PDA

Xem đầy đủ chức năng : Việt Nam - Bài ca bên sóng biển đông



emgaicodo2000
26-01-2008, 10:01 PM
Nước Việt Nam ta mang dáng hình chữ “S”, hướng mặt đối diện biển Đông. Cả một dải đất cong cong trải dài từ Bắc xuống Nam, từ mũi Trà Cổ đến mũi Cà Mau, 3.260km bờ biển được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, bức tranh nhiều dáng vẻ huyền ảo, thần tiên.


Quảng Ninh: Bài thơ biển Đông Bắc, nét bút đầu tiên ông cha vẽ hình đất nước, mũi Trà Cổ như cái chấm nhỏ với bãi cát trắng mịn màng làm dịu lòng người. Một Hạ Long huyền thoại, di sản thiên nhiên thế giới, hàng ngàn đảo đá như mê cung của những câu chuyện thần thoại, trầm mặc in bóng xuống mặt nước màu ngọc bích, vẽ lên những bức tranh sơn thuỷ lung linh từ hàng triệu năm. Vân Đồn, thương cảng cổ xưa nhất của người Việt, là bảo tàng địa chất, bách thú, thảo viên cùng những làng chài ngàn năm tuổi... Và Yên Tử với bao bí ẩn của núi non cùng Thiền phái Trúc Lâm của nhà Trần hơn 7 thế kỷ trước.

Hải Phòng: Lá chắn vững vàng phía Đông bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, hải cảng lớn của cả vùng phía Bắc. Đảo Cát Bà, một trích đoạn tuyệt đẹp của Hạ Long. Đảo Bạch Long Vĩ nằm chơi vơi giữa Vịnh Bắc Bộ như một người lính biển kiêu hùng giữ bình yên khơi xa đất nước. Bán đảo Đồ Sơn với Hội Chọi trâu huyền thoại tồn tại hàng thế kỷ.

Thái Bình: Vùng đất có những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt. Cảng Diêm Điền nổi tiếng từ mấy trăm năm trước đến nay vẫn mang những hạt muối trắng làm vị mặn cho cuộc đời. Và một bãi biển Đồng Châu đẹp hoang sơ nguyên thuỷ như cổ tích còn sót lại.

Nam Định: Miền đất đẹp được Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của người Việt Nam chọn làm nơi “hoá”, nơi phát tích vương triều Trần. Biển ở nơi đây như có phép màu Trời ban: đất Giao Thuỷ mỗi năm lại tiến ra biển cả trăm thước cùng những hệ sinh thái ngập mặn độc đáo, được Công ước Ramsar bảo vệ.

Ninh Bình: Kinh đô Đại Cồ Việt, cố đô Hoa Lư của triều Đinh – Lê, đặc biệt có dãy Tam Điệp, tuyến phòng thủ chiến lược thiên nhiên như tường thành án ngữ con đường thiên lý ra Bắc vào Nam. Khu rừng Cúc Phương như một thiên đường của kỳ hoa, dị thảo, chim muông kỳ bí từ thời thượng cổ. Và quần thể hang động do sóng nước biển khơi kiến tạo đẹp như tiên cảnh miền hạ giới với nhiều lâu đài đá lộng lẫy, kỳ ảo. Đến đây là lạc vào non nước hữu tình cùng nghe văng vẳng tiếng thơ Tản Đà, một đời trăn trở tình nước non.

Thanh Hoá: Vùng đất này gắn với di chỉ Đông Sơn của người Việt cổ. Đến đây, còn nghe câu chuyện cổ tích “dưa hấu” của chàng Mai An Tiêm, đời Hùng Vương 17, được mơ màng với giấc mơ “thiên thai” của chàng Từ Thức nơi động Tiên Cửa Thần Phù huyền ảo, một ngày dài bằng trăm năm. Rồi đắm mình trong cát, nắng, gió của bãi biển Sầm Sơn quyến rũ.

Nghệ An: Miền đất của danh nhân nước Việt, nơi phát tích của nhân tài khoa bảng – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thành phố Vinh, hay Phượng Hoàng Trung đô đời Tây Sơn, cùng những câu chuyện “áo vải, cờ đào” của người anh hùng Nguyễn Huệ. Núi Quyết với địa thế tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng. Và lẩn khuất một huyền tích tình sử bên bờ biển, Vua An Dương Vương chém Mỵ Châu rồi tuẫn tiết... Bãi biển Cửa Lò đẹp như thiếu nữ xuân thì, hạ mát, đông ấm, nước trong, sóng êm, mê đắm với cát mịn bốn mùa.

Hà Tĩnh: Đây là vùng đất của nhiều hiền tài nước Việt: Nguyễn Du, nhà văn hoá Nguyễn Công Trứ, nhà y học lỗi lạc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đặng Tất, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Trần Phú và huyền thoại 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc... Đây cũng là miền non xanh nước biếc như tranh họa đồ với Đèo Ngang, điểm dừng chân làm mốc Đàng Trong cho một triều đại nhà Nguyễn suốt 4 thế kỷ.

