PDA

Xem đầy đủ chức năng : ^^ Hồn nhiên ^^



xinh_meo_xinh
12-01-2007, 04:28 AM
Thằng bé ở nhà bà. Thèm cốc nước quất, nó hồn nhiên kêu ầm lên, bà nó đi pha cho nó một cốc quất ngâm, uống xong nó lại chơi vui vẻ. Nó thấy bạn bè chơi quay, nó hồn nhiên đòi ông một con quay mới, ông nó vội vã đi ra Đê La Thành mua cho nó. Thằng bé lại thoả mãn.
Thằng bé đi học mẫu giáo, thấy có cô bạn rất xinh. Nó hồn nhiên chạy ra thơm một cái vào má cô bạn, cô bạn đỏ ửng cả mặt lên rồi chạy vào mách cô. Đứng góc lớp một lúc, nhưng mà thằng bé thích vì tự nhiên lại thơm được cô bạn xinh một cái. Trước lúc thơm nó đâu có tính toán rằng sau khi thơm sẽ bị phạt đứng góc lớp.

Đi học lớp 1, thiếu tiền ăn kem, thằng bé ngày nào cũng hồn nhiên lấy trộm tiền của ông nó để mua kem ăn. Bị phát hiện và ăn mắng, nó mới biết việc lấy tiền đấy hoá ra là xấu.

Nhìn thấy thằng bạn bị một tấm bê tông đổ vào người, thằng bé hồn nhiên lao vào đỡ hộ, bị bê tông đè lên người què cả chân, máu me be bét. Lúc trước khi lao vào, thằng bé nào có tính đến chuyện sẽ bị đau như vậy.

Đó là những hình ảnh mà khi đã lớn thằng bé nhớ về tuổi thơ của nó, những khoảnh khắc rất đơn giản và hồn nhiên.

Bác Trịnh Lữ viết hay quá trong lời giới thiệu cuốn Rừng Na Uy: "Ký ức khi đã trưởng thành thường chỉ xúc động vì những điều giản dị".
Nhưng khi lớn lên, người ta không còn sự hồn nhiên giản dị như thế được nữa.

Thích một cô bạn vì xinh đi nữa thì có dám chạy ra thơm như ngày bé hay chỉ biết im lặng đứng nhìn. Bởi nó đã biết tính rằng nếu làm thế sẽ ăn một cái tát.

Thấy thanh niên đánh ông già giữa đường thì có dám lao vào bênh hay lại vội đi nhanh không sợ vạ lây đến bản thân mình.

Tóm lại là khi lớn lên, hồn nhiên mất dần và thay vào đó là toan tính. Mà cũng đúng thôi, không ai có thể ngây thơ như cái thời cởi truồng sang nhà hàng xóm ăn trực được. Đó là một quá trình phát triển hợp lý.

Nhưng ngay cả khi đã lớn rồi, con người vẫn có những lúc rất ngây thơ, ngây thơ đến thảm hại. Có câu: Trong mỗi thằng đàn ông đều có một thằng trẻ con. Câu đó đôi khi rất đúng.

Có đôi khi thằng đàn ông ngây thơ khi nghĩ rằng dăm ba cử chỉ lời nói ngọt ngào đã là biểu hiện của tình yêu.

Có đôi khi thằng đàn ông ngây thơ khi nghĩ rằng những kế hoạch rất viển vông của anh ta vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ngây thơ bao giờ cũng dẫn đến tổn thương và thất bại khi vấp phải thực tế. Và tất nhiên, không ai ngây thơ đến quá nhiều lần, con người cứ khôn dần lên sau mỗi lần dại, rồi khôn đến cái mức không còn dại được nữa. Tóm lại là, anh ta đã tỉnh đến mức không còn có thể say.
Nhưng nào ai biết cái cảm giác say nó hạnh phúc đến mức nào. Rượu có gì ngon đâu mà người ta phải uống, phải uống đơn giản là để được say.

Say là một ảo tưởng đem lại hạnh phúc. Giống như ảo tưởng về một tình yêu cũng đem lại cảm giác hạnh phúc dù cho đó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng về một kế hoạch viển vông cũng đem lại hạnh phúc cho người vẽ ra nó cho dù không bao giờ kế hoạch ấy biến thành hiện thực.

Tất nhiên, sau một đêm say bao giờ cũng là một ngày mệt mỏi. Sau một ảo tưởng hạnh phúc là một nỗi đau thất bại.

Thế cho nên, đa số cho rằng chẳng hay ho gì chuyện say xỉn và cũng chẳng hay gì chuyện ngây thơ... rằng chúng ta vẫn cần sống tỉnh táo, khôn ngoan và tính toán.

Nhưng, có nhiều khi tôi thấy mình bị ngợp trong những tính toán của chính mình, trong những suy nghĩ của chính mình. Mọi quyết định đều được cân đo đong đếm thiệt hơn kỹ lưỡng, mọi đánh giá đều được phân tích dựa trên những kinh nghiệm cá nhân và cả một mớ những lý thuyết, những mô hình...

Tôi cảm giác gần như không còn là chính mình được nữa mà tôi như một cái máy nghĩ, máy phán xét.

