Ðăng Nhập

Xem đầy đủ chức năng : Thơ Nguyễn Công Trứ



Chrysoprase
01-12-2007, 02:41 AM
ĐỐI CHỌI VỚI SƯ

Lúc Nguyễn Công Trứ còn đi học có lần trọ ở gần một ngôi chùa. Nghe đồn sư ông chùa đó là người hay chữ, nhưng lại rất ghét học trò. Thêm vào đó, nhà sư lại có tính hay ăn thịt chó; thường vùi nồi thịt ở bếp mà hễ ai hỏi đến thì cứ kêu đó là nồi cà bung…

Nguyễn Công Trứ tức cười về chuyện ấy, một bữa thử vào bếp nhà chùa để xem hư thực ra sao. Tới nơi, quả nhiên mùi thịt chó thơm lừng mà nhà sư thì đang lúi húi ở đó. Nguyễn Công Trứ cố nhịn cười, hỏi han vớ vẩn mấy câu rồi cứ lần khân mãi không chịu ra. Sư ông bị người đến quấy rầy, bực mình mới đọc một câu rằng:


Khách khứa kể chi ông núc bếp[3]

Nguyễn Công Trứ ngứa tiết, cũng trỏ vào nồi thịt chó đọc lại rằng:

Trai chay nào đó vại cà sư! [4]

Sư ông bị vạch trần chân tướng, vội hoảng hốt chỉ vào pho tượng gần đấy mà rằng:

Xin chứng minh cho, nam mô a di đà phật

Nguyễn Công Trứ cũng trỏ lên bàn thờ táo quân đọc tiếp ngay:

Có giám sát đó, đông trù tư mệnh táo quân

Nhà sư túng thế, đành phải gượng bào chữa rằng:

Thuộc ba mươi sáu đường kinh, không thần thánh, phật, tiên, song khác tục.

Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn không buông tha, nói luôn:

Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng phong, hoa, tuyết, nguyệt [5] đếch ra người !

Rồi đó Nguyễn Công Trứ quay gót bỏ đi. Ra đến giữa sân có hai con chó xồ ra cắn, một chú tiểu phải ngăn mãi mới được. Nhân thế Nguyễn Công Trứ lại buột miệng đọc hai câu thơ rằng:

Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá,

Còn hai con chó chửa từ bi .

[3] Ông núc bếp: ông đầu rau trong bếp (tiếng Nghệ) và cũng có nghĩa là ông khách gì mà lại núc vào bếp nhà người ta.


[4] Vại cà sư: cái vại đựng cà của sư (ám chỉ nồi thịt chó) đồng thời cũng có nghĩa là bà vái cả ông sư, tiếng Nghệ không có dấu ngã, nên bà vãi cũng gọi là bà vại đồng âm với cái vại. Đó chính là cái lắt léo của câu đối này.

[5] Có người nói: “Chẳng quân, thần, phụ, tử…”

THƠ TƯƠNG TƯ

Nguyễn Công Trứ ngoài cái chí khí cố quyết vẫy vùng làm nên tiếng anh hùng ra, ông còn là người rất mực đa tình. Nguyễn Công Trứ có nhiều vợ, mà đối với vợ nào ông cũng tỏ ra nặng tình. Tuy nhiên trong số đó, có cô ba vẫn là người được ông yêu thương thắm thiết hơn cả, đi đâu cũng đem nàng theo.


Người ta kể rằng, có lần Nguyễn Công Trứ được cử cầm quân đi dẹp giặc Nồng Văn Vân ở miền biên giới thượng du Bắc Việt, ông không thể đem người vợ yêu theo được, lâu ngày nhớ nàng, ông có làm bài thơ theo lối “thủ vĩ ngâm” như sau rồi sai người mang về:

Tương tư không biết cái làm sao,
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao,
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước.
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào,
Một nước một non người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao ?

Nào ngờ nàng cũng là người đa sầu đa cảm, đọc bài thơ lời lẽ thấm thía như vậy thì không đành lòng ở nhà được. Ít bữa sau nàng cũng cố lặn lội đến thăm chồng. Nguyễn Công Trứ được gặp người vợ yêu thì mừng lắm, nhưng thấy vợ trèo đèo lội suối vất vả, ông lại cảm thương cái cảnh thân gái dặm trường, tức cảnh làm hai câu thơ tặng người vợ chung tình:

Đáng lẽ bút nghiên mà kiếm mã,
Thương ôi, kim chỉ cũng phong trần!