PDA

Xem đầy đủ chức năng : Láng giềng - không tên



kannan
06-07-2005, 03:19 AM
Chia lửa qua ranh, thành hai ngọn lửa/ Rạng nhà rạng cửa láng giềng ơi!

Chát! Chát!

Cô bé quàng khăn rằn xô mạnh hai cánh cửa sổ gỗ tiếp tục lịch trình một ngày, đúng hơn là một buổi tự lo học lo chơi ở nhà.

Ngoài cửa sổ hàng rào ôrô xanh lâu nay không cắt xén chồi nhánh vươn tua tủa trong nắng sớm.

Chát! Chát!

Cửa sổ đối diện nhà bên đóng im ỉm bao lâu nay bất ngờ va đập mở ra.

Lạ chưa kìa! Bà già kìa!

Trong song cửa một bà già tóc trắng phơ phơ.

Cô bé vội quăng cái khăn rằn vắt vai xuống nền nhà, trèo lên mặt bàn học nhòm cho rõ. Bé lấy hết sức la lên:

- Ng...o...ạ...i!

Bà già cũng cất tiếng:

- Cháu ơi! Qua đây với ta!

- Cửa khóa. Ngoại qua đây với con!

Bà già ra rung cửa chính một hồi rồi trở lại cửa sổ:

- Cửa khóa! Thế con tên chi?

- Con tên Thúy Nga! Con là con mẹ Thúy.

- Bà tên Mong, Ba Mong! Sao leo trèo vậy?

- Cây xanh che khuất bà già.

- Ừa! Làm biếng xén giậu ranh.

- Cửa khóa hay bà già không muốn qua nhà con! Không ai được cho vào nhà với con.

- Cửa ta khóa ngoài!

- Người lớn đâu có bị khóa nhốt trong nhà!

- Ờ... không khóa người lớn. Ta... là bà già... Bà già bị khóa.

Bà Ba Mong bắt đầu nói lảm nhảm, không bắt chuyện cô bé ở cửa sổ bên kia nữa. Bà không để ý Thúy Nga tụt xuống, quàng khăn rằn lên vai ngồi học bài.

Bà Ba ra nằm cái võng Duy Lợi, lẩm bẩm: “Ta là bà già... bà già... bị khóa”.

Ngày bà phát bệnh thần kinh, ở bệnh viện những người áo trắng không cho bà chạy nhảy, không cho bà “đánh” những thứ đồ bằng cây như giường, tủ, ghế, bàn. Mỗi lần bà đánh đồ gỗ, những người áo trắng lại hô:

- Trói giữ bà già! Khóa giữ bà già!

Gia đình bà Ba Mong ở thành phố này mấy đời. Bà nội trợ, ông lo vựa cây. Ông bỏ vợ lìa con sớm, bà ở vậy nuôi con. Thằng Đợi lấy vợ một thời gian sau cũng bị bệnh người ốm nhom, xanh lét. Ông bác sĩ trị bệnh cho cha giờ coi bệnh con bảo cha nhiễm chất độc da cam sang con.

Bà già bệnh thần kinh đánh cây đánh vật liệu chồng bán buôn cả nhà. Ngày mở vựa cây, ông Mong bươn chải đi rừng miền Tây, miền Đông, đi Tây nguyên, đi Miên, đi Lào, coi hàng họ tận gốc. Ông tận mắt thấy rừng bị phát quang. Về nhà xót xa than với vợ thuốc diệt cỏ Hoa Kỳ lạ hết biết. Cây rụng sạch lá chìa cành nhánh rừng trống huơ trống hoác, cỏ cháy khô, lúa thì khóm xù bự khóm chết lụi, buồng chuối đầy nải, trái lớn gấp rưỡi gấp đôi bình thường.

Trời đất, ông Mong không là cây cỏ chết khô dị dạng, ông là cha nhiễm thuốc truyền qua đời con. Ông chết, khu đất rộng ông mua tính làm ăn lớn mở vựa cây lớn bây giờ thành đất mặt tiền nội ô. Bà Mong bán phân nửa đất thuốc thang cho vợ chồng Đợi, bà lo cái gia cảnh con một.

Chữa chạy cho con chưa tới đâu thì mẹ ngã bệnh. Con trai con dâu sang tiếp phân nửa đất còn lại lấy tiền thuốc thang. Kiểu này bán hết đất chưa chắc chữa dứt chứng thần kinh của mẹ. Khó phải tính! Vợ chồng Đợi chạy trước, đổi nốt phần đất mặt tiền lấy ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhoi trong hẻm này rước mẹ xuất viện sớm và lấy tiền lo thuốc lai rai tiếp.

