M’Nông, xã Đắk Ha huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông cho biết, xã của cô có 5 thôn với 876 phụ nữ và 135 trẻ dưới 1 tuổi. Thôn nằm sát biên giới, cách trạm y tế xã cả đi lẫn về 70km.

Cô kể: "Thôn mình có tập tục đẻ ngồi, nhiều đứa trẻ sinh ra, đầu đã đụng xuống đất. Mỗi gia đình có một bộ "đồ nghề" cắt rốn gia truyền gồm một con dao và một cái ché từ đời này qua đời khác".

Chị Điểu Thị Đê, người dân tộc Chơ Ro, thôn Đăk Nên, xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho hay: "Từ xa xưa, khi phụ nữ sinh đẻ thì nhờ bà mụ vườn đến đỡ. Bà mụ lấy khúc cây dài khoảng hai gang tay to như cái bắp chân quấn cái rốn em bé lại rồi lấy dao sinh hoạt trong nhà cắt dây rốn quấn quanh khúc gỗ, sau đó lấy sợi dây buộc rốn em bé lại. Sản phụ và cả em bé nằm cạnh một đống lửa to đốt ở giữa nhà.

Người mẹ chỉ ăn cơm với muối hột to như ngón tay cái và bốc bằng tay. Sợ nhất là những đứa trẻ mới sinh ra đều phải cho lên suối tắm vào lúc 5 giờ sáng, mùa nóng còn đỡ, mùa mưa lạnh thì không những nhiều đứa trẻ bị tử vong mà cả sản phụ cũng kiệt sức sau cuộc vượt cạn. Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ nhỏ chết vì cảm lạnh, buổi sáng người mẹ ẵm đứa bé vào suối tắm, khi trở về thì đứa bé bị lạnh, co giật và tử vong...".

Những người già trong bản còn kể rằng, một số trường hợp người mẹ bị chết sau khi sinh thì những đứa con xấu số cũng bị chôn theo.
Mỗi dân tộc, mỗi buôn làng ở Tây Nguyên đều có những tập tục sinh nở truyền đời rất lạ lùng. Chị Hoàng Thị Nghim (người Dao Đỏ, thôn Thái Hậu, Xã Đắk Nil, huyện Cư Rút, tỉnh Đắk Nông) kể rằng, người Dao Đỏ trước đây cấm bà đẻ không được ăn rau quả, xương động vật, em bé khi sinh ra được cắt rốn bằng những cái nan nứa sắc hay cây vót nhọn, rốn trẻ thì buộc bằng chỉ.

Còn người M’Nông ở bản Điêng Đú, xã Đắk Ngo, huyện Tùng Đức, tỉnh Đắk Nông thì quan niệm, trẻ sinh ra phải để nguyên dãi nhớt, tắm nước lạnh, để trần cúng thần linh... Các bà mụ vườn đỡ đẻ không có dụng cụ an toàn nên trẻ sơ sinh thường bị nhiễm trùng huyết, uốn ván sơ sinh, mẹ thì bị sản giật, băng huyết...

Con tôi khóc khoẻ lắm!

Tập tục sinh tại nhà do cha mẹ hay chồng đỡ đẻ còn rất phổ biến. Hằng năm, các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM đã tiếp nhận cấp cứu những trẻ sơ sinh vừa bị sốc do nhiễm trùng uốn ván, nhiễm trùng huyết nặng. Những trẻ sơ sinh này nhập viện trong tình trạng co giật, ưỡn người, sốt cao, tụt huyết áp, rốn có mủ. Hậu quả là do vẫn áp dụng "công nghệ" sinh nở truyền thống.

Ngay sau khi tốt nghiệp khóa cô đỡ thôn bản, H’Ruh đã vất vả thuyết phục người nhà của H’Ang, hàng xóm của cô đưa H’Ang lên trạm xá để sinh, vì chồng H’Ang cứ bắt vợ đẻ ngồi ở nhà, trong khi H’Ang có dấu hiệu cao huyết áp. Thuyết phục đưa được lên đến trạm xá nhưng người nhà thậm chí còn không chịu cho H’Ang nằm lên bàn đẻ
Đang nói chuyện, một người đàn ông qua mời H’Ruh về dự lễ đặt tên con. Một tuần trước, H’Ruh đã đỡ đẻ cho H’Ut, vợ anh ta. Đứa trẻ sinh khó lại bị nhau quấn cổ hai vòng, nên H’Ruh đã phải hô hấp nhân tạo và tạo áp lực cho đứa trẻ thở.