Sách đọc thì hay thật, nó dạy cho ta những kinh nghiệm của những người khác. Nhưng đó cũng là cái nguy hiểm của sách, khi đó mọi nhìn nhận của mình nó không còn là của mình nữa, không còn dựa trên kinh nghiệm của mình nữa mà còn trên cả kinh nghiệm của những người khác. Nhìn nhận cái gì cũng lôi Kant, Hegel, Khổng Tử, Lão Tử, Đức Phật ra để quán chiếu thì hỏng cả cái hồn nhiên của chính mình.

Khi anh biết nhiều thứ hơn và nhìn nhận mọi vấn đề một cách toàn diện hơn, tổng quát hơn, anh không còn nhiệt huyết hồn nhiên, mơ ước hồn nhiên và lòng dũng cảm cũng hồn nhiên như cái thủa ban đầu. Anh không còn dám ra thơm cô bạn xinh như ngày bé vì anh hiểu rằng làm thế sẽ ăn tát, anh không dám thực hiện những kế hoạch đã định vì anh hiểu rằng phần trăm thất bại quá nhiều.

Khi quá thấu biết, anh trở thành triết gia chứ không thể trở thành người hoạt động thực tiễn, anh chỉ có thể trở thành kẻ sỹ chứ không thể trở thành doanh nhân. Anh chỉ là "man of vision" chứ không phải là "man of action".

Mà những người thành đạt hầu hết là những người hành động để cải tạo thế giới chứ không chỉ ngồi đấy mà nhận thức. Những doanh nhân thành công mà tôi quen biết đều là những người dám hành động chứ không phải là những con người luôn sợ hãi và cứ phải tính toán thiệt hơn mọi nhẽ trước khi bắt đầu.

Đấy, cái nguy hiểm khi anh đánh mất đi sự hồn nhiên của chính mình là như thế, cái nguy hiểm khi anh nệ vào sách vở là như thế. Đánh mất hồn nhiên, anh đánh mất luôn cả những mơ ước, đánh mất cả nhiệt huyết hành động, đánh mất cả lòng trắc ẩn và đánh mất thành công...
Nói một cách hơi AQ thì, anh cứ hồn nhiên lao vào thơm một trăm cô, anh nhận được 99 cái tát và có thể chỉ một nụ hôn đáp lại. Nhưng thế cũng coi là thành công rồi.

Anh cứ hồn nhiên thực hiện những kế hoạch mơ ước, 99 lần thất bại và chỉ có lần cuối thành công. Thế là anh đã thành công.
Einstein nói một câu rất hay trong tiểu luận Thế giới như tôi nhìn thấy:

"Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình". Người ta chỉ có thể thảng thốt hay kinh ngạc khi còn sự hồn nhiên, như thằng bé hồn nhiên nhìn lên bầu trời đầy sao bí ẩn kia và tự hỏi cái gì đang nhấp nháy trên đầu.

Tôi đang mất dần sự hồn nhiên của chính mình, sự hồn nhiên mà tôi chỉ có thể tìm thấy đôi khi trong men rượu. Chỉ có ở đó, tôi mới biết bật khóc như trẻ con khi có người bạn ôm tôi vào lòng lúc đã quá say, biết rung động khi có người bạn lúc đó mang cho tôi chén nước, đắp cho tôi cái áo hay đơn giản chỉ nói một câu: "Thôi, anh đừng uống nữa...".

Tôi mất phương hướng, mất cân bằng, bế tắc, quẩn quanh đôi khi bởi chính những toan tính của mình, bởi chính những kinh nghiệm mà tôi nhập vào đầu mình từ sách vở và từ người khác.

Tôi đọc Rừng Na Uy và thấy thèm được sự tự nhiên đến hồn nhiên như vậy. Tự nhiên trong cách người ta nói với nhau, trong cách người ta ứng xử với nhau và trong cách người ta yêu nhau. Nhưng làm sao như vậy được nữa khi đầu óc còn mang nặng những tư tưởng bảo thủ thậm chí giáo điều.

Tôi thấy mình quá già nua và tôi thèm được nhìn lại cuộc sống qua ánh mắt trẻ thơ như ngày xưa. Tôi lại muốn được ngây thơ hay thậm chí dại dột. Nhớ lại những khoảnh khắc dại dột và thơ ngây ấy, tôi có cảm giác mình thánh thiện...

Tôi buồn mất một ngày nếu ai đó nói tôi khôn, tôi chỉ buồn một phút nếu ai đó nói tôi dại... Bởi khi dại rồi người ta sẽ khôn nhưng khi khôn rồi người ta không còn dại được nữa, không còn hồn nhiên được nữa.
Ai giúp tôi tìm lại sự hồn nhiên thủa trước bây giờ?

Tôi muốn một sáng ngủ dậy, đầu óc tôi được refresh lại, không còn những triết thuyết, không còn những mô hình, không còn những kinh nghiệm, còn lại chỉ là sự hồn nhiên như thời còn là thằng bé, để lại có cái dũng khí hồn nhiên ngày nào, hồn nhiên lao vào cứu bạn, hồn nhiên ăn cắp tiền của ông bà, hồn nhiên thơm một cô bạn chỉ vì thấy cô ấy xinh...