Quảng Bình: Sông Gianh, sông của chia ly hàng bao thế kỷ giữa đôi bờ Nam – Bắc. Đất này như bức tranh hoành tráng của địa thế non cao, nước biếc, cát vàng vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Đặc biệt thiên nhiên ban tặng báu vật Phong Nha – Kẻ Bàng, kỳ quan của hang động huyền ảo, sông ngầm kỳ bí, rừng nguyên sinh nguyên khai với nhiều loài sinh vật gần tuyệt chủng.

Quảng Trị: Thạch Hãn, dòng sông từ mồ hôi của đá tạo nên, cùng những câu chuyện về thử thách sự sinh tồn của con người. Dòng Bến Hải – sông giới tuyến, cầu Hiền Lương – cầu sinh ly tử biệt, đường mòn Hồ Chí Minh xuyên đại ngàn Trường Sơn huyền thoại, thành cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh những di tích một thời khói bom, nay là điểm hẹn lý thú DMZ của các cựu chiến binh. Và bãi biển tuyệt đẹp Cửa Tùng cùng dòng Đakrong chất chứa cả pho sử thi giữa ngút ngàn mây Trường Sơn.

Thừa Thiên – Huế: Kinh đô Triều Nguyễn cất dấu nhiều bí mật hoàng cung, là quà sính lễ của Chiêm Thành tặng Nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân, đồng thời là miền đất “đệm” để mở cõi về phương Nam. Nơi này có những khu vườn cây trái, hoa cảnh mộng mị như cổ tích dọc theo hai bờ sông Hương, dòng sông của thi – ca – nhạc – hoạ thoảng hương thơm và ảo mờ sương khói từ xưa đến nay. Bãi biển Lăng Cô, vịnh Chân Mây, cửa biển Thuận An, phá Tam Giang, núi Bạch Mã và một khoảnh Bắc đèo Hải Vân là những cảnh đẹp mà bút mực khó mà diễn tả.

Đà Nẵng: Nơi còn in dấu tích Chămpa, những đền đài, thành quách, cung điện uy nghi tráng lệ và bí ẩn từ thế kỷ 1-13. Thiên hạ đệ nhất hùng quan - đèo Hải Vân, bức tường non cao, hùng vĩ giữa mây và biển. Cảnh kỳ vĩ của Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển Non Nước, đẹp như tranh sơn thuỷ. Bán đảo Sơn Trà hoang sơ, biển Mỹ Khê lộng lẫy như sự quyến rũ mê hoặc của đại dương. Và Hoàng Sa, bãi cát vàng của nước Việt, vẫn nơi đầu sóng ngọn gió chịu thăng trầm cùng lịch sử đất nước, mang lời hẹn ngày về trong vòng tay đất mẹ.

Quảng Nam: Đất học, vùng văn cùng 2 di sản văn hoá thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn với những tháp Chăm huyền bí, cổ xưa, Hội An – Faifo thương cảng của thế kỷ 16-17. Nơi đây còn là kinh thành Trà Kiệu, Phật viện Đông Dương, tháp Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ từ thế kỷ 1-9. Và những Cửa Đại, Cù Lao Chàm, Bãi Rạng, Tam Thanh... những ghềnh, ráng đá và cát, rừng và biển đan xen như tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng.

Quảng Ngãi: Núi Ấn, sông Trà và Cổ Luỹ Cô Thôn rợp mát bóng dừa, như bài thơ làng quê thanh bình yên ả. Bãi biển Sa Huỳnh cát lóng lánh như pha lê, rực rỡ trong nắng. Thành cổ Châu Sa cất giấu những thông điệp bí ẩn của Chămpa khơi gợi sự khám phá của đời sau.

Bình Định: Cố đô vương triều Chămpa, còn đó những ngọn tháp Chăm độc đáo như Đông Long, Bánh Ít, Cảnh Tiên, Tháp Đôi... rêu phong đến từng ngọn cỏ. Đây cũng là quê hương của Vua Quang Trung – Triều Tây Sơn, với truyền thống “đất võ”, nhưng cũng là nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, mộng mị suốt đời. Biển nơi này đẹp lộng lẫy, kiêu sa nhưng đầy lãng mạn với Ghềnh Ráng tiên cảnh, bán đảo Phương Mai – Thị Nại mơ màng trong sóng nước.

Phú Yên: Những dãy núi dốc chạy dài ra sát biển chia cắt vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ thành nhiều đầm, vũng, vịnh mang vẻ đẹp hồng hoang nguyên thuỷ, dữ dội nhưng cũng rất thi vị như vịnh Cù Mông, Xuân Đài, đầm Ô Loan, Vũng Rô, đặc biệt ghềnh Đá Đĩa như món quà của Long Vương...

Khánh Hoà: Quần đảo Trường Sa đương đầu sóng gió biển Đông, điểm Cực Đông đón bình minh sớm nhất của nước Việt. Nha Trang với Tháp Bà Ponagar, dấu tích Chămpa huyền thoại thế kỷ 7-12 với các phù điêu đất nung thổi hồn vào thế giới thần linh đầy sống động. Vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Dốc Lết, Hòn Tre, Đại Lãnh... là những cảnh biển đẹp đến say đắm hồn người.