"Hôm đó, tôi nóng, quát mắng còn dọa đánh H’Ruh vì cho rằng cô ấy đang cố giết đứa bé. Nhưng bây giờ con tôi khóc khoẻ lắm. Tôi còn dặn mấy đứa em sau này phải nghe theo lời của cô đỡ H’Ruh", chồng của H’Ut kể lại.

Cô đỡ "cứu nguy" cho thầy mo

Chị Đê vui vẻ kể về những thay đổi của thôn buôn và dân tộc mình khi các chị được Nhà nước cho đi học lớp "Cô đỡ thôn bản" do Bệnh viện Từ Dũ TP HCM đào tạo: "Ban đầu bà con không tin. Phải thuyết phục nhiều lần mới có sự thay đổi nên gần đây tỷ lệ trẻ bị uốn ván cũng bớt đi nhiều. Được sự ủng hộ của các già làng nên bà con dần thay đổi nếp sống cũ, phụ nữ có thai thì đi khám, tiêm ngừa...".

BS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Sinh sản tỉnh Đắk Nông cho biết, nhờ có chương trình này đến nay đã có được 91 cô đỡ. Dù hệ thống này chưa rộng khắp, nhưng chính các em dùng tiếng nói của dân tộc mình truyền đạt, hướng dẫn những kiến thức đã học cho đồng bào nên hiệu quả cao.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM - “linh hồn” của chương trình "Cô đỡ thôn bản" tâm sự: "Tây Nguyên còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế vùng sâu rất thấp. Khả năng tiếp cận cơ sở y tế của người dân khó khăn do địa hình. Thiếu cán bộ y tế biết nói tiếng dân tộc để thuyết phục người dân đến với dịch vụ y tế Nhà nước, xóa bỏ những tập tục cũ, gây hại sức khoẻ và đe dọa tính mạng của bà mẹ và trẻ em. Tôi từng nghe già làng ở những buôn làng Buôn Mê Thuột kể về những người phụ nữ chết khi sinh ở tuổi đôi mươi, được chứng kiến những trường hợp sản phụ trở dạ mấy ngày trời, người nhà cúng bái, rồi mời thầy mo đến trừ tà, vẫn không đẻ được, mới đưa lên trạm y tế. Khi chúng tôi tiếp nhận được, có người đã chết hoặc may mắn sống sót nhưng phải cắt bỏ tử cung".

Chương trình được khởi động trước nhiều khó khăn, nhất là trình độ học vấn của học viên thấp. Nhiều cô đỡ chỉ học hết lớp 3 - 4 và chưa rành tiếng Việt.

TS.BS Phạm Việt Thanh, vụ phó Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em kiêm giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM chia sẻ: "Vì khó khăn trên mà chúng tôi chú trọng đào tạo các em về kỹ năng, cầm tay chỉ việc trên mô hình, tiếp theo là kiến tập thực hành trên người bệnh và cuối cùng là thực hành trên người bệnh với sự giám sát của giảng viên".

OldCat
23-01-2011, 02:22 AM
Hết cái để bàn !!!!!!!!!!!!!!!

Mây Phiêu Lãng
30-01-2011, 07:31 AM
^.^ Cũng là nói hơi quá lên 1 chút, sự thật thì chả đến mức ấy đâu. Tớ là người Tây Nguyên nè, tớ đảm bảo :D:D

Noisy*
30-01-2011, 11:30 PM
Vậy là chị Mây đã chứng kiến rồi hay là chị Mây đã...:wo:

:chayle: :chayle:

lanh
01-02-2011, 09:36 AM
Cái này cũng có thể có mà
Ngày trc có lần lên Tây Bắc thấy người ta đẻ xong rùi ra suối tắm luôn ấy

tiểu_muội_muội
07-02-2011, 09:32 AM
Sản phụ chỉ được ăn cơm với muối hột cho đến khi nào con hết bú, nếu lỡ mẹ chết thì đứa bé cũng bị chôn sống theo. Cái "công nghệ" sinh nở rùng rợn nhiều đời ấy ở Tây Nguyên giờ đã bắt đầu lùi xa khi những "bà đỡ" trẻ người dân tộc thiểu số được đào tạo từ Bệnh viện Từ Dũ TP HCM trở về...
Chị Mây ở chỗ nào vậy :D