PDA

Xem đầy đủ chức năng : Lò luyện thi mất thiêng



storm_desert
28-03-2005, 08:18 PM
Lò luyện thi mất thiêng
Dạo một vòng quanh các khu vực gần một số trường ĐH như Sư phạm Hà Nội, Bách khoa, ĐH Quốc gia hay trên đường Lương Thế Vinh... bên cạnh những băng rôn chiêu sinh các lớp Tin học, Ngoại ngữ, nổi bật lên những dòng quảng cáo hấp dẫn của các lò luyện thi. Có nhiều cái tên rất thu hút, hay lời quảng cáo kiểu như “Với bề dày tổ chức nhiều năm cùng đội ngũ ra đề và chấm thi của 2 trường... đảm nhiệm, sẽ giúp cho học sinh tự kiểm tra đánh giá chính xác kiến thức, năng lực của mình để có sự lựa chọn đúng đắn khi làm hồ sơ...”.




Người đến xin luyện thi lèo tèo

Trung tâm nào cũng giăng băng rôn ghi tên tuổi của nhiều thầy nổi tiếng dạy giỏi, có uy tín. Các thông tin về người dạy không chỉ được quảng cáo trên băng rôn mà còn được in trong các tờ gấp, lịch học của từng lớp, phát tận tay học sinh tại cổng trường, đầu ngõ, quán nước... Để thu hút học sinh, các trung tâm đều có người hướng dẫn tận tình, đáp ứng mọi thắc mắc, yêu cầu của người học. Học sinh ngoại tỉnh được trung tâm lo chỗ ở, mức phí dao động từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/tháng. Bất chấp quy định của Bộ GD-ĐT năm nay, nhiều trung tâm vẫn công khai trưng biển có tổ chức thi thử làm nhiều đợt với mức phí 10.000 đồng/môn. Một số chuyên đề của các môn cũng được mở để thu hút học sinh.



Thời điểm này, hầu hết người theo học tại “lò” là diện thi lại, học sinh lớp 12 chiếm tỷ lệ nhỏ và chỉ tập trung ở một số ít trung tâm được cho là có uy tín. Theo lời quảng cáo của trung tâm bồi dưỡng văn hóa T, tôi tìm đến và được xếp vào lớp 13 của khối A mới mở, nhưng khi tôi yêu cầu là chỉ học ở lớp ít người thì một chị ở trung tâm nhăn mặt: “ở đây toàn lớp vài trăm người, lấy đâu lớp ít. Lớp vắng nhất cũng ngoài 200. Em đừng dại mà chọn lớp ít. Thầy giỏi thì mới có nhiều người theo học chứ. Em cứ đi khắp khu này, xem nơi nào mời được thầy giỏi hơn thầy C dạy Hóa, thầy T dạy Toán như ở đây...”. Khi tôi hỏi trung tâm có dịch vụ luyện bảo đảm thi đỗ không, chị nhìn tôi dò xét rồi nói: “Đỗ hay không còn tùy người học. Thầy giỏi mà trò lười thì chịu”.



Theo số điện thoại in trên một tờ quảng cáo, trong vai người đi tìm chỗ học “bảo đảm đỗ” chúng tôi tìm đến nhà bác T phụ trách một trung tâm trên đường Tạ Quang Bửu. Bác kể, đúng là trước đây bác có nhận luyện học sinh theo diện “bảo đảm đỗ” khối A. Lúc ấy có tới hơn chục người đăng ký, có người ở tận TP Hồ Chí Minh, người ở Quảng Trị... Thỏa thuận giữa hai bên ngoài việc học sinh phải học đủ 8 người (Toán, Lý, Hóa) tại lớp của trung tâm, 6 buổi với các gia sư của ĐH Bách khoa để giải những đề thi thử, còn phải gửi một quyển sổ tiết kiệm vào ngân hàng mang tên trung tâm, nhưng người học được giữ sổ. Nếu học sinh thi đỗ, quyển sổ thuộc về trung tâm, nếu trượt người học chỉ phải trả 1/10 số tiền ấy, tức là 700 nghìn đồng. Thấy tôi nghi ngờ về hiệu quả của lớp học này, bác lấy ra hai tờ giấy báo điểm của cô cháu gái ở HP: “Khi chưa ôn ở đây nó (chỉ đứa cháu gái) thi môn Toán tại một trường ở HP được 3,5 điểm. Vậy mà chỉ lên ôn chưa đầy một tuần, khi thi, điểm Toán của nó đã lên đến 7. Chị xem có nơi nào ôn luyện hiệu quả như thế không ?”. Nhưng khi nghe tôi nói muốn đăng ký học lớp này, bác ngần ngại chưa muốn nhận, vì “dạo này báo chí nói nhiều quá, sợ “họ” đến kiểm tra” nhưng vẫn hẹn tôi tuần sau quay lại. Không biết cái mác “bảo đảm đỗ” ấy đã khiến bao nhiêu phụ huynh, học sinh phải “tiền mất, tật mang” nhưng chắc chắn, lợi nhuận của nó đem lại không phải là ít.



Theo đánh giá của những người trong ban kiểm tra liên ngành của thành phố từng đi kiểm tra hoạt động của các trung tâm luyện thi nhiều năm thì hiện nay, ngoài một số trung tâm được coi là có uy tín, có giấy phép và hoạt động tương đối nghiêm túc, được người học tín nhiệm thì phần lớn các nơi còn lại đều khá vắng vẻ. Thực chất số trung tâm mời được nhiều thầy giỏi để thu hút học sinh rất ít. So với cùng thời điểm này những năm trước, năm nay các lò luyện đã dần mất... thiêng. Lý do một phần do cách ra đề có cải tiến của Bộ khiến học sinh các tỉnh ngoài về Hà Nội giảm mạnh, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cũng rộng hơn và điều quan trọng là đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân: Vào ĐH đâu phải là con đường duy nhất và đâu phải cứ luyện thi ở thành phố thì mới đỗ !

Theo Hà Nội mới

hoabantrang
30-03-2005, 01:04 AM
Kí Nì Nghe Hay đấy.