Ninh Thuận: Bãi Ninh Chữ, Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy, những tháp Chăm gần như nguyên vẹn: Poklong Grai, Pôrômê, Hoà Lai... và lễ hội của người Chăm tồn tại từ hàng ngàn năm trước, như là những khám phá thú vị cho bất kỳ ai một lần tới vùng đất này.

Bình Thuận: Câu chuyện cổ tích về nguồn nước thần Vĩnh Hảo như một ấn tượng đẹp về vùng đồi cát trùng trùng, điệp điệp. Mũi Né, Mũi Rơm, Mũi Nhỏ, Hòn Lao Câu, Mũi La Gi, La Gàn, đảo Phú Quý... là biển, cát, gió đẹp như hoang mạc thần tiên làm mê mẩn du khách và các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong, ngoài nước. Nhóm tháp cổ Pô - Sa - Nư của Vương quốc Chân Lạp thế kỷ 8 như dấu tích của bàn tay tài hoa nghệ nhân để lại cho đời sau chiêm ngưỡng thán phục.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Vương quốc Bà Lị xa xưa, thềm lục địa giáp quần đảo Trường Sa với những nền văn hoá giao thoa của nhiều sắc dân. Những bãi cát tuyệt đẹp: Thuỳ Vân, Tầm Dương, Hương Phong, Nghinh Phong, Phương Thảo, Bãi Trước, Bãi Dứa. Bãi Sau, Bãi Dâu... Vùng biển nơi đây còn có Côn Đảo – quần đảo mang dáng hình con gấu vươn mình trên biển. Đây là mảnh đất ẩn chứa những bản tráng ca bi hùng trong lịch sử, và cũng là nơi mang nhiều vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Bến Tre: Miền đất cuối nguồn sông cửu Long đổ ra biển Đông, đậm đặc nét miệt vườn Nam Bộ với bóng dừa in trên sông nước. Biển ở đây như một đoạn ngắn để cây trái mang chút hơi gió biển, ngọt đậm hơn khi mùa trái chín. Bến Tre có Cồn Phụng, gắn với Đảo Dừa, Vàm Hồ là nơi tập trung hợp âm của chim trời. Đây cũng là quê hương của các danh nhân nước Việt: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản...

Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu: Đây là vùng đất trẻ, được thiên nhiên bồi đắp bằng các cuộc lấn biển tạo nên vùng nửa sông, nửa biển phong phú cảnh sắc. Nơi đây cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá: Việt, Hoa, Khmer. Những ngôi chùa ở đây mang dấu ấn sắc tộc: Chùa Ang, Nodol, Samrongek, Chùa Dơi (Mã Tộc – Mahatup), chùa Đất Sét. Những lễ hội thấm chất sông – biển: Tết Chol chnam Thmay, OK om bok, lễ hội Nghinh Ông. Đến đây còn nghe nhiều giai thoại về thú ăn chơi “công tử Bạc Liêu” đờn ca tài tử với “Dạ cổ hoài lang”...

Kiên Giang: Một Hà Tiên thập cảnh ở vùng biển này cũng đủ để rạng ngời miền đất cực Tây nước Việt, cảnh đẹp mê hồn, để các thi nhân không cưỡng được thi hứng, lập một “Tao đàn Chiêu Anh các” chỉ để làm thơ vịnh cảnh nơi này. Đảo Phú Quốc, hòn đảo ngọc cả về phong cảnh lẫn những sản vật của đảo, như một thiên đường của biển.

Cà Mau: Nơi nét bút ông cha tạm dừng nét chữ “S” , nơi đất mũi mỗi năm lấn ra biển cả trăm thước đất bồi màu mỡ, với rừng đước, rừng mắm xanh mướt mát, cắm rễ giữ đất. Biển Cà Mau với những tên gọi bí ẩn hoang dã: Rừng U Minh, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc và cả sân chim Ngọc Hiển, chợ nổi Năm Căn... kỳ quan thiên nhiên, kỳ quan nhân tạo cho vùng đất tận cùng Tổ quốc đẹp như nét vẽ trên bức tranh tuyệt tác, trọn vẹn như một áng thơ kim cổ kỳ quan.

Từ nét chấm nhỏ ở bán đảo Trà Cổ phía Đông Bắc, bằng mồ hôi, máu và cả sự kiên cường không chịu khuất phục trước thế lực hùng mạnh nào, ông cha ta đã kéo dài nét bút xuống vùng Tây Nam tạo nên chữ “S” hoàn hảo, vẽ nên địa đồ nước Việt giàu đẹp. Và hôm nay, thời đại chúng ta được thừa hưởng những di sản cha ông để lại, hãy xứng đáng với hai chữ Việt Nam mà gìn giữ, bảo tồn, xây dựng và phát triển cho đất nước mãi trường tồn vững mạnh, không hổ thẹn với cha ông xưa đã “vẽ” hình đất nước.

tôi_lang_thang
28-01-2008, 06:44 PM
ơ , thế Hoàng Sa và Trường sa cũng như Mũi né đâu :so_funny: