PDA

Xem đầy đủ chức năng : Những chuyện phải giật mình



thichduthu
23-07-2006, 11:55 PM
Có những điều tưởng chừng vặt vãnh, nhưng đôi khi nó phản ánh cả một tầm mức văn hoá của cộng đồng. Và chúng ta đã đến lúc phải nhìn thẳng vào những gì cụ thể sự tệ hại của một nếp sống, hay thói vô tránh nhiệm trong kinh doanh để có thể tìm cách sửa đổi. Chuyện kể ở đây không còn là một hiện tượng đơn lẻ, nó gần như đã thành hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng kể lại sẽ khiến ta phải giật mình.


1. Làm đám tang giữa chợ...

Bữa đó tôi đi tìm nhà một đạo diễn nổi tiếng trong khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội. Từ đường Tây Sơn đi vào phải qua một khu chợ. Giữa cảnh chợ bán mua tấp nập những hàng thịt, hàng cá, hàng rau... Toàn là thực phẩm để ăn cả. Những thứ mà bất kỳ ai cũng biết cần phải giữ cho thật vệ sinh. Nếu như ở những nước phát triển, những thức ăn ấy phải để trong siêu thị, giữa những gian hàng sáng láng, có máy lạnh, sau những ngăn kính trong suốt. Thì ở đây, nó được bày bán không che không chắn, giữa một không gian đặc người, trên những chiếc bàn gỗ ướt át, đen thẫm, kê trên nền đất bừa bãi rác sặc mùi hôi hám.

Nhưng điều tôi kinh ngạc là ngay trong khu chợ đó, nằm lún sâu trong những hàng hoá thực phẩm, một căn hộ bé nhỏ mở toang cửa, bên trong là chiếc quan tài và những người mặc áo xô trắng. Điệu nhạc ai oán vang lên nhưng không làm ai bận tâm.

Chuyện tương tự không phải là hiếm gặp.

Gần cổng bệnh viện Nhi TW, cơm được bày bán trong một căn nhà đen đúa. Căn nhà được nhuộm bởi màu khói lâu năm đen xỉn. Bàn ăn đen xám. Nền nhà loang lổ, vứt bừa bãi giấy loại. Vậy nhưng người khắp các xứ đưa con cái về đây chữa bệnh vẫn phải vào ăn. Các bà mẹ mới sinh, gặp cảnh "sẩy nhà ra thất nghiệp" cũng đành ăn cơm ở đó, không kiêng cữ. Quán bán rẻ, giá bình dân, lại gần bệnh viện, đúng là tiện đủ đường. Tối hôm trước còn bán cơm tấp nập. Sáng hôm sau, đã thấy chiếc quan tài nằm giữa nhà và một giàn kèn trống thảm thiết. Cảnh tang tóc làm cho không ít người giật mình đã vào ăn cơm ở đó tối hôm qua. Nhưng xung quanh, cách đó chừng dăm ba mét, người ta vẫn bán sữa cho trẻ em, nhà thuốc tư nhân vẫn mở. Nước thải chảy thành dòng, đọng lại trước những quày hàng bán nước hai bên đường. Buổi trưa hôm ấy, quan tài được chuyển đi ngày hôm sau, lại bán cơm như cũ, như chẳng có chuyện gì xảy ra...

Trên đường Khương Đình, một buổi sáng đi làm, lại thấy tái diễn cảnh nhà nọ làm đám tang. Cũng lại ngay khu chợ bán thức ăn. Trong nhà chiếc quan tài thắp nến, người mặc áo xô khóc thét quằn quại. Cách đó chừng vài mét, một người ngồi bên chiếc rổ đậy kín và dòng chữ "Bán xôi sáng". Cách đó chừng vài mét nữa, một người bán thịt lợn thản nhiên bày những súc thịt tươi lên bàn.

2. Chuột ăn trước người

Anh bạn tôi là dân chuyên ăn cơm bụi. Mười lăm năm xa quê, Hà Nội là nơi lập nghiệp nhưng rút cuộc nhà không có mà ở. Bọn tham nhũng giàu lên, người làm kinh doanh cũng giàu lên. Riêng cánh trí thức học đến vài bằng Đại học như anh bạn tôi thì vẫn "viêm màng túi quanh năm". Chúng tôi thường nhắc lại lời của Vũ Trọng Phụng: "Hà thành dang tay đón, để rồi giết họ lần thứ hai"... Đó không hẳn là câu dành riêng cho những người lao động ngoại tỉnh, những kẻ cù bơ cù bất thời trước cách mạng. Bây giờ văn minh rồi, hội nhập toàn cầu rồi, những kiếp lang bạt cùng cực đâu có ít. Chúng tôi, những trí thức của cách mạng, cũng chỉ sống như những kẻ dưới đây mà thôi, vì thiếu tiền, vì bị chính quyền thành phố coi là dân nhập cư. Nay thuê nhà này, mai thuê nhà khác. Lương không đủ. Chuyện ăn uống thì chỉ có quán cơm bụi là tiện...

Một buổi tối anh đến chỗ tôi đúng lúc tôi đang ăn cơm. Mặt anh buồn buồn. Mời mãi anh mới cầm đũa ăn rón rén. Lúc sau anh nói...

- Thú thật mình đã ăn rồi... Đang ăn dở thì bỏ.
- Sao vậy?
- Quán bún vịt ở Đường Khương Trung ấy, cậu đừng ăn ở đó nữa nhé?
- Có chuyện gì thế?

Cái gian sau, bừa bộn rác thải. Nước ngập sặc lên mùi tanh lợm. Dưới bóng đèn đỏ quạch, mình nhìn thấy một rổ bún. Một con chuột to tổ bố đang thò cả bốn chân vào đó. Miệng nó vừa ngậm mấy sợi bún vừa nhìn mình thản nhiên, không sợ hãi. Mình bỗng thấy kinh kinh, không nuốt nổi sợi bún, mình bỏ và đi về đây.

Giọng anh buồn buồn. Tôi cũng buồn. Cái thời văn minh này... sao lại có những chuyện như thế?

3. Tập kết rác... ở cổng trường học

Chuyện này không hiếm. Có khi đến hàng tháng trời cạnh trường năng khiếu Lương Thế Vinh rồi sau đó là trường Tiểu học Khương Đình, lùi xa thêm chút nữa về phía Ngã Tư Sở, trên đường Khương Trung rác được tấp đầy trước cổng trường. Những xe rác ùn ùn đổ về bãi tập kết do những nhân viên công ty vệ sinh lúc 5 giờ chiều, đúng lúc các cháu tan trường, người chen nhau tấp nập. Mùi hôi hám nồng nặc.

Khổ các cháu. Tưởng chừng những cái gì tốt đẹp nhất sẽ dành cho các cháu. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai mà.

4. Quảng cáo không đúng giờ

Cứ đến giờ ăn cơm, khoảng gần 7 giờ tối bật ti vi, không ít lần người xem sững người. Sao họ lại quảng cáo vào cái giờ này nhỉ? Nào là tin buồn, loan tin một ai đó chết. Rồi quảng cáo băng vệ sinh phụ nữ... Một lối quảng cáo lộ liễu và lố lăng.

Toàn là chuyện như đã thành hiển nhiên, không ai thèm nói. Nhưng không ít lần những thông tin phản cảm như thế, đã làm không ít người mất ngon trong những bữa cơm tối sau một ngày đi làm nặng nhọc mới có chút thời gian tụ họp gia đình.