Ở bệnh viện người ta cho bà Mong ngủ nhiều để bà ở yên. Bà về nhà, bác sĩ cho toa thuốc uống thuốc sớm mai, giác trưa để sáng, chiều bà ngả vào cái võng Duy Lợi nằm mơ mơ màng màng.

* * *

Cách! Cách!

Cách! Cách!

Mươi sáng nay, láng giềng gọi láng giềng. Cô bé gọi bà già, bà già kêu cô bé. Tiếng cửa va đập nghe nhẹ nhàng, thân ái. Cô bé quấn khăn rằn không phải trèo lên mặt bàn. Những nhánh ôrô che tầm nhìn bà cháu đã bị bà dứt bỏ.

Sáng hôm rồi, bà cháu có cuộc chơi thật thích. Cô bé đưa cái bảng bằng cuốn tập carô có viết ba chữ a, b, c sát song cửa:

- Ngoại ơi chữ nè...!

- Trò chi vậy? Cho con biết bà già này từng học dở dang tiểu học ở trường nữ nhe!

- Cô trò trường nữ đọc coi!

- Con này! Hỏi chi khó khó hơn đi con!

- Ngoại à khó đó. Chữ ai, bi, xi!

- Mèng ơi! Khó thiệt! Khó muốn hết sống nổi! Hết a, bê, xê qua a, bờ, cờ bây giờ ai, bi, xi. Túi phụ huynh bị móc hết trơn tiền bạc.

- Không móc túi đâu. Con hỏi chữ mấy nhỏ bạn học thêm Anh văn đó.

- Phải, cha mẹ mày kiếm bạc cắc, ai mà thò tay vô cái túi rỗng không nhà mày. Đầu mày... cũng chỉ ké có ba chữ ai ai đó.

Bà nói đúng phoóc. Cô bé quàng khăn rằn vội vàng hạ cái bảng đen xuống. Học trò trường nữ hay dữ. Nhưng cô bé đâu chịu thua, cô tiếp tục chơi trò hỏi khó khó. Bữa nay, bé giơ lên tờ giấy trắng cũng cỡ cái bảng con, còn “lượm chữ” nhiều hơn.

- Đây là chữ chi cô học trò trường nữ?

Bà Ba Mong lắc đầu:

- Coi bộ ngùng ngoằng tưởng chữ Khơme mà không ra tiếng Khơme.

Mặt cô bé tươi hơn hớn:

- Chữ Khơme mà nhắc. Trẻ nhà giàu lớp con học thêm búa xua. Học vi tính, học đờn, học múa, học họa, học trình diễn thời trang... Chúng đua học Anh văn. Cha mẹ chúng bảo nhất định phải Anh văn. Anh văn nhất đó bà. Để cháu thay tờ giấy nữa con bạn viết cho bà thấy chữ chi liền à.

Vẫn là ba chữ như tờ giấy viết trước nhưng ở dưới chữ viết thêm số: 1, 2, 3. Cô bé đọc:

- One! Two! Three!

Bà già:

- Ê, cấp bằng mày, tụi con nít chúng tao đã hát vang “Oản tù tì, ra cái gì? Ra cái gì?”.

Cô bé reo lên:

- Ngày xưa chơi học ngon ta! Oản tù tì... dễ hơn bây giờ one two three!

Bà Ba Mong rủ chơi oản tù tì. Hai bà cháu chơi. Họ không vung được nhịp bởi phải thò tay qua song cửa sổ ra dấu cái búa, cái kéo hay tờ giấy...

- Búa này! Ván này bà già được!

- Kéo này! Ván này cháu được!

- Tờ giấy này! Ván này cháu thua!

Thúy Nga bẻo lẻo:

- Oản tù tì! Trước chơi dữ, bây giờ trẻ con phải học thêm dữ. Những đứa nhà nghèo như nhà con không có tiền học thêm. Con không đi học thêm, cha mẹ la nhau. Mẹ chửi: anh là cha dốt, không lo được cho con học thêm như con người ta. Cha chửi: cô là mẹ ngu, không lo tự dạy con mướn người dạy mất tiền. Mẹ chửi: anh làm người ta ngu. Người ta mới mười bảy từ quê ra thành phố tính đường học hành, dụ người ta... làm người ta có bầu. Đẻ đái con cái hết học, ngu không dạy được tiếng Anh, vi tính!

Bà già nhỏ nhẹ:

- Để ta nói con nghe, cha mẹ con còn trẻ cãi lộn vậy là họ thương con, con à. Từ nay đừng có tò mò họ chuyện trò với nhau. Thôi học bài đi.

- Học thì học. Học nhiêu cũng không xếp hạng hơn mấy đứa học thêm nhà cô giáo.

- Học ấm vào thân con.

- Bà bảo ấm, mẹ bảo ức. Con học giỏi số một lớp mà không đứng hạng nhất, mẹ ức. Con nói bà nghe này, những đứa hạng nhất, nhì ấy con nhỏ Thúy Nga này học bằng cha mẹ chúng, bằng... bằng...

- Nín đi! Nói nữa bằng... bằng... nữa là rất hư đó! Hiền ngoan đi con.

- Bà bảo con không ngoan à? Con nói có trật đâu? Chúng nó học chớ để trên lưng đó. Mang cặp căng phồng nặng hết biết. Bài tập không chép học thêm thì cha mẹ làm chúng chép. Con tự làm bài học bằng cha mẹ chúng... Không học thêm con xếp hạng dưới chúng.

- Nhắc lần này thôi nhe. Chớ có nói...

- Ngu gì nói ở lớp. Thằng Nam cũng nghèo cũng học giỏi như con bảo tụi kia chép bài. Con Diệu Hiền kêu Nam ra góc sân bỏ mấy đồng vào túi nó. Thằng Bá Độ mập như con heo không chơi kiểu con Diệu Hiền. Bá Độ lựa dịp thằng Nam vào nhà tiểu theo vào đấm chảy máu mồm thằng Nam, bắt nó há miệng vặn vòi nước súc hết máu. Biết điều chưa, ngậm mỏ miệng không đỏ.

- Chúng nó hư lắm... hư lắm! Nhưng chúng còn con nít. Con học bài đi.

* * *

Cách! Cách!

Cách! Cách!

Thúy Nga cất tiếng chào buổi sáng ba lần. Bà Ba Mong thấy mặt nó buồn buồn, lại có chuyện rồi. Bà chào:

- Hồi đêm cắt cải tính phơi làm dưa, nắng buổi sáng chưa lên dưa héo dầu dầu!

Cô bé gượng cười:

- Bà hay. Con nghĩ hoài không biết sao... Nửa đêm, nghe mẹ chửi vọng từ buồng ra: hễ mang bầu thì ăn mày, đồ trâu húc mả! Cha cười hì hì: húc ra đứa em trai cho con Thúy Nga có chị có em. Hỏi nó coi có thích em không? Mẹ la có mỗi đứa nuôi ăn học hụt hơi rồi. Cái trò dụ gái mười bảy xưa rồi! Ngu lâu! Hỏi con Thúy Nga xem nó thích thêm em không? Bà! Cha mẹ hỏi con biết nói sao?

- Có em bé tốt, chưa thêm em cha mẹ đỡ vất vả phải không? Ta đã dặn chớ có tò mò người lớn tính công chuyện mà. Việc người lớn người lớn lo không hỏi con đâu.

- Ngoại! Ngoại hết thuốc uống sao mà không ngủ?

- Thuốc.. Mà thôi, việc của người lớn!

- Vậy việc của bà ngày xửa ngày xưa nha! Quả dưa đỏ An Tiêm này! Con ngựa sắt, bộ giáp sắt, cái nón sắt, cây gậy sắt, cây tre đằng ngà Thánh Gióng này! Sọ Dừa này! Trần Minh khố chuối này!... Bữa nay chuyện chi ngoại?

Bà Ba Mong giơ ngón tay:

- Bống bống bang bang

Mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!

* * *

Cách! Cách!

Cách! Cách!

Tiếng cánh cửa gọi cánh cửa bữa nay có người thứ ba nghe lén. Người thứ ba là mẹ Thúy.

Tối qua, mẹ Thúy đi quanh nhà mới thấy chỗ rào ranh ôrô bị cắt cứa hồi nào; lại thấy nhà bên kia có người. Cái ngôi nhà của láng giềng giàu có buôn trời bán đất bển cất từ ngày nào họ chập chững gầy nghiệp, giờ phất lên họ ra phố lớn để chỗ này khi cho các cặp sập sụi thuê mướn khi để không. Láng giềng mới tới xấu tốt sao?

Những lời chào buổi sáng làm Thúy thảng thốt. Con Thúy Nga vui chộn rộn:

- Bà ngoại ơi! Bà ngoại là cô giáo số dách!

- Mày chọc quê tao là tao uống thuốc nằm võng nghe con!

- Cô giáo con bảo bà là cô giáo số dách chứ bộ!

Thúy Nga phân trần:

- Con kể chuyện Tấm Cám như bà ngoại kể. Cám là đứa con mồ côi ngoan hiền, Tấm là con mụ dì ghẻ lười nhác ác độc. Cả lớp cười giễu. Con khóc. Cô giáo cho con điểm mười. Cô bảo con kể chuyện theo đúng cổ tích Tấm Cám miền Nam. Chuyện ở trong này đổi chỗ hai nhân vật Tấm, Cám. Trò Thúy Nga học người giỏi đó? Bà ngoại là cô giáo số dách! Bọn học trò trong lớp hỏi chỗ con học tính học thêm. Con bảo đây là lớp năng khiếu nghệ thuật đặc biệt, không phải nhiều tiền muốn mua là được học, có năng khiếu còn chưa vào được lớp kia.

- Mồ tổ mày. Cửa khóa tao không ra được, mày cũng bị khóa cửa không được ra vào. Lớp với trưởng khỉ khô, cái phòng khách nhà của đôi vợ chồng trẻ làm ăn

chăng chớ!

- Bà ngoại, cháu đố bà biết trong lớp của cháu bên đây có những thứ gì?

- Bà đoán cái một! Cái lớp gian phòng khách tại giả tại gia có: một là cái giường mộ; hai là cái bàn học sách vở đồ chơi truyện tranh tùm lum; ba là chai nước uống; bốn là... là cái bô xài từ lúc Thúy Nga chào đời tới giờ.

- Hai cái khóa cha mẹ đi là sập! Một trò Tấm Cám, Cám Tấm! Ước chi bà giáo

số dách tài như ông Bụt qua cái bờ giậu ranh cái một, qua song cửa cái một. Bà làm cha mẹ không cãi lộn.

- Không chui lỗ chó rào, không qua chấn song à nghe! Gia sư đi qua cửa chánh mở rộng, vào nhà đàng hoàng nhe!

- Bà ngoại! Con thương bà nhiều nhiều!

- Bà ngoại thương con.

Bà thương cha mẹ Thúy. Bà thương láng giềng. Chị Thúy tựa ngoài tường hông. Ôi mẹ già, trẻ con của tôi! Chị định chạy đi tìm chồng, tìm nhà Đợi nhưng đôi chân chị khuỵ xuống, nước mắt ứa ra ướt má ướt môi.

* * *

Cách! Cách!

Cánh cửa sổ gọi cánh cửa sổ mở ra, cùng lúc cửa chính của hai nhà bật mở tung. Mấy người lớn cười cười nói nói. Hai người vợ nhanh tay dọn dẹp thay đổi xếp đặt phòng khách. Hai người đàn ông chung tay cắt bờ giậu ranh mở cái lối qua lại. Tiếng dao kéo máy vang rền xén bờ rào ôrô xanh vuông thành sắc cạnh đẹp như tường xây.

Hai cặp vợ chồng rước bà Ba Mong qua. Bà Ba bước tới khuôn cửa rộng mở. Bé Thúy Nga quàng cái khăn rằn của mình lên vai bà. Bà Ba nheo nheo mắt cười khi thấy cái võng Duy Lợi mới tinh đặt gần bàn học.

Vợ Đợi nhỏ giọng với chồng:

- Mình, con Thúy Nga làm mẹ khỏi bệnh. Em dọn nhà thấy thuốc men của mẹ để nguyên trong hộc tủ.

- Anh cũng có tin tốt đây, mà lần này thì em không thể không cùng anh thực thi việc này! Ban bảo trợ nạn nhân chất độc da cam đã đồng ý trợ cấp cho em đi bảo sanh Từ Dũ!

Chồng Thúy nghe được chuyện nhà Đợi, mặt tươi hơn hớn:

- Thi đua! Thi nhà nào đặt bé sơ sanh vào đôi tay mẫu tử số dách của bà Ba trước.

Đợi vòng tay ôm eo vợ, “lấn sân” người thách thi:

- Khoa học, thi... song sanh ta thắng chắc!

Thúy ngả người vào chồng:

- Không ngại khoa học đâu mình, chúng ta có... bà Ba Mong!

Thúy Nga nghe nói, nhảy tưng tưng quanh bà Ba. Hoan hô cha mẹ Thúy! Hoan hô cha mẹ Đợi! Bà hưởng ứng với cháu. Hai bàn tay, một già một trẻ vỗ vào nhau...