PDA

Xem đầy đủ chức năng : Nơi thời gian ngừng lại



_Luvin Yesterday_
05-12-2009, 02:09 PM
Tôi trở về quê ngoại trên chuyến xe khách buổi sớm, cố gắng bỏ ngoài tai những lời xầm xì trò chuyện phát ra từ những chiếc ghế khác, những âm thanh cứ dội qua bật lại trong xe rồi trôi lờ lững như những làn khói thuốc, không chịu tan đi mà càng lúc càng quánh lại. Và tôi cũng cố làm quen cùng với cái thứ mùi hỗn tạp cố hữu của những chiếc xe không dành riêng cho bất cứ ai như thế này, điều đó quả không dễ dàng gì,thế nên tôi ghét phải đi xe khách.
Lặng lẽ nhìn ra bên ngoài ô cửa kính đã sỉn đi vì những lớp bụi cứ lần lượt bám lên theo từng ngày vì chẳng mấy khi được lau rửa, tôi thờ thẫn ngắm những làn sóng đang chạy trên cánh đồng lúa đang dần ngả sang màu cỏ úa, lúp xúp những chiếc bóng nâu lác đác trên cánh đồng như những mô đất đang chậm chạp dịch chuyển, những ngôi mộ lạnh lẽo quanh đó trông cũng có màu như vậy. Một cảm giác chợt dậy lên khiến tôi không ngăn nổi mình cất tiếng thở dài, những cánh đồng rồi sẽ lên thành phố, nông dân nghèo khi trồng lúa trên đất của mình, nhưng liệu họ có giàu hơn khi mà thay vào lúa là những tòa nhà to lớn không...
Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần xe dừng lại để bắt khách, chỉ thấy những chiếc ghế trống thưa dần đi, và dầy thêm những âm thanh vô nghĩa, chiếc ghế bên cạnh tôi cũng đã có người ngồi từ lúc nào, nhưng tôi chẳng quan tâm. Những suy nghĩ vẫn lúc nhúc trong đầu, bắt tôi phải cố tìm ra câu trả lời cho chúng, và cứ thế tôi miên man cho đến khi chuyến đi kết thúc.
Tôi nhoi người lên, định cất tiếng kêu dừng xe lại thì người ngồi bên cạnh đã yêu cầu xong điều đó. Chiếc xe dừng lại và thả chúng tôi xuống ven đường, cổng làng, con đường đất ố vàng lẫn cát sỏi và những vệt bánh xe chạy hút vào sâu bên trong những quả đồi, bên kia đường là ruộng sắn trên bãi bồi và ngoài xa hơn là dòng sông đục ngầu một màu phù sa đang cố dấu đi sự hung dữ của nó bằng vẻ mặt ù lì, nhưng chốc chốc lại không nén nổi lòng tham mà nuốt chửng lấy một đám củi xuống tận đáy nước, khuôn mặt nó lúc nào ửng màu nâu đỏ vì ngượng ngùng bởi chính sự giả tạo của mình.
Vòng quai đeo của chiếc túi đựng ít quần áo và đồ dùng linh tinh qua vai, tôi lững thững vào làng, người ta nhìn theo tôi, trông quen mà không thể nhận ra, nhưng chẳng ai dám bắt chuyện, tôi nhìn ra cảm giác đó trong mỗi cặp mắt đang dõi theo mình, tôi quen với nó, những người nhiều năm mới về quê một lần luôn hiểu cái cảm giác đó. Và những mối quan hệ nơi làng quê luôn rối như mớ bòng bong khiến những người phương xa cứng đơ khi không biết nên xưng hô với người đối diện như thế nào.
Quê mẹ vẫn nghèo như vậy, so với lâu lắm từ lần trước khi tôi trở về, những đứa bé trông đã có vẻ sạch sẽ hơn, con đường làng đã ít bùn đất hơn, ít đi nhưng mái nhà lợp lá cọ với bốn vách đất lè tè, nhưng so với cái thế giới cách đó 100km, thời gian nơi đây như ngừng trôi, đó là lí do khiến tôi trở về, để tìm một chốn bình yên.
Mọi người vẫn yêu mến tôi như trước, những người họ hàng xa đến mức không còn là ruột thịt, nhưng chính họ lại đem đến cho tôi cái cảm giác thật sự được quan tâm khi sống giữa gia đình. Nơi đây, có những người yêu mến tôi không chút lăn tăn cho tới tận lúc chết, những người tôi không bao giờ quên, vì tôi không bao giờ bị lãng quên. Tôi chào hỏi mọi người xong, thắp mấy nén hương lên bàn thờ rồi một mình đi lên đồi, con đường nhỏ chạy theo đường trôn ốc cao dần lên, lớp đất đồi vàng khè trơ trụi bị những cơn mưa làm xói mòn để lộ ra những hòn sỏi lớn bé lô nhô, cao hơn thảm cây tế xanh rì phủ kín toàn bộ quả đồi trừ những lối mòn là những thân bạch đàn vươn thẳng lên cao, nhưng chùm lá non đỏ tươi nổi bật lên trong tán xanh tấm dưới những tia nắng chiều len qua kẽ lá đang chuyển dần sang màu thẫm hơn, trời đang tối dần nhưng tôi vẫn tiếp tục đi lên.
Chợt có tiếng gọi, âm thanh trong trẻo ngân lên trong không trung, vọng hơn giữa những quả đồi, vang đến chỗ tôi rồi tan đi vào không khí. Tôi dừng bước, cất tiếng gọi lại và chờ cho đến khi thấy bóng đứa cháu họ gọi tôi bằng cậu đang chạy tới bên mình, nó vừa thở hổn hển vừa ngước nhìn tôi bằng đôi mắt trong trẻo và nở nụ cười rạng rỡ. Nó lon ton chạy quanh tôi, chân đất, những đứa bé nhà quê thường thích đi đất hơn là xỏ chân vào đôi dép gây khó chịu cho việc chạy nhảy nô đùa, và những đôi dép thường hay lạc mất vì tính đãng trí trẻ con.
Tôi chuyển hướng rẽ sang bên một quả đồi khác, con đường nhỏ lúc này chỉ còn là một lối mòn đôi lúc khuất đi vì những cây tế mọc lan ra, chẳng loại cây gì phát triển nhanh hơn chúng ở vùng đồi núi này, dưới những tán cây, chúng chỉ nhường chỗ cho cỏ dại ở những vạt rừng trống, tôi đang đi tìm chỗ đó, nơi những đám cỏ may đua nhau níu lấy chân người. Ngồi xuống một tảng đá lớn, một viên sỏi lớn đến nỗi không thể gọi nó là sỏi, nơi tôi đã đôi lần ngồi lại, phóng tầm mắt mình ra xa, vượt qua những quả đồi nhỏ, vượt qua những tán cây, những ngọn khói bếp, những cánh đồng, vượt qua con sông lúc này chỉ còn là một mảnh lụa màu hồng vắt qua chân trời và nghiêng theo chiều gió. Tôi cố gắng nhìn đi thật xa, xa hơn cái nơi mà mặt trời từ đó đi lên hàng ngày, gió cất tiếng xào xạc từ trong những tán cây sau lưng tôi, mang đến cho tôi những suy nghĩ mà tôi đã cố không nghĩ đến, chuyện tôi sắp bị mù.
Sự tĩnh lặng trong không gian xung quanh thấm vào sâu bên trong tôi, rồi từ trong lồng ngực mùi vị của tĩnh lặng chợt cồn lên, khiến tôi trào nước mắt. Tôi vội đưa tay lau khô đôi mắt vừa nhòe đi của mình khi nhớ ra đứa cháu nhỏ vẫn đang quanh quẩn bên mình, vừa lúc đó, nó chạy đến bên tôi, dúi cho tôi một bó lau vừa tìm được, vẫn với đôi mắt tròn thơ ngây sâu thăm thẳm, khuôn mặt lấm lem vẫn nở nụ cười.
Nó hỏi tôi làm nghề gì và trầm trồ thích thú khi biết tôi là một họa sĩ. Quên đi những cây lau, những viên sỏi và đám cỏ gà, nó ôm lấy chân tôi và không ngừng cho tôi nhưng câu hỏi khiến tôi không ngừng xót xa, day dứt. Nhưng không thể giận dữ với một đứa trẻ, tôi đành gượng cười trong khi trả lời những câu hỏi của nó một cách miễn cưỡng. Nhưng cái cảm giác đó nhanh chóng qua đi, những câu hỏi nhiều lúc ngô nghê của đứa cháu dần khiến tôi thích thú và hào hứng cho nó thấy những cái đẹp, những cái hay trong môn nghệ thuật này. Rồi cuối cùng, nó xin tôi dạy vẽ. Tôi ngần ngừ suy nghĩ đồng thời nhìn sâu vào đôi mắt đang long lanh chờ đợi của nó, từ trong đó hiện lên sự khao khát của trẻ thơ giống như chính tôi ngày nào. Có một cái gì đó như vừa tan đi trong tôi, cảm giác thanh thản lan đi khắp người. Tôi mỉm cười, xoa đầu nó.
Tôi không trở về thành phố, không đi khám lại đôi mắt của mình, quên đi những công việc trước đây. Hàng ngày tôi cùng nó vẫn đi lên nơi ấy với những dụng cụ vẽ của mình. Những muộn phiền không còn nữa, tôi không còn sợ hãi khi nghĩ đến ngày ánh sáng của mình tắt hẳn. Vì tôi đã về nơi đây, nơi thời gian ngừng